Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Điều gì hạn chế bất kỳ liên minh nào giữa Mỹ và Ấn Độ về vấn đề Trung Quốc

Điều gì hạn chế bất kỳ liên minh nào giữa Mỹ và Ấn Độ về vấn đề Trung Quốc

Mặc dù chia sẻ những lo ngại về sự tự tin ngày càng tăng của Bắc Kinh, nhưng New Delhi luôn cảnh giác về việc liên kết quá chặt chẽ với Washington.

11:00 22-03-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chiến tuyến của cuộc đối đầu ngày càng mở rộng giữa Mỹ và Trung Quốc trải dài từ hội trường của Liên Hợp Quốc đến các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, như trong bất kỳ trò chơi địa chính trị vĩ đại nào, một số quốc gia có ý nghĩa quan trọng hơn những quốc gia khác đối với lợi ích của Mỹ - trong số đó có Ấn Độ.

Là một cường quốc mới nổi khác của châu Á, Ấn Độ có thể hành động như một đối trọng quan trọng đối với ảnh hưởng của Trung Quốc, cả trong và ngoài khu vực. Đó là lý do tại sao Washington đã say mê tán tỉnh New Delhi. Tổng thống Joe Biden có những kế hoạch lớn nhằm củng cố vị thế của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Nam Á, Đông Á và Tây Thái Bình Dương, thông qua một loạt sáng kiến ngoại giao, kinh tế và an ninh. Ấn Độ có thể đóng một vai trò quyết định trong sự thành công hay thất bại của họ.

Liệu Ấn Độ có thể được tin tưởng để hỗ trợ Mỹ hay không vẫn là một câu hỏi mở. Nhìn từ góc độ lịch sử, quan hệ giữa hai nước đã bị hủy hoại bởi sự mất lòng tin sâu sắc và sự khác biệt rõ rệt.

Di sản đó vẫn đè nặng lên mối quan hệ cho đến tận ngày nay, nhưng điều quan trọng hơn là bản chất hay thay đổi của chính sách đối ngoại của Ấn Độ, vốn là dấu hiệu cho thấy quốc gia này có ý thức về vị trí của mình trên thế giới kể từ khi được thành lập vào năm 1947. Có một khoảnh khắc, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ có vẻ liên kết với Washington; nhưng khoảnh khắc tiếp theo, họ hành quân theo hướng riêng của họ, đôi khi để đàm phán với kẻ thù của nước Mỹ.

Dưới sự thúc đẩy song trùng giữa niềm tin ý thức hệ và tính toán lạnh lùng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã duy trì cách tiếp cận độc lập quyết liệt của Ấn Độ đối với các vấn đề quốc tế. Điều đó làm cho Ấn Độ trở thành quốc gia dao động (swing state) cuối cùng của thế giới, giống như các bang Pennsylvania hoặc Georgia trên bản đồ địa chính trị toàn cầu. Việc Ấn Độ ngả theo hướng nào, khi nào và tại sao, có thể giúp quyết định liệu Mỹ hay Trung Quốc sẽ thống trị châu Á và ai sẽ chiếm ưu thế trong các cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc trên thế giới. Và giống như hầu hết các tiểu bang màu tím (các tiểu bang dao động trong kỳ bầu cử) ở Mỹ, sự thay đổi trong các lựa chọn của New Delhi có thể là nguồn gốc của sự bất định đầy lo lắng.

Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã xoay chuyển giữa thân thiện và thù địch ngay từ đầu. Tháng 10/1949, Tổng thống Harry Truman cử chuyên cơ riêng mang tên Independence chở Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru lúc đó đang ở London và đón ông khi ông đáp xuống Washington. Sự đối đãi trên thảm đỏ là dấu hiệu cho thấy chính quyền Truman muốn lôi kéo nhà lãnh đạo Ấn Độ đến mức nào trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Mỹ. Là một nhà dân chủ tận tụy và một nhân vật anh hùng trong thế giới đang phát triển, Nehru là một vị khách quý - chính xác là người bạn mà Washington cần trong cuộc cạnh tranh mở rộng với Liên Xô.

Nehru dường như đáp lại. Trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông nói rằng, với các giá trị chính trị chung, “tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước chúng ta là... tự nhiên”. Tuy nhiên, sự khác biệt nhanh chóng trở thành sự cản trở. Khi Ngoại trưởng Dean Acheson tiếp đón Nehru tại nhà riêng, Acheson đã mời Nehru, theo lời bài phát biểu là, “hãy cảm nhận sự tự do lớn nhất, để nói cho tôi biết về bất kỳ tình huống nào mà ông ấy cảm thấy rằng hành động của Bộ là sai lầm hoặc vô ích. ” Nehru tiếp tục giảng giải cho Acheson cho đến một giờ sáng. Khi Acheson bày tỏ lo ngại về việc những người cộng sản tiếp quản Việt Nam, Nehru nói, như thư ký đã ghi lại, rằng lập trường của Mỹ “là một sự áp dụng sai lầm đối với kinh nghiệm của phương Đông hoặc châu Âu.” Hai người cũng bất đồng trong việc công nhận chế độ Cộng sản mới ở Trung Quốc, được thành lập vài ngày trước đó. Sau đó, Acheson mô tả Nehru là “một trong những người đàn ông khó tính nhất mà tôi từng phải đối phó”.

Điều khiến hai người mâu thuẫn là sự khác biệt cơ bản về thế giới quan. Khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, người Mỹ mong đợi Nehru đứng về phía họ. Nehru tin rằng việc chia thế giới thành các khối tranh chấp về bản chất đã nguy hiểm. Trong một bài phát biểu tại Columbia trong cùng chuyến thăm, Nehru đã mô tả một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại chính của Ấn Độ là “theo đuổi hòa bình, không phải thông qua liên kết với bất kỳ cường quốc hoặc nhóm quyền lực lớn nào, mà thông qua cách tiếp cận độc lập đối với từng vấn đề gây tranh cãi hoặc tranh chấp". “Chính quá trình sắp xếp thế giới thành hai phe thù địch đã dẫn đến xung đột mà thế giới đã tìm cách tránh.”

Shashi Tharoor, một thành viên của Đảng Quốc đại và là cựu bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ, giải thích rằng, suy nghĩ của Nehru bắt nguồn từ kinh nghiệm thuộc địa của Ấn Độ dưới thời Raj của Anh. Ông nói với tôi rằng: “200 năm qua chúng ta đã có một quốc gia khác quyết định lên tiếng thay cho chúng ta trên trường thế giới. “Lý do khiến Nehru hoàn toàn không muốn tham gia vào một liên minh trong Chiến tranh Lạnh chính là vì ông ấy không muốn thế chấp quyền độc lập trong hành động và quan điểm của Ấn Độ cho bất kỳ quốc gia nào khác.”

Sự chia rẽ giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng sâu sắc khi Chiến tranh Lạnh tiến triển. Thái độ “đồng hành với chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi” của Washington khiến Ấn Độ tỏ ra không đáng tin cậy, và góp phần khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ chọn Pakistan, kẻ thù truyền kiếp của Ấn Độ, làm đối tác chống Liên Xô.

Nehru cũng không muốn làm tay sai cho Washington. Những nguyên tắc mà Nehru kiên định đã khiến ông trở thành một trong những nhân vật nổi bật nhất của Phong trào Không liên kết được thành lập vào năm 1961. Nehru có tầm nhìn về tương lai của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc có ảnh hưởng theo đúng nghĩa của nó, và là người bảo vệ cho các quốc gia mới trỗi dậy từ các đế quốc thực dân. Về khía cạnh đó, Mỹ vừa là một đối thủ cạnh tranh tiềm năng vừa là một đối tác.

Francine Frankel, một chuyên gia về chính trị Ấn Độ tại Đại học Pennsylvania, đã viết trong cuốn sách gần đây có tên là "When Nehru Looked East" rằng: “Không có sự chia rẽ về ý thức hệ giữa Ấn Độ và Mỹ. Vấn đề là niềm tin của Nehru vào vận mệnh của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc không có chỗ đứng trong thế giới quan của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.”

Hơn 70 năm sau, bóng ma của Nehru ám ảnh quan hệ Mỹ-Ấn. Thế giới một lần nữa chia thành hai phe đối lập, ngày nay tập trung vào Mỹ và Trung Quốc. Một lần nữa, New Delhi đang bị áp lực phải đứng về một phía. Và một lần nữa, người Ấn Độ miễn cưỡng lựa chọn – khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phát điên như họ đã làm trong Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, lần này, tính toán của New Delhi có phần khác. Vị trí của Nehru trở nên phức tạp bởi sự ngưỡng mộ của ông đối với Liên Xô, đặc biệt là mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo, những yếu tố mà ông đã giới thiệu ở quê nhà. Còn Modi coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ấn Độ. Điều đó phù hợp với mục tiêu của chính quyền Biden là gắn kết nhiều hơn với Ấn Độ như một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của họ để cạnh tranh với Trung Quốc.

Tharoor nói rằng: “Mỹ đang củng cố quan hệ đối tác để đối trọng với Trung Quốc". “Ấn Độ rất ngại tham gia chính thức vào một tổ chức như vậy, nhưng trên thực tế, có mọi lý do để làm như vậy vì Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến… Chúng tôi cũng cần phải thực sự có những đối tác để mắt đến Trung Quốc.”

Trung tâm của những lo ngại về an ninh của Ấn Độ là các tranh chấp lãnh thổ lâu dài với Trung Quốc dọc biên giới Himalaya. Những yêu sách tranh chấp này đã châm ngòi cho một cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962, và có nghĩa là các khu vực này vẫn còn nhiều biến động cho đến ngày nay. Căng thẳng đã gia tăng trong khoảng 5 năm qua bởi vì Bắc Kinh đã theo đuổi các yêu sách của mình với sự quyết đoán hơn—như họ đã làm trong các tranh chấp lãnh thổ khác, chẳng hạn như ở Biển Đông.

Có hai sự kiện đáng chú ý. Năm 2017, cuộc đối đầu giữa lực lượng vũ trang của hai nước đã xảy ra ở dãy Himalaya sau khi Trung Quốc bị phát hiện đang mở rộng một con đường ở khu vực Doklam mà Bắc Kinh và vương quốc nhỏ bé Bhutan, một đồng minh của Ấn Độ, tuyên bố chủ quyền. Sau đó, vào năm 2020, tại khu vực phía bắc Ladakh, một lãnh thổ của Ấn Độ nằm cạnh Kashmir, lực lượng Trung Quốc đã tiến vào một khu vực tranh chấp, dường như là để đáp trả việc Ấn Độ xây dựng đường. Điều đó đã dẫn đến một cuộc hỗn chiến kiểu thời trung cổ ở Thung lũng Galwan, trong đó binh lính dùng nắm đấm và gậy đánh nhau bằng dùi cui, được cho là khiến 20 quân nhân Ấn Độ và 4 người Trung Quốc thiệt mạng.

Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation, nói rămgf: “Trừ khi hoặc cho đến khi bế tắc biên giới được giải quyết theo hướng có lợi cho Ấn Độ, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc không thể trở lại bình thường.

Thêm vào những lo lắng của Ấn Độ là mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Pakistan. Kẻ thù không đội trời chung của Ấn Độ là một trong những bên tham gia lớn nhất trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quốc tế của Bắc Kinh - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Một trong những dự án hàng đầu BRI - Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan - gây tranh cãi đi qua một phần của Kashmir do Islamabad kiểm soát.

Kết quả là, quan hệ của Bắc Kinh với New Delhi đã xấu đi – có thể cho là xấu đi như quan hệ của Bắc Kinh với Washington. Chính phủ mỸ đã nói về việc cấm nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc TikTok; người Ấn Độ đã thực sự làm điều đó vào năm 2020. Lo sợ rằng Sáng kiến BRI là công cụ để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã từ chối những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lôi kéo nước này tham gia sáng kiến này.

Bắc Kinh càng trở nên đe dọa thì Ấn Độ và Mỹ càng thân thiện với nhau hơn. Dấu hiệu rõ ràng nhất về điều này là sự tham gia của Ấn Độ vào Quad,  quan hệ đối tác an ninh bao gồm cả Mỹ và các đồng minh trung thành của Mỹ là Australia và Nhật Bản. Ban đầu, các nhà lãnh đạo Ấn Độ tỏ ra nghi ngờ về Quad, vì sợ rằng họ có thể bị coi là một NATO châu Á mới nổi. Giờ đây, Modi đã đồng ý. Biden đã nâng cấp hội nghị Quad lên cấp lãnh đạo cao nhất, điều đó có nghĩa là Modi thường xuyên liên kết với những người đồng cấp, những người tạo thành cốt lõi của hệ thống liên minh của Mỹ trong khu vực.

Kurt Campbell, cố vấn chính sách đối ngoại châu Á hàng đầu của Biden, nói rằng: “Mức độ và thói quen hợp tác đã phát triển” trong Quad là “đáng chú ý”. “Tôi nghĩ nó sẽ trở thành một đặc điểm trung tâm của sự ổn định toàn cầu và là một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Sự hợp tác càng sâu sắc hơn. Năm ngoái, Mỹ và Ấn Độ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung không xa biên giới tranh chấp với Trung Quốc, ở bang Uttarakhand của Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm 14 thành viên của Biden vào tháng 5, và với việc các quan chức và giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc trong việc cung cấp các mặt hàng sản xuất chính, quốc gia Nam Á đông dân này có thể là một sự thay thế quan trọng. Sự gia tăng đáng kể các lô hàng iPhone từ các nhà máy ở Ấn Độ có thể cho thấy rằng sự chuyển dịch đôi bên cùng có lợi đang diễn ra.

Jeff M. Smith, giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á tại Heritage Foundation, cho biết, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ “đã chứng tỏ sẵn sàng hơn rất nhiều trong việc chấp nhận các hình thức liên kết mạnh mẽ hơn với Mỹ mà không sợ rằng Ấn Độ sẽ trở thành một loại thú cưng nào đó của Mỹ”. Vì những kinh nghiệm gần đây của họ với Washington, các quan chức này “bắt đầu nhận ra rằng một số lo ngại của những người chỉ trích tồi tệ nhất đã được chứng minh là không đúng sự thật, và có thể rằng, mối quan hệ đối tác này với Mỹ đang giúp thúc đẩy lợi ích quốc gia của Ấn Độ, và có thể Mỹ không phải là loại siêu cường độc đoán buộc bạn phải từ bỏ chủ quyền của mình để hợp tác.

“Trên thực tế, Ấn Độ đã có thể duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình ngay cả khi nước này ngày càng xích lại gần Mỹ.”

Tuy nhiên, điểm cuối cùng đó sẽ vẫn là một thách thức đối với Washington. Giới lãnh đạo Ấn Độ vẫn có tư tưởng độc lập và dị ứng với các liên minh chính thức hơn bao giờ hết. Modi, giống như Nehru, sẽ không đứng về phía nào.

Do đó, New Delhi sẽ tiếp tục củng cố các mối quan hệ, tham gia các diễn đàn và đưa ra những lựa chọn không phù hợp với các nhà hoạch định chính sách củaMỹ. Điều đó trở nên rõ ràng khi lướt qua hành trình các chuyến công du gần đây của ông Modi. Vào tháng 5, Modi đứng cùng Biden tại hội nghị thượng đỉnh Quad ở Tokyo; bốn tháng sau, ông ở Samarkand, Uzbekistan, cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một nhóm các quốc gia Trung Á được nhiều người coi là chống phương Tây.

Grossman nói rằng: “Nếu chúng ta nghĩ rằng vì họ là nền dân chủ lớn nhất thế giới và chúng ta là nền dân chủ lâu đời nhất thế giới nên chúng ta nên hòa thuận một cách hoàn hảo—điều đó sẽ không xảy ra. Chúng ta phải thực tế. Họ sẽ không bao giờ trở thành đồng minh với chúng tôi, bởi vì họ coi sự không liên kết và quyền tự chủ chiến lược là những nguyên tắc cốt lõi trong chính sách đối ngoại và an ninh của họ.”

Điều đó có nghĩa là Ấn Độ và Mỹ sẽ tiếp tục có những khác biệt. Chỉ vài tháng sau khi Ấn Độ tham gia khuôn khổ kinh tế của Biden, New Delhi đã rút khỏi việc tham gia vào một phần thương mại của quan hệ đối tác này.

Rõ ràng nhất, Modi đã phá vỡ lập trường của Mỹ về cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Mặc dù Modi đã chỉ trích Putin về cuộc chiến trong cuộc họp tháng 9 ở Samarkand, nhưng ông đã phớt lờ áp lực từ Washington để có một đường lối cứng rắn hơn. Ông Modi cũng cùng với ông Tập bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc về các nghị quyết lên án Moscow.

Theo lập trường này, New Delhi cho thấy nước này sẽ ưu tiên các lợi ích quốc gia của Ấn Độ như thế nào bất kể chúng có trùng với mong muốn của Mỹ hay không. Modi không sẵn lòng xa lánh Nga, quốc gia vẫn là đối tác kinh tế và quân sự quan trọng của Ấn Độ, đồng thời là nhà cung cấp lượng dầu dồi dào - với mức chiết khấu tốt.

Ngay cả đối với Trung Quốc, quốc gia được coi là mối đe dọa, New Delhi và Washington cũng không hoàn toàn đồng quan điểm. Ví dụ, mặc dù cả hai đều e ngại về mối quan hệ gần gũi hơn của Trung Quốc với Nga, nhưng họ lại có những cách tiếp cận khác nhau đối với thách thức đó. Các nhà hoạch định chính sách ở New Delhi có lẽ coi việc duy trì liên kết với Moscow là một cách để gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của Nga với Trung Quốc và ngăn chặn bất kỳ hành động phối hợp nào mà cả hai có thể thực hiện chống lại Ấn Độ.

Vào thời của Acheson, những vi phạm như vậy có thể đã làm xấu đi toàn bộ mối quan hệ Mỹ-Ấn. Nhưng nhóm Biden đang thực dụng hơn. Dù bất đồng với Modi, nhưng Biden cũng vẫn theo đuổi hợp tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Theo quan điểm của chính quyền Biden, họ không thể làm suy yếu liên minh mà họ đang xây dựng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “để có được một chiến thắng mang tính biểu tượng trong vấn đề Ukraine".

Sự linh hoạt này đã được chú ý ở New Delhi. Theo Tharoor thì “Mỹ dường như đủ kiên nhẫn để cho người Ấn Độ tìm thấy mức độ thoải mái của họ. Điều chắc chắn đang tiến triển theo hướng mà Mỹ mong muốn.”

Tuy nhiên, việc Washington sẵn sàng tách các vấn đề ra có một nhược điểm. Biden thường chọn bỏ qua các hành động phi tự do trong nước của Modi để theo đuổi mục tiêu địa chính trị bao trùm là đối đầu với Trung Quốc. Đây là một sự nhượng bộ khó chịu đối với một tổng thống “dựa trên các giá trị”, người đang tham gia vào điều mà ông ấy mô tả là cuộc đấu tranh giữa chế độ chuyên quyền và nền dân chủ.

Do đó, Ấn Độ làm lộ rõ thách thức mà Mỹ phải đối mặt khi đối đầu với Trung Quốc trong một thế giới hội nhập, bởi vì cách tiếp cận của New Delhi đối với các mối quan hệ quốc tế có thể là điển hình cho hướng chính của ngoại giao toàn cầu thế kỷ 21. Bản chất “chúng ta chống lại họ” của Chiến tranh Lạnh không áp dụng cho một trật tự toàn cầu phức tạp và đa cực. Trên thực tế, niềm tin của Nehru vào việc không liên kết chiếm ưu thế trong các vấn đề thế giới.

Đối với Washington, đó có thể là một thế giới khó khăn hơn, đòi hỏi một mức độ thích ứng mà chính sách của Mỹ thường thiếu. Washington sẽ phải học cách đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình mà không cần đến các liên minh chính thức từng đóng vai trò là nền tảng của trật tự do họ lãnh đạo. Và trong cuộc đối đầu sắp tới với Trung Quốc, Washington cần tất cả những người bạn mà họ có thể tìm được, bằng mọi cách có thể.

 

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục