Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh (Phần 1)

Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh (Phần 1)

01:39 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

GS.TS Mạch Quang Thắng*

1. Đặt vấn đề

Nhìn lại toàn bộ cuộc đời của Hồ Chí Minh, tôi thấy Hồ Chí Minh đã thể hiện mình là người: (i) Áp dụng thành công học thuyết của những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học mà minh chứng là đưa dân tộc Việt Nam đi lên chủ nghĩa cộng sản; (ii) Lãnh tụ của dân tộc Việt Nam thời lịch sử hiện đại. Có nhiều điều trong cả quan điểm và hành động của Hồ Chí Minh khác, rất khác so với học thuyết Mác - Lênin. Cho nên, Hồ Chí Minh có dáng dấp là người theo chủ nghĩa dân tộc. Nhưng, tôi khẳng định rằng, chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh theo là chủ nghĩa dân tộc chân chính. Với chủ nghĩa dân tộc này, Hồ Chí Minh cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam do mình sáng lập và rèn luyện mới huy động được sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại vào việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước và góp phần vào sự phát triển văn minh tiến bộ của nhân loại. Cũng chính vì thế, Hồ Chí Minh không thiên về vấn đề đấu tranh giai cấp theo chính tông của học thuyết Mác và chủ nghĩa Lênin.

Vậy là, ở trong con người Hồ Chí Minh có cả hai cái chất tổng hòa với nhau: Cộng sản và dân tộc. Tôi gọi đó là “tổng hòa” chứ không phải kết hợp với nhau như món xa lát trộn lẫn gồm hai thành phần chính. Chủ nghĩa dân tộc chân chính, do vậy, trở thành một động lực lớn của sự phát triển. Người khám phá ra điều này không ai khác chính là Hồ Chí Minh - một nhân vật kiệt xuất trong không gian UNESCO, anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam như chính Nghị quyết 24C/18.6.5 của Khóa họp lần thứ 24 Đại Hội đồng UNESCO tại Paris cuối năm 1987 đã thông qua. Bài viết này sẽ tập trung lý giải về nội dung động lực của chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Chủ nghĩa dân tộc và sự chỉ trích 

Quan điểm của Hồ Chí Minh đánh giá cao chủ nghĩa dân tộc được biểu đạt lần đầu tiên rõ nhất là trong tác phẩm “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” năm 1924 bằng tiếng Pháp (dạng đang nghi của Hồ Chí Minh)[1]. Tác phẩm này có hẳn một mục, đó là mục “D. Chủ nghĩa dân tộc”. Tác giả tác phẩm này viết rằng: “Cuộc đấu tranh giai cấp (ở Việt Nam – MQT chú giải) không diễn ra giống như ở phương Tây”[2]. Nếu đây là tác phẩm của Hồ Chí Minh thì Hồ Chí Minh có con mắt nhìn rất đúng và sớm về vấn đề này, bởi vì đến năm 1947, nghĩa là hơn 20 năm sau, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh còn nhắc lại ý này khi đề cập vấn đề phải tránh giáo điều ở những trường hợp áp dụng kinh nghiệm từ bên ngoài trong hoạt động cách mạng: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”[3]. Do thấy rõ tình hình các giai - tầng ở Việt Nam trong xã hội thuộc địa-phong kiến, nên tác giả nhấn mạnh: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước…Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản. Khẩu hiệu này, do Mátxcơva tung ra, đánh vào các nhà tư sản như một nghịch lý táo bạo, nhưng thật ra điều đó có nghĩa gì? Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời. Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ. Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, thì đã lâu lắm rồi, phần lớn thế giới sẽ Xôviết hóa và lúc đó, nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”[4]. Chỉ một đoạn văn ngắn thôi, nhưng lột tả được những vấn đề cơ bản của bản chất chủ nghĩa dân tộc theo quan điểm của người viết. Chẳng hạn: Chủ nghĩa dân tộc là “động lực lớn của đất nước”, là “động lực vĩ đại”, “chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản…khi chủ nghĩa dân tộc thắng lợi…sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”, “một chính sách hiện thực tuyệt vời”.

Chủ nghĩa dân tộc kiểu này khác xa với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa dân tộc nước lớn mà thế giới chứng kiến trong các hành xử quốc tế ở cả Đông Tây kim cổ, và chắc chắn cả trong tương lai nữa. Chủ nghĩa dân tộc mà  tác giả của tác phẩm trên đây nêu lên là đi theo quan điểm của Quốc tế Cộng sản, theo đúng quan điểm của người sáng lập Quốc tế Cộng sản là V.I.Lênin. Táo bạo thay, và đáng ngạc nhiên thay, tác giả của tác phẩm này còn cho rằng: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”[5]. Và “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”[6], “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[7].

Ấy thế mà về sau, cuối những năm 20 đầu những năm 30 thế kỷ XX, chính Quốc tế Cộng sản, đặc biệt là ở Đại hội VI năm 1928, đã đi ngược lại quan điểm này và ra sức chỉ trích những quan điểm của Hồ Chí Minh.

Nhận thức về chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam như vậy đối với một cá nhân Hồ Chí Minh thì đó là một chuyện, còn đưa quan điểm đó vào trong các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 lại là một chuyện lớn hơn nhiều. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đã được khảm những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, trong đó có vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Qua bao sóng gió của thời cuộc, cá nhân Hồ Chí Minh đã vì chúng mà phải hứng chịu búa rìu của những người khác quan điểm. Oái oăm thay, những người khác quan điểm này lại là những đồng chí trong Quốc tế Cộng sản (từ Đại hội VI năm 1928 đến 3 - 4 năm sau Đại hội VII năm 1935) và của chính ngay những nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương những năm 30 thế kỷ XX.

Một đặc điểm quá trình nhận thức của Hồ Chí Minh trong cuộc đời hoạt động cách mạng là ở chỗ Người giác ngộ chủ nghĩa cộng sản bắt đầu từ vấn đề dân tộc, hay nói đầy đủ nhất là vấn đề giải phóng dân tộc. Vấn đề giải phóng dân tộc thì các thế hệ trước của Hồ Chí Minh đã làm nhưng chưa thành công. Theo hệ tư tưởng phong kiến (Cần Vương)? Nó đã bị thất bại nhanh chóng vì hệ tư tưởng này  không còn tiêu biểu cho xu hướng phát triển của dân tộc Việt Nam nữa khi chế độ phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVI đã đi xuống và ngày càng khủng hoảng với mức độ nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, sự nghiệp giải phóng dân tộc chuyển làn sang hệ tư tưởng tư sản, mà tiêu biểu nhất là ba phong trào: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Việt Nam Quốc dân đảng. Cũng thất bại nhanh chóng không kém. Anh dũng có thừa, máu đào của các bậc tiên liệt đã đổ xuống, nhưng cây độc lập, tự do ở Việt Nam không ra hoa kết trái. Đó có thể là một lý do cốt yếu mà Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm mục tiêu và con đường giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng khác. Rồi Hồ Chí Minh đã tìm thấy qua những quan điểm của V.I.Lênin và trở thành người cộng sản cuối năm 1920. Trong ba vị được coi là những nhà kinh điển của chủ nghĩa cộng sản khoa học là C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, thì Hồ Chí Minh đượm tình và đượm lý với V.I.Lênin hơn cả, đơn giản bởi vì V.I.Lênin chú trọng đến vấn đề giải phóng dân tộc ở tầm quốc tế đồng thời đưa giải phóng dân tộc vào khung của con đường tiến đến mục tiêu chủ nghĩa cộng sản. Thậm chí, V.I.Lênin còn cho rằng, những nước tiểu nông có thể đi lên chủ nghĩa xã hội được, chứ không như quan điểm của C.Mác. Thế cho nên V.I.Lênin mới cho ra đời quan điểm về cách mạng không ngừng ở những nước này, nghĩa là làm xong cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới (kiểu mới là vì do đảng cộng sản lãnh đạo) thì nước đó đi ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hồ Chí Minh thấu hiểu những quan điểm của V.I.Lênin. Do vậy, Hồ Chí Minh mới nêu và tích cực thực hành quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng ở Việt Nam rất độc đáo.

Nhìn nhận tình hình thực tế của các nước thuộc địa nói chung và thuộc địa-phong kiến Việt Nam nói riêng thì Hồ Chí Minh nhìn ở một tầm khác so với Quốc tế Cộng sản, tầm cao và sáng rõ, biện chứng hơn nhiều. Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX cho đến gần nửa đầu thế kỷ XX có sự biến đổi: hình thành một số giai cấp, tầng lớp mới; đó là giai cấp công nhân, giai cấp tư sản dân tộc, tầng lớp (có lúc gọi là giai cấp) tiểu tư sản. Đồng thời, các giai cấp, tầng lớp vốn có trong xã hội phong kiến (địa chủ; nông dân; sĩ phu, trí thức phong kiến) cũng có sự biến đổi về tâm lý, thái độ đối với chế độ chính trị thuộc địa - phong kiến. Trong thời gian này, Việt Nam đã có sự biến đổi rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Xã hội Việt Nam nổi lên mâu thuẫn rất lớn là mâu thuẫn dân tộc. Tất cả các giai cấp, tầng lớp, kể cả các giai cấp, tầng lớp cũ và kể cả giai cấp, tầng lớp mới, đều có một “mẫu số chung”, đều có nhu cầu bức thiết đánh đổ ách xâm lược của ngoại bang, giải phóng đất nước. Chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam chính là hình thành từ đặc điểm này. Hồ Chí Minh phát hiện ra “mẫu số chung” đó và nắm lấy nó, sử dụng nó, khơi và kích nó đưa vào trong xã hội Việt Nam trở thành một động lực mạnh mẽ kết hợp với sức mạnh quốc tế để đưa đất nước “đi tới xã hội cộng sản” như trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đầu năm 1930 đã nêu.

Kể từ khi V.I.Lênin mất đầu năm 1924 cho đến trước Đại hội VII năm 1935, Quốc tế Cộng sản có lúc thiên về tả khuynh, và nhiều đảng cộng sản lãng quên vấn đề ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Chính vì thế, tại Phiên họp lần thứ 8 Đại hội V Quốc tế Cộng sản, sáng 23-6-1924, Hồ Chí Minh đã phát biểu về vai trò quan trọng của cách mạng ở nước thuộc địa trong quan hệ với cách mạng ở “chính quốc” rằng: “Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa, còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song tôi thấy rằng, hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa…Vì vậy, muốn đánh bại các nước này, trước hết chúng ta phải tước thuộc địa của nó đi”[8]. (Xem tiếp phần 2)

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục