Chuyến thăm ba nước Đông Á của Thủ tướng Modi và “Chính sách Hành động phía Đông” của Ấn Độ (Phần 2)
Từ ngày 14 đến 19 tháng 5 năm 2015, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới ba nước Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc. Chuyến thăm ba nước Đông Á này của Thủ tướng Modi đều được chú trọng như nhau: Tại Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh thế kỷ XXI trở thành thế kỷ của Châu Á quyết định bởi những thành tựu và hợp tác tốt đẹp mà hai nước Trung Quốc và Ấn Độ gặt hái được; tại Mông Cổ, ông nhấn mạnh Ấn Độ là nước láng giềng thứ ba của Mông Cổ và là người bạn tinh thần của Mông Cổ, còn tại Hàn Quốc, ông nhấn mạnh Hàn Quốc là người bạn lớn thứ hai của Ấn Độ trong cơ chế đối thoại “2+2” chỉ đứng sau Nhật Bản. Mặc dù tầm quan trọng của ba nước Đông Á này trên bàn cờ chiến lược của Ấn Độ có sự khác biệt, nhưng Đông Á đã trở thành một thực tế hiện hữu đối với bố cục trọng điểm trong chiến lược đối ngoại của Ấn Độ.
Chuyến thăm ba nước Đông Á của Thủ tướng Modi và “Chính sách Hành động phía Đông” của Ấn Độ
Ngô Triệu Lễ*
Ấn Độ - Hàn Quốc: Nâng cấp thành “Đối tác chiến lược đặc biệt”
Trong năm 2007, Thủ tướng Modi, khi đó là Thống đốc của bang Gujarat đã từng tới thăm Hàn Quốc. Sau 8 năm, trong vai trò là Thủ tướng Ấn Độ, ông lại tới thăm Hàn Quốc một lần nữa, điểm đột phá quan trọng nhất ở đây chính là đưa quan hệ Ấn - Hàn từ “Đối tác chiến lược” nâng lên thành “Đối tác chiến lược đặc biệt”. Trên thực tế, chính như Modi chỉ ra, quan hệ hợp tác Ấn - Hàn được bắt nguồn từ mối quan tâm đến kinh tế, nhưng hiện nay, quan hệ này đang từng bước phát triển trên tầng diện chiến lược.
Năm 1992, khi Ấn Độ đã đưa ra “Chính sách Hướng Đông”, quan hệ Ấn - Hàn lúc đó đã tiến vào thời kỳ phát triển nhanh chóng. Nhưng trong thời gian tương đối dài, trọng tâm của quan hệ Ấn - Hàn chỉ là trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, hai bên đã ký kết Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) vào năm 2009. Năm 2010, sau khi Ấn - Hàn quyết định thành lập Quan hệ Đối tác chiến lược, hai nước bắt đầu theo đuổi thực hiện đa dạng hóa mối quan hệ song phương. Tháng 7 năm 2011, hai bên ký kết Hiệp định hợp tác năng lực hạt nhân dân dụng, tháng 03 năm 2012, quyết định sâu sắc hóa mối Quan hệ Đối tác chiến lược đồng thời thiết lập kim ngạch mậu dịch song phương năm 2015 đạt mục tiêu 40 tỉ Đô la Mỹ. Tháng 01 năm 2014, hai nước quyết định mở rộng Quan hệ đối tác chiến lược đồng thời tuyên bố kế hoạch hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng,…. Tháng 12 năm 2014, ngoại trưởng Ấn Độ đã tới thăm Hàn Quốc và đề nghị Hàn Quốc trở thành một trong những đối tác quan trọng trong chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India).
Tính đặc thù của mối quan hệ “Đối tác chiến lược đặc biệt” Ấn - Hàn chủ yếu thể hiện trên các phương diện sau: Thứ nhất, hai nước quyết định tìm ra điểm chung về mặt lợi ích và tính bổ trợ giữa “Chính sách Hành động phía Đông” của Ấn Độ và “Hội nghị Hòa bình và Hợp tác Đông Bắc Á” của Hàn Quốc, để thực hiện mục tiêu chiến lược chung; thứ hai, hai nước có ý thức chung cao độ về tiềm lực lớn trong hợp tác an ninh song phương, quyết định sử dụng Cơ chế Hội đàm “2+2” của Bộ trưởng quốc phòng và Ngoại giao để tăng cường thương mại; thứ ba, thông qua khai thác tiềm lực Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Ấn - Hàn (CEPA) để phát triển thương mại và đầu tư song phương, quyết định hoàn thành đàm phán CEPA trước tháng 6 năm 2016, Hàn Quốc cung cấp nguồn vốn hợp tác phát triển kinh tế 1 tỷ Đô la Mỹ và khoản tín dụng xuất khẩu 9 tỷ Đô la Mỹ cho việc xây dựng lĩnh vực cơ sở hạ tầng, lĩnh vực hợp tác bao gồm cả thành phố trí năng, đường sắt và điện lực cho Ấn Độ,…. Hơn nữa, Ấn Độ xác định Hàn Quốc là một bộ phận quan trọng cấu thành nên “kết cấu hệ thống Đông Á mới nổi”. Đối với kết cấu quyền lực tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ cho rằng nước Mỹ đứng ở hàng đầu tiên, là cường quốc lãnh đạo có tính chủ chốt; Ấn Độ và Trung Quốc đang gia tăng thực lực, trở thành tầng cấp thứ hai; Nhật Bản sẽ có suy thoái lớn; nước Nga sẽ suy thoái dần dần; còn các quan trọng của các nước tầm trung như Hàn Quốc và Indonesia sẽ phát triển tương đối. Chính như phán đoán này, Ấn Độ xác định nâng cấp Hàn Quốc từ “Đối tác chiến lược” lên thành “Đối tác chiến lược đặc biệt”.
Ấn Độ - Trung Quốc: Vẫn cần phải tiến thêm 1 bước tiến tới nhận thức chung
Đông Á là khu vực có sức sống kinh tế nhất trên thế giới, cũng là lực lượng trọng yếu kiến tạo nên trật tự khu vực Đông Á tương lai. Ấn Độ nâng cấp Chính sách Hướng Đông, đẩy mạnh mối quan hệ đa chiều với khu vực Đông Á, là từ sự tham dự cao độ về chiến lược và sự phát triển toàn diện mối quan hệ song phương và đa phương với khu vực Đông Á, từ nhiều góc độ chính trị, kinh tế và an ninh,… để xây dựng nên môi trường bên ngoài có lợi cho bản thân trong việc phát triển và nổi lên trong tương lai. Có phân tích cho rằng, Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc, Mông Cổ có suy xét đến việc cân bằng ảnh hưởng với các khu vực lân cận với Trung Quốc, nhưng khách quan mà nói, Trung Quốc cũng là một quốc gia không thể tách rời khỏi “Chính sách Hành động phía Đông” của Ấn Độ, hơn nữa xét từ tính tương hỗ và tiềm lực kinh doanh thương mại, Trung - Ấn chắc chắn là đối tác hợp tác tự nhiên. Đặc biệt trong những năm gần đây, mặc dù quan hệ Trung - Ấn đã trở nên phức tạp và nhạy cảm, nhưng nền tảng mối quan hệ song phương trụ cột này vẫn luôn tồn tại. Một là, Trung - Ấn có lập trường tương tự nhau trong vấn đề phát triển; hai là, Trung - Ấn là lực lượng thúc đẩy tích cực trào lưu đa phương hóa; ba là, thương mại và đầu tư Trung - Ấn có ưu thế bổ sung lẫn nhau ở một mức độ nhất định. Thông qua các chuyến thăm cấp cao qua lại giữa hai bên trong gần một năm gần đây, Trung - Ấn đã hình thành rất nhiều nhận thức chung, tháng 9 năm 2014 hai nước đã đồng ý đưa việc xây dựng mối quan hệ đối tác phát triển thân thiết hơn thành nội dung hạt nhân trong quan hệ song phương, vào tháng 5 năm 2015, hai nước quyết định thỏa hiệp lập trường và cùng xây dựng nghị trình các công việc mang tính khu vực và toàn cầu, cho rằng mô hình quan hệ mang tính xây dựng Trung - Ấn sẽ tạo cơ sở mới cho việc hoàn thiện hệ thống quốc tế. Trước mắt, Trung - Ấn vẫn giữ lập trường lạc quan tích cực đối với hợp tác khu vực, nhưng hai nước vẫn cần phải tiến thêm một bước bồi đắp quan điểm chung. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nêu rõ quan điểm phải thúc đẩy Trung Quốc mở cửa về phía Tây và kết nối thực hiện “Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ, nhưng Ấn Độ vẫn giữ lập trường thận trọng đối với Chính sách “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, và hoàn toàn không tích cực trong việc hồi đáp hành lang kinh tế rộng lớn Trung - Ấn. Ở một mức độ nhất định, Ấn Độ đối với chính sách của Trung Quốc vẫn kiêm cố các yếu tố tiếp xúc và đề phòng, hợp tác và cạnh tranh,….
Hiện nay, mặc dù “Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ chú trọng theo đuổi mục tiêu chiến lược đa phương, nhưng đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư với khu vực Đông Á vẫn là trụ cột hạt nhân nhất trong chính sách này. Về phương diện chính sách, chuyển đổi từ “nhìn về” hướng Đông sang “hành động” phía Đông, chứng tỏ quyết tâm và ý chí đẩy mạnh “Chính sách Hướng Đông” của Chính phủ Modi kiên định hơn so với chính phủ trước đây. Quyết tâm và ý chí này không chỉ bắt nguồn từ địa vị chấp chính chiếm ưu thế của Đảng nắm quyền là Đảng Nhân dân Ấn Độ, mà còn bắt nguồn từ sự biến đổi trong môi trường xung quanh Ấn Độ. Trong đó, Chính sách “Một vành đai một con đường” mà Trung Quốc đề ra, đặc biệt là đề xướng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, là một trong những nhân tố khu động bên ngoài cho việc Ấn Độ nâng cấp chính sách “Nhìn về phía Đông”. Hơn nữa, một số quốc gia bao gồm cả Mỹ cũng hy vọng và hoan nghênh “hành động” phía Đông của Ấn Độ. Trong tương lai, việc Ấn Độ có thể xây dựng được mô hình quan hệ hợp tác cạnh tranh tốt đẹp trong quá trình thực hiện Chính sách “Hành động phía Đông” của mình hay không, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển quan hệ Trung - Ấn và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
* Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc
(Theo Tri thức thế giới, kỳ 12, năm 2015.)
Người dịch: ThS Phùng Thanh Hà
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục