Cuộc đời và di sản của nhà thơ vĩ đại Rabindranath Tagore
Cuộc đời và di sản của nhà thơ vĩ đại Ấn Độ Rabindranath Tagore, người châu Á đầu tiên được trao giải Nobel văn học, là chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế diễn ra ngày 9/11/2011 tại Hà Nội.
Hội thảo “Cuộc đời và di sản của nhà thơ vĩ đại Rabindranath Tagore” do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của chương trình Tưởng nhớ Tagore (RememberingTagore) do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) phát động và do Ấn Độ chủ trì nhân kỷ niệm 150 năm sinh (1861-2011) của Rabindranath Tagore.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam; Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam - ngài Ranjit Rae; các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Sri Lanka, Thái Lan, Hàn Quốc... và đông đảo độc giả yêu mến tài năng của nhà thơ Rabindranath Tagore.
Tại Hội thảo, các tham luận được trình bày bởi các học giả và chuyên gia về Tagore của Việt Nam, Ấn Độ và một số nước châu Á khác đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau về cuộc đời nhà thơ. Các tham luận tập trung vào một số chủ đề: Tác động của di sản Tagore đến khu vực Đông Nam Á và Đông Á; Các vấn đề chính trị - xã hội của sáng tác của Tagore trong bối cảnh vùng; Tư tưởng của Tagore về cuộc sống cộng đồng truyền thống và tái thiết nông thôn; Giá trị của di sản nghệ thuật (âm nhạc, điêu khắc)... của Tagore.
Rabindranath Tagore (6/5/1861 - 7/8/1941) được trao Giải Nobel Văn học năm 1913 và trở thành người châu Á đầu tiên nhận giải thưởng này. Ở Ấn Độ, ông được gọi là “Thánh sư” với số lượng tác phẩm đồ sộ về thi ca, văn xuôi, triết học, âm nhạc. Bên cạnh đó, Tagore còn viết một số tác phẩm để phục vụ cho phong trào giải phóng Ấn Độ.
Mặc dù thơ chiếm ưu thế trong sự nghiệp của Tagore với hơn 1.000 bài (50 tập thơ), nhưng ông cũng để lại nhiều tiểu thuyết (12 bộ dài và vừa), luận văn, hàng trăm truyện ngắn, kí, kịch (42 vở), 2000 tranh vẽ... Ông cũng là nhà thơ duy nhất trên thế giới sáng tác quốc ca cho 2 đất nước là Ấn Độ và Bangladesh.
Ông được cho là một trong những người con ưu tú nhất, một nghệ sỹ bậc thầy, một nhà nhân đạo cao cả, một triết gia thông thái, một người đấu tranh không mệt mỏi cho cuộc sống hoà bình. Tagore như người mang quà tặng của thượng đế, thể hiện bằng tình yêu và lòng nhân ái cao cả của mình, dâng hiến nhân loại thống khổ một trái tim mẫn cảm và chan chứa tình yêu con người, một điều mà nghệ sỹ vĩ đại của bất cứ thời đại nào cũng khao khát vươn tới.
Tagore đã từng tới Sài Gòn vào năm 1929 khi ông dừng chân trong chuyến du hành quanh thế giới và đã có cuộc giao lưu với nhiều nhà văn hóa và trí thức. Sự đồng cảm của hai dân tộc đang cùng nỗ lực tìm con đường tự giải phóng khỏi sự thống trị của thực dân đã đem lại không khí nồng nhiệt hiếm có cho cuộc chào đón Tagore thời điểm ấy. Những vần thơ của Tagore có nội dung ca ngợi thiên nhiên và cuộc sống cũng không hề xa lạ với độc giả Việt Nam qua các bản dịch của Đỗ Khánh Hoan, Đào Xuân Quý và một số dịch giả khác.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Ấn Độ, ngài Ranjit Rae khẳng định: Ấn Độ và Việt Nam là 2 quốc gia có nhiều điểm chung về văn hóa và truyền thống tinh thần. Nền văn hóa Chămpa vĩ đại ở miền Trung Việt Nam và sự liên kết mạnh mẽ trong Phật giáo đã được tạo nên từ hàng thế kỷ trước. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để phổ biến về những mối liên hệ này. Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố về một dự án 3 triệu đôla Mỹ cho việc khôi phục một vài tháp Chăm ở Mỹ Sơn, một di sản của thế giới được UNESCO công nhận. Chúng ta cũng đang cùng làm việc về một dự án để các học giả Việt Nam và Ấn Độ nghiên cứu về mối liên hệ giữa văn hóa Chăm và Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã công bố việc thành lập Trung tâm văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội với mục tiêu tăng cường hơn nữa các mối quan hệ giữa nhân dân với nhân dân.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục