Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh (Phần 4)

Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh (Phần 4)

01:36 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

GS, TS Mạch Quang Thắng*

Còn đối với phú nông thì Quốc tế Cộng sản, trong Nghị quyết ngày 28-5-1931 nêu chủ trương: “Giai cấp vô sản…không bao giờ được liên minh với họ"[19]. Đối với giai cấp tiểu tư sản, tầng lớp trí thức, Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản năm 1929 cho rằng: "Không nên cường điệu khuynh hướng cách mạng của giai cấp tiểu tư sản thành thị, lại càng không nên xem những phần tử ít cách mạng nhất, tầng lớp tiểu thương, như là động lực của cách mạng"[20].

Như vậy, với quan điểm của Đại hội VI năm 1928 và quan điểm của Nghị quyết về Đông Dương cuối năm 1929, Quốc tế Cộng sản, trừ hai giai cấp công nhân và nông dân ra, đã gạt sạch tất cả các giai cấp, tầng lớp còn lại của một xã hội thuộc địa- phong kiến ra ngoài vòng các lực lượng cần tập hợp. Đã thế, trong Nghị quyết về Đông Dương, Quốc tế Cộng sản đưa ra một lời cảnh báo, chặn trước rằng: Quốc tế Cộng sản "Chỉ có thể thừa nhận là tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương… chỉ những tổ chức và nhóm hoàn toàn chấp nhận những quyết định của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản"[21].

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa dân tộc gắn liền với chủ nghĩa cộng sản. Theo đó, chúng ta cần hiểu chủ nghĩa dân tộc đó có định hướng cho sự phát triển tiến bộ của xã hội, không phải thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trong chế độ phong kiến Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc đã phát huy tác dụng và đã thành công, khi thành công thì nó dẫn đến hoặc là triều đại phong kiến này thay thế cho triều đại phong kiến khác hoặc là lại nẩy sinh chủ nghĩa dân tộc sô vanh và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Quan điểm về chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh không có gì chung với cái đó. Chính trên điểm này mà một số người đã hiểu lầm/hiểu sai Hồ Chí Minh một cách dai dẳng và cay nghiệt, cho rằng, Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, quốc gia cải lương.

Với quan điểm chủ nghĩa dân tộc gắn liền hoặc đi tới chủ nghĩa cộng sản, Hồ Chí Minh là người tiên phong trong việc củng cố và bổ sung chủ nghĩa Mác - Lênin “bằng dân tộc học phương Đông”, bổ sung và làm giàu thêm học thuyết Mác - Lênin. Từ trong bản chất của sự phát triển, tất cả các học thuyết chính trị nói chung, kể cả học thuyết Mác - Lênin, đều rất cần đến sự bổ sung, phát triển. Chính bản thân Hồ Chí Minh là người sống trong lòng các sự kiện vận động cách mạng của thế giới, chịu xem xét, tổng kết thực tiễn, do vậy, Hồ Chí Minh chính là một người bổ sung nhiều nhất cho chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, điều mà V.I.Lênin, đặc biệt là C.Mác và Ph.Ăngghen, chưa thể hoặc chưa có điều kiện đề cập một cách sâu sắc.

Giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa, dưới quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản thì đó là đối tượng cần phải đánh đổ của cách mạng dân tộc do giai cấp vô sản lãnh đạo, thì trong cương lĩnh đầu năm 1930, những người thành lập Đảng, trong đó có Hồ Chí Minh, lại cho rằng: "Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được"[22]; "Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung"[23]. Toàn bộ giai cấp địa chủ ở các nước thuộc địa, theo Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, là giai cấp phải đánh đổ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập Đảng lại khẳng định: "Chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa"[24]; "Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập"[25]. Đối với tiểu tư sản, trí thức ở các nước thuộc địa, trong khi Đại hội VI Quốc tế Cộng sản ngăn rằng, không được liên minh với họ, thì trong cương lĩnh, những người thành lập Đảng lại khẳng định: "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức…để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp"[26].

Đáng tiếc thay, Hội nghị tháng 10-1930 của Trung ương Đảng đã ra án Nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, trong đó chỉ trích một cách gay gắt những cách làm và quan điểm của những người tham gia Hội nghị thành lập Đảng. Đáng tiếc nhất là Nghị quyết nêu: "Thủ tiêu chánh cương sách lược và Điều lệ cũ của Đảng, lấy kinh nghiệm trong thời kỳ vừa qua mà thực hành công việc cho đúng như án nghị quyết và Thơ chỉ thị của Q.T.C.S"[27].

Tư tưởng tả khuynh của Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 sau đó cũng đã được điều chỉnh. Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh, trong đó có quan điểm mới là vạch rõ sự cần thiết phải thực hiện khẩu hiệu chia ruộng đất cho dân cày, có như thế mới nhận được sự hưởng ứng của nông dân; ngoài liên minh công nông, "còn mặt khác nữa là giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật đông, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công (rộng là toàn dân cùng đứng trong một mặt trận chống đế quốc và tụi phong kiến làm tay sai phản động hèn hạ; kín là công nông trong bức tường thành dân tộc phản đế bao la)"[28]. Ban Thường vụ Trung ương Đảng cũng đã dũng cảm nêu lên những khuyết điểm của Đảng về nhận thức và phương pháp tổ chức các đoàn thể cách mạng, đó là việc chỉ bó hẹp đơn thuần trong hàng ngũ công nông trong khi đó các lực lượng khác cũng rất đông đảo và hăng hái. Tình trạng đó, như Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng nêu rõ: "Do đó, thiếu mặt tổ chức thật quảng đại quần chúng, hấp thụ các tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc, họ là tầng lớp trên hay ở vào tầng lớp giữa cũng vậy, và cho tới cả những người địa chủ, có đầu óc oán ghét đế quốc Pháp, mong muốn dộc lập quốc gia, để đưa tất cả những tầng lớp và cá nhân đó vào trong hàng ngũ chống đế quốc Pháp, để cần kíp tổng động viên toàn dân nhất tề hành động mặt này hay mặt khác mà chống khủng bố trắng và ủng hộ cách mạng công nông"[29].

3. Có nên ngại ngần?

Vẫn còn có nhận thức chưa đúng về nhân vật lịch sử hiện đại Hồ Chí Minh trong vấn đề chủ nghĩa dân tộc và động lực của nó đối với sự phát triển của dân tộc Việt Nam nói chung và đối với cả giai đoạn lịch sử Việt Nam đương đại.

Một số chính khách và không ít nhà nghiên cứu trên thế giới, từ cách tiếp cận của họ, cho rằng, họ rất thích tính cách dân tộc chủ nghĩa của Hồ Chí Minh, nhưng lại rất tiếc rằng, Hồ Chí Minh lại là một người cộng sản – thậm chí cộng sản theo kiểu J.Xtalin. Một số khác, chủ yếu là từ những người cộng sản vẫn giữ theo quan điểm của của thời Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, cho rằng, rất tiếc Hồ Chí Minh là cộng sản nhưng có hơi hướng chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân tộc. Một số khác thì lại phân vân không biết gọi Hồ Chí Minh là người thuộc tính cách nào, dân tộc chủ nghĩa hay cộng sản. Gần đây nhất, Sergei Nekhamkin (người Nga) có bài viết “Người đồng chí An Nam Nguyễn Ái Quốc” đăng “Tuần báo Luận chứng” (tiếng Nga), số 49 (540) ngày 14-12-2016 nhân Kỷ niệm 70 năm cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, trong đó vẫn còn viết: “Rốt cuộc ở đây có một câu hỏi đặt ra: Thực ra “Bác Hồ là ai?”, là một người cộng sản kiên định hay là một thủ lĩnh dân tộc thông minh khoác áo cộng sản để dẫn dắt ván bài của riêng mình trong cuộc đối đầu địa chính trị của thế kỷ XX vì nền độc lập dân tộc?”.

Thực ra, câu hỏi không mới, không lạ. Thực tế lịch sử đã giải quyết rồi. Đáp số đã có cho lời giải về sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, kể cả trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cho cả thời gian xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tế không chỉ ở Việt Nam mà là cả thế giới đều cho thấy sức mạnh hiển nhiên của chủ nghĩa dân tộc. Động lực của chủ nghĩa dân tộc thật lớn. Nó lớn đến mức, trong những tình huống cụ thể sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn, thì chủ nghĩa quốc tế vô sản, hay chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, đã bị lấn át, mà dáng dấp động lực nổi lên rõ nhất là chủ nghĩa dân tộc.

Chủ nghĩa dân tộc được coi là “Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời” (Trong tác phẩm “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ”, tôi đã dẫn ở Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 513). Bây giờ quan điểm này càng tuyệt vời hơn với ý nghĩa là nó đang có đất sống và phát triển mạnh hơn. Ấy thế mà, theo quan sát của tôi, hiện nay, mặc dù đất nước ta đang trải nghiệm hơn 30 năm đổi mới rồi mà vẫn có người ngại ngần khi nêu rõ hoặc nhấn mạnh vấn đề chủ nghĩa dân tộc theo quan niệm của Hồ Chí Minh. Năm 1924, khi nêu vấn đề này mà còn không sợ bị truy chụp là theo chủ nghĩa xét lại. Có gì lạ đâu và có gì ngại đâu về vấn đề này khi lịch sử thế giới vài ba thập niên trở lại đây đã chứng minh rất rõ vấn đề động lực của chủ nghĩa dân tộc. Đằng này, Hồ Chí Minh không đề cập chủ nghĩa dân tộc chung chung mà nó nằm trong dòng chủ lưu, hợp với xu thế của thời đại, đó là xu thế tiến lên chủ nghĩa cộng sản. (Xem tiếp phần 5)

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục