Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Công nghệ cho sự phát triển: Cuộc Cách mạng Xanh ở Ấn Độ (Phần 5)

Công nghệ cho sự phát triển: Cuộc Cách mạng Xanh ở Ấn Độ (Phần 5)

Cuộc “Cách mạng Xanh” vào những năm 1960 dựa trên nền tảng công nghệ đã làm tăng sản lượng lương thực của Ấn Độ nhờ tạo ra các giống cây trồng mới năng suất cao, sử dụng rộng rãi phân bón và máy móc, cải cách ruộng đất và hệ thống thuỷ nông. Bài viết này cho rằng, chính công nghệ đã thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, dẫn tới cuộc “Cách mạng Xanh” trong nông nghiệp ở Ấn Độ. Romer cho rằng, chính giáo dục, các nghiên cứu và phát triển cũng là yếu tố quan trọng để công nghệ được áp dụng một cách thành công. Ngày nay, hơn 50% dân số Ấn Độ làm trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 17% GDP. Điều này đã chỉ ra rằng, cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp không tạo ra thay đổi về cơ cấu ngành trong kinh tế Ấn Độ như một số người ảo tưởng. Mặc dù có những mặt tiêu cực, nhưng cuộc Cách mạng Xanh trong nông nghiệp đã giúp tăng sản lượng thu hoạch.

05:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 4)

Alyssa Panning*

Kishore G. Kulkarni**

Kết luận

Một số học giả đồng ý rằng, Cách mạng Xanh làm giảm dần nguồn thu của ngành nông nghiệp. Nông nghiệp phụ thuộc vào các nguồn lực khan hiếm, giá của các yếu tố đầu vào tăng mạnh hơn mức tăng của giá cả lương thực (Ninan và Chandrashekar, 1993: A-6). Tuy nhiên, những vấn đề này không phải là hệ quả của riêng thay đổi công nghệ mà còn do sự bất hợp lý trong việc huấn luyện kỹ năng cho người dân, trong sử dụng hệ thống tưới tiêu và phân bổ nguồn lực. Ví dụ, các yếu tố đầu vào như phân bón đã được sử dụng quá mức vì đây là phân bón được hỗ trợ từ Chính phủ. Chính việc sử dụng quá mức đã dẫn đến tàn phá môi trường chứ không phải do bản thân công nghệ. Nếu người dân có thể sử dụng hệ thống thủy nông hợp lý, sử dụng lượng phân bón hợp lý, có kiến thức và khả năng áp dụng công nghệ của Cách mạng Xanh thì nhiều tác động xấu sẽ được hạn chế. Vì thế, công nghệ bản thân nó tương đối thành công trong Cách mạng Xanh, giúp tăng sản lượng. Chính các yếu tố bên ngoài chứ không phải bản thân công nghệ đã khiến cho năng suất giảm, gia tăng sự bất ổn và bất bình đẳng. Trong phân tích, phân định rạch ròi giữa công nghệ và các tác động xấu của nó rất quan trọng. Trong suốt giai đoạn Cách mạng Xanh, từ 1965 tới 1985, GDP bình quân đầu người tăng từ 121USD lên 301USD. Sau đó giảm từ năm 1985, đến khoảng năm 1992 nhờ sản xuất tăng trong Cách mạng Xanh, GDP ở Ấn Độ tăng nhanh hơn trước rất nhiều. GDP trên đầu người tăng từ 278USD năm 1992 lên 1.046USD năm 2007 (theo Ngân hàng Thế giới, 2010). Kể từ năm 1997, GDP tăng bình quân mỗi năm 7% (CIA, 2007) và tăng 8,7% giai đoạn 2007-2008 (Kinh tế Ấn Độ, 2010). Thời gian gần đây, lĩnh vực nông nghiệp cũng đã và đang phát triển, tốc độ tăng trưởng năm 2003-2004 đạt 10% một năm, năm 2005-2006 đạt 6% (Kinh tế Ấn Độ, 2010). Ông Rao cho biết, vào năm 1983, tốc độ tăng trưởng quốc gia không chỉ dựa vào tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn dựa vào sự hài hòa với tăng trưởng ở các lĩnh vực khác nữa trong nền kinh tế (1983: A-106). Những tiên đoán của ông Rao đã được minh chứng bởi hiện nay kinh tế Ấn Độ đang tiến triển tốt. Những đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp ở giai đoạn Cách mạng Xanh đến nay vẫn còn được áp dụng, giúp nâng cao hiểu biết của người dân, sử dụng nhiều hơn các yếu tố đầu vào hiện đại, thắt chặt hơn mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp. Điều đó một lần nữa khẳng định thuyết của ông Paul Romer có thể được áp dụng trong công nghệ Cách mạng Xanh.

Mặc dù đạt được tăng trưởng trong nông nghiệp nhưng chính sách của Chính phủ trong thời gian gần đây đã tác động xấu làm giảm lợi ích của người dân, hạn chế ảnh hưởng tốt của công nghệ cách mạng xanh. Chính phủ giới hạn mức bán ra lương thực trong nước và trên thị trường quốc tế khiến cho giá lương thực giảm mạnh. Giá lương thực trong nước thấp hơn nhiều so với giá lương thực của các nước khác. Đồng thời cũng thấp hơn so với chi phí sản xuất lương thực (Vaidyanatha, 2000: 1735). Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách có thành kiến với nông nghiệp bởi họ muốn bảo vệ ngành công nghiệp. Và hệ quả là người dân không có động lực đầu tư và cải tiến công nghệ cũng như mở rộng sản xuất. Tự do hóa thương mại sẽ giúp tăng lợi nhuận cho người dân. Giao lưu thương mại với các nước khác trên thế giới giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, kích thích đầu tư, cải tiến công nghệ thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn (Vaidyanatha, 2000:1735). Nếu Ấn Độ muốn phát huy hết tác dụng của Cách mạng Xanh thì trước hết cần phải giải quyết tốt những vấn đề này.

Mặc dù ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển, nhưng tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng kinh tế quốc gia nói chung chủ yếu lại dựa vào tăng trưởng ngành dịch vụ, viễn thông và công nghệ. Năm 1991, Ấn Độ tiến hành đổi mới kinh tế, trong đó có rất nhiều biện pháp như bỏ quy định khắt khe trên thị trường, khuyến khích kinh tế cá thể, tự do hóa thương mại, bãi bỏ luật khắt khe về đầu tư, cơ cấu lại ngành tài chính và hệ thống thuế (Kinh tế Ấn Độ, 2010). Điều đó giúp mở rộng các ngành công nghiệp mới trong đó có ngành viễn thông sinh lợi. Lĩnh vực công nghiệp cũng được phát triển, năm 2004-2005 tốc độ tăng trưởng đạt 9,8% (Kinh tế Ấn Độ, 2010). Mặc dù đã có những thành tựu nhất định trong ngành nông nghiệp, nhưng nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong những thập kỷ qua chủ yếu dựa vào tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp.

Cho dù có ảnh hưởng tới nền kinh tế như thế nào đi chăng nữa thì cũng phải thừa nhận rằng, công nghệ đã cứu nhiều người khỏi cái đói và cái chết. Cách mạng Xanh giúp tăng sản lượng lương thực, giảm đói nghèo ở Ấn Độ. Mối quan hệ giữa mức độ sản xuất nông nghiệp và tỷ lệ dân số dưới đường chuẩn nghèo ở Ấn Độ là mối quan hệ nghịch đảo (Rao và Deshpande, 1986: A-106). Tác động của sản lượng nông nghiệp trong việc giảm tỷ lệ nghèo đói là rất khả quan. Tỷ lệ đói nghèo ở Hargana và Punjab là thấp nhất kể từ khi áp dụng công nghệ cách mạng xanh. Nếu công nghệ của cách mạng xanh giúp giảm đói nghèo như thế thì tác động của nó lên nền kinh tế là vấn đề không cần phải bàn cãi.

Có nhiều bài học được rút ra từ công nghệ trong cách mạng xanh và sự phát triển bền vững trong tương lai. Ấn Độ phải giảm rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp mà không làm ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành, đảm bảo luân canh tăng vụ, và đa dạng hóa nền kinh tế, xây dựng nhiều hơn cơ sở vật chất, tiến hành ổn định chính sách kinh tế như bảo hiểm mùa vụ, hỗ trợ giá cả cho người dân (Ninan và Chandrashekar, 1993: A-7). Hệ thống thủy nông cũng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, và hệ thống này cần được mở rộng với chi phí thấp cho người dân Ấn Độ. Cần phải sử dụng nguồn lực vốn có trong mỗi vùng để giảm thiểu tối đa chi phí. Người nông dân có thể kết hợp với các biện pháp truyền thống như dùng cây họ đậu và phân bón thực vật để thay thế loại phân bón mới. Nhiều nông dân Ấn Độ đang chuyển theo xu hướng nông nghiệp sinh thái, bao gồm đa dạng hóa mùa vụ, sử dụng phân động vật, tro, tảo xanh, phân bón sinh học, sử dụng các biện pháp truyền thống để kiểm soát côn trùng gây hại như tỏi và hạt tiêu. Để phát triển nông nghiệp bền vững, cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ mới và các biện pháp truyền thống hữu hiệu. Thách thức hiện nay là cải tạo biện pháp truyền thống dựa trên sự hỗ trợ của kiến thức khoa học hiện đại bởi một số biện pháp này thực sự là công nghệ giảm chi phí hiệu quả.

Tiếp theo cuộc Cách mạng Xanh lần thứ nhất là Cách mạng Xanh lần thứ hai. Đói nghèo chưa được tiêu diệt tận gốc, trong khi dân số tiếp tục tăng lên, do đó nông nghiệp cần có một cuộc thay đổi lần thứ hai. Nhiều doanh nghiệp công nghệ sinh học đã tạo ra được giống cây trồng biến đổi gen. Cây trồng chứa gen đó sẽ tạo ra nhiều chất dinh dưỡng hơn. Điều đó sẽ giúp giảm đói nghèo. Một số cây bản thân chúng có thể giữ lại ni-tơ, tiết ra độc tố để tiêu diệt côn trùng gây bệnh, giảm nhu cầu sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu (Sanha, 1998: 195). Tuy nhiên, cũng có nhiều nghi ngờ về khả năng hạn chế đói nghèo của những giống cây biến đổi gen này. Cách mạng Xanh, với khẩu hiệu tiêu diệt nạn đói nhờ vào những giống cây trồng kỳ diệu chính là cuộc Cách mạng Xanh lần thứ hai. Tuy nhiên, năm 2002, Hoa Kỳ, sau khi sử dụng loại cây trồng biến đổi gen cho sản lượng trung bình mỗi hecta là 6.841 kg, trong khi Ấn Độ sử dụng loại cây trồng cũ có sản lượng 2.390 kg.

Công nghệ xanh giúp tăng sản lượng, giảm đói nghèo, tuy nhiên, công nghệ cũng có ảnh hưởng không tốt dẫn đến bất công bằng, duy trì hệ thống kinh tế, xã hội phức tạp. Cách mạng Xanh phá hủy môi trường, dẫn đến bất ổn định trong tương lai. Ấn Độ với một dân số đông và tăng liên tục đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn lương thực không ổn định. Dân số Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng lên, điều đó có nghĩa là Ấn Độ cần có các tiến bộ công nghệ để đáp ứng kịp thời nhu cầu lương thực đang ngày một gia tăng và tránh nạn đói nghèo.

* Alyssa Panning, Học viện Nghiên cứu quốc tế Josef Korbel, 2201 South Gaylord St. Denver, CO 80208, Email: alyssa.panning@gmail.com

** Tiến sĩ Kishore G.Kulkarni, chuyên gia biên tập và kinh tế, Thời báo kinh tế và thương mại Ấn Độ, CB 77, P.O Box 173362, giảng viên Đại học quận Denver, Denver, CO, 80217-3362, Email: kulkarnk@mscd.edu

Tài liệu tham khảo xem file đính kèm

Nguồn:

Cùng chuyên mục