Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đề tài nghiên cứu "Ngoại giao cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược của Ấn Độ - Những bài học cho Việt Nam"

Đề tài nghiên cứu "Ngoại giao cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược của Ấn Độ - Những bài học cho Việt Nam"

Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đang thực hiện nghiên cứu cấp cơ sở về "Ngoại giao cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược của Ấn Độ - Những bài học cho Việt Nam".

01:29 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trước những biến động phức tạp của khủng hoảng kinh tế, xung đột vũ trang, khủng bố, an ninh mạng và những mối đe dọa của các vấn đề an ninh phi truyền thống, các nước đều có sự điều chỉnh chiến lược, điều chỉnh mối quan hệ với các nước khác, nhằm tạo lợi thế cho mình trong cuộc đua tranh quyền lực. Những nước lớn có tiềm lực, sức mạnh và ảnh hưởng vượt trội về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và văn hóa, có khả năng tạo ảnh hưởng, chi phối và định hình chính sách và hành vi của các quốc gia khác trên thế giới cũng như chi phối sự vận động của hệ thống quan hệ quốc tế, của các xu thế quốc tế và việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Việc nghiên cứu quá trình ngoại giao cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược là rất quan trọng để chuẩn bị cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho việc xây dựng chính sách làm cho thế giới này an toàn hơn, đảm bảo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, ngăn chặn nguy cơ xung đột và giải quyết những vấn đề chung của thế giới.

Ấn Độ là quốc gia duy trì sự độc lập, tự chủ, không chịu sự phục tùng hay khuất phục trước sức ép của các cường quốc. Trong thời kỳ trật tự thế giới lưỡng cực (1947 - 1991), đơn cực (1991 – 2008), hay thế giới đa cực (hiện tại), nhu cầu tự chủ trong các lựa chọn chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn không thay đổi. Sự tự chủ chiến lược của Ấn Độ thường được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh, thể hiện sự linh hoạt trong chính sách, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc và luôn tuân thủ các điều ước quốc tế và hiến chương của Liên hợp quốc.

Ấn Độ là một trong ba cường quốc mà Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong lịch sử truyền thống cũng như trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ luôn là một người bạn thủy chung, son sắt, ủng hộ Việt Nam trong mọi vấn đề quốc tế, luôn tạo điều kiện cho hợp tác về nhiều mặt giữa Nhà nước và nhân dân hai nước nhằm hướng tới mục tiêu chung về phát triển thịnh vượng và phát triển con người.

Trong suốt 7 năm thành lập (2015-2022), Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã có nhiều bài viết nghiên cứu, trao đổi, tọa đàm về hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực chính trị, đối ngoại. Trong năm 2022, với đề tài Ngoại giao cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược của Ấn Độ - Những bài học cho Việt Nam”, chúng tôi hướng tới mục tiêu chung là nghiên cứu đề xuất chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong mối tương quan với các siêu cường, từ đó đề xuất chính sách khả thi và thiết thực trong hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ để hai bên cùng có lợi, có hiểu biết sâu sắc về nhau và có tiếng nói chung, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Kết quả của đề tài sẽ đóng góp bổ sung lý luận về Ấn Độ học, chính trị học, ngoại giao, thông tin đối ngoại; và sẽ cung cấp hệ thống kinh nghiệm trong hợp tác với các đối tác Ấn Độ. Kết quả này sẽ được sử dụng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Chú thích ảnh: Mô hình lý thuyết tam giác chiến lược của Lowell Dittmer, được sử dụng để phân tích mối quan hệ giữa các cường quốc.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ 

Nguồn:

Cùng chuyên mục