Công nghệ cho sự phát triển: Cuộc Cách mạng Xanh ở Ấn Độ (Phần 1)
Cuộc “Cách mạng Xanh” vào những năm 1960 dựa trên nền tảng công nghệ đã làm tăng sản lượng lương thực của Ấn Độ nhờ tạo ra các giống cây trồng mới năng suất cao, sử dụng rộng rãi phân bón và máy móc, cải cách ruộng đất và hệ thống thuỷ nông. Bài viết này cho rằng, chính công nghệ đã thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, dẫn tới cuộc “Cách mạng Xanh” trong nông nghiệp ở Ấn Độ. Romer cho rằng, chính giáo dục, các nghiên cứu và phát triển cũng là yếu tố quan trọng để công nghệ được áp dụng một cách thành công. Ngày nay, hơn 50% dân số Ấn Độ làm trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 17% GDP. Điều này đã chỉ ra rằng, cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp không tạo ra thay đổi về cơ cấu ngành trong kinh tế Ấn Độ như một số người ảo tưởng. Mặc dù có những mặt tiêu cực, nhưng cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp đã giúp tăng sản lượng thu hoạch.
Alyssa Panning*
Kishore G. Kulkarni**
Ấn Độ là đất nước có dân số lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Ấn Độ đứng thứ bảy trên thế giới về mặt diện tích (theo CIA năm 2010). Nông nghiệp đã tồn tại ở các thung lũng Ấn Độ trong một thời gian dài và người dân Ấn Độ cũng bắt đầu trồng trọt kể từ 2,500 năm trước Công nguyên (theo Sinha, 1998: 184). Trong lịch sử Ấn Độ, người dân Ấn Độ sống chủ yếu dựa vào trồng trọt chăn nuôi, sử dụng công cụ thô sơ, năng suất thấp. Nạn đói lan tràn khắp đất nước. Ngày nay, hơn một nửa dân số Ấn Độ sống bằng nghề nông nghiệp, tuy nhiên, ngành dịch vụ lại chiếm 55% GDP, công nghiệp chiếm 28% và nông nghiệp chỉ chiếm 17% (theo CIA, 2010). Sự không tương xứng giữa tỷ trọng lao động và tỷ trọng GDP của ngành nông nghiệp cho thấy, ngành nông nghiệp chưa đạt năng suất cao tương xứng với tầm quan trọng của nó.
Trong phát triển kinh tế thế giới, nông nghiệp thường chỉ được xem như một bộ phận cung cấp thực phẩm và nhân lực cho sự phát tiển công nghiệp. Tuy nhiên, ngày nay, càng ngày càng có nhiều học giả cho rằng, nông nghiệp phải giữ vai trò then chốt trong công cuộc giảm đói nghèo và kích thích sự tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể đạt được nhờ tăng sản lượng nông nghiệp dựa trên việc áp dụng công nghệ, các chính sách của chính phủ, thúc đẩy kinh tế thị trường, các dự án phát triển nông nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân. (Theo Todaro và Smith, 2006: 423).
Ấn Độ đã trải qua cuộc Cách mạng Xanh vào những năm 1960. Cuộc cách mạng xanh dựa vào sự phát triển công nghệ trong nông nghiệp, bao gồm tăng sản lượng cây trồng, đặc biệt là các cây trồng có sản lượng cao. Các loại giống mới ban đầu được phát triển tại Trung tâm Quốc tế cải thiện giống ngô và lúa mì tại Mexico và Viện Nghiên cứu quốc tế về lúa tại Phillipines (Khush, 2001, 815). Tổ chức Ford và Chính phủ Ấn Độ đã cộng tác để nhập giống lúa mì mới từ trung tâm này. Các nhà nghiên cứu Ấn Độ cũng bắt nghiên cứu tạo ra giống riêng cho nước, và giống lúa mỳ lần đầu tiên được thử nghiệm tại trường đại học Nông nghiệp Punjab vào năm 1964 và được đem ra trồng vào năm 1966. Đến năm 1968, rất nhiều loại giống lúa, ngô mới được giới thiệu (Murgai, 1999:8). Cuộc Cách mạng Xanh cũng dựa vào sự tăng cường áp dụng công nghệ, như sử dụng rộng rãi các loại phân bón, công nghệ tưới tiêu và máy móc. Thành quả của công nghệ xanh còn nhờ sự phát triển công nghệ tưới tiêu, sử dụng rộng rãi các loại phân bón mới, và các chính sách phát triển nông nghiệp của Chính phủ (Khush, 1999: 646)
Biểu đồ 1: Năng suất lúa mì trên mỗi hecta (kg): 1952-2010
Số liệu sử dụng trong biểu đồ được lấy từ Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (2010)
Các giống cây trồng mới được đưa vào áp dụng trong cuộc Cách mạng Xanh có chiều cao giảm, giúp giảm thiểu lãng phí. Giống mới cũng thích ứng tốt với các loại phân bón, có thể trồng ở bất cứ thời điểm nào trong năm và phát triển nhanh hơn. Chúng cũng có sức kháng lại sâu bệnh tốt hơn, thích ứng hơn với sự thay đổi thời tiết, có khả năng chịu lũ lụt và hạn hán hơn. Ở Ấn Độ, các loại lúa và lúa mì tốt được sử dụng từ năm 1966 tới 1974, ngay lập tức tạo ra năng suất cao hơn. Sau đó, từ năm 1975 tới 1985, sản lượng được nâng cao cùng với sự sử dụng rộng rãi phân bón và vốn đầu tư, sau đó, từ năm 1986 tới 1994, người nông dân đã sử dụng rất nhiều công nghệ mới (Murgai et al.,2001: 201).
Nhờ áp dụng rộng rãi công nghệ xanh, nạn đói và các cuộc tranh chấp kinh tế ở nhiều nước được ngăn chặn, trong đó có Ấn Độ (Khush, 1999: 646). Giữa năm 1966 và 1990, dân số ở các nước đông dân thu nhập thấp tăng 80%, nhưng sản xuất lương thực tăng gấp đôi nhờ thành công của cuộc Cách mạng Xanh. Vào năm 1997, tỷ trọng lương thực trên đầu người tăng 18% so với năm 1966 (Khush, 1999: 646). Năng suất lúa mì trên mỗi hecta hầu như tăng liên tục từ 1952 tới nay (xem biểu đồ 1). Trong giai đoạn 1965-1990, tỷ lệ calorie của gạo tăng từ 89% lên 94% (Khush, 1999: 649). Mặc dù con số đó vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng, nhưng dù sao, đó cũng đã là sự cải thiện lớn. Trên toàn thế giới, giá lúa gạo, lúa mì, ngô giảm trong giai đoạn từ những năm 1960 tới 1990, trong khi việc sản xuất lại tăng lên (biểu đồ 2). Ngày nay, GDP của Ấn Độ tăng hơn 7% mỗi năm, và tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều tăng trưởng tốt, và tăng trưởng ngành nông nghiệp được báo cáo là 6% trong năm 2005-2006 (Kinh tế Ấn Độ, 2010).
Những người đề xướng Cách mạng Xanh cho rằng, giảm thiểu nạn đói là cách duy nhất để giảm đói nghèo, và Cách mạng Xanh đã tạo ra sản lượng lương thực cao hơn, tạo ra nhiều thu nhập hơn cho nông dân, giảm đói nghèo.
Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm nghi ngờ ảnh hưởng lâu dài và quan trọng của Cách mạng Xanh đến sản lượng nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế Ấn Độ. Để phân tích ảnh hưởng của Cách mạng Xanh, tôi xin phân tích mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên phát triển công nghệ và dẫn chứng minh họa cho mô hình phát triển này.
Biểu đồ 2: Ảnh hưởng của cách mạng xanh
Nguồn: Khush (2011)
Giả thuyết về phát triển công nghệ của Paul Romer
Trong lịch sử, công nghệ mới cùng với những thay đổi về xã hội và chính trị đã và đang ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế ở nhiều nước. Paul Romer coi công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Theo hai ông Hayami và Rutton, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, có ba yếu tố dẫn đến sự khác nhau trong sản lượng: (1) nguồn tài nguyên, (2) công nghệ là hiện thân của vốn cố định, và (3) nguồn nhân lực, bao gồm giáo dục, kỹ thuật, hiểu biết và khả năng của dân số đất nước (1970: 895). Paul Romer cho rằng, trong tất cả các yếu tố đó, công nghệ là yếu tố quyết định quan trọng hàng đầu. Nguồn nhân lực, ở dạng nghiên cứu và giáo dục là quan trọng cho sự phát triển của công nghệ. Có hai loại thay đổi công nghệ trong Cách mạng Xanh là: công nghệ tiết kiệm đất và công nghệ tiết kiệm nguồn lao động, áp dụng giống mới, sử dụng rộng rãi các loại phân bón và thuốc trừ sâu (Ruttan, 2002: 163). Thuyết mà tôi nêu ra đây sẽ minh chứng: thay đổi trong công nghệ, một phần của cuộc Cách mạng Xanh sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng sản lượng lương thực và tăng trưởng kinh tế Ấn Độ. (Xem tiếp phần 2)
* Alyssa Panning, Học viện Nghiên cứu quốc tế Josef Korbel, 2201 South Gaylord St. Denver, CO 80208, Email: alyssa.panning@gmail.com
** Tiến sĩ Kishore G.Kulkarni, chuyên gia biên tập và kinh tế, Thời báo kinh tế và thương mại Ấn Độ, CB 77, P.O Box 173362, giảng viên Đại học quận Denver, Denver, CO, 80217-3362, Email: kulkarnk@mscd.edu
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục