Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Diễn văn tại cuộc Míttinh của nhân dân Niu Đêli (Ấn Độ)

Diễn văn tại cuộc Míttinh của nhân dân Niu Đêli (Ấn Độ)

Bài diễn văn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc chiều 6-2-1958 tại Niu Đêli, Ấn Độ, được đăng trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9 (1958-1959), NXB Chính trị quốc gia, 2000

01:14 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thưa ông Chủ tịch Hội đồng Thị chính Niu Đêli,

Thưa các cụ phụ lão, các anh chị em, các cháu thanh niên và nhi đồng,

Nhân dân Việt Nam đã sung sướng được hoan nghênh Thủ tướng Nêru và Phó Tổng thống Rađacrixnan. Lần này chúng tôi rất sung sướng được sang thăm nước Ấn Độ vĩ đại, quê hương của Đức Phật và của Thánh Găngđi. Chúng tôi đã được Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đón tiếp long trọng và thắm thiết. Hôm nay lại được gặp các bạn ở đây, chúng tôi xin thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm ơn các bạn và xin gửi tới toàn thể anh chị em công dân Ấn Độ và Thủ đô Niu Đêli lời chào hữu nghị thân thiết nhất.

Nhân dân hai nước chúng ta đã có những quan hệ anh em từ lâu đời. Nền văn hoá và đạo Phật của Ấn Độ đã truyền sang Việt Nam từ thời cổ. Dưới ách thống trị của thực dân, quan hệ giữa hai nước chúng ta tạm bị gián đoạn trong một thời kỳ. Nhưng tình hữu nghị cổ truyền luôn luôn gắn bó hai dân tộc chúng ta.

Ngày nay, Ấn Độ là một nước hùng mạnh, đóng một vai trò quan trọng trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thủ tướng Nêru, lãnh tụ lỗi lạc, các bạn đã thu được nhiều thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước, phát triển nền văn hoá tốt đẹp có truyền thống lâu đời và kiến thiết một nền kinh tế tự chủ. Chúng tôi được biết những cố gắng to lớn của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ trong việc xây dựng đất nước và những thành tích của các nhà khoa học Ấn Độ góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nước nhà. Những điều ấy chứng tỏ rằng khi một dân tộc đã được độc lập, thì có đủ khả năng xây dựng một đời sống ngày càng tươi đẹp. Chúng tôi chúc mừng các bạn về những thành tích tốt đã thu được trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và chúc các bạn thu được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong công cuộc tiến hành kế hoạch 5 năm lần thứ hai.

Cùng với nhân dân Ấn Độ vĩ đại, nhiều nước Á - Phi đã thoát khỏi ách thực dân, trở thành những nước độc lập. Nhân dân Trung Quốc đang hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân dân các nước Đông - Nam Á, các nước Trung, Cận Đông đã vùng dậy, kiên quyết giành lại và bảo vệ quyền tự do độc lập của mình. Nhân dân châu Phi đang anh dũng đấu tranh chống ách thực dân. Chế độ thuộc địa đang tan vỡ không gì cứu vãn được. Thời kỳ bọn thực dân làm mưa làm gió đã qua rồi. Đã đến lúc nhân dân thế giới làm chủ vận mệnh của mình.

Tuy vậy, vẫn còn một số nước Á - Phi đang đau khổ dưới gót sắt của chủ nghĩa thực dân. Chúng thành lập những khối quân sự xâm lược (khối Đông - Nam Á13 và Bátđa14), chúng đặt những căn cứ quân sự trên lãnh thổ các nước khác và can thiệp vào nội trị của các nước ấy.

Chúng không từ những thủ đoạn thâm độc nào để hòng chiếm lại địa vị thống trị cũ của chúng. Nhưng chúng đã thất bại. Nhân dân các nước Á - Phi ngày càng đoàn kết chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau để chống lại chủ nghĩa thực dân.

Trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, Ấn Độ đã góp một phần to lớn. Việt Nam cũng đã góp phần nhỏ của mình. Nhân dân Việt Nam đã đấu tranh hơn 80 năm chống thực dân Pháp và đã kháng chiến với hoàn cảnh hết sức khó khăn trong 8, 9 năm trường. Kết quả nhân dân Việt Nam đã thắng bọn thực dân. Việc đó chứng tỏ rằng một dân tộc biết đoàn kết nhất trí, quyết tâm chiến đấu và được sự ủng hộ của nhân dân thế giới, thì cuối cùng nhất định giành được tự do độc lập. Hội nghị Giơnevơ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và đã công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng tôi thành thật cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã góp phần xứng đáng vào việc đưa Hội nghị Giơnevơ đến thành công và đã cố gắng nhiều trong khi làm nhiệm vụ Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát trong việc thi hành Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam.

Hiện nay nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân Việt Nam, là thống nhất Tổ quốc bằng tổng tuyển cử tự do như Hiệp định Giơnevơ đã quy định. Nhưng vì âm mưu phá hoại của đế quốc và bọn tay sai của chúng cho nên nước Việt Nam đến nay chưa được thống nhất. Nước Việt Nam là một, từ Nam chí Bắc chung một tiếng nói, một lịch sử, một nền văn hoá và một nền kinh tế. Nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều xương máu đấu tranh cho tự do độc lập, quyết không một lực lượng nào ngăn cản được sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của mình. Chúng tôi tin chắc rằng cuộc đấu tranh cho thống nhất Tổ quốc của chúng tôi nhất định sẽ thắng lợi, vì chúng tôi có chính nghĩa, vì nhân dân chúng tôi đoàn kết, vì chúng tôi được sự đồng tình của các bạn, của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Chúng tôi đấu tranh cho hoà bình. Vì có hoà bình, chúng tôi mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Chúng tôi rất quý trọng lòng yêu hoà bình của nhân dân Ấn Độ. Chúng tôi hết sức tán thành năm nguyên tắc chung sống hoà bình15 mà Thủ tướng Nêru là một trong những người đề xướng ngày càng được nhiều nước ủng hộ và thực hiện. Chúng ta cần có hoà bình để xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân và con cháu chúng ta. Vì muốn hoà bình cho nên chúng ta thù ghét chiến tranh và kiên quyết chống chiến tranh.

Tình hình thế giới phát triển hiện nay có lợi cho phong trào hoà bình. Trong hàng ngũ của các lực lượng hoà bình có 1.200 triệu nhân dân Á - Phi đã được giải phóng, có Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, có hàng trăm triệu nhân dân yêu chuộng hoà bình ở ngay trong các nước đế quốc. Vai trò của các nước Á - Phi chúng ta trong việc bảo vệ hoà bình ngày càng to lớn. Hội nghị đoàn kết nhân dân châu Á do Ấn Độ tổ chức, rồi đến Hội nghị Băngđung đã thực hiện tình đoàn kết Á - Phi chống chủ nghĩa thực dân, bảo vệ hoà bình. Đại hội Lơ Ke vừa qua đã phát triển mạnh mẽ tinh thần và lực lượng của Hội nghị Băngđung. Phong trào đấu tranh cho hoà bình đương lan rộng khắp thế giới. Nhân dân các nước đều đòi phải chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang, tài giảm binh bị, cấm sản xuất, cấm thử và cấm dùng vũ khí nguyên tử và khinh khí; đòi giải tán các khối quân sự xâm lược, thủ tiêu các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Nhân dân các nước đòi mở cuộc hội nghị những người đứng đầu chính phủ các nước để giải quyết các vẤn đề quốc tế bằng phương pháp thương lượng hoà bình để làm dịu tình hình thế giới. Chắc rằng ý nguyện hoà bình của nhân dân thế giới nhất định sẽ thắng mọi âm mưu gây chiến.

Thưa các bạn,

Chúng tôi sung sướng nhận thấy trong cuộc đấu tranh chung cho hoà bình thế giới, cho độc lập dân tộc, nhân dân hai nước chúng ta sát cánh với nhau, cùng nhau theo đuổi mục đích chung. Chúng tôi chắc rằng nhân dân Ấn Độ mong cho Việt Nam sớm thống nhất, cũng như nhân dân Việt Nam mong cho vùng Goa sớm trở về trong đại gia đình Ấn Độ.

Từ ngày hoà bình lập lại trên đất nước chúng tôi, giữa hai nước chúng ta đã có những quan hệ mật thiết. Chúng ta đã có những quan hệ tốt về kinh tế và văn hoá. Chúng ta đã trao đổi những phái đoàn hữu nghị. Chúng tôi hoan nghênh mọi cơ hội để tăng cường quan hệ giữa hai nước chúng ta và với các nước Á - Phi, chúng tôi tin chắc rằng cuộc đi thăm nước Cộng hoà Ấn Độ lần này của chúng tôi càng thắt chặt thêm nữa tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các nước Á - Phi và củng cố hoà bình ở châu Á và thế giới.

Một lần nữa, chúng tôi xin gửi lời chào thân ái của chúng tôi và của nhân dân Thủ đô Hà Nội đến toàn thể anh chị em công dân Thủ đô Niu Đêli.

Tình hữu nghị Việt - Ấn muôn năm!

Hoà bình châu Á và thế giới muôn năm!

Việt Nam - Hinđi bhai bhai!1)

 

Đọc chiều 6-2-1958.

Sách Những lời kêu gọi của  Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, t.V, tr. 32-36.

 


1) Việt Nam - Ấn Độ là anh em. 

Nguồn:

Cùng chuyên mục