Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Phần 2)

Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Phần 2)

Tương lai của sự phục hưng nền kinh tế và hòa bình châu Á phụ thuộc vào mối quan hệ hòa hảo hơn giữa các thế lực quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, hai cường quốc về dân số đang nổi lên, có sức mạnh kinh tế đáng kể và ngày càng thu hút sự quan tâm của quốc tế.

01:08 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ*

Brahma Chellaney**

Những rạn nứt cũ vẫn chưa thể được giải quyết triệt để, các vấn đề mới về mặt chính trị, quân sự và thương mại đã bắt đầu làm ảnh hưởng xấu đến các quan hệ. Ví dụ, từ năm 2006, phía Trung Quốc công khai đưa ra một vấn đề vốn đã “ngủ yên” kể từ cuộc chiến năm 1962 - Arunachal Pradesh, một bang giàu tài nguyên ở phía Đông Bắc Ấn Độ, nơi mà Trung Quốc tuyên bố sở hữu phần lớn mảnh đất này dựa trên cơ sở những giả thuyết lịch sử về sự gắn kết của vùng đất này với Tây Tạng. Trên thực tế, việc Trung Quốc mô tả bang Arunachal Pradesh (với diện tích tương đương nước Áo) là "Nam Tây Tạng" chỉ mới bắt đầu vào năm 2006. Kể từ đó, lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với Ấn Độ cũng được biểu hiện khá rõ ràng trong những vấn đề khác, bao gồm cả các dự án chiến lược của Trung Quốc và sự hiện diện quân sự của Pakistan tại Kashmir - vùng tranh chấp biên giới giữa các nước Ấn Độ, Pakistan, và Trung Quốc.

Các quan chức quốc phòng Ấn Độ cho rằng, quân đội Trung Quốc đã lợi dụng tranh chấp biên giới trong những năm gần đây để tăng cường xâm phạm quân sự. Để đáp lại, Ấn Độ cũng đã tăng cường triển khai quân sự tại Arunachal Pragesh, bang Sikkim, và khu vực phía Bắc Ladakh để ngăn chặn mọi nỗ lực chiếm đất của Trung Quốc. Họ cũng khởi động một chương trình tăng cường khả năng hậu cần bằng cách xây mới đường xá, đường băng, và những trạm hạ cánh khẩn cấp dọc dãy Himalaya.

Các dự án chiến lược của Trung Quốc xung quanh Ấn Độ đã mài sắc khả năng cạnh tranh địa chính trị, trong đó phải kể đến những cảng mới ở Sri Lanka và Pakistan, mạng lưới giao thông mới với Myanmar, Nepal và Pakistan, và nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc đóng ở Tây Tạng. John Graver, thành viên Viện Hàn lâm Mỹ, miêu tả chiến lược của Trung Quốc như sau: "Truyện ngụ ngôn Trung Quốc đã từng kể về một con ếch được cho vào nồi nước ấm, nó cảm thấy khá thoải mái và an toàn và hoàn toàn không nhận ra rằng, nước đang từ từ sôi lên, cuối cùng con ếch đã bị nấu chín và chết. Bài học “Đun nước nấu ếch” của người Trung Quốc đã miêu tả rất đúng chiến lược của Trung Quốc trong việc gia tăng ảnh hưởng của mình ở Nam Á, khi đối mặt với một Ấn Độ đầy hoài nghi: hành động từ tốn và cẩn thận, tạo ra những nghi ngờ nhỏ, và không để cho nạn nhân có cơ hội trốn thoát"10.

Một mục tiêu rõ ràng của Trung Quốc là, tăng thêm ưu thế của mình trên Ấn Độ Dương - một phần rất quan trọng để tạo nên sự vượt trội của Trung Quốc ở châu Á. Chiến lược của Trung Quốc cũng tìm cách tận dụng và tăng cường mối quan hệ với Pakistan để giữ cho Ấn Độ luôn nằm dưới áp lực chiến lược. Quả thật, với sự kiểm soát 1/5 bang Jammu và Kashmir và sự tham gia quân sự mới đây của Trung Quốc ở khu vực của Pakistan tại Kashmir, hiện nay, Ấn Độ đang phải đối mặt với quân đội Trung Quốc từ cả hai cánh của Kashmir. Ngoài ra, bằng cách xây dựng các tuyến đường sắt, sân bay và đường cao tốc mới ở Tây Tạng, Trung Quốc hiện đang ở vị thế có thể bổ sung lực lượng quân đội cho khu vực biên giới một cách nhanh chóng và tấn công Ấn Độ bất cứ lúc nào.

Với vấn đề lãnh thổ và lãnh hải đang khá nhức nhối, nước đã và đang trở thành một nguyên nhân mới cho sự bất hòa và căng thẳng giữa hai bên. Ấn Độ có đất canh tác nhiều hơn Trung Quốc, nhưng lượng nước lại ít hơn rất nhiều. Vấn đề càng phức tạp đối với một Ấn Độ khô cằn khi phần lớn các con sông quan trọng của khu vực phía bắc trung tâm đều bắt nguồn từ phần đất Tây Tạng do Trung Quốc nắm giữ. Những dòng sông băng và suối ngầm rộng lớn, cộng thêm độ cao đã biến nơi này trở thành nguồn nước sạch lớn nhất thế giới chỉ đứng sau phần băng giá Bắc Cực. Mặc dù có một số nước ở khu vực từ Afganistan đến Việt Nam cũng nhận được nước từ cao nguyên Tây Tạng, nhưng sự phụ thuộc về nguồn nước của Ấn Độ đối với Tây Tạng lớn hơn nhiều so với các nước khác. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Hoa Kỳ, với khoảng một tá dòng sông quan trọng chảy vào Ấn Độ đều bắt nguồn từ khu vự dãy Himalaya của Tây Tạng, Ấn Độ nhận từ Tây Tạng khoảng 1/3 lượng cung cấp nước hàng năm, vào khoảng 1911 tỷ mét khối nước11.

Hiện nay, Trung Quốc đang triển khai và thực hiện một số dự án thủy điện tại các lưu vực sông thuộc cao nguyên Tây Tạng. Các dự án này có thể gây nên việc giảm lưu lượng nước của các dòng chảy đổ vào Ấn Độ và các khu vực đồng bằng ven sông khác của Trung Quốc. Mặc dù Ấn Độ đã ký kết các hiệp ước quốc tế về việc chia sẻ dòng chảy với những quốc gia ở khu vực hạ lưu (bao gồm Bangladesh và Pakistan), nhưng phía Trung Quốc vẫn bác bỏ khái niệm chia sẻ nguồn nước. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa từng ký bất cứ một hiệp ước nào về việc chia sẻ dòng chảy một chiều với quốc gia láng giềng, mặc dù Trung Quốc là điểm khởi nguồn của rất nhiều các con sông lớn chảy qua các quốc gia láng giềng như Nga, Kazakhstan, Nepal và Myanmar. Trung Quốc đang chơi một trò chơi đầy mạo hiểm về mặt môi trường và chính trị với việc tiến hành xây dựng một cách thiếu thận trọng và chểnh mảng con đập với quy mô lớn chưa từng có trên sông Brahmaputra, hay còn được biết đến với cái tên Yarlung Tsangpo theo cách gọi của người Tây Tạng. Theo tính toán của Tập đoàn Thủy năng Trung Quốc, một đập thủy điện với công suất dự tính lên tới 38.000 megawatt, gần gấp đôi Đập Tam Hiệp nằm trên sông Metog, sẽ được đặt trên sông Brahmaputra.  Đập thủy điện này được đặt tại điểm mà sông Brahmaputra bắt đầu chảy vào lãnh thổ Ấn Độ12. Trên thực tế, một cuốn sách do Chính phủ Trung Quốc tài trợ mang tên Nước của Tây Tạng sẽ cứu rỗi Trung Hoa, đã đấu tranh cho việc nắn dòng sông Brahmaputra về phía Bắc13.

Với thực trạng thiếu nước ở khu vực đồng bằng phía bắc do việc tưới tiêu không khoa học và ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, Trung Quốc hiện nay đang dần chuyển sự quan tâm tới trữ lượng nước ở khu vực thượng lưu mà Tây Tạng đang sở hữu. Một số dự án thủy điện của Trung Quốc tại các vùng đang tranh chấp với Ấn Độ đều khẳng định, Tây Tạng chính là vùng trung tâm quan trọng của của lãnh thổ Trung - Ấn. Tây Tạng đã không còn là vùng đệm chính trị khi Trung Quốc quyết định sáp nhập lãnh thổ này vào với đại lục hơn 60 năm trước. Và dường như, nếu Tây Tạng không còn là cầu nối chính trị nữa, thì nền hòa bình lâu dài sẽ không còn bền vững - điều này được thể hiện bằng việc Tây Tạng ngày nay khá cô lập và luôn xảy ra nhiều vấn đề xung đột.

Tam giác xung đột: Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ

Quan hệ Trung - Ấn đang bước vào giai đoạn nhạy cảm. Sự quá cứng rắn trong mối quan hệ với New Delhi - đánh dấu bằng việc truyền thông Trung Quốc có những phát biểu đi ngược lại mối quan hệ với Ấn Độ - đã dần đẩy mối quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ xích lại gần nhau. Sự hợp tác giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ được thể hiện bằng hàng loạt hợp tác về năng lượng nguyên tử, phát triển quân sự,… Như Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố trong bài diễn văn kết thúc nhiệm kỳ: “Chúng ta đã mở ra một chương hợp tác chiến lược và lịch sử mới với Ấn Độ”. Tuy nhiên, liệu Hoa Kỳ có luôn đứng về phía Ấn Độ trong tất cả mọi tranh chấp của quốc gia này với Trung Quốc hay không?

Mục tiêu chiến lược cốt lõi của Hoa Kỳ tại Châu Á vẫn như năm 1898, khi Hoa Kỳ chiếm Philippines và lấy đây làm điểm tựa quan trọng trong cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha, đồng thời tạo dựng thế cân bằng về sức mạnh nhằm ngăn chặn sự nổi lên của bất kỳ cường quốc nào. Theo Chiến lược An ninh quốc gia chính thức, Hoa Kỳ cho rằng, “sự nổi lên của Trung Quốc phần nào mang lại hòa bình và thịnh vượng, do quốc gia này bên cạnh những điểm chung, cũng luôn chia sẻ những vấn đề gai góc cùng với Hoa Kỳ”14. Có thể nói, ngay bản thân Chính sách Châu Á của Hoa Kỳ cũng có những điểm mâu thuẫn nội tại.

Trong thực tế, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đóng vai trò then chốt trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một ví dụ là Hoa Kỳ quyết định bỏ qua những đòn trừng phạt thương mại đối với Bắc Kinh sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, thay vào đó còn liên kết Trung Quốc với các tổ chức toàn cầu - một quyết định quan trọng giúp Trung Quốc trở nên giàu có. Trái lại, một chính sách tiếp cận theo hướng ngược lại được thực hiện chống lại Myanmar sau khi đất nước này dẹp tan các cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ vào năm 1988 - Mỹ cầm đầu gia tăng những trừng phạt thương mại mà gần đây, sau hai mươi tư năm, mới phần nào được nới lỏng. Thành tựu kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc, được thể hiện qua việc Trung Quốc trở thành một trong những nước có thặng dư mậu dịch và nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, thực chất phần lớn lại nhờ những chính sách hỗ trợ liên tiếp của Mỹ từ những năm 1970. Nếu không có sự mở rộng thương mại quan trọng trong quan hệ thương mại và tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc từ khi đó thì tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm chạp và khó khăn hơn nhiều.

Các lợi ích kinh tế của Mỹ ngày nay có liên hệ chặt chẽ với các lợi ích của Trung Quốc, khi hai bên cùng loại bỏ hết bất cứ chính sách nào đưa ra nhằm cô lập hay chống lại Bắc Kinh. Ngay cả trong vấn đề về chế độ dân chủ, Mỹ thường xuyên lên tiếng phê phán các chế độ độc tài khác, nhưng lại bỏ qua chế độ chuyên quyền lớn mạnh và tồn tại lâu đời nhất thế giới. Tuy vậy, Mỹ cũng coi tham vọng thống trị châu Á không thể giấu diếm nổi của một Trung Quốc không chịu yên vị, là một yếu tố chống lại nền bảo an và các lợi ích thương mại của nước Mỹ, cũng như mục đích lớn hơn của Mỹ trong việc bình ổn quyền lực tại châu Á. Để phòng tránh sự thống trị đó, Mỹ đã xây dựng những mối quan hệ hợp tác và các thế lực cân bằng khác, không bao gồm Trung Quốc. Nhưng một khi lợi ích của Mỹ vẫn còn liên quan tới Trung Quốc thì Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc.

Theo hướng này, lập trường ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc đã tạo ra thử thách khó khăn cho Ấn Độ. Cho đến giữa năm 2005, Trung Quốc vẫn tránh né những phát ngôn chống lại Ấn Độ và thực hiện chính sách quan hệ tích cực với Ấn Độ, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng lãnh thổ chiến lược tại vùng Nam Á. Tháng 4 năm 2005, Khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến thăm Ấn Độ, hai nước đã công bố một thỏa thuận quan trọng đề ra 6 nguyên tắc nhằm cùng quản lý vùng biên giới. Nhưng ngay sau khi công bố hiệp định khuôn khổ quốc phòng và thỏa thuận hạt nhân giữa Ấn Độ và Mỹ vào giữa năm 2005, không khí tại Bắc Kinh đã có sự thay đổi rõ rệt. Điều này dẫn đến một vòng xoáy quen thuộc: Báo chí Trung Quốc, những người viết trên mạng, các chuyên gia cố vấn an ninh, và thậm chí cả các trang báo mạng được tài trợ bởi chính phủ dấy lên viễn cảnh về “mối đe dọa từ Ấn Độ”. Quả thực, việc lặp lại những kích động tại biên giới, triển khai quân đội mới, và những sự trả đũa quân sự chính là dấu hiệu nổi bật của tình hình đã từng dẫn đến chiến tranh năm 1962.

Một liên minh quân sự Hoa Kỳ - Ấn Độ vẫn luôn là ác mộng của Trung Quốc, và mối liên kết chiến lược toàn cầu được phóng đại giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ, dù chưa có sự thiết lập đồng minh quân sự chính thức nào, vẫn đánh lên những hồi chuông cảnh báo tại Bắc Kinh. Điều này làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu New Delhi có giúp tạo nên bối cảnh, dù không cố tình, dẫn đến sự quả quyết của Trung Quốc chấp nhận tham gia vào “các hoạt động đa quốc gia” do Mỹ dẫn đầu, chia sẻ tin tức tình báo, và xây dựng khả năng tương tác quân sự (các yếu tố then chốt của hiệp định khuôn khổ quốc phòng) và trở thành cộng sự của Mỹ trong “sáng kiến dân chủ hóa toàn cầu” - một cam kết trong hiệp ước hạt nhân15. Trong khi Bắc Kinh không thể phủ quyết các động thái ngoại giao hoặc chiến lược của New Delhi, liệu Ấn Độ có thể tránh được việc tạo ra ấn tượng rằng, Ấn Độ có khả năng trở thành thành viên tiên phong trong hệ thống trục kết nối đồng minh toàn cầu của Mỹ hay không?

  (Xem tiếp phần 3)

* SAIS Review vol. XXXII no.2, 2012.

** GS chuyên ngành Chiến lược học tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, New Delhi, Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục