Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Động lực và tương lai phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU: Phân tích từ góc nhìn Ấn Độ (Phần 1)

Động lực và tương lai phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU: Phân tích từ góc nhìn Ấn Độ (Phần 1)

Mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU được bắt đầu xây dựng từ năm 2004 sau khi trải qua hơn 10 năm phát triển đã bước vào trạng thái “đóng băng”. Thông qua việc phân tích địa vị của EU trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, bài viết lý giải động lực phát triển nội tại và tương lai của mối quan hệ chiến lược Ấn Độ - EU. Do trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược này nằm ở phương diện hợp tác kinh tế thương mại, nhưng cùng với sự giảm thiểu về tầm quan trọng của thương mại Ấn Độ - EU, đặc biệt là công việc đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương bị cản trở, nên khiến hai bên đều đánh mất ngọn lửa nhiệt tình phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược này. Sau khi Chính phủ Modi lên cầm quyền và chào đón vị Chủ tịch mới của Ủy ban Châu Âu đã một lần nữa tái khởi động khả năng phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU.

05:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Lin Minwang*

Ngày 09/4/2015, Thủ tướng Narendra Modi bắt đầu chuyến viếng thăm hai nước châu Âu gồm Pháp và Đức. Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên sau khi Thủ tướng Modi nhận chức, tuy nhiên, trong kế hoạch ban đầu, Thủ tướng Modi có chuyến thăm đến Tổng bộ Brussel của EU, nhưng do nguyên nhân “hậu cần” nên kế hoạch đã bị hủy bỏ. Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - EU bị gác lại hơn 2 năm cũng một lần nữa trì hoãn, dự kiến tổ chức vào cuối năm 2015, sự kiện này một lần nữa làm nổi bật hoàn cảnh khó xử của mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU trong những năm gần đây.

Tháng 11 năm 2004, Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - EU lần thứ năm được tổ chức ở Den Haag, trong Tuyên bố chung đã tuyên bố  Ấn Độ và EU sẽ thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược”, từ đó khiến Ấn Độ trở thành quốc gia thứ sáu sau Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với EU. Trong Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - EU lần thứ sáu vào năm 2005, hai bên đã thông qua “Kế hoạch hành động chung” nhằm xác định mục tiêu và nghị trình cụ thể, tường tận cho việc làm sâu sắc hóa và mở rộng mối quan hệ chiến lược này. Nhưng trải qua hơn 10 năm phát triển, quan hệ chiến lược này vẫn được cho là “hữu danh vô thực”, như lời quan chức ngoại gia Canada, David Malone, rằng: “Những biện pháp đó chủ yếu (của mối quan hệ đối tác chiến lược này) là dẫn dắt song phương tiến hành đối thoại, đưa ra lời hứa duy trì sự trao đổi song phương, thành lập các ủy ban và nhóm công tác nhằm nghiên cứu tìm hiểu không gian hợp tác, chứ không có những biện pháp chính sách to lớn hoặc có những đột phá về mặt chính sách kinh tế của hai bên”[1]. Những vấn đề tranh cãi và chia rẽ giữa hai bên vẫn tiếp tục tồn tại làm cản trở sự phát triển sâu sắc hơn của mối quan hệ đối tác chiến lược song phương.

Tương lai phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU có thể thoát khỏi trọng thái “đóng băng” hiện tại hay không? Chính phủ Modi lên nắm quyền vào tháng 5/2014 và tân Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Jean C. Juncker, đắc cử vào tháng 7/2014 đã tăng thêm lòng tin cho tương lai phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU, nhưng liệu họ có thể mang đến sức sống mới cho mối quan hệ đình trệ này hay không?  Bài viết này thảo luận vấn đề từ góc nhìn ngoại giao Ấn Độ, gồm ba phần chủ yếu: Một là, thảo luận về địa vị và vai trò của EU trong chính sách ngoại giao Ấn Độ, phân tích sức nặng chiến lược của EU trong cục diện ngoại giao Ấn Độ, lý giải động lực nội sinh của sự phát triển tương lai mối quan hệ đối tác chiến lược này; hai là, phân tích quá trình phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU, đặc biệt là sự phát triển trong lĩnh vực kinh tế thương mại, từ đó quan sát nguyên nhân đình trệ của mối quan hệ đối tác chiến lược này; ba là, đánh giá tương lai phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU từ sau khi Chính phủ Modi lên nắm quyền đối  với điểm chia rẽ trong mối quan hệ trên.

1. Địa vị và vai trò của EU trong ngoại giao Ấn Độ

Trong báo cáo “Không liên kết 2.0: Ngoại giao và chính sách chiến lược thế kỷ XXI của Ấn Độ” do Học viện Quốc phòng Ấn Độ (NDC) và Trung tâm Nghiên cứu chính sách (CPR) đưa ra, đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Mặc dù tuyên bố bản báo cáo chỉ đại diện cho cách nhìn nhận cá nhân tác giả, nhưng do các tác giả đều từng là các quan chức quan trọng, vì thế, bản báo cáo được nhận định có thể đại diện cho phương hướng ngoại giao tương lai của Ấn Độ.

Trong bản báo cáo đầy sức ảnh hưởng này, không hề đề cập đến địa vị và vai trò của EU trong ngoại giao Ấn Độ tương lai, điều này khiến mọi người không thể không hoài nghi vị trí của mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU trong mắt người Ấn Độ. Mói quan hệ giữa Ấn Độ với các nước lớn như: Anh, Pháp và Đức, cũng chủ yếu dựa trên suy nghĩ: “Đối với Ấn Độ mà nói, lợi ích lớn nhất chính là duy trì độ sâu và mở rộng tiếp xúc với các nước lớn hết mức có thể. Sự tiếp xúc này đều vô cùng quan trọng đối với việc phát triển kỹ thuật và năng lực quân sự, phân tán nguy cơ kinh tế, cũng như giao lưu thông tin và trao đổi quan điểm của Ấn Độ”[2]. Nhưng trong một số tác phẩm nổi tiếng về ngoại giao Ấn Độ được xuất bản trong vài năm gần đây, về cơ bản không nhìn thấy một chương chuyên thảo luận về mối quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ với các nước châu Âu, càng không cần bàn đến EU[3]. Hiển nhiên, điều này cũng phản ánh vị trí địa chính trị của EU (thậm chí là châu Âu) trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ trên khía cạnh nào đó.

Nghiên cứu về nguyên nhân của điều này, giáo sư Rajendark Jain, Đại học J. Nehru cho rằng: “Những người Ấn Độ thông thường khó có thể hiểu được EU rốt cuộc là kết cấu kinh tế và chính trị như thế nào, bởi vì một mặt nó vừa khác với các tổ chức khu vực xung quanh Ấn Độ (như ASEAN, SAARC), mặt khác, nó lại cách xa Ấn Độ, chứ không phải nằm trong khu vực các nước láng giềng trực tiếp, vì thế, người Ấn Độ lười phí sức tìm hiểu về nó”[4]. Tính đặc thù của EU thực sự ngăn cản những người Ấn Độ bình thường lý giải về nó, nhưng hiển nhiên, sự giải thích về địa chính trị càng có sức thuyết phục hơn.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nền ngoại giao Ấn Độ xuất hiện sự chuyển biến rất lớn[5]. Trong hơn 20 năm trở lại đây, ngoại giao Ấn Độ trên thực tế đang giữ được tính liên quan rất mạnh mẽ, trong đó đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế trong nước lên vị trí ưu tiên, đồng thời xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, cũng như quan hệ với các nước lớn vì sự ổn định toàn cầu. Tuy chính sách của chính phủ Ấn Độ ở các kỳ có sự khác biệt, nhưng sự khác biệt đó đa phần thể hiện ở phương thức ngoại giao chứ không nằm ở mục tiêu. Năm 2006, Ngoại trưởng Pranab Mukherjee (hiện giữ chức Tổng thống) đã đưa ra “ngoại giao ba vòng”, ông cho rằng, trong vòng tròn thứ nhất là các nước láng giềng trực tiếp, Ấn Độ phải đảm bảo bản thân là đối tác hàng đầu, thực tâm đối với các nước láng giềng. Vòng tròn thứ hai là các quốc gia láng giềng mở rộng từ châu Á đến bờ biển Ấn Độ Dương, tức ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ấn Độ phải nỗ lực theo đuổi chính sách ngoại giao kinh tế, tìm kiếm sự cân bằng với tầm ảnh hưởng của các quốc gia khác (chủ yếu là Trung Quốc), ngăn cản những nước này làm tổn hại lợi ích của Ấn Độ. Vòng tròn thứ ba là “vũ đài toàn cầu”, Ấn Độ phải trở thành một người chơi chủ chốt, một mặt phải đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, mặt khác cũng phải đảm bảo ổn định cơ chế kinh tế và thương mại toàn cầu[6].

Phạm vi và mục tiêu ngoại giao về cơ bản thống nhất với thực lực quốc gia, còn “ngoại giao ba vòng” cơ bản giới định phương hướng và trọng điểm ngoại giao Ấn Độ. “Ngoại giao ba vòng” chủ yếu nhìn nhận xu hướng ngoại giao của Ấn Độ từ góc độ địa chính trị, mặt khác cũng chứng tỏ sự thật rằng, Ấn Độ vẫn là một cường quốc mang tính khu vực, hoặc như Stephen Cohen, chuyên gia về Ấn Độ nổi tiếng người Mỹ, gọi đó là “quốc gia trung bình điển hình”[7]. Địa vị lãnh đạo và bá quyền của Ấn Độ vẫn bị giới hạn trong phạm vi Nam Á, vì thế, phạm vi lợi ích mà nước này theo đuổi chủ yếu tập trung ở khu vực xung quanh. Trong đó, các quốc gia láng giềng trực tiếp ở Nam Á chính là trọng tâm ngoại giao của Ấn Độ, là “phạm vi thế lực” mà Ấn Độ phải đảm bảo. Còn các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản không những là cường quốc ở tầm “vũ đài toàn cầu”, mà cũng nằm trong phạm vi của cái gọi là các nước láng giềng mở rộng của Ấn Độ, đồng thời có địa vị quan trọng trong chính sách ngoại giao của nước này. Ngược lại, các quốc gia châu Âu không thuộc về nhóm các nước gọi là láng giếng mở rộng của Ấn Độ, hơn nữa, cùng với sự trỗi dậy của Ấn Độ, địa vị tương đối của các nước châu Âu trên bàn cờ quốc tế cũng đang dần giảm sút. Vì thế, trong bán kính ngoại giao của Ấn Độ, mối quan hệ Ấn – EU tự nhiên sẽ yếu hơn quan hệ Ấn – Mỹ, Ấn – Trung, Ấn – Nga và Ấn – Nhật. Cho nên, trạng thái “đóng băng” trong quan hệ Ấn – EU cũng thuộc về cái gọi là “trạng thái bình thường”.

Tiếp theo là, tầm quan trọng của châu Âu đối với Ấn Độ bắt nguồn từ việc EU là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Bắt đầu từ sau Chiến tranh Lạnh, EU đã đóng vai trò đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Trong năm tài chính 1998 – 1999, xuất khẩu sang EU chiếm 17.71% lượng xuất khẩu của Ấn Độ, trong năm tài chính 1996-1997, lượng nhập khẩu từ EU chiếm 27.16% lượng nhập khẩu của Ấn Độ. Về sau, mặc dù tỉ trọng tương đối không ngừng giảm sút, nhưng tổng lượng thương mại song phương vẫn luôn tăng trưởng ở mức ổn định (ngoại trừ năm 2009). Đến năm tài chính 2014 – 2015, lượng xuất khẩu sang EU chiếm 15.88% lượng xuất khẩu của Ấn Độ, còn lượng nhập khẩu từ EU chiếm 10.9% lượng nhập khẩu của Ấn Độ[8]. Nói cách khác, vai trò của EU trong quan hệ thương mại với Ấn Độ vẫn tối quan trọng. (Xem tiếp phần 2)


[1] Shashi Tharoor, “Reconsider relations with the European Union”, India Today, 20 June, 2015.

[2] The National Defence College and Centre for Policy Research, New Delhi, “Nonalignment Strategy Policy for India in the 21 Century”, 7. 2015

[3] Rajiv Sikri, “Challenge and Strategy: Rethinking India’s Foreign Policy”, New Delhi: Sage. Sumit Ganguly ed, “India’s Foreign Policy: Retrospect and Prospect”, New Delhi: Oxford Uni, Press, 2013. David Malone, “Does the Elephant Dance? Contemporary Indian Foreign Policy”, New York: Oxford Uni, Press, 2011.

[4] Rajendark Jain, “India and the EU: Perceptions and Policies”, 12, July, 2015.

[5] Sumit Ganguly and Rahul Mukherji, “India Since 1980”, Delhi: Cambridge University Press, 2011, Chapter 2.

[6] Prakash Nanda, “Foreign Policy Under Modi”, 5, May, 2015.

[7] Stephen Cohen, “India:Emerging Power”, Washington, DC: The. Brookings Institution, 2001.

[8] http://commerce.nic.in/eidb/default.asp 


* PGS Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao, Nghiên cứu viên Thỉnh giảng Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục