Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Phần 1)

Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Phần 1)

Tương lai của sự phục hưng nền kinh tế và hòa bình châu Á phụ thuộc vào mối quan hệ hòa hảo hơn giữa các thế lực quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, hai cường quốc về dân số đang nổi lên, có sức mạnh kinh tế đáng kể và ngày càng thu hút sự quan tâm của quốc tế.

01:46 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ*

Brahma Chellaney**

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ cuộc xung đột biên giới đẫm máu giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực dãy Himalaya, hai cường quốc về dân số này đã có được sức mạnh kinh tế đáng kể và ngày càng thu hút sự quan tâm của quốc tế. Sự trỗi dậy của họ là điểm nhấn trong sự chuyển dịch kinh tế và chính trị toàn cầu hiện nay. Điều đó cũng kéo theo những căng thẳng song phương trong bối cảnh Tây Tạng vẫn là mảnh đất thiêng liêng đối với cả hai quốc gia và sự quan ngại của Trung Quốc đối với chính sách ngày càng thân Mỹ của Ấn Độ. Khi những rạn nứt cũ vẫn còn chưa được giải quyết thì các vấn đề mới đã bắt đầu dấy lên, trong đó bao gồm việc Trung Quốc tái khẳng định chủ quyền đối với dải đất có diện tích gần gấp ba lần Đài Loan nằm ở phía Đông Bắc bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Sự bùng nổ thương mại song phương cũng không thể xoa dịu không khí kình địch giữa hai quốc gia này. Mặc dù vào năm 1962, trong một phát ngôn của phía Trung Quốc, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố “dạy cho Ấn Độ một bài học”, nhưng cho đến nay, bài học thực sự được rút ra chính là cuộc xung đột này không những không mang đến lợi ích chính trị bền vững nào mà chỉ gây nên những hiềm khích trong mối quan hệ giữa hai bên. Trung Quốc đã phung phí uy tín trên chính trường của mình bằng việc cương quyết phải đánh bại Ấn Độ - cuộc chiến duy nhất họ từng giành thắng lợi dưới chế độ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dù họ đã tham gia vào rất nhiều cuộc xung đột quân sự kể từ năm 1950. Trên thực tế, khi căng thẳng quân sự cùng các biến cố biên giới leo thang, mối quan hệ Trung - Ấn có khả năng rơi vào một vòng luẩn quẩn. Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng, những nỗ lực hòa giải và kết nối chân thành luôn đem lại nhiều lợi ích hơn chiến tranh. Bài nghiên cứu này trình bày quan điểm cho rằng, tương lai của sự phục hưng nền kinh tế và hòa bình châu Á phụ thuộc vào mối quan hệ hòa hảo hơn giữa các thế lực quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

*

*        *

Một châu Á phát triển với tốc độ chóng mặt đã trở thành điểm then chốt trong sự thay đổi địa chính trị toàn cầu. Các chính sách cũng như những thách thức của châu Á hiện nay đóng vai trò tích cực trong việc định hình an ninh và môi trường kinh tế thế giới, bởi sự trỗi dậy của châu Á đóng vai trò chất xúc tác trong quá trình dịch chuyển quyền lực thế giới. Châu Á, nghịch lý thay, lại là khu vực chịu hậu quả rõ ràng nhất của quá trình đó. Do đó, cả châu Á bị bao trùm bởi nỗi ám ảnh về sự mất cân bằng quyền lực. Vào thời điểm chuyển giao về mặt chính trị, châu Á cũng gặp phải nhiều thách thức về an ninh, thể hiện qua sự trở lại của những tranh chấp biên giới và hải đảo từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trong bối cảnh này, mối quan hệ vốn dĩ căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới lại đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của khu vực châu Á. Khi Trung Quốc và Ấn Độ cùng đạt được sức mạnh kinh tế, họ càng nhận được nhiều mối quan tâm từ quốc tế hơn nữa. Tuy nhiên, những bất hòa tiềm tàng về chiến lược cũng như sự kình địch trong các vấn đề từ lãnh thổ, lãnh hải cho đến các ảnh hưởng địa chính trị lại nhận được ít sự chú ý hơn.

Có thể nhận thấy tầm quan trọng của mối quan hệ này đối với các mối quan hệ quốc tế từ thực tế rằng, hai nước Trung Quốc và Ấn Độ chiến gần 2/5 dân số toàn thế giới. Họ đại diện cho hai nền văn hóa khác biệt rõ nét và các mô hình phát triển cạnh tranh. Tuy nhiên, hai quốc gia này đều tự giải phóng khỏi ách thực dân và trở thành một nước độc lập vào cùng thời điểm. Ngày nay, cả hai nước đều muốn tìm chỗ đứng trên trường quốc tế bằng cách giành lại sức mạnh họ đã từng có trong nhiều thế kỷ, trước khi bắt đầu suy thoái sau cuộc cách mạng công nghiệp. Năm 1820, chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã đóng góp gần nửa thu nhập của toàn thế giới, trong khi đó, cả châu Á cộng lại chiếm 60% tổng GDP toàn cầu1.

Trong lịch sử, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều chưa từng ở vào vị thế lấn át quốc gia còn lại, nhưng hiện nay họ coi nhau là đối thủ về địa chính trị. Sự bùng nổ trong quan hệ thương mại song phương cũng không thể xoa dịu sự kình địch giữa hai nước. Trên thực tế, trong cuộc đua tranh địa chính trị rộng lớn hơn, Trung Quốc và Ấn Độ trở nên năng động hơn trong trò chơi bao vây và giải vây tại sân sau của đối phương, và cùng với đó cũng làm gia tăng thêm căng thẳng. Những biến cố về biên giới dọc dãy Himalaya tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây, khi Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng bất ổn không ngừng tại Tây Tạng, vấn đề cốt lõi trong mối quan hệ Trung - Ấn. Việc New Delhi mở rộng những ràng buộc chiến lược với Mỹ đã càng khiến cho Trung Quốc cố gắng bóp nghẹt Ấn Độ hơn. Tuy vậy, Washington đã từ chối việc ủng hộ bất cứ bên nào trong cuộc tranh chấp Trung - Ấn.

Nguồn gốc của cuộc tranh chấp Ấn Độ - Trung Quốc

Vùng cao nguyên Tây Tạng rộng lớn đã ngăn cách hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử, hạn chế sự giao lưu văn hóa và tín ngưỡng, và hoàn toàn không có mối quan hệ chính trị nào. Chỉ từ khoảng cuối năm 1950 đến đầu năm 1951, quân đội Trung Quốc lần đầu xuất hiện tại biên giới Ấn Độ trên dãy Himalaya. Cuộc thôn tính Tây Tạng bắt đầu vài tháng sau chiến thắng năm 1949 của Đảng Cộng sản tại Trung Quốc. Một trong những hành động đầu tiên của Mao Trạch Đông sau khi nắm được chính quyền là việc giãi bày với nhà độc tài xô viết, Joseph Stalin, rằng, quân đội Trung Quốc đang “chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Tây Tạng”2. Cuộc tấn công này nổ ra vào tháng 10 năm 1950, khi cả thế giới đang tập trung chú ý vào Chiến tranh Triều Tiên. Chiến thắng thần tốc trong cuộc chiến xâm lược vùng phía Đông Tây Tạng đã khích lệ Trung Quốc tham gia vào Chiến tranh Triều Tiên ngay sau đó.

Sau sự kiện chiếm đóng Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu mối quan hệ đầy hứa hẹn như những người hàng xóm mới. Thực tế, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận tính chính thống của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Kể cả khi quân đội Trung Quốc bắt đầu tiêu diệt tuyến biên phòng của Ấn Độ bằng cách chiếm đóng Tây Tạng, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru vẫn tiếp tục ủng hộ Trung Quốc, coi đó là một người hàng xóm hiền lành, cũng giống như Ấn Độ, mới thoát khỏi sự tàn phá của chủ nghĩa thực dân. Hậu quả là, New Delhi đã cự tuyệt lời thỉnh cầu cứu viện quốc tế của Tây Tạng – khi đó còn là quốc gia độc lập - thậm chí còn phản đối lời kêu gọi của Tây Tạng về một cuộc đối thoại tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 năm 1950.

Đến năm 1954, J. Nehru từ bỏ quyền cai trị lãnh thổ Tây Tạng do người Anh để lại và công nhận “khu vực Tây Tạng của Trung Quốc” mà không có bất cứ sự trao đổi nào - thậm chí cả sự chấp thuận của Bắc Kinh về biên giới Ấn Độ - Tây Tạng. Ông đã làm điều này bằng cách ký một hiệp ước với lực lượng chiếm đóng Tây Tạng, được đặt tên một cách mỉa mai là Panchsheela theo một học thuyết Phật giáo Tây Tạng, hay còn gọi là năm nguyên tắc chung sống hòa bình3. Hiệp ước này được soạn ra để định hình mối quan hệ của Ấn Độ với “khu vực Tây Tạng của Trung Quốc”, như một sự ngầm định, nếu không muốn nói là công khai, thừa nhận việc sáp nhập Tây Tạng vào Trung Quốc vài năm trước.

Hiệp ước ghi nhận rằng, trong vòng 6 tháng, Ấn Độ sẽ rút lui hoàn toàn “đội quân đóng ở Yatung và Gyantse” trong địa phận “khu vực Tây Tạng của Trung Quốc”, cũng như sẽ “bàn giao cho Chính quyền Trung Quốc toàn bộ hệ thống dịch vụ bưu chính, điện tín, điện thoại công cộng cùng toàn bộ trang thiết bị từng được vận hành bởi Chính quyền Ấn Độ tại khu vực Tây Tạng của Trung Quốc với giá phải chăng”4. Cho đến cuộc xâm lược năm 1950, Trung Quốc cũng như Ấn Độ vẫn giữ mối quan hệ ngoại giao tại Lhasa, nhấn mạnh quyền tự chủ của Tây Tạng.

Tình cảm của Thủ tướng Nehru dành cho Bắc Kinh “nồng nhiệt” đến mức đã từ chối gợi ý của Mỹ để Ấn Độ thay thế Trung Quốc gia nhập Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào những năm 1950. Những tác phẩm chọn lọc do Chính phủ Ấn Độ bảo trợ viết về những thành tựu của Thủ tướng J. Nehru có trích dẫn rằng, J. Nehru đã từng nói, “Mỹ có gợi ý một cách không chính thống rằng, Trung Quốc nên gia nhập Liên Hợp Quốc, nhưng không phải trong Hội đồng Bảo an, và Ấn Độ nên thay thế vị trí này trong Hội đồng. Chúng ta, tất nhiên, không thể đồng ý, bởi nó đồng nghĩa với việc xa rời Trung Quốc, và nếu một đất nước vĩ đại như Trung Quốc không có mặt trong Hội đồng thì thật bất công”5. Những tác phẩm này cũng trích dẫn rằng, năm 1955, Thủ tướng J. Nehru cũng nói về gợi ý này của Mỹ với Nguyên soái xô viết, Marshal Nikolai A. Bulgamin: “Tôi nghĩ, trước hết, chúng ta nên tập trung vào việc ủng hộ sự gia nhập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Trung Quốc”6.

Tuy nhiên, năm 1962, khi Trung Quốc tung một đòn bất ngờ xâm lược Ấn Độ, Thủ tướng Nehru đã công khai tuyên bố rằng, Trung Quốc đã "lấy oán báo ân"7. Một nhà lãnh đạo thực tế hơn sẽ có thể tiên đoán được cuộc chiến này và tiến hành chuẩn bị những điều cần thiết để đẩy lùi cuộc chiến xâm lược. Nhưng, cuối cùng, Trung Quốc đã dùng tình hữu nghị và Hiệp ước 1954 như lớp vỏ bọc, lẳng lặng xâm lấn lãnh thổ Ấn Độ, từng bước mở rộng quyền kiểm soát của mình ở Aksai Chin, một cao nguyên có diện tích lớn bằng đất nước Thụy Sĩ, vốn là một phần của tiểu vương quốc Jammu và Kashmir. Trên thực tế, mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ đã trở nên căng thẳng sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đi qua dãy Himalaya để đến Ấn Độ vào năm 1959, Bắc Kinh đã sử dụng những phương tiện truyền thông quốc gia của mình để tấn công Ấn Độ. Tuy nhiên, Thủ tướng J. Nehru vẫn tin rằng, Trung Quốc sẽ không sử dụng quân sự để xâm lược Ấn Độ. Quân đội Ấn Độ vẫn trong tình trạng thiếu người và trang bị rất yếu kém.

Khi thế giới đang bận rộn với cuộc chiến tranh Triều Tiên, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã bắt đầu cuộc chiến xâm lược Tây Tạng. Ông đã chọn thời điểm hoàn hảo để tiến hành xâm lược Ấn Độ, một chiến lược được sử dụng từ xa xưa trong Binh pháp Tôn Tử, được soạn bởi Tôn Vũ - một vị tướng nổi tiếng của Trung Quốc ở thế kỷ thứ VI trước Công nguyên và được cho là cùng thời với nhà Triết học lỗi lạc người Trung Quốc - Khổng Tử. Cuộc tấn công được bắt đầu và trải rộng trên hai mặt trận tách biệt, xảy ra cùng lúc với cuộc khủng hoảng quốc tế lớn đã khiến cho Mỹ và Liên Xô rơi vào vòng xoáy chiến tranh hạt nhân, được khơi nguồn bởi sự kiện Liên Xô lén lút đưa hệ thống tên lửa vào Cuba. Hơn một tháng sau khi tiến hành cuộc xâm lược Ấn Độ, Mao Trạch Đông tuyên bố đơn phương ngừng chiến, cùng lúc đó Mỹ cũng chính thức kết thúc việc phong tỏa Cuba. Thủ tướng Chu Ân Lai đã công khai nói rằng, cuộc chiến 32 ngày này chỉ có mục đích "dạy cho Ấn Độ một bài học"8. Thất bại nặng nề này của Ấn Độ đã nhanh chóng dẫn đến cái chết của Thủ tướng J. Nehru, nhưng đồng thời cũng mang đến sự hiện đại hóa quân sự và chính trị cho Ấn Độ.

50 sau cuộc chiến đó, sự căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ngày một gia tăng do sự kình định căng thẳng về địa chính trị. Vùng biên giới kéo dài 4.057 km giữa hai nước - một trong những biên giới dài nhất trên thế giới - vẫn đang trong giai đoạn tranh chấp và không có một ranh giới rõ ràng nào về chủ quyền của hai bên đối với dãy Himalaya. Tình trạng này vẫn kéo dài mặc cho các cuộc đàm phán thường xuyên được thực hiện từ năm 1981, đây là quá trình đàm phán dài nhất và không có kết quả nhất giữa hai đất nước trong lịch sử thế giới hiện đại. Trong chuyến viếng thăm New Delhi năm 2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố ngắn gọn rằng, việc xác định các tranh chấp tại biên giới Himalaya "sẽ mất một thời gian khá dài"9. Nếu như vậy, Trung Quốc (hoặc Ấn Độ) sẽ đạt được gì sau các cuộc đàm phán về biên giới giữa hai bên? (Xem tiếp phần 2)


* SAIS Review vol. XXXII no.2, 2012.
** GS chuyên ngành Chiến lược học tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, New Delhi, Ấn Độ.

Người dịch: Vũ Tiến Lê Hoàng
Hiệu đính: TS Phương Sơn; ThS Phùng Thị Thanh Hà

Nguồn:

Cùng chuyên mục