Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh (Phần 2)

Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh (Phần 2)

01:38 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

GS, TS Mạch Quang Thắng*

Nhưng tiếc thay, éo le thay, Hồ Chí Minh lại bị "cầm tù" bởi những quan điểm tả khuynh của Quốc tế Cộng sản trên một số vấn đề chủ yếu nhất của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Éo le thay, trong quãng thời gian 1934-1938, Hồ Chí Minh tuy sống tại đại bản doanh của Quốc tế Cộng sản (Mátxcơva), nhưng không được giao công việc gì quan trọng cả. Bức thư sau đây ngày 6-6-1938 của Hồ Chí Minh gửi một vị lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản đã nói lên điều này:

“Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Công. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này.

Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng"[9].

Sự hiểu lầm/hiểu sai đáng tiếc nhất lại là từ các học trò của Hồ Chí Minh, những người mà Hồ Chí Minh dìu dắt, chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng và cử đi học tập trong các trường cách mạng, kể cả ở Quốc tế Cộng sản. Ngay trong năm 1933, tức là 3 năm sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tác phẩm viết về Đảng khá sớm ở Việt Nam với nhan đề “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”, tác giả Hồng Thế Công (tức Hà Huy Tập), người mà sau đó mấy năm trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đã phê phán Hồ Chí Minh và cho rằng Hồ Chí Minh “đã phạm một loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa…mà chúng ta không thể bỏ qua”[10].

Cũng phải thôi, vì Hà Huy Tập đem những quan điểm trong các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 ra để đối chiếu, so sánh với những nội dung, quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. So sánh như vậy, thì hèn chi mà không có sự khác nhau. Trong các văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 do Hồ Chí Minh chấp bút (sau này thường được coi là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng), trong lực lượng cách mạng, Cương lĩnh đã nêu, ngoài công nông, còn có trí thức tiểu tư sản; trung, tiểu địa chủ; tư sản dân tộc.

Hà Huy Tập cho rằng: “Đường lối chính trị của Hội nghị hợp nhất và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đều sai lầm trên nhiều phương diện”. Hà Huy Tập đã “phê phán những sai lầm chủ yếu của Hội nghị hợp nhất và để làm việc này, chúng tôi sẽ đối chiếu từng quan điểm sai lầm đó với những quan điểm chính thức của Quốc tế Cộng sản”.

Hà Huy Tập cho rằng: “Khi nói một cách mơ hồ rằng, cần phải làm cách mạng tư sản dân chủ và cách mạng ruộng đất ở Đông Dương, một mặt Hội nghị đã bỏ quên cách mạng phản đế, mặt khác Hội nghị lại không hiểu rằng cách mạng ruộng đất là cái trục của cách mạng tư sản dân chủ. Một thiếu sót khác về vấn đề này nữa là chưa xác định được rõ sau khi công nông đã cướp chính quyền, thì dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, người ta sẽ thiết lập chuyên chính của giai cấp vô sản và giai cấp nông dân dưới hình thức xôviết. Hội nghị không hiểu rõ quá trình chuyển biến của cách mạng tư sản dân chủ thành cách mạng vô sản, cũng không hiểu rõ rằng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến hành sau khi đã làm xong cách mạng vô sản vẫn còn chưa thuộc phạm trù của chế độ cộng sản…Hội nghị hợp nhất đã nhận định một cách cơ hội chủ nghĩa cách mạng Việt Nam tách rời cách mạng thế giới nói chung và tách rời cách mạng Đông Dương nói riêng. Sở dĩ sai lầm như vậy là vì đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu Hội nghị hợp nhất còn mang nặng những tàn tích của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa dân tộc sô vanh. Những danh từ mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc dùng trong lá truyền đơn của mình: “đồng bào…, cách mạng Việt Nam…, nếu chúng ta cứ bỏ mặc cho tất cả giống nòi Việt Nam bị quét sạch, v.v.” chứng tỏ khuynh hướng sai lầm đó đã tồn tại và không thể biện bạch nổi”.

Thực ra, ngay cả những điểm trên đây mà Hà Huy Tập đã thuật lại những quan điểm của Hội nghị hợp nhất cũng không chính xác.

Tiếp nối dòng phê phán những quan điểm của Hồ Chí Minh trong các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, Hà Huy Tập viết: “Cương lĩnh của Hội nghị hợp nhất đề ra vấn đề làm cách mạng điền địa, nhưng không đả động một lời nào đến giai cấp địa chủ. Hội nghị chỉ nói đến việc tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc nhưng không nói gì đến việc tịch thu ruộng đất của địa chủ. Như vậy là cuộc cách mạng ruộng đất mà Hội nghị hợp nhất đề ra chỉ là một cuộc cách mạng bộ phận vì thế nó không có khả năng xoá bỏ các hình thức bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa ở nông thôn Đông Dương… Chẳng những Hội nghị hợp nhất không nêu khẩu hiệu đánh đổ giai cấp địa chủ, tịch thu hết thảy ruộng đất của chúng, mà còn nêu ra vấn đề sử dụng, hoặc ít ra cũng trung lập bọn tiểu và trung địa chủ. Như thế là Hội nghị không hiểu rằng cần phải tiêu diệt chúng về mặt giai cấp. Đối với giai cấp tư sản bản xứ, Hội nghị đã bỏ họ vào cùng một bị với bọn địa chủ. Hội nghị cũng nêu ra vấn đề sử dụng hoặc trung lập giai cấp tư sản bản xứ. Đề ra một sách lược như thế có nghĩa là từ bỏ cuộc đấu tranh chống lại ảnh hưởng tai hại của giai cấp tư sản bản xứ trong quần chúng lao động Đông Dương…Đối với phú nông, Hội nghị cũng đề ra vấn đề sử dụng hoặc trung lập...Đối với trí thức và giai cấp tiểu tư sản, Hội nghị cũng nêu ra vấn đề liên minh. Đây cũng là một sách lược sai lầm”.

Tôi viết như trên là dựa theo tài liệu để lại đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản thành bộ Văn kiện Đảng toàn tập. Xin được nhấn mạnh rằng, tôi hoàn toàn không phê phán cá nhân Hà Huy Tập. Hà Huy Tập là một cán bộ kiên cường với phẩm chất cách mạng tuyệt vời của thế hệ cộng sản những năm 30 thế kỷ XX. Ông cũng là sản phẩm của một thế hệ cán bộ thực hiện một cách nghiêm túc nhất Nghị quyết cấp trên, tức là Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Ở Hà Huy Tập hay Trần Phú, hay Lê Hồng Phong, nếu có tả khuynh ở mức nào đi chăng nữa thì đều là do sự chế định của tả khuynh Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Ở đây, tôi không có ý phê bình cá nhân. Qua đó để biết thêm về bản lĩnh và tầm nhìn của Hồ Chí Minh trong khi những người khác, kể cả những nhân vật chủ chốt của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, nhìn không sát về tình hình Việt Nam.

Hồ Chí Minh không tranh luận với những ý kiến đó, mà tiếp tục dấn thân vào hoạt động thực tế.

Đến nỗi mà đến năm 1935, ngày 31 tháng 3, nghĩa là sau Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương và ngay trước Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, trong Thư của Ban Chỉ huy ở ngoài (của Đảng Cộng sản Đông Dương) khá dài gửi Quốc tế Cộng sản, bên cạnh Hồ Chí Minh được “Ban Chỉ huy ở ngoài và Ban Trung ương của Đảng chỉ định là đại diện của Đảng ở Quốc tế Cộng sản”, còn viết rõ: “Ở Xiêm và Đông Dương, các tổ chức cộng sản đã tiến hành một cuộc tranh đấu công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của đảng của các đồng chí Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc tranh đấu không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đồng chí Quốc và của Đảng Thanh niên là rất cần thiết. Hai Đảng Cộng sản Xiêm và Đông Dương đã viết một quyển sách chống những khuynh hướng này[11]. Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin viết một cuốn sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua”[12].

Không biết “đồng chí Lin” (tức Hồ Chí Minh) sau đó có viết cuốn sách nào để tự phê bình không. Chắc chắn là không, vì Hồ Chí Minh là con người có bản lĩnh, không dễ gì sai khiến. Hồ Chí Minh kiên trì với những điều mà mình cho là đúng.

Chủ nghĩa dân tộc bị kỳ thị như thế đấy! Tại sao Quốc tế Cộng sản và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương hiểu lầm/hiểu sai Hồ Chí Minh? Quan điểm không đúng của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 về tập hợp lực lượng cách mạng ở nước thuộc địa đã ảnh hưởng dai dẳng của nó tới cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước này. Quốc tế Cộng sản là chàng hiệp sĩ của thế kỷ XX. Nó được lập ra năm 1919 do sáng kiến của V.I.Lênin và tự giải tán năm 1943 khi Thế chiến II bước vào giai đoạn quyết liệt. Quốc tế Cộng sản đã giương cao vai trò thúc đẩy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên thế giới, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Hàng loạt đảng cộng sản trên thế giới đã ra đời trong thời gian này. Nhưng, Quốc tế Cộng sản cũng không tránh khỏi những hạn chế, nhất là sau khi V.I.Lênin mất, tính "chỉ huy" càng được bộc lộ một cách đậm nét hơn trong sự tác động của Đảng Cộng sản Liên Xô và của J.Xtalin. Điều này không đáp ứng được sự vận động tích cực, chủ động của các đảng cộng sản trên thế giới, nhất là các nước thuộc địa phương Đông xa trung tâm Mátxcơva. (Xem tiếp phần 3)

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục