Cục diện chính trị và kinh tế châu Á hiện nay
Trong khuôn khổ Chương trình nói chuyện của những nhân vật kiệt xuất Ấn Độ - ASEAN (ASEAN-India Eminent Person’s Lecture Series), theo lời mời của Tổ chức Thông tin và Nghiên cứu về các nước đang phát triển (Research and Information System for Developing Coutries), ngày 13/08/2014, tại Trung tâm Rabindranath Tagore thuộc Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ, thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đã có buổi nói chuyện với các học giả, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ với chủ đề “Cục diện chính trị và kinh tế mới ở châu Á”. Bài nói chuyện đã được dư luận Ấn Độ và quốc tế đánh giá cao.
Cục diện chính trị và kinh tế châu Á hiện nay*
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng**
Thưa ngài Shri Salman, Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ!
Thưa các quý vị và các bạn!
Tôi xúc động khi bước vào khán phòng này. Đây là lần đầu tiên tôi thực sự đến Kolkata cho dù đã 7 lần tôi đi ngang qua đây hơn 20 năm trước, trên đường sang Moscow làm nghiên cứu sinh ở Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga. Tôi xúc động vì trong thành phố Kolkata rộng lớn, chúng tôi đã đến được những địa danh mang nhiều ký ức gắn với cuộc đời của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Năm 1911, Người đã đến đây trên con đường tìm đường cứu nước. Năm 1946, Người trở lại nơi này với tư cách là Nguyên thủ của một quốc gia mới giành được độc lập. Năm 1958, Người đến thăm Kolkata trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, đang trong thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước.
Cách đây hơn một tiếng đồng hồ, tôi có cuộc gặp với Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam trong không khí ấm áp tình bạn bè. Tôi hiểu, Ấn Độ nói chung và người dân Kolkata nói riêng, luôn dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt và sâu sắc. Thêm nữa, đến với khán phòng này, tôi lại được đặt chân trên con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đối với tôi là vô cùng có ý nghĩa; tôi cảm nhận được tình cảm gần gũi của các bạn. Chúng ta có thể chia sẻ được với nhau trên nhiều quan điểm, về thế giới, về khu vực và về quan hệ đối tác Việt Nam - Ấn Độ vì sự phát triển của mỗi nước và của cộng đồng thế giới.
Bài nói chuyện của tôi hôm nay bắt đầu từ cảm nhận cách đây 20 năm, khi tôi làm việc tại Viện Kinh tế thế giới, một trong những viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Lúc đó, tôi đã thấy rất thú vị với mô hình phát triển của Ấn Độ, đặc biệt là mô hình thay thế nhập khẩu và cuộc Cách mạng Xanh của Ấn Độ. Bước vào thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dường như Ấn Độ đã có sự thay đổi rất ấn tượng. Trong điều kiện lúc đó các bạn còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân chưa cao, người nghèo (tính theo mức thu nhập 2 USD/người) còn chiếm tỉ lệ lớn trong dân cư, nhưng các bạn đã không phát triển tuần tự theo con đường mà các nước khác đã đi. Các bạn lựa chọn phát triển theo hướng thích ứng với yêu cầu của toàn cầu hóa, phát huy lợi thế so sánh của Ấn Độ, đặt ra cho mình những ưu tiên phát triển đột phá. Tôi biết, từ đó nhiều ngành công nghệ, kỹ thuật mới đã ra đời ở Ấn Độ.
Ngay từ năm 1995, ngành công nghệ thông tin (IT) của Ấn Độ đã xuất khẩu được 50 tỷ USD và điều này cho thấy, việc sớm chú ý để phát triển IT là sáng suốt đến chừng nào. Cùng với phát triển IT, Ấn Độ đã trở thành Trung tâm xử lý dữ liệu của thế giới, và được coi là “văn phòng” của thế giới. Sự phát triển của Bangalore, Mumbai, Kolkata và rất nhiều thành phố khác ở Ấn Độ cho thấy điều này. Ấn Độ cũng là một nước có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển, đáp ứng nhu cầu trong nước và nhu cầu của nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Ngành công nghiệp giải trí của Ấn Độ khá nổi tiếng. Bollywood hiện nay là một trong những trung tâm sản xuất điện ảnh lớn và người dân Việt Nam được xem rất nhiều phim hay của Ấn Độ.
Tôi điểm một vài nội dung như vậy để muốn nói rằng, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, với những tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ mới, tư duy tiếp cận đổi mới, việc lựa chọn phương thức phát triển hợp lý và thông minh sẽ quyết định sự thành bại của các quốc gia.
Tôi muốn nói đôi chút về Việt Nam. Năm 1975, Việt Nam thống nhất đất nước. Lúc đó, nền kinh tế Việt Nam phát triển theo mô hình kế hoạch hóa tập trung. Hệ quả là, đất nước chúng tôi dù có rất nhiều tiềm năng về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và con người nhưng vẫn không phát triển được. Thời kỳ đó, nạn thiếu lương thực kéo dài nhiều năm ở Việt Nam. Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu đổi mới, thay đổi tư duy phát triển theo hướng chuyển sang nền kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Chúng tôi coi kinh tế thị trường là sản phẩm văn minh của nhân loại và hiểu rằng, mọi quốc gia, mọi chế độ chính trị đều có thể sử dụng kinh tế thị trường để thực hiện các mục tiêu của mình.
Kinh tế thị trường của chúng tôi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng vào con người, vì con người, và đó chính là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội để xây dựng một đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” Chúng tôi sử dụng cơ chế thị trường để huy động và phân bổ nguồn lực; coi thị trường Việt Nam là một phần của thị trường thế giới. Kể từ chính sách đầu tiên là khoán sản phẩm trong nông nghiệp, đến nay, Việt Nam đã trở thành là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới; Việt Nam đã trở thành thành viên của ASEAN, WTO, nhiều định chế toàn cầu, khu vực và mở rộng quan hệ hợp tác song phương.
Như các bạn biết, Việt Nam cũng là một nước được Liên hợp quốc đánh giá là có chính sách giảm nghèo rất ấn tượng. Theo chuẩn nghèo mới thì tỉ lệ nghèo hiện nay ở Việt Nam chỉ còn dưới 10% và Việt Nam đã bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp với GDP bình quân đầu người đạt khoảng vài nghìn USD đầu người năm
Như vậy, trong một thế giới thay đổi rất nhanh thì tư duy phát triển phải bắt kịp với những thay đổi đó. Có lẽ các bạn ngồi đây đều đã đọc tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói”. Tôi đã có dịp gặp một trong hai tác giả của cuốn sách, đó là GS. James Robinson ở Đại học Harvard. Ông cho rằng, mặc dù tài nguyên có vai trò quan trọng cho sự phát triển, nhưng có nhiều quốc gia giàu tài nguyên vẫn nghèo, kể cả đó là những nước sản xuất và xuất khẩu dầu lửa; đồng thời cũng có không ít quốc gia có nền văn hóa lâu đời nhưng vẫn phát triển trì trệ. Tài nguyên văn hóa có vai trò rất quan trọng, song nó sẽ không tự mang lại giá trị đối với phát triển. Cần phải chuyển hóa những giá trị văn hóa đó thành giá trị phát triển. Mọi giới hạn cho sự phát triển đều phụ thuộc vào con người, từ cách thức tổ chức, những nguyên tắc vận hành các định chế cho đến xây dựng cơ chế triển khai những công việc đó. Điều đó cho thấy rằng, vai trò của sự thay đổi thể chế, tư duy và nhận thức luôn là nhân tố quyết định sự thành bại của các quốc gia.
Với tình hình thế giới hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã để lại hệ lụy sâu sắc, có thể so sánh với cuộc khủng hoảng 1929-1933. Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận nó như là một cuộc khủng hoảng chu kỳ thì không thể đánh giá hết ảnh hưởng của nó. Có người đã coi đây là cuộc khủng hoảng về thể chế, khi các quá trình sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng đã vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia, đòi hỏi phải có những định chế quản trị trên phạm vi toàn cầu, nhưng thực tế các quá trình này lại vẫn phải chịu sự chế định của các thể chế quốc gia.
Khủng hoảng đã bộc lộ nhiều vấn đề trong mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Đã có lúc người ta nói về vấn đề thị trường lớn và nhà nước nhỏ, và khi xảy ra sự đổ vỡ của các ngân hàng thì người ta lại nghĩ là vai trò nhà nước phải lớn hơn. Những thay đổi này phải chăng là vì chúng ta chưa có những định chế thật sự có hiệu quả để quản trị các quá trình phát triển. Vì vậy, các hội nghị G7, G20 bàn rất nhiều về đổi mới hệ thống tài chính quốc tế. Sự xoắn kết nhiều hướng, đa chiều, đa dạng phức tạp trong hệ thống kinh tế toàn cầu sẽ yêu cầu các định chế tài chính phải cấu trúc lại. Hiện nay, mỗi ngày, trên mạng tài chính toàn cầu có khoảng 30.000 tỷ USD chu chuyển, nên nếu đổ vỡ một khâu thì nó sẽ tạo ra tác động mang tính chất domino đối với cả hệ thống kinh tế, tài chính toàn cầu.
Thách thức thứ hai cũng rất lớn, có nguyên nhân do con người chứ không phải hoàn toàn thuộc về tự nhiên. Đó là vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam có bờ biển dài hơn 3200km. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam là một trong 15 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng. Chúng tôi hiểu rằng, con người phải tự kiểm soát hành động của mình trong quá trình phát triển để bảo vệ môi trường, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam đã hợp tác với Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, thế giới hiện đang trong một thời kỳ có nhiều bất ổn. Chúng ta luôn mong muốn phải giữ được môi trường hòa bình, hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như các vấn đề của mỗi quốc gia. Nhưng những xung đột liên quan đến tôn giáo, sắc tộc, an ninh, phát triển… đang đặt thế giới trước tình huống khó đoán định. Tình hình nghiêm trọng hơn từ sau sự kiện 11/9 ở Mỹ. Gần đây lại nổi lên vấn đề lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông, các tranh giành tài nguyên chiến lược, đặc biệt là tranh chấp trên biển. Có thể khó xảy ra một cuộc chiến tranh lớn, nhưng tình trạng tranh chấp, xung đột cục bộ, hiện đã không còn đơn lẻ. Đây là thách thức đặt ra cho các thể chế toàn cầu trước yêu cầu giải quyết những vấn đề này.
Trong quan hệ quốc tế, hiện nay người ta nói nhiều đến sự tương đồng về lợi ích mà ít nói về những điểm tương đồng về văn hóa. Vấn đề là các quốc gia phải phối hợp chia sẻ lợi ích, hợp tác vì lợi ích chung, vì sự phát triển của cộng đồng thế giới. Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và cùng với các quốc gia khác phát triển. Trong hội nhập quốc tế, các cuộc thương lượng thường để bàn thảo nhằm đảm bảo lợi ích của các bên và thực hiện được các nguyên tắc của các định chế khu vực và toàn cầu mà nước đó đã ký kết. Rất khó phát triển quan hệ đối ngoại nếu một nước đòi hỏi nước khác phải mở cửa thị trường trong khi mình thực hiện chính sách bảo hộ. Song cũng rất phi lý nếu một nước khi tham gia đàm phán gia nhập các định chế kinh tế quốc tế lại phải thỏa mãn điều kiện của một vài nước đề xuất đàm phán song phương trong khi thật ra họ không hề có quan hệ về thương mại, đầu tư với nước này. Ví dụ, khi Việt Nam tham gia WTO đã phải tiến hành đàm phán song phương với một vài nước không hề có quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam nhưng lại đặt yêu cầu đòi Việt Nam phải đàm phán song phương. Ngoài ra, có một thực tế nữa là có nước đã sử dụng các xung đột gây căng thẳng với bên ngoài để hướng dư luận trong nước ra ngoài, tập trung giải quyết các vấn đề bên trong của họ. (Xem tiếp phần 2)
* Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
** Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục