Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đóng góp của các tổ chức phi chính phủ cho nền kinh tế Ấn Độ và trong đại dịch Covid-19

Đóng góp của các tổ chức phi chính phủ cho nền kinh tế Ấn Độ và trong đại dịch Covid-19

Tổ chức phi chính phủ (NGO) là các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì các mục tiêu văn hóa, xã hội, giáo dục hoặc kinh tế. Đúng như tên gọi, NGO làm những công việc trong khối tư nhân, vì lợi ích của xã hội, đặc biệt là hỗ trợ những nhóm người yếu thế. Họ thường không nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ cho dù cũng có lúc họ hợp tác với các cơ quan chính phủ trong một số dự án.

05:25 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các tổ chức phi chính phủ có vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội, cộng đồng, thậm chí là quốc gia và cải thiện cuộc sống của người dân. Theo một cuộc khảo sát năm 2009 của Viện Thống kê Trung ương Ấn Độ, có 3,3 triệu tổ chức phi chính phủ được đăng ký ở Ấn Độ, tương đương với tỷ lệ cứ 400 người dân Ấn Độ có một tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ này có các lĩnh vực trọng tâm hoạt động khác nhau, từ nhân đạo đến môi trường và phát triển nông thôn.

Các tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ đóng góp có hiệu quả vào nền kinh tế của đất nước, thông qua việc thực hiện những chúc năng như sau:

Phát triển nông thôn: Phạm vi phát triển ở các vùng nông thôn là rất lớn và không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Phát triển nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ. Kể từ khi Ấn Độ giành độc lập, các tổ chức phi chính phủ đã hoạt động vì mục tiêu trao quyền cho phụ nữ, giáo dục, cải cách xã hội và tăng trưởng nông nghiệp ở các vùng nông thôn. Việc NGO tham gia vào những lĩnh vực này đã đảm bảo sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp, mang lạ cơ hội việc làm tốt hơn trong nhiều ngành nghề.

Garima Samaj Vikas, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại bang Bihar là một ví dụ điển hình cho điều này. Họ đã làm việc tích cực trong việc đào tạo nghề cho phụ nữ trong các thôn bản và cũng đảm bảo tiếp tục đào tạo sau khi người học có việc làm. Anahita, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Delhi đang nỗ lực làm cho việc chăm sóc sức khỏe trở nên dễ tiếp cận hơn cho mọi người bằng cách thiết lập các trung tâm chăm sóc sức khỏe ở các khu vực nông thôn và bán thành thị, đồng thời thiết lập các liên kết y tế từ xa để cung cấp thuốc đến các vùng sâu vùng xa.

Xây dựng và thực thi chính sách: Mặc dù hầu hết các tổ chức phi chính phủ hoạt động độc lập nhưng nhiều tổ chức thuộc các ủy ban của chính quyền có phạm vi hoạt động liên quan đến việc hoạch định chính sách. Các tổ chức phi chính phủ mang chuyên môn và kinh nghiệm của họ và giúp xây dựng chính sách thân thiện với công dân vì họ nhận thức được nhu cầu của công dân. Các tổ chức như CRY, Helpage India và Pratham Education đã phục vụ các hội đồng chính quyền và đóng góp vào việc hoạch định chính sách. 

Những tổ chức phi chính phủ không chỉ tham gia hoạch định chính sách mà còn đảm bảo thực thi các chính sách một cách liền mạch. Những đóng góp của các tổ chức phi chính phủ cho nền kinh tế Ấn Độ không chỉ giới hạn trong phạm vi thực thi; họ còn chỉ ra những điểm bất cập trong chính sách và đảm bảo rằng, chính quyền có trách nhiệm thực thi đúng đắn.

Thu hẹp khoảng cách: Các tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan chính phủ và người dân để các chương trình của chính phủ tiếp cận người dân theo cách hiệu quả. Ví dụ điển hình nhất về điều này gần đây đã được ghi nhận trong đại dịch COVID-19 khi nhiều tổ chức phi chính phủ hợp tác với nhau để hỗ trợ cho người lao động nhập cư, tìm giường trong bệnh viện trong thời gian cao điểm của đại dịch và đảm bảo viện trợ đến được với trẻ em mồ côi do Covid.

Các dự án CSR: Các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Các hoạt động CSR giúp các doanh nghiệp xây dựng các giá trị đạo đức trong công ty và đóng góp cho những nhóm người bị thiệt thòi trong xã hội. Nhiều công ty đóng góp cho các tổ chức phi chính phủ hàng năm thay vì có một bộ phận riêng trong nội bộ để chuyên thực hiện các hoạt động CSR.

Các vai trò khác: Các tổ chức phi chính phủ đảm bảo rằng, mọi người được giáo dục để hiểu biết về chính sách và nhận thức được những tác động, đóng góp của họ vào xây dựng và thực thi chính sách. Các tổ chức phi chính phủ đại diện cho tiếng nói của những người dân thường, khi người dân không biết cách tiếp cận đúng người trong cơ quan chính phủ. Điều này tạo ra những đóng góp sâu sắc của các tổ chức phi chính phủ vào nền kinh tế Ấn Độ.

Vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong đại dịch COVID-19 ở Ấn Độ

Trong đại dịch COVID-19, một lần nữa, nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ được đánh giá cao. Nhiều người nhận thức được những đóng góp của các tổ chức phi chính phủ cho phúc lợi và phát triển chung của quốc gia. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, các tổ chức phi chính phủ đã cố gắng tạo được dấu ấn trong sự phát triển của Ấn Độ.

Trong thời kỳ đại dịch này, các tổ chức như Smile Foundation, Akshay Patra Foundation, v.v. đã chứng tỏ là những tác nhân tốt tạo ra nhiều thay đổi tích cực. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn phù hợp, sự đóng góp của các tổ chức phi chính phủ vào nền kinh tế Ấn Độ có thể được chuyển hóa một cách hiệu quả.

Trường hợp Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào ngày 27 tháng 1 năm 2020, và hai tháng sau, cả nước bắt đầu đợt phong toả đầu tiên vào ngày 24 tháng 3 năm 2020. Phong toả toàn quốc đã có tác động ngay lập tức, đặc biệt là đối với các khu vực kinh tế kém phát triển ở Ấn Độ. Nhiều người lao động nhập cư - những người làm công nhật và những người giúp việc nhà (hơn 8,1 triệu người) tại các đô thị của Ấn Độ đã phải đi bộ về quê do mất việc làm hoặc không được trả lương. Tuy nhiên, các hạn chế đi lại do phong toả đã ngăn họ di chuyển tự do. Những người này hầu như không có đủ dự trữ để sống sót sau phong toả. Để giúp đỡ họ, nhiều tổ chức phi chính phủ đã tự vận động và đến để giúp đỡ những người kém may mắn, cung cấp cho họ những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và thuốc men. Họ cũng tặng đồ bảo hộ và truyền bá giúp nâng cao nhận thức về dịch bệnh này trên toàn quốc thông qua các chiến dịch được tổ chức trực tiếp, trực tuyến và thường xuyên.

NITI Aayog (Cơ quan Quốc gia về Chuyển đổi Ấn Độ, một tổ chức tư vấn chính sách công của Chính phủ Ấn Độ) đã liên hệ với hơn 92.000 tổ chức phi chính phủ để giúp đối phó với đại dịch Covid-19 vì các NGO có đủ khả năng và kinh nghiệm để hỗ trợ lập kế hoạch và ứng phó với đại dịch. Các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về dịch bệnh này và giáo dục người dân ở những vùng sâu vùng xa thông qua mạng lưới cộng đồng hiện có của mỗi NGO. Ngoài ra, do có kinh nghiệm làm việc với những người dân kém may mắn trước đây, các tổ chức phi chính phủ có thể có kinh nghiệm giáo dục cho người dân về đại dịch theo cách tốt hơn.

NGO trong làn sóng Covid đầu tiên

Nhiều tổ chức phi chính phủ đã điều chỉnh các chương trình hiện có của họ để phù hợp với yêu cầu mới trong đại dịch. Ví dụ, Green Dream Foundation, một tổ chức phi chính phủ nhỏ có trụ sở tại Bengaluru, thường tập trung vào các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, họ đã điều chỉnh các chương trình đó khi đại dịch bùng phát ở Ấn Độ. Green Dream Foundation đã khởi động nền tảng Covid SOS để giúp những người cao tuổi và những người có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận với những tình nguyện viên gần nhất trong thời gian ngắn nhất. Tổ chức phi chính phủ này đã tuyển dụng tình nguyện viên trên 32 thành phố để giúp việc cho những người không thể rời khỏi nhà và cung cấp các thiết bị và dịch vụ y tế thiết yếu. Theo một dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter của tổ chức vào tháng 6 năm 2020, họ đã giúp đỡ hơn 5000 người.

Tương tự, phong trào Annapurna, với trọng tâm hàng đầu là giúp người dân trong các khu ổ chuột của Mumbai, đã thành lập tổ chức phi chính phủ The Enrich Lives Foundation trong làn sóng đầu tiên của Covid-19 vào tháng 3 năm 2020. NGO này chuyển sang giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tập trung vào phụ nữ, dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng. Họ đã phân phát 1 triệu bữa ăn, hơn 30.000 phần lượng thực trong thời kỳ đại dịch. Tổ chức phi chính phủ Quỹ Hemkunt, có trụ sở tại New Delhi, đã cung cấp hơn 360 tấn thứ ăn cho những người lao động nhập cư phải trở về làng do phong toả toàn quốc.

NGO trong làn sóng Covid thứ 2

Trong làn sóng đầu tiên của Covid-19, NGO tập trung vào nâng cao nhận thức và cung cấp thực phẩm và hỗ trợ y tế miễn phí. Trong lần sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ, NGO có thêm nhiệm vụ là sắp xếp và cung cấp nguồn oxy. Covid Care Network (CCN), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Kolkata, đã bắt đầu chương trình “Oxy trên xe” để cung cấp oxy miễn phí cho những bệnh nhân được vận chuyển đến bệnh viện. Theo Satyarup Sidhhanta, tổng thư ký của CCN, “Chúng tôi đã đi thực tế, thử nghiệm ở những nơi không ai làm. Những nơi tài xế xe cứu thương không thể tiếp cận được với người bệnh, chúng tôi đã tự lấy xe của mình để bố trí đưa đón họ”.

Tương tự, Quỹ Hemkunt đã tổ chức chiến dịch “Oxy Drives” và “Oxygen Langars” để cung cấp oxy y tế lỏng miễn phí cho bệnh nhân Covid-19. NGO này cũng thiết lập ra một cơ sở với 700 giường bệnh và bố trí đội xe cứu thương với dịch vụ 24/7 để giúp những người cần. Không nghi ngờ gì nữa, các tổ chức phi chính phủ đã thể hiện và vẫn đang thể hiện rất nhiều sự dũng cảm và kiên cường để hạn chế tác động của đại dịch.

Các nền tảng kỹ thuật số giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của các tổ chức phi chính phủ trong thời kỳ đại dịch

Các kênh truyền thông kỹ thuật số đã chứng tỏ khả năng vô cùng hữu ích trong đại dịch Covid. Những người cần trợ giúp đăng các yêu cầu của họ về giường bệnh, ôxy, thức ăn và thuốc trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, WhatsApp và Twitter. Những người có thể giúp đỡ đã sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội này để nâng cao nhận thức về dịch bệnh và phối hợp với các tổ chức khác để thu xếp thực phẩm và thuốc men. Họ cũng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để huy động vốn từ cộng đồng, để gây quỹ hỗ trợ hoạt động của họ. Trong suốt đại dịch COVID-19, các tổ chức phi chính phủ đã thể hiện và vẫn đang thể hiện tính hiệu quả qua rất nhiều lĩnh vực và nâng cao khả năng phục hồi của Ấn Độ. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ sẽ không thể tạo ra tác động lớn như vậy và giúp đỡ thành công những người gặp khó khăn nếu thiếu kinh phí và sự hỗ trợ.

Nền tảng DeshNirman, một nền tảng mới để hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ, cũng đang hàng ngày khuyến khích tất cả các tổ chức và cá nhân tiếp tục hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ dưới mọi hình thức, bao gồm hỗ trợ qua các hoạt động tình nguyện hoặc quyên góp hiện vật và tài chính. DeshNirman có những nhóm chuyên gia hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ thực hiện những nhiệm vụ công nghệ và tích hợp trên các nền tảng kỹ thuật số, xây dựng sự hiện diện trực tuyến của các NGO, giúp nâng cao nhận thức về công việc của các NGO.

Toà án tối cao Ấn Độ đã đưa ra tuyên bố vào tháng 6 năm 2020 ca ngợi những nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ trên toàn Ấn Độ. Toà án nhận xét: “Mặc dù trách nhiệm và nghĩa vụ của chính quyền Trung ương và chính quyền bang là chăm lo nhu cầu của người lao động, nhưng trong thời điểm khó khăn này, các tổ chức và cá nhân phi chính phủ cũng đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc chung tay giúp đỡ những người lao động di cư.” Nếu không có kinh phí và sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, các tổ chức phi chính phủ này sẽ không thể tạo ra tác động to lớn như vậy và thành công trong việc giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://deshnirman.com

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục