Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đặc trưng và ảnh hưởng mang tính toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ (Phần 2)

Đặc trưng và ảnh hưởng mang tính toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ (Phần 2)

Ấn Độ là một cường quốc khu vực, họ tạo lập quốc gia và dựng nước bằng chủ nghĩa dân tộc, trong quá trình diễn biến phát triển lâu dài đã hình thành nên ba trường phái đại diện cho lợi ích thượng tầng của Ấn Độ gồm: chủ nghĩa dân tộc thế tục, chủ nghĩa phục hưng dân tộc Ấn Độ giáo, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản dân tộc và phong trào Hồi giáo, đại diện cho lợi ích của người Hồi giáo. Ba trường phái này lần lượt có đặc trưng mang tính chính trị, đặc trưng mang tính chủ đề và đặc trưng mang tính không hài hòa tương đối lớn. Sự mâu thuẫn và đấu tranh lẫn nhau giữa các trường phái này không chỉ mang đến tính không xác định cho sự trỗi dậy và phát triển của Ấn Độ, mà còn gây ảnh hưởng phức tạp và sâu sắc đến tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa thế giới.

05:57 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Đặc trưng và ảnh hưởng mang tính toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ

Zheng Shan*

Sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ và nền chính trị dân chủ phương Tây biểu hiện một cách nổi bật qua thể chế chính trị thực hiện sự cân bằng “tam quyền phân lập”. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và thống lĩnh các lực lượng vũ trang, có quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng những quyền lực này phải dựa vào kiến nghị của Hội đồng Bộ trưởng do Thủ tướng làm trung tâm mới có thể tiến hành, tổng thống, trên thực tế, là biểu trưng cho quyền lực tối cao của nhà nước. Thực quyền nằm trong tay nội các do thủ tướng đứng đầu, mọi quyền lực hiến pháp ban cho tổng thống đều được thủ tướng thực hiện thông qua nội các. Thủ tướng nội các của Ấn Độ là nhân vật trung tâm của đời sống chính trị, thủ tướng thường là thủ lĩnh của chính đảng chiếm đa số trong quốc hội. Hội đồng Bộ trưởng được hình thành từ thủ tướng và các bộ trưởng, các bộ trưởng lại phân chia thành bộ trưởng nội các và bộ trưởng liên bang, Hội đồng Bộ trưởng thực thi quyền lực của chính phủ. Quốc hội phân thành lưỡng viện, viện Liên bang gọi là Thượng viện, viện Nhân dân gọi là Hạ viện. Tòa án tối cao giám sát và khống chế toàn bộ cơ cấu tư pháp.

Nhưng sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ và nền chính trị dân chủ phương Tây lại được xây dựng trên nền tảng địa chính trị Ấn Độ. Kết cấu nhà nước theo thể chế liên bang của Ấn Độ được phân chia thành các khu vực theo các nhân tố áp lực như dân tộc, bộ tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, chủng tính… và các tập đoàn lợi ích, cơ quan hành chính lại phân thành năm cấp gồm: trung ương, bang, huyện, khu và xã, trong đó lãnh thổ liên bang và bang ngang nhau. Ấn Độ chia toàn quốc ra thành 25 bang và 7 lãnh thổ liên bang, trong đó có bang Jammu và Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan tồn tại tranh chấp vẫn được chia thành một bang; vùng đất Sikkim sáp nhập vào Ấn Độ năm 1975 được gọi là bang Sikkim; bang Arunachal Pradesh đang tồn tại tranh chấp với Trung Quốc. Về mặt thể chế chính trị, Ấn Độ lập quốc bằng chủ nghĩa dân tộc, tức kế thừa thể chế quan chức của nước Anh để xây dựng nên đội ngũ cán bộ công vụ được gọi là “rường cột”, nhằm đảm bảo ý chí quốc gia không bị suy yếu do những mâu thuẫn về mặt tôn giáo dân tộc và sự ổn định cơ bản về mặt chính trị. Trong cương lĩnh xây dựng đất nước, J. Nehru đã nhấn mạnh rằng, Ấn Độ muốn xây dựng “một cường quốc hàng đầu đặc sắc sinh động”, xây dựng một “Liên bang châu Á” với “trung tâm là Ấn Độ”, “giấc mơ cường quốc” này đã kích thích sự hưng phấn của chủ nghĩa dân tộc và là động lực không mệt mỏi của Ấn Độ. Nhưng do Ấn Độ phân chia các khu vực hành chính dựa trên nguyên tắc với các nhân tố áp lực là chủng tộc, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ… quyền lực chính trị của chính phủ dần chuyển hướng về chính phủ liên bang, yêu cầu chính trị của các tập đoàn lợi ích và đảng phái chính trị khiến chủ nghĩa dân tộc này xuất hiện không ít các trường phái khác nhau, tóm lại, chủ yếu có ba trường phái gồm: chủ nghĩa dân tộc thế tục, chủ nghĩa phục hưng dân tộc Ấn Độ giáo và phong trào Hồi giáo. Họ bảo vệ sự thống nhất quốc gia trên nền tảng “giấc mơ cường quốc” Ấn Độ, nhưng con đường và phương lược trị quốc để thực hiện giấc mơ này lại tồn tại những lợi ích và chủ trương chính trị khác nhau.

2. Đặc trưng của ba trường phái chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ

Chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ với tư cách là tư tưởng lập quốc, trong quá trình phát triển đã tạo ra sự nhiễu loạn, hình thành nên chủ nghĩa dân tộc thế tục của tầng lớp thượng lưu Ấn Độ, chủ nghĩa phục hưng dân tộc Ấn Độ giáo của giai cấp tư sản dân tộc và phong trào Hồi giáo của người Hồi giáo. Ba trường phái này đều mang những nét đặc trưng riêng có.

Đặc trưng mang tính chính trị của chủ nghĩa dân tộc thế tục của tầng lớp thượng lưu Ấn Độ

Ấn Độ là một quốc gia với truyền thống tôn giáo cực kỳ phong phú, nhưng về nguyên tắc lập quốc lại thi hành chủ nghĩa thế tục. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa dân tộc là tư tưởng trị quốc cơ bản của tầng lớp thượng lưu Ấn Độ. Tuyệt đại đa số người dân Ấn Độ đều quy y các tôn giáo khác nhau, hơn nữa, họ có lòng tin rất nhiệt thành, giá trị quan văn hóa tôn giáo thâm căn cố đế chi phối lòng tin lý tưởng của xã hội Ấn Độ. Do thi hành tư tưởng lập quốc kết hợp giữa chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa dân tộc, đi cùng với đó là sự tiến triển của công nghiệp hóa và sự mở rộng của văn hóa đô thị, quan niệm văn hóa tư tưởng của chủ nghĩa thế tục đã trở thành công cụ điều hòa tín ngưỡng tôn giáo và lợi ích của các tập đoàn xã hội khác nhau, còn chủ nghĩa dân tộc lại không ngừng nâng cao tinh thần chủ nghĩa yêu nước của người dân Ấn Độ.

Trước khi độc lập, Ấn Độ rơi vào cục diện phân liệt do sự xâm lược của nước ngoài và sự tranh chấp giữa các nước trong một thời gian dài, chủ nghĩa dân tộc chủ yếu biểu hiện ở tư tưởng chủ nghĩa phi bạo lực của Gandhi với “phong trào bất hợp tác” để lật đổ sự thống trị thực dân của người Anh. Sau khi giành độc lập, tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của tầng lớp trên Ấn Độ nhanh chóng ảnh hưởng đến quần chúng nhân dân, đồng thời nâng tư tưởng đó trở thành chủ nghĩa yêu nước. Trong lịch sử, Ấn Độ chỉ là một khái niệm địa lý, chứ không phải là một thực thể chính trị[1]. Nền văn minh Ấn Độ không giống với nền văn minh Trung Quốc, văn minh Ấn Độ “luôn tồn tại dưới trạng thái phi quốc gia”, còn nền văn minh Trung Quốc tồn tại “chưa bao giờ rời khỏi trạng thái quốc gia”[2]. Chính vì điều này mà nhân dân Ấn Độ vô cùng xem trọng tính độc lập của quốc gia. Mặc dù xã hội Ấn Độ mâu thuẫn do các tập đoàn lợi ích khác nhau, từ đó khiến các sự kiện bạo lực không ngừng nổ ra, mọi người không quan tâm ai đang nắm quyền, mà chỉ quan tâm đến sự cân bằng về kết cấu xã hội. Ấn Độ có một câu ngạn ngữ rằng: “Ai quan tâm đến sự thống trị của Rama hay của Ravana”. Rama là vị thần trong thần thoại Ấn Độ, là vị anh hùng dân tộc trong con mắt người Ấn Độ giáo, còn Ravana là một ác thần trong thần thoại Ấn Độ. Điều này có nghĩa là, chỉ cần không lật đổ kết cấu xã hội thì không quan tâm việc ai là người thống trị. Nhà chính trị gia nổi tiếng Ấn Độ Prakash Narayan từng nói rằng: “Chính đảng lớn nhất Ấn Độ là chủng tính”[3]. Trong nhiều tình huống, đằng sau sự đấu tranh mâu thuẫn giữa các chủng tính, xung đột giữa các giáo phái, khoảng cách ngôn ngữ và sự đấu tranh giữa các chính đảng đều là sự tranh đoạt quyền lực kinh tế chính trị giữa các tập đoàn lợi ích. Mác từng chỉ ra rằng “chế độ chủng tính là chướng ngại cơ bản trên con đường tiến bộ và cường thịnh của Ấn Độ”. Mặc dù năm 1950, Ấn Độ ban bố pháp lệnh loại bỏ chế độ chủng tính, nhưng quan niệm tôn giáo thâm căn cố đế và ý thức chủng tính vẫn trở thành nền tảng tư tưởng của đấu tranh chính trị. Dưới sự thúc đẩy của các nhà chính trị giai cấp tư sản như Nehru, tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của tầng lớp thượng lưu Ấn Độ muốn nhanh chóng trở thành dòng chảy chủ lưu của trường phái chủ nghĩa yêu nước trong toàn xã hội. Tư tưởng chủ lưu này không ngừng khắc phục mâu thuẫn xã hội gay gắt do các vấn đề dân tộc, tôn giáo, chủng tính, chính đảng gây nên, quy phạm và hạn chế các mâu thuẫn vào trong phạm vi nhất định, điều này không đến mức làm lật chìm con tàu “quốc gia”. Đồng thời, khuynh hướng chính trị hóa chủ nghĩa dân tộc thế tục trở thành động lực quan trọng khiến Ấn Độ trỗi dậy một cách nhanh chóng, đóng vai trò thống trị và chi phối trong đời sống kinh tế và chính trị, đặt nền móng “thành trì tâm lý”, “quan niệm độc lập”, “ý thức cường quốc” của người dân và “tâm thế anh hùng”, “ý thức trung thành” của quân đội. Hiện nay, ý thức cường quốc chủ nghĩa dân tộc của thượng tầng Ấn Độ đang dẫn dắt quốc gia này. Các quốc gia phương Tây thường cho rằng: “Ấn Độ tuy là quốc gia ở vào trạng thái vô chính phủ, nhưng lại được vận hành một cách hiệu quả”. Học giả quan hệ quốc tế người Mỹ, Karl Deutsch cho rằng, Ấn Độ là một trong những quốc gia “có nền chính trị ổn định, dân chủ và tuân thủ pháp luật”. Tuy nhìn từ phương diện thực lực chính trị và kinh tế, Ấn Độ là quốc gia đang phát triển, nhưng nước này “có phương thức đặc biệt về tổ chức xã hội, phương thức này không những ảnh hưởng đến sự nhìn nhận của Ấn Độ đối với thế giới, mà cũng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của thế giới đối với Ấn Độ”. Đây là đặc trưng điển hình của sự chính trị hóa chủ nghĩa thế tục Ấn Độ.

Đặc trưng mang tính chủ thể của chủ nghĩa dân tộc tôn giáo của giai cấp tư sản dân tộc Ấn Độ

Chủ nghĩa dân tộc của giai cấp tư sản dân tộc Ấn Độ mang màu sắc tôn giáo mạnh mẽ. Từ sau thập niên 90 của thế kỷ XX, Ấn Độ trỗi dậy trường phái tư tưởng chủ nghĩa phục hưng dân tộc Ấn Độ giáo. Đảng Nhân dân Ấn Độ lợi dung trường phái tư tưởng này để đề ra ý thức hệ và chủ trương chính sách của bản thân, họ cho rằng “chính trị phải lấy giá trị làm nền tảng”, “giá trị ở đây mang màu sắc tôn giáo rất mạnh, có nghĩa chỉ có giá trị của Ấn Độ giáo mới là phương thuốc diệu kỳ trị được căn bệnh chính trị của Ấn Độ”[4]. Nhưng tôn giáo lại có tính biệt lập cực kỳ mạnh mẽ. Ngày 6/12/1992, “Cuộc tranh chấp nhà thờ Babri” giữa tín đồ Ấn Độ giáo và tín đồ Hồi giáo đã trở thành cuộc xung đột đẫm máu toàn quốc, khiến hàng ngàn người tử vong. Tín đồ Ấn Độ giáo cuồng nhiệt đã san bằng ngôi đền với ý đồn xây dựng đền thờ Rama ở vị trí cũ đã gặp phải sự chống đối kịch liệt của tín đồ Hồi giáo. Sau tám năm, ngày 6/12/2000, Thủ tướng Vajpayee lại nói rằng, “việc xây dựng đền thờ Rama là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước”, điều này một lần nữa làm bùng lên ngọn lửa xung đột tôn giáo. Điều này chứng tỏ, Đảng Nhân dân Ấn Độ tìm cách tập hợp sự đồng thuận dân tộc thông qua việc tăng cường ý thức Ấn Độ giáo, điều này thể hiện ý đồ tăng cường tinh thần chủ nghĩa yêu nước, thực hiện chấn hưng dân tộc và cường thịnh đất nước thông qua sự phục hưng văn hóa Ấn Độ giáo. (Xem tiếp phần 3)


[1] Sikata Banerjee, Political, Secularization and the Future of Secular Democracy in India, Asian Survey No.10,1998.

[2] Jaswant Singh, Defending India, PP.10-16, Macmillan India.

[3] Lin Liangguang, Nghiên cứu chế độ chính trị Ấn Độ [M]. NXB Đại học Bắc Kinh, 1995, tr. 247.

 [4] Shaila Seshia, Divide and Rule in Indian Party Politics, Asian Survey, No.11, 1998.

* Giáo sư, Thiếu tướng Viện nghiên cứu Tây Tạng và Nam Á, Học viện Lục quân Côn Minh, Trung Quốc.

Người dịch: ThS Đỗ Khương Mạnh Linh
Hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục