Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh (Phần 3)

Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh (Phần 3)

01:37 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2

GS, TS Mạch Quang Thắng*

Quốc tế Cộng sản đã đúng trong việc lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc những năm V.I.Lênin còn sống, nhất là được sự chỉ dẫn của những quan điểm nêu trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Bản Luận cương này được V.I. Lênin viết xong vào tháng 6, 7-1920, đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 11, ngày 14-7-1920; báo l'Humanité của Đảng Xã hội Pháp đăng vào tháng 7-1920 và được thảo luận tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19-7 đến ngày 7-8-1920 ở Pêtơrôgrát (sau gọi là Lêningrát và nay gọi lại là Xanh Pêtécbua).

Với tư tưởng của V.I.Lênin thể hiện trong Luận cương cũng như các văn kiện của Đại hội II, Quốc tế Cộng sản đã khẳng định sự đoàn kết của giai cấp vô sản và quần chúng lao động ở tất cả các dân tộc trên thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Tư tưởng của V.I. Lênin toả sáng là ở chỗ: giai cấp vô sản cũng như Quốc tế Cộng sản "thực sự ngày nay… không những là đại diện cho những người vô sản trong tất cả các nước, mà còn đại diện cho cả những dân tộc bị áp bức"[13]. Do ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng đó, ngay sau Đại hội II của Quốc tế Cộng sản, đã diễn ra Đại hội các dân tộc phương Đông họp từ ngày 1-9-1920 đến ngày 7-9-1920 tại Bacu (Adécbaigian), trong đó có chương trình nghị sự về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đại hội còn quyết định xuất bản tạp chí “Những dân tộc phương Đông” bằng các thứ tiếng Nga, Ba Tư­, Thổ Nhĩ Kỳ, Arập, mà trong số tháng 10-1920, nêu lên khẩu hiệu“Vô sản tất cả các n­ước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”.

Ấy vậy mà chỉ sau có 4 năm thôi, tức là đến Đại hội VI năm 1928, quan điểm của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa đã lệch sang một phía tả, cực tả.

Thực ra, V.I.Lênin cũng đã lường thấy được nguy cơ của bệnh tả khuynh trong phong trào cộng sản quốc tế. Tác phẩm của V.I.Lênin “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản” đã được ông viết năm 1920 là nhằm đề phòng nguy cơ đó. Tại Đại hội III Quốc tế Cộng sản vào tháng 6 năm 1921, V.I.Lênin tiếp tục phê phán một cách gay gắt bệnh giáo điều tả khuynh. Ông phát biểu: “Nếu Đại hội không tiến hành kiên quyết chống những sai lầm như thế, chống những điều ngu xuẩn “tả” như vậy, thì toàn bộ phong trào sẽ không tránh khỏi tan vỡ. Tôi tin tưởng sâu sắc như vậy”[14].

Đáng tiếc thay, từ khi V.I.Lênin qua đời, nguy cơ tả khuynh không những không được chú ý ngăn chặn mà nó đã trở thành hiện thực trực tiếp đe dọa sự lớn mạnh của phong trào cộng sản quốc tế, điển hình nhất, biểu hiện rõ ràng nhất là ở Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928. Đại hội VI Quốc tế Cộng sản cuối năm 1928 đánh giá với thiên hướng tả đối với giai cấp tư sản nói chung và đối với giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa. Cũng có nguyên do của sự đánh giá đó. Ấy là vì lúc này, trên thế giới đã có một số sự kiện nói lên sự phản bội của giai cấp tư sản ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa, phụ thuộc đối với phong trào cách mạng của công - nông chống đế quốc và phong kiến.

Đó là sự phản bội của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc bắt đầu vào ngày 3-4-1927 đối với đường lối do Tôn Trung Sơn nêu lên và đã có tác dụng tốt trong cuối những năm 30 thế kỷ XX: “Liên Nga, liên cộng, ủng hộ công nông”. Sau ngày đó, hàng loạt các chiến sĩ cộng sản, yêu nước của Trung Quốc cũng như của các dân tộc khác đang hoạt động ở Trung Quốc đã bị khủng bố. Còn ở Ấn Độ, với thuyết Bất bạo động của Găngđi cộng với ảnh hưởng của tình hình quốc tế, nên giai cấp tư sản Ấn Độ bị nhìn nhận, bị đánh giá một cách phiến diện, không thấy được tính tích cực của nó trong phong trào giải phóng dân tộc ở đây.

Phong trào cộng sản ở các nước, theo tinh thần của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, đã có những biểu hiện tả khuynh nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, chủ quan về đánh giá lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa, đánh giá sai tương quan lực lượng các giai cấp. Họ không chú trọng lắm đến lập mặt trận dân tộc thống nhất để không những đoàn kết, tập hợp công nông, mà còn tập hợp các giai cấp, tầng lớp khác chống chủ nghĩa đế quốc. Một sai lầm nghiêm trọng nữa của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản là cho rằng, các đảng Dân chủ Xã hội cùng toàn bộ Phong trào Xã hội dân chủ là “chỗ dựa chính của chủ nghĩa đế quốc trong việc thống trị giai cấp công nhân”, là kẻ tòng phạm, là “anh em sinh đôi” của chủ nghĩa phátxít. Họ say sưa hướng lực lượng cách mạng vào cuộc đấu tranh “giai cấp chống giai cấp”[15], chống giai cấp tư sản và chống cả lực lượng và trào lưu xã hội dân chủ. Đó là chưa kể một điều tệ hại nữa là Đại hội VI Quốc tế Cộng sản còn xác định nhiệm vụ chống cả các thế lực tôn giáo, cho vào một rọ/gắn liền với các nhiệm vụ chống chủ nghĩa đế quốc, phong kiến và tư sản bản xứ. Thật quá tả, hết sức quá tả. Chống đế quốc, chống phong kiến, chống tư sản, chống tôn giáo, chống lực lượng xã hội dân chủ. Chống tất. Chỉ độc có có công nông là cách mạng mà thôi. Như vậy, chẳng khác gì Đại hội VI đưa ra một thông điệp rằng, chỉ có những người cộng sản mới là tiến bộ, còn các lực lượng khác là phản tiến bộ[16].

Điều này có căn nguyên của nó do quá trình bônsêvích hoá các đảng cộng sản trên thế giới kéo dài để gột rửa những ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội, cải lương từ Quốc tế II. Một loạt các đảng cộng sản ra đời vốn là từ hợp nhất với các đảng xã hội hoặc đảng dân chủ-xã hội. Quốc tế Cộng sản ở Đại hội VI lo lắng cho tình hình các đảng cộng sản ở các nước thuộc địa phương Đông bị chịu ảnh hưởng nhiều từ các tàn tích của chế độ phong kiến, lo rằng các đảng đó có thể dễ thoả hiệp với giai cấp tư sản dân tộc. Đó là cái lo của một người bề trên, nhưng là người bề trên ở xa, quan liêu, và tự cho mình cái quyền bắt cấp dưới phải vâng lời, bất chấp tình hình thực tế cụ thể của đảng đó, dân tộc đó.

Thứ nữa, Quốc tế Cộng sản tại Đại hội VI đã “chọn mẫu” không phù hợp để khái quát chung tình hình các phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Quốc tế Cộng sản đã chọn Trung Quốc và Ấn Độ làm mẫu để khái quát đánh giá cũng như đề ra chiến lược, sách lược cho hoạt động của các đảng cộng sản ở các nước thuộc địa khác. Xứ Đông Dương và Việt Nam khác, khác lắm so với thuộc địa Ấn Độ của Anh và nửa thuộc địa ở Trung Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ mà đã khác với phương Tây thì Việt Nam lại càng khác phương Tây và khác ngay cả với tình hình của nước láng giềng Trung Quốc và với Ấn Độ. Đó là điều không lạ. Hồ Chí Minh đã nói trước rồi. Nhưng Quốc tế Cộng sản không nghe.

Do tình hình trên, nên ngày 1-9-1928, Báo cáo tại Đại hội VI Quốc tế Cộng sản Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã đưa ra quan điểm đánh giá về thái độ chính trị của các giai cấp một cách không đúng.

Chẳng hạn, đối với giai cấp tư sản dân tộc, Báo cáo này cho rằng:

(i) Giai cấp tư sản dân tộc một mặt có liên hệ với bọn đại địa chủ, mặt khác lại liên hệ với tư bản nước ngoài nên giai cấp tư sản dân tộc thuộc về phe phản cách mạng;

(ii) Giai cấp địa chủ, dù bất kỳ loại nào, nghĩa là từ đại địa chủ cho đến tiểu địa chủ, đều phải đánh đổ vì điều này phục tùng quan điểm xoá bỏ các quan hệ tiền tư bản;

(iii) Lực lượng trí thức và tiểu tư sản không phải là lực lượng liên minh với giai cấp vô sản vì họ là đại biểu kiên quyết nhất không những cho lợi ích riêng của giai cấp tiểu tư sản mà cả cho lợi ích của giai cấp tư sản, chỉ có một số ít thoát ly khỏi giai cấp họ, nhận thức được nhiệm vụ đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản và trở thành những người bảo vệ tích cực lợi ích giai cấp vô sản.

Đại hội VI Quốc tế Cộng sản đưa ra khẳng định rằng: “Không giải phóng quần chúng lao động khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc cải lương, thì không thể đạt được mục tiêu chiến lược cơ bản của phong trào cộng sản trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản: Vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản”[17].

Phải nói rằng, với lỗi này, từ quan điểm gốc này của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, dẫn đến về sau đó là hàng loạt chỉ đạo cụ thể đối với cách mạng ở Đông Dương không phù hợp. Và, cách mạng ở Đông Dương đã chịu hậu quả không tốt.

Nghị quyết về Đông Dươngcủa Quốc tế Cộng sản cuối năm 1929 lại là sự liền mạch và là sự triển khai một cách chặt chẽ, cụ thể nhất những quan điểm của Đại hội VI. Nghị quyết chỉ rõ: Phải "tịch thu không bồi thường ruộng đất của địa chủ" (toàn bộ địa chủ); thái độ đối xử với giai cấp tư sản dân tộc là: "Giai cấp tư sản bản xứ, nói chung là yếu ớt, gắn liền với sở hữu ruộng đất…; mặt khác họ chịu ảnh hưởng của giai cấp tư sản Tàu cùng lập trường phản cách mạng của giai cấp đó. Một bộ phận của giai cấp tư sản hiện nay đã hợp tác với chủ nghĩa đế quốc Pháp. Một bộ phận khác đang tìm cách thoả hiệp với họ. Điều rõ ràng là giai cấp tư sản, trong toàn bộ của họ, không thể nào vượt quá giới hạn của chủ nghĩa quốc gia cải lương và với đà phát triển của cách mạng ruộng đất, nhất định họ sẽ nhảy qua hàng ngũ phản cách mạng. Tuy nhiên, điều đó không gạt bỏ khả năng là một vài tầng lớp của giai cấp tư sản có mưu đồ muốn đứng ra lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Nhưng mục đích của họ là nhằm phá hoại phong trào, phá hoại cách mạng. Chính yếu tố này sẽ quyết định lập trường của chúng ta đối với giai cấp tư sản"[18]. (Xem tiếp phần 3)

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Cùng chuyên mục