Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đặc trưng văn hóa – xã hội của Cộng hòa Ấn Độ

Đặc trưng văn hóa – xã hội của Cộng hòa Ấn Độ

Bức tranh về Ấn Độ bất chấp những xung đột và mâu thuẫn, cũng là bức tranh về sự chia sẻ môi trường và đặc tính của các cộng đồng và sự tham gia sôi nổi của các cộng đồng vào các quá trình chính trị và kinh tế. Thực tế này giải thích tại sao chúng ta có cảm giác chung rằng văn hóa Ấn Độ là hài hòa và bình yên, cho dù có nhiều xung đột đang diễn ra.

05:00 30-06-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đa dạng tôn giáo và chủ nghĩa thế tục

Ấn Độ là quê hương của nhiều cộng đồng tôn giáo đa dạng, bao gồm 6 tôn giáo chính là đạo Hindu, đạo Hồi, đạo Cơ Đốc, đạo Sikh, đạo Phật, đạo Kỳ Na (Jain), và những đạo khác. Đến năm 2021, ước tính có khoảng 79% dân số Ấn Độ theo đạo Hindu, tương đương với khoảng 966 triệu tín đồ. 14,2% dân số Ấn Độ, khoảng 173 triệu người, là người Hồi giáo. Người Cơ Đốc giáo chiếm khoảng 2,3% dân số Ấn Độ, tương đương với khoảng 28 triệu tín đồ. Người theo đạo Sikh chiếm khoảng 1,7% dân số Ấn Độ, với khoảng 20 triệu tín đồ. Dân số theo đạo Phật ở Ấn Độ chiếm khoảng 0,7%, với khoảng 9 triệu tín đồ. Kỳ Na giáo chiếm khoảng 0,4% dân số Ấn Độ, với khoảng 4,9 triệu tín đồ. Ngoài ra, Ấn Độ còn là quê hương của một số tôn giáo khác, bao gồm Hỏa giáo, Do Thái giáo và nhiều tôn giáo bộ lạc bản địa khác nhau, mỗi tôn giáo có số lượng tín đồ ít hơn. Sự tác động lẫn nhau giữa các tôn giáo đôi khi dẫn đến căng thẳng và xung đột, đặc biệt liên quan đến các vấn đề như cải đạo, thực hành nghi thức tôn giáo, bảo vệ bò và xây dựng và bảo tồn các di tích tôn giáo.

Tuy nhiên, nhà nước Ấn Độ có các thiết chế để đảm bảo tính thế tục, thúc đẩy sự khoan dung tôn giáo và tôn trọng các tín ngưỡng khác nhau, khiến Ấn Độ trở thành một ví dụ độc đáo về sự đa dạng tôn giáo trên thế giới. Hiến pháp Ấn Độ cũng như các chính sách của nhà nước luôn bảo đảm nguyên tắc không phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo, tín ngưỡng. Các cơ quan đoàn thể của nhà nước hoàn toàn tách biệt với tôn giáo trên nguyên tắc nhà nước không phải là công cụ chính trị của tôn giáo.

Đa dạng và thống nhất trong ngôn ngữ

Ngôn ngữ là yếu tố quan trọng của văn hóa Ấn Độ. Điều tra dân số năm 1961 ở Ấn Độ ghi nhận 1652 phương ngữ, con số này giảm xuống còn 808 vào năm 1971, trong đó tiếng Hindi được sử dụng rộng rãi nhất, chiếm vị trí trung tâm trong diễn ngôn quốc gia. Tiếp theo là tiếng Bengal, là ngôn ngữ chính thức tại bang Tây Bengal, cũng là ngôn ngữ Tagore đã sử dụng để viết ra những áng thơ đạt giải Nobel. Tiếp theo là tiếng Telugu, ngôn ngữ chính thức của bang Andhra Pradesh và bang Telangana; tiếng Marathi của bang Maharashtra; tiếng Tamil của bang Tamil Nadu và nhiều vùng miền Nam Ấn; tiếng Urdu của người Hồi giáo có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư và tiếng Ả Rập; tiếng Gujarati của bang Gujarat; tiếng Kannada của bang Karnataka; tiếng Malayalam của bang Kerala; tiếng Ba Tư của bang Punjab; và nhiều thứ tiếng khác như Odia, Assam, Maithili, Konkani, Manipuri, v.v...Mỗi ngôn ngữ được dùng cho nền công nghiệp văn hóa riêng của cộng đồng, tạo ra các sản phẩm điện ảnh, sách báo, chương trình phát thanh truyền hình, chương trình nghệ thuật, trò chơi trực tuyến phục vụ riêng cho người sử dụng ngôn ngữ đó. Các chương trình vận động chính trị sử dụng đúng ngôn ngữ của cử tri tại mỗi bang, mỗi cộng đồng, dẫn đến sự đa dạng trong ngôn ngữ chính trị.

Tuy vậy, Ấn Độ lựa chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức của quốc gia, là ngôn ngữ được sử dụng tại trường học, công sở, các văn bản hành chính, các sản phẩm truyền thông đại chúng cấp quốc gia. Tiếng Anh là một lợi thế cho nhân lực chất lượng cao của Ấn Độ. Họ có thể đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh của nền kinh tế toàn cầu, cũng là một công cụ để toàn dân có thể nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, tri thức, giao lưu, học hỏi, cộng tác với thế giới. Ấn Độ là quốc gia có nhiều người sử dụng tiếng Anh nhất thế giới. Như vậy, đa ngôn ngữ không gây chia rẽ trong giao tiếp xã hội do cả nước đã thống nhất sử dụng tiếng Anh trên 75 năm qua, ngay từ khi Ấn Độ giành độc lập từ tay thực dân Anh.

Chính trị mang bản sắc cộng đồng

Ấn Độ có 28 bang và 8 vùng lãnh thổ và có tới hơn 4600 cộng đồng, được xác định thông qua nguồn gốc lịch sử, đẳng cấp, ngôn ngữ, tôn giáo.  Bang Andhra Pradesh và Tamil Nadu có nhiều cộng đồng nhất, với hơn 350 cộng đồng, tiếp theo là 250–350 ở bang Uttar Pradesh, Bihar, Madhya Pradesh, Maharashtra, Orissa, Karnataka và Gujarat; các bang như Tây Bengal, Rajasthan và Kerala có khoảng 150–250 cộng đồng; số lượng cộng đồng dao động từ 50–150 đã xác định ở Arunachal Pradesh, Assam, Tripura, Jammu và Kashmir, Himachal Pradesh, Haryana và Punjab. Số lượng cộng đồng ít nhất (dưới 50) đã được xác định ở Nagaland, Manipur, Mizoram, Meghalaya, Sikkim, Goa, Chandigarh và Bay Islands. Mỗi cộng đồng phân tán theo khu vực sinh sống (bang/lãnh thổ), nhưng cũng có thể sống rải rác liên khu vực trong những bang liền kề nhau, thậm chí có những cộng đồng phân tán cả ở phạm vi quốc tế (những quốc gia chung biên giới với Ấn Độ).

Văn hóa của Ấn Độ mang bản sắc cộng đồng, với đặc trưng là kết quả của chiều sâu lịch sử, sự tương tác xã hội và văn hóa giữa các nhóm người khác nhau cùng chia sẻ nền văn minh chung Ấn Độ. Các cộng đồng có bản sắc văn hóa địa phương và khu vực của riêng họ, được phản ánh thông qua các dấu hiệu văn hóa chẳng hạn như thiết kế trang phục, kiểu khăn xếp, hình xăm, cờ cộng đồng, bài hát, đồ thờ, và đồ trang trí hoặc trang sức, hình vẽ. Cũng có thể nhận biết các cộng đồng thông qua những câu chuyện thần thoại, nhân vật trong truyền thuyết, cách thực hành nghi lễ. Bản sắc còn liên quan chặt chẽ đến trình độ, kinh tế, khoa học, kỹ thuật trong sự phát triển chung của cộng đồng. Do đó, trọng tâm hoạt động của các đảng chính trị tại từng cộng đồng bị chi phối bởi những vấn đề trong phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của cộng đồng đó. Nhu cầu tự trị theo khu vực (địa bàn cư trú của cộng đồng) phản ánh sự phức tạp của văn hóa chính trị Ấn Độ khi luôn phải tìm cách cân bằng giữa thống nhất quốc gia (chính quyền Liên minh toàn Ấn Độ) và sự đa dạng ở từng khu vực. Sự đa dạng trong các cộng đồng và khu vực thúc đẩy cách quản trị theo hướng phi tập trung, cho phép các cộng đồng địa phương có đại diện chính trị trong khuôn khổ quản trị quốc gia để đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Đẳng cấp và thứ bậc xã hội

Chế độ đẳng cấp đã ăn sâu trong cấu trúc xã hội của Ấn Độ và tác động mạnh mẽ lên mặt văn hóa. Chế độ đẳng cấp là một hệ thống xã hội phân tầng có nguồn gốc từ thời kỳ cổ đại Ấn Độ. Nó là một hệ thống phức tạp, phân chia mọi người thành các nhóm tầng lớp khác nhau dựa trên ngày sinh, nghề nghiệp và vị trí xã hội của họ. Hệ thống đẳng cấp phân loại xã hội thành 4 tầng, sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp bao gồm tầng Bà la môn (những người tu sĩ, nhà khoa học, giáo viên), tầng Kshatriyas (người chủ đất, chủ lao động, giàu có), tầng Vaishyas (doanh nhân, công nhân, nông dân), và tầng Shudras (người phục vụ cho các tầng lớp trên). Ở tầng thấp nhất của xã hội là tầng Dalits, gồm những người nghèo đói, thất nghiệp, phải chịu đựng sự phân biệt đối xử nghiêm trọng. Mỗi tầng lớp có tập tục xã hội riêng, mặc dù hiến pháp luôn khẳng định quyền bình đẳng của mỗi công dân.

Đẳng cấp không chỉ tác động đến cấu trúc xã hội, mà còn ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các nguồn lực và sự đại diện chính trị tại Ấn Độ. Trong nỗ lực giải quyết sự phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp, các đảng chính trị và phong trào xã hội đã xuất hiện, hướng tới công bằng xã hội và sự trao quyền cho các cộng đồng bị thiệt thòi. Cuộc chiến chống lại bất bình đẳng dựa trên đẳng cấp vẫn là một phần quan trọng trong văn hóa Ấn Độ, ảnh hưởng đến chương trình nghị sự và diễn ngôn chính trị.

Bảo tồn và phục hưng văn hóa

Ấn Độ có nhiều chính sách bảo tồn di sản văn hóa, làm sống lại các hệ thống tri thức cổ xưa, và nuôi dưỡng ý thức tự hào và bản sắc dân tộc. Bên cạnh việc duy trì tổ chức nhiều lễ hội và gìn giữ các thể chế văn hóa trong nước, Ấn Độ còn tích cực quảng bá văn hóa ra nước ngoài và được quốc tế công nhận, tiêu biểu như Yoga và y học cổ truyền. Ấn Độ xây dựng các kế hoạch 5 năm cho việc bảo tồn văn hóa. Trong kế hoạch 2012-2017, Ấn Độ đã phê duyệt và thực hiện các dự án, đề án cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống các viện bảo tàng như: Bảo tàng Khoa học, Bảo tàng Ngôn ngữ và Văn học Ấn Độ, Bảo tàng Đồ trang sức, Nghệ thuật trình diễn, Nghệ thuật đương đại Ấn Độ; các đề án giữ gìn và bảo vệ Di sản phi vật thể, thành lập các trung tâm nghệ thuật quốc gia, các trường nghệ thuật... đặc biệt là nâng cao vai trò của Trường Đại học Nalanda (đối tác của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ) để trở thành trung tâm trao đổi văn hóa, nghiên cứu và hiểu biết liên tôn giáo ở khu vực. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn tạo các kênh truyền hình chuyên trang về văn hóa do Bộ Văn hóa chỉ đạo và quản lý về nội dung phát sóng. Các chương trình truyền bá nghệ thuật dân gian cũng được tổ chức thường xuyên tại các bang cùng với những hoạt động gây quỹ nhằm khuyến khích các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà văn. Do có bề dày truyền thống về văn hóa và lịch sử, nhiều thành phố của Ấn Độ, trong đó có thủ đô New Delhi, được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Không chỉ ở tầm quốc gia, một số bang của Ấn Độ sở hữu nhiều di sản kiến trúc và xây dựng phong phú cũng ban hành một số luật địa phương và luật di sản của bang để bảo vệ di tích và bảo tồn lịch sử của họ.

Bollywood và văn hóa đại chúng

Bollywood, ngành công nghiệp điện ảnh sôi động, cũng là một trong những đặc trưng của văn hóa chính trị Ấn Độ. Bollywood gắn kết Ấn Độ và thế giới, góp phần lan tỏa Hindu giáo, chuyển tải những thông điệp về tư tưởng và lối sống. Bollywood vừa có vai trò mang văn hóa Ấn Độ với thế giới qua các nghi lễ, lễ hội, các điệu nhảy bốc lửa, bài hát, câu chuyện cuộc đời, vừa giúp cho Ấn Độ trở thành quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trên thế giới. Chính phủ Ấn Độ và các nhà làm phim đầu tư rất lớn cho việc quảng bá sản phẩm của mình ra thế giới, chính vì thế Bollywood bắt đầu được công nhận trong nền giải trí quốc tế, nó đã vượt khỏi ranh giới lãnh thổ của tiểu lục địa Ấn Độ sang tới Trung Đông, châu Phi, Đông Nam Á và cộng đồng người Nam Á trên toàn thế giới. Bên cạnh nền công nghiệp điện ảnh Bollywood có trụ sở tại Mumbai, chủ yếu sử dụng tiếng Hindi và tiếng Anh, Ấn Độ còn phát triển nhiều nền công nghiệp điện ảnh khác, như Mollywood có trụ sở tại bang Kerala, nói tiếng Malayalam; Kollywood có trụ sở tại Chennai, nói tiếng Tamil; hay Tollywood có trung tâm ở Kolkata, nói tiếng Bengali.

Trên đây là phân tích những đặc trưng cơ bản trong văn hóa – xã hội có ảnh hưởng tới chính trị của Cộng hòa Ấn Độ. Bức tranh về Ấn Độ bất chấp những xung đột và mâu thuẫn, cũng là bức tranh về sự chia sẻ môi trường và đặc tính của các cộng đồng và sự tham gia sôi nổi của các cộng đồng vào các quá trình chính trị và kinh tế. Thực tế này giải thích tại sao chúng ta có cảm giác chung rằng văn hóa Ấn Độ là hài hòa và bình yên, cho dù có nhiều xung đột đang diễn ra. Tại một quốc gia dân chủ thế tục, nhiều chính sách được đưa ra nhằm mang lại những thay đổi cơ bản về xã hội, kinh tế, ngoại giao và văn hóa, cơ bản vẫn mang bản sắc của các cộng đồng địa phương và bản sắc văn hóa từng khu vực. Điều này đã được thể hiện trong sức sống mới của Ấn Độ suốt hơn 75 năm sau khi độc lập. Kết hợp với sự thích ứng nhanh nhạy của Ấn Độ đối với các chính sách hiện đại hóa và quá trình toàn cầu hóa, văn hóa Ấn Độ phản ánh ý thức hệ hoàn toàn mới. Một ý thức hệ cởi mở, hòa nhập nhưng đầy bản sắc độc đáo, mang trong nó nhiều mâu thuẫn và xung đột nhưng lại tạo cảm giác hòa hợp.

Nguồn: Trích Đề tài "Văn hóa chính trị Cộng hòa Ấn Độ và hàm ý chính sách hợp tác Việt Nam - Ấn Độ"

Nguồn:

Cùng chuyên mục