Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh (Phần 5)

Có một chủ nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh (Phần 5)

01:35 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 4)

GS, TS Mạch Quang Thắng*

Nhiều người cho rằng, Hồ Chí Minh đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản. Nhận định như thế này là đã tách chủ nghĩa cộng sản ra khỏi chủ nghĩa yêu nước. Tôi cho rằng, tuyệt nhiên không có chuyện tách đó. Ở tư tưởng Hồ Chí Minh, ở trong chủ nghĩa cộng sản có bao hàm cả chủ nghĩa yêu nước. Có điều là chủ nghĩa yêu nước đó đã được nâng lên một cái chất mới, nó hướng đích mới. Do đó, tôi thấy rằng, Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công vấn đề mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, chúng tuy hai mà một trong tiến trình vận động của cách mạng Việt Nam.

Quan điểm phát huy chủ nghĩa dân tộc, coi đó là một động lực lớn của sự phát triển dân tộc và coi có thể đi theo chủ nghĩa cộng sản không phải là quan điểm nhất thời của Hồ Chí Minh; không những chỉ đúng với thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mà nó là vấn đề chiến lược, đúng với cả thời kỳ xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.

Nhìn ở đâu và ở lúc nào, tôi đều có thể bắt gặp sự hiển hiện của chủ nghĩa dân tộc, lúc đậm, lúc nhạt, lúc nổi, lúc chìm, lúc bột phát, lúc âm ỉ, lúc cuồn cuộn như sóng dềnh biển cả. Sức mạnh của nó thật khó mà đo đếm, thật là vô biên. Thì đấy! Trung Quốc đã hạ đặt Giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam thì dấy lên tinh thần dân tộc mạnh mẽ ở Việt Nam phản đối mà trước đó ít ai ngờ sao mà mạnh đến vậy. Đội tuyển Bóng đá trẻ của Việt Nam mới chỉ giành được Huy chương Bạc (á quân) của Giải bóng đá U23 châu Á thôi, mà đã tạo ra những cơn sóng của tinh thần dân tộc khó mà diễn tả nổi.

Vậy là đừng có ngại ngần khi đề cập sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam. Đừng quy kết quan điểm chính trị cực đoan cho những ai nêu ra và cổ súy cho động lực này. Nếu mà cứ cố tình quy kết, chụp mũ, gán cho những ai có quan điểm tán đồng chủ nghĩa dân tộc, coi chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn cho sự phát triển của dân tộc thì hãy phê phán ngay bản thân Hồ Chí Minh đi! Đừng nhắm mắt làm ngơ để nói lệch đi trước hiển hiện của sự thực lịch sử của Việt Nam, kể cả thời kỳ hiện đại có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ nghĩa dân tộc là thứ vũ khí và thứ vũ khí này là vô cùng to lớn cần nắm lấy và phát huy cho tốt. Làm cho tốt là ở chỗ:

(i) Đừng biến nó thành vũ khí cực đoan. Chủ nghĩa dân tộc ở đây, như đã phân tích ở trên đây, là chủ nghĩa dân tộc chân chính, nó xa lạ với chủ nghĩa dân tộc sôvanh nước lớn và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Chủ nghĩa dân tộc chân chính không có gì chung với sự quá khích đập phá những công xưởng, công ty của người nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam khi có các cuộc đấu tranh chống việc Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan 981 xuống vùng biển Bắc Bộ của Việt Nam năm 2015.

(ii) Làm cho tốt còn là ở chỗ, trong khi đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, lên trước hết, cả trong quan hệ đối tác quốc tế thời hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, cũng phải dựa trên nền quan hệ hài hòa của lợi ích chung toàn thế giới. Về vấn đề này, đã từ rất sớm, trong dịp thăm nước Pháp năm 1946, bên cạnh phái đoàn của Việt Nam đi Hội nghị Phôngtenblô, khi đang gồng mình để cứu vãn hoà bình, ngăn chiến tranh Pháp - Việt nổ ra, Hồ Chí Minh đã vận cả văn hoá Khổng giáo phương Đông và triết lý văn hoá phương Tây để bày tỏ cho Chủ tịch Chính phủ Pháp G. Biđôn rõ: “Sự thành thực và sự tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại. Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Nghĩa là Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác – MQT chú giải). Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới (tức Hội nghị Phôngtenblô - MQT) sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp”[30].

Động lực của chủ nghĩa dân tộc là nhìn ở quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc, mà Hồ Chí Minh rất đặc biệt coi trọng tình nghĩa láng giềng, tức là với Trung Quốc, với Lào, với Campuchia, các nước ASEAN và với nhiều nước khác nữa. Tình cảm, trách nhiệm quốc tế với quyền lợi của mỗi dân tộc quyện chặt vào nhau, không có chuyện hy sinh cái này cho cái kia. Hồ Chí Minh còn nêu rõ rằng, giúp bạn tức là tự giúp mình. Hồ Chí Minh  hiện thân cho tình đoàn kết và thân ái quốc tế, đúng như những lời của nhà thơ Liên Xô Ôxíp Manđensơtam trong bài báo nhan đề “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản – Nguyễn Ái Quốc”,đăng trên báo Ngọn lửa nhỏ của Liên Xô, số 39, ngày 23-12-1924: “Dáng dấp của con người trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị…Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai…Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”[31]. Hồ Chí Minh, trong thực tế lịch sử, đã trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị giữa các dân tộc, của lòng nhân ái trên thế giới.

(iii) Làm cho tốt còn là phải đáp ứng tốt yêu cầu kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Điều này đã được khẳng định trong đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam. Độc lập không có nghĩa là đứng một mình mà là tích cực chủ động hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa. Việt Nam có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại. Đồng thời Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ sức mạnh vật chất cũng như tinh thần từ bè bạn quốc tế. Sức mạnh hợp tác cùng phát triển, sức mạnh các bên đều thắng trong các hiệp định hợp tác. Sức mạnh đó phải theo đúng các chuẩn mực quốc tế đã thể chế hóa bằng các công ước, hiệp định quốc tế. Không thể lợi dụng, cậy thế nước lớn để chà đạp luật pháp quốc tế, bắt nạt các nước nhỏ. Cũng không thể tự ty, bằng lòng với thân phận nước nhỏ để không chịu hợp tác và bo bo cho quyền lợi ích kỷ của dân tộc mình. Dù có không ít điểm khác so với hiện nay do thời cuộc đổi thay trong các quan hệ quốc tế của Việt Nam, một Việt Nam mở cửa, hội nhập, cùng tích cực, chủ động bước vào sân chơi chung của cộng đồng quốc tế, nhưng những quan điểm của Hồ Chí Minh về quan hệ đối ngoại vẫn là những quan điểm dẫn đường với ý nghĩa là phương pháp luận cực kỳ quý báu.

Việt Nam phải luôn luôn chủ động, tích cực mở rộng tối đa các mối quan hệ quốc tế. Quảng giao để phát triển - đó cũng là một triết lý phát triển của Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề của mỗi con người và cũng chính của từng cộng đồng, của từng quốc gia-dân tộc. Và, chính đây là bản chất của vấn đề chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh đã theo đuổi trong suốt cả cuộc đời làm một chiến sĩ cộng sản của mình.

4. Kết luận

Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước – đó là quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh. Quan điểm này được Hồ Chí Minh rút ra qua quá trình hoạt động cách mạng của mình và đã được thực tế lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm. Trong thời kỳ hiện nay của chặng đường phát triển, Việt Nam đang tiếp tục phát huy sức mạnh của nó. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mà Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia sẽ bị hạn chế kết quả nếu Việt Nam không đưa sức mạnh của dân tộc vào kết hợp sức mạnh quốc tế. Và, do đó, từ bề sâu của bản chất vấn đề mà nhìn, thì trong chủ nghĩa dân tộc chân chính, đã có những điều kiện và những cơ duyên cho sự hợp tác quốc tế. Đó cũng là cách nhìn từ lâu của Hồ Chí Minh. Do vậy, Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần dân tộc chân chính và là con người của quốc tế, của tình hữu ái bao la. Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc và quốc tế chính là vì thế.

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4 (1932-1934), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội

[4] Lê Mậu Hãn (Chủ biên) – Bùi Đình Phong – Mạch Quang Thắng (2000), Tư tưởng Hồ Chí Minh rọi sáng con đường độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, Nxb. Nghệ An.

[5] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva  (tiếng Việt).

[6] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva  (tiếng Việt).

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[9] GS,TS Mạch Quang Thắng, PGS,TS Bùi Đình Phong, TS Chu Đức Tính (Đồng Chủ biên) (2013), “UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

[10]  Xem L.Vátlin, Quốc tế Cộng sản, lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[11]  Điacốp Xớckin (1960), Quốc tế Cộng sản với vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

[12] Sophie Quinn Judge (2002), Ho Chi Minh, The missing years, Berkeley and Los Angeles, University of California Press, California.

[13] Pierre Brocheux (2000), Ho Chi Minh, Presses des Sciences Politiques, Paris.

[14] Duiker William J (2000), Ho Chi Minh a lif, Hyperion, New York.

[15] Daniel Hémery (1990), Ho Chi Minh de l' Indochine au Vietnam, Ed. Gallimard, Paris.

[16] Stain Tonnesson (1991), The Vietnamese Revolution of 1945: Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at War, London, SAGE.

[17]  Sergei Nekhamkin (2016), Cuộc chiến 1946-1954: vị trí chính diện – Hồ Chí Minh, Người đồng chí An Nam Nguyễn Ái Quốc (Bài viết nhân kỷ niệm 70 năm cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất), Tuần báo Luận chứng, số 49 (540), ngày 14.12.2016 (tiếng Nga).

 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục