Công nghệ cho sự phát triển: Cuộc Cách mạng Xanh ở Ấn Độ (Phần 3)
Cuộc “Cách mạng Xanh” vào những năm 1960 dựa trên nền tảng công nghệ đã làm tăng sản lượng lương thực của Ấn Độ nhờ tạo ra các giống cây trồng mới năng suất cao, sử dụng rộng rãi phân bón và máy móc, cải cách ruộng đất và hệ thống thuỷ nông. Bài viết này cho rằng, chính công nghệ đã thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, dẫn tới cuộc “Cách mạng Xanh” trong nông nghiệp ở Ấn Độ. Romer cho rằng, chính giáo dục, các nghiên cứu và phát triển cũng là yếu tố quan trọng để công nghệ được áp dụng một cách thành công. Ngày nay, hơn 50% dân số Ấn Độ làm trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 17% GDP. Điều này đã chỉ ra rằng, cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp không tạo ra thay đổi về cơ cấu ngành trong kinh tế Ấn Độ như một số người ảo tưởng. Mặc dù có những mặt tiêu cực, nhưng cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp đã giúp tăng sản lượng thu hoạch.
Alyssa Panning*
Kishore G. Kulkarni**
Nhiều người đồng tình với thuyết của Romer rằng, nông nghiệp và công nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ, liên quan đến nhau, bất cứ sự biến đổi nào trong công nghệ cũng có ảnh hưởng tới cả hai ngành. Sau cuộc cách mạng công nghiệp, người nông dân phụ thuộc nhiều hơn vào sản xuất và đầu vào thị trường, gắn nông nghiệp với công nghiệp và kinh tế toàn cầu (Ninan và Chandrashekar, 1993: A-5). Công nghệ được triển khai từ lĩnh vực công nghiệp sang lĩnh vực nông nghiệp, vì thế cần phải có đầu vào công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp để tăng sản lượng sản xuất nông nghiệp, bao gồm phân bón và máy móc tốt hơn (Rao và Deshpande, 1986: A-101). Rao cũng nhận thấy rằng, việc nông nghiệp và công nghiệp sử dụng chung nguồn lực đầu vào ngày càng tăng lên từ 1,4% năm 1951 tới 38% năm 1980 (1983: 51). Điều này nhấn mạnh hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 1950-1980 có thể là do sự chậm tiến trong công nghiệp, công nghệ công nghiệp đã không theo kịp công nghệ nông nghiệp. Giá đầu vào của ngành công nghiệp và nông nghiệp trong giai đoạn này cũng tăng lên bởi thiếu tính hiệu quả, quy mô nhỏ, hiện đại hóa các đầu vào sản xuất (Rao và Deshpande, 1986: A-107). Bất cứ một sự thay đổi nào trong nông nghiệp hay công nghiệp đều có ảnh hưởng tới lĩnh vực còn lại.
Theo quan điểm của Hayami và Rutton, khi thặng dư xuất hiện nhờ cải tiến công nghệ, thặng dư đó cần quay trở lại hỗ trợ vốn cho công nghiệp để công nghiệp được phát triển và cải tiến, dẫn đến mối liên hệ khăng khít giữa công nghiệp và nông nghiệp. Khi nông nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng sẽ dẫn đến tăng lực công nghiệp, và dẫn tới sự thay đổi cơ cấu ngành. Nếu thành công, những nỗ lực trên sẽ dẫn đến tăng nhanh lực lượng lao động ngoài nhóm nông nghiệp, và cho phép giảm thiểu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, và tăng năng suất lao động giống như các nước phát triển (Hayami và Rutton, 1990: 908).
Chính sách của Chính phủ
Như ông Romer dự đoán, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Xanh. Chính phủ hỗ trợ giá phân bón, thuốc trừ sâu, hệ thống tưới tiêu và cả việc bán lương thực. Trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Xanh, Ấn Độ hỗ trợ 100% giá lúa mì (Paddock, 1970: 898). Chính phủ đầu tư hàng loạt vào hệ thống thủy nông, và hệ thống điện ở khu vực nông thôn. Hệ thống đường xá được mở rộng, các tổ chức tín dụng nông thôn được hình thành (Vaidyanatha, 2000: 1735). Tuy nhiên, hầu như chỉ có những người nông dân có quy mô lớn được hưởng lợi từ các chính sách này, và việc sử dụng công nghệ thì không công bằng (Dhanagare, 1987: AN-137).
Một lý do khác giải thích cho sự lan rộng của công nghệ ở Ấn Độ là hệ thống liên lạc. Những làng ở gần hệ thống đường chính được tiếp nhận công nghệ nhanh hơn (Wilbanks, 1972: 427). Cuộc cách mạng công nghệ xanh diễn ra trước thời điểm xuất hiện của điện thoại và Internet, và một trong những cách liên lạc tốt nhất là là giao tiếp gặp mặt trực tiếp. Một số nông trang có quy mô lớn đã chủ động tiếp cận thông tin về công nghệ mới, và nhanh chóng áp dụng. Một số nông dân khác có nông trang quy mô lớn được các tổ chức nông nghiệp đến thăm và giới thiệu về công nghệ mới (Feder và Slade, 1994: 318-319). Công nghệ của Cách mạng Xanh được hưởng ứng trên toàn quốc, và thông tin về cách áp dụng công nghệ nhanh chóng lan tỏa khắp nước.
Những ý kiến đối lập với giả thuyết của Romer
Rất khó để khẳng định rằng, cuộc Cách mạng Xanh ở Ấn Độ không đóng góp vào việc tăng sản lượng ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sự thay đổi công nghệ ở dạng Cách mạng Xanh không tạo ra tăng trưởng bền vững như mong đợi. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục có những vấn đề về thiếu bền vững, bất bình đẳng trong tăng trưởng kinh tế, phá hủy môi trường và có thể không hiệu quả trong tương lai. Thêm vào đó, mặc dù sản lượng lương thực tăng lên nhưng vẫn có nhiều người dân Ấn Độ chết vì đói. Theo thời báo Times của Ấn Độ, kém dinh dưỡng chiếm 50% tỷ lệ tử vong ở trẻ em, và 1/3 người lớn bị coi là thiếu cân. 43% trẻ em ở Ấn Độ bị thiếu cân, Ấn Độ đứng thứ 94 trong tổng số 119 nước trong bảng xếp hạng chỉ số nạn đói toàn cầu (Sinha, 2009). Tuy nhiên, trong hàng loạt những ảnh hưởng xấu đó, có rất nhiều ảnh hưởng xấu đã không phải do cuộc Cách mạng Xanh gây ra. Những ảnh hưởng đó do nhầm lẫn trong quá trình sử dụng công nghệ của những người nông dân, và chính sách hỗ trợ phân bón không đồng đều của Chính phủ.
Sau cuộc Cách mạng Xanh và tăng cường đầu vào sản xuất, nhiều học giả cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp dao động trong những năm 1970 và 1980. Kurien viết rằng, sự bất ổn trong lĩnh vực nông nghiệp là một căn bệnh kinh niên, đó không phải là một thứ mà tự nó có thể thay đổi theo thời tiết (1989: 787-188). Kurien cho là sự trì trệ này dẫn tới giảm sức lan rộng của các mùa vụ bội thu và giảm đáng kể việc sử dụng phân bón và hệ thống tưới tiêu. Đó là điều mà Kolanu và Kumar hoàn toàn không đồng tình vì họ nhận thấy lượng phân bón sử dụng trong thời gian trên tăng lên (Biểu đồ 3). Tỷ trọng NDP của ngành nông nghiệp giảm mạnh. Năm 1961, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 49%, năm 1981, chiếm 36%, năm 1987 33,2%, và 2012 là 17,5% (Rao, 1983: 39, Kurien, 1989: 788 và CIA, 2012). Những ý kiến phản đối cho rằng, đó là một phần trong việc chuyển đổi cơ cấu ngành, và nó hỗ trợ cho sự phát triển, khi công nghệ được cải tiến, năng suất tăng lên, nền kinh tế có thể dựa trên nhiều lĩnh vực khác nữa. Tuy nhiên, lại không có sự suy giảm về lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (Kurien, 1989: 788). Tỷ trọng dân số trong lĩnh vực nông nghiệp thực sự tăng từ 69.1% năm 1951 lên 70.4% năm 1971, trong suốt giữa giai đoạn cách mạng xanh (Rao, 1983: 52). Có sự chuyển đổi trong cơ cấu ngành vào những năm 1970, nhưng hiện nay một nửa dân số Ấn Độ vẫn sống bằng nghề nông nghiệp (CIA, 2010). Điều đó cho thấy rằng, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả.
Biểu đồ 3 : Tăng cường sử dụng phân bón
Nguồn: Kolanu và Kumar (2003)
Mặc dù Cách mạng Xanh đạt được một số thành tựu nhất định, Ninan và Chandrashekar cho rằng, sự bất ổn định trong sản lượng cũng ngày một tăng lên trừ lúa mì do có một số lý do. Sản xuất mùa vụ đã làm giảm tốc độ tăng trưởng dài hạn. Trước đây, người nông dân giảm thiểu rủi ro bằng cách trồng nhiều loại cây lương thực một lúc, để phòng trường hợp loại cây này mất mùa thì còn có loại cây khác được mùa. Tuy nhiên, nhờ sự thành công của một vài mùa vụ trong thời gian Cách mạng Xanh, họ chuyển hết sang trồng một loại cây độc quyền. Điều đó ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế của người nông dân trong trường hợp mùa vụ của họ không đạt năng suất như ý muốn (Ninan và Chandrashekar, 1993: A-4). Trước đây, chất ni tơ hỗ trợ cho các mùa vụ, giúp đất màu mỡ, nhưng sau Cách mạng Xanh, loại này gần như bị lãng quên, khiến cho đất ngày một xấu đi. Các gói hỗ trợ lừa đảo người nông dân trong việc tăng cường sử dụng nhiều hơn đầu vào trồng trọt như nước và phân bón. Điều này dẫn tới những ảnh hưởng xấu như xói mòn đất, và sự phụ thuộc quá nhiều vào giá do Chính phủ đưa ra (Ninan và Chandrashekar, 1993: A -5).
Cuộc Cách mạng Xanh dẫn đến những thay đổi về giá. Giá cày cấy tăng lên cao kể từ khi có cuộc Cách mạng Xanh. Ninan và Chandrashekar so sánh tỷ lệ đầu vào và nguồn thu đầu ra giữa các mùa vụ khác nhau và giữa các vùng khác nhau từ 1955 tới 1989. Tỷ lệ này tăng lên ở hầu hết các vùng cho lúa gạo và lúa mì. Chi phí cho vấn đề ô nhiễm môi trường canh tác cũng tăng lên so với giai đoạn trước. Việc duy trì một loại giống cây trồng dễ khiến cho các loại sâu bọ phá hoại mùa màng có thể kháng lại thuốc. Đất cũng bị suy thoái bởi sử dụng quá nhiều phân bón (biểu đồ 2). Điều đó có nghĩa là nông nghiệp ở Ấn Độ đang ngày càng kém hiệu quả và chi phí ngày càng tốn kém. Thặng dư ngày càng ít hơn cho những dự án đầu tư phát triển nông nghiệp trong tương lai (Ninan và Chandrashekar, 1993: A-6). Lương trả cho công nhân làm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng lên, tăng 89% từ năm 1961 tới 1968, trong khi đó giá lại tăng 93% trong cùng giai đoạn đó (Dhanagare, 1987: AN-137). Điều đó có nghĩa là Cách mạng Xanh đã dẫn đến hệ quả: Mức tăng giá cả còn lớn hơn cả mức tăng lương, và ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân nghèo.
Biểu đồ 4: Năng suất tăng trưởng trung bình trên mỗi hecta
Nguồn: biểu đồ được lập dựa trên số liệu từ Ngân hàng dự trữ Ấn Độ ( 2010) tới giá trị tăng trưởng hàng năm. Giá trị tăng trưởng trung bình được thể hiện qua 4 giai đoạn.
Không chỉ tăng chi phí, tính bền vững của Cách mạng Xanh cũng bị đặt ra rất nhiều câu hỏi. Chúng ta sẽ minh chứng bằng việc chia Cách mạng Xanh thành 3 giai đoạn để phân tích năng suất trên mỗi hecta: (1) trước Cách mạng Xanh: 1950-1965, (2) bắt đầu giai đoạn Cách mạng Xanh: 1966-1974, giai đoạn tăng cường sử dụng đầu vào: 1975-1985, (3) giai đoạn sau Cách mạng Xanh: từ 1986 trở đi. Bằng việc sử dụng số liệu về năng suất từ Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, năng suất tăng mạnh trong giai đoạn bắt đầu và giai đoạn tăng cường sử dụng đầu vào, sau đó giảm dần ở giai đoạn sau Cách mạng Xanh (Biểu đồ 4). Điều đó có nghĩa là: công nghệ được giới thiệu trong Cách mạng Xanh là không bền vững, mặc dù việc sản xuất vẫn tiếp tục tăng lên. Sản xuất lúa gạo đã theo kịp tốc độ tăng dân số, nhưng chưa hoàn toàn thỏa mãn. Ở Ấn Độ, sản lượng lương thực tăng 2,6% giữa năm 1955 và 1989, trong khi dân số tăng 2,2%, và nhu cầu tăng 3% trong giai đoạn đó (Ninan và Chandrashekar, 1993:a-3). Nhu cầu lương thực tăng bởi người dân Ấn Độ ăn nhiều hơn ngày trước, và động vật cũng ngày càng ăn nhiều lúa gạo hơn. Có nghĩa là tốc độ phát triển công nghệ không theo kịp nhu cầu lương thực của người dân Ấn Độ. (Xem tiếp phần 4)
* Alyssa Panning, Học viện Nghiên cứu quốc tế Josef Korbel, 2201 South Gaylord St. Denver, CO 80208, Email: alyssa.panning@gmail.com
** Tiến sĩ Kishore G.Kulkarni, chuyên gia biên tập và kinh tế, Thời báo kinh tế và thương mại Ấn Độ, CB 77, P.O Box 173362, giảng viên Đại học quận Denver, Denver, CO, 80217-3362, Email: kulkarnk@mscd.edu
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục