Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Phần 3)

Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Phần 3)

Bài nghiên cứu này trình bày quan điểm cho rằng, tương lai của sự phục hưng nền kinh tế và hòa bình châu Á phụ thuộc vào mối quan hệ hòa hảo hơn giữa các thế lực quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

01:06 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Gia tăng sức mạnh, gia tăng căng thẳng: Mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ*

Brahma Chellaney**

Ấn Độ, với truyền thống không mấy vững vàng về tự chủ chính trị, không phải là một ứng cử viên sáng giá để trở thành đồng minh của Mỹ trong khuôn khổ chính sách bảo hộ của Mỹ. Tuy nhiên, những phát ngôn lớn tiếng của Ấn Độ và Mỹ về sự hợp tác mới đã thể hiện một sự đổi mới trong những sắp đặt địa chính trị, khiến những nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng, Ấn Độ đã được chải chuốt thành một nước Nhật hay Úc mới đối với Mỹ - một quan điểm được củng cố bởi các hoạt động bảo an cũng như các trao đổi quốc phòng trị giá hàng tỷ USD liên tiếp. Trong một thập kỷ, từ khi Tổng thống Bush thực hiện mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Ấn, Ấn Độ đã tái định hướng cơ cấu trang bị hệ thống quốc phòng, không còn dựa dẫm và sự bảo trợ của Nga như trước nữa. Quả thực, gần một nửa số thỏa thuận mua bán quốc phòng của Ấn Độ, trong những năm gần đây, tính theo giá trị, đều được cung cấp bởi Mỹ, Israel đứng rất xa ở vị trí thứ 2 và Nga đã rơi xuống vị trí thứ 3.

New Delhi đã không thể tiên đoán được rằng, sự hấp tấp trong việc liên kết chiến lược với Washington có thể kích động sức ép từ phía Trung Quốc, và, trong tình huống đó, Mỹ sẽ không thể đem lại nhiều sự yên tâm cho Ấn Độ. Ngay cả khi Bắc Kinh cố tình quấy nhiễu Ấn Độ trên nhiều mặt trận, Chính phủ của Tổng thống Barack Obama - khác hẳn với thái độ ủng hộ Ấn Độ - thậm chí đã không cảnh cáo Bắc Kinh trước bất cứ hành động sử dụng bạo lực nhằm thay đổi tình hình lãnh thổ hiện tại nào. Trong hàng loạt các vấn đề - từ Đức Đa Lai Lạt Ma cho đến bang Arunachal Pradesh - Washington quả thực đã chọn cách không đụng chạm đến Bắc Kinh. Hành động đó đã khiến Ấn Độ chỉ còn trơ trọi một mình.

Tổng thống Barack Obama đã xoa dịu lòng tự trọng của Ấn Độ bằng việc mời Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh dùng bữa tại dinh Tổng thống, dẫn đến lời đùa rằng, trong khi Trung Quốc nhận được sự cung kính và Pakistan nhận được hàng tỷ USD viện trợ định kỳ từ nước Mỹ, thì Ấn Độ dễ dàng quy thuận chỉ bằng một bữa tối thịnh soạn và vài lời khen dễ nghe. Cũng thừa nhận rằng, sự khởi đầu cho mối quan hệ Mỹ - Ấn dưới thời Tổng thống Bush khá là khả quan và phấn khích đã dẫn đến những nhận định thực tế rằng, mối quan hệ này đã chín muồi. Những sức mạnh về kinh tế và địa chính trị vấn tiếp tục khiến hai quốc gia này trở nên thân thiết hơn. Quả thực, để cung cấp sức mạnh chiến lược cho tuyên bố “tái cân bằng” châu Á của Obama, hợp tác chiến lược gần gũi hơn giữa Mỹ với Ấn Độ đã trở nên cấp bách.

Trong khi mục tiêu địa chiến lược trong mối quan hệ Mỹ - Ấn hoàn toàn chắc chắn tiến tới sự hợp tác chặt chẽ hơn, thì mối quan hệ đó dường như lại không khiến phía Washington đánh đổi các ràng buộc ngày càng nhiều với Bắc Kinh. Mỹ cần nhiều nguồn vốn từ Trung Quốc cũng như Trung Quốc cần thị trường tiêu dùng Mỹ - một mối quan hệ phụ thuộc kinh tế lẫn nhau mà tầm quan trọng thể hiện qua việc nếu mối quan hệ này rạn nứt sẽ dẫn đến sự sụp đổ chắc chắn sẽ xảy ra từ cả 2 phía. Cả về mặt chính trị, Trung Quốc, với quyền phủ quyết trong Liên Hợp Quốc và sức mạnh đòn bẩy mang tính quốc tế, có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ nhiều hơn Ấn Độ. Với bối cảnh này, sẽ không ngạc nhiên nếu Washington định đơn phương từ bỏ những ràng buộc với New Delhi có thể chọc giận Trung Quốc, ví dụ như tham gia hỗ trợ quân sự tại Arunachal Pradesh. Trên thực tế, Washington đã lặng lẽ đưa ra quyết định khi giữ thái độ trung lập đối với vấn đề Arunachal Pradesh.

Tuy vậy, những phương thức hành động đầy mạnh mẽ hiện nay của Trung Quốc, nghịch lý thay, lại củng cố thêm cho lối suy nghĩ của người Ấn vốn dĩ là nguồn gốc khơi dậy sự quyết tâm của Trung Quốc rằng, Ấn Độ không có nhiều sự lựa chọn ngoài cách gắn bó với Mỹ. Cách suy nghĩ đó vô tình bỏ qua những hạn chế của mối quan hệ  Ấn - Mỹ trong sự thay đổi đời sống và sự áp bức từ các chính sách của Mỹ. Washington đã tỏ rõ qua mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối thủ trong khu vực của Ấn Độ, như Trung Quốc và Pakistan, rằng, họ không đặt niềm tin vào mối quan hệ độc quyền với bất cứ một khu vực nào. Chỉ có thể tự bảo vệ chính mình, New Delhi đã đưa ra quyết định tránh né một cuộc đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh. Sự thận trọng, nói cho cùng, chính là phần khôn ngoan hơn của lòng can đảm.

Kết luận

Sự kình địch chiến lược giữa hai chế độ chuyên chế và dân chủ lớn nhất thế giới ngày càng gay gắt dù thương mại song phương vẫn gia tăng nhanh. Giữa năm 2000 và 2010, thương mại song phương tăng hai mươi lần, đây cũng là phần tốt đẹp duy nhất của quan hệ giữa hai quốc gia. Nhưng điều đó không thể khiến những tranh chấp cũ bước sang một trang mới, sự giao thương này luôn phải đi kèm với các đối đầu về địa chính trị và những căng thẳng quân sự lớn hơn nhiều giữa Trung Quốc - Ấn Độ. Điều đó chứng tỏ, bùng nổ về thương mại không thể đảm bảo cho sự tiết chế hay có chừng mực giữa các quốc gia. Trừ khi những người hàng xóm đáng ghét thay đổi đường lối quan hệ chính trị của họ, nếu kinh tế tự thân nó cũng không thể đủ để gây dựng nên sự thiện chí hay mối quan hệ ổn định lâu dài.

 Hướng phát triển của quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn đến cả châu Á và rộng hơn là an ninh thế giới. Trung Quốc có vẻ như đang phát tín hiệu rằng, cuộc đua tranh thực sự và dài hơi nhất của họ không hẳn là với Mỹ mà là với Ấn Độ. Họ hiển nhiên đã coi Ấn Độ là một đối thủ ngang tầm tiềm năng. Khát vọng về một quyền lực lớn mạnh của Ấn Độ phụ thuộc vào khả năng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc - một cách độc lập cũng như kết hợp với những thế lực khác. Ấn Độ sẽ dễ dàng đạt được sự cân bằng ổn định, đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc hơn nếu không có sự mất cân bằng quân sự nghiêm trọng nào quanh dãy Himalaya.

Cân bằng quyền lực lớn hơn tại châu Á được hình thành bởi những sự phát triển không chỉ ở Đông Á mà còn ở khu vực Ấn Độ Dương - hành lang trung chuyển quan trọng cho dầu và các mặt hàng thương mại khác. Các vấn đề an ninh không chính thống khác trong khu vực Ấn Độ Dương - từ an ninh năng lượng và an ninh khí hậu đến khủng bố đa quốc gia và môi trường xuống cấp - đã trở nên quan trọng không kém các vấn đề an ninh chính thống, như tự do hàng hải, an ninh hải phận, an ninh hàng hải, sự gia tăng của các vũ khí hủy diệt hàng loạt và hải tặc. Khu vực Ấn Độ Dương đã thực sự trở thành một trung tâm mới về thương mại, năng lượng và địa chính trị toàn cầu. Nếu Trung Quốc chiếm được thế thượng phong tại khu vực Ấn Độ Dương bằng sự trả giá của Ấn Độ, đó sẽ là dấu chấm hết cho tham vọng quyền lực của Ấn Độ.

Hoa Kỳ có thể đóng vai trò then chốt trong việc ổn định sự cân bằng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bao gồm đối thoại ba bên Mỹ - Trung - Ấn và các phương án cho sự bình ổn và an ninh trong vùng Ấn Độ Dương rộng lớn. Nếu Tây Tạng là cầu nối chính giữa Trung Quốc và Ấn Độ, tầm quan trọng của nó phải được thừa nhận rõ ràng trong chính sách. Hiện không còn là lúc coi Tây Tạng một vấn đề luân lý nữa và thay vào đó cần được nâng cao lên thành vấn đề chiến lược có tác động đến an ninh Châu Á và quốc tế.

* SAIS Review vol. XXXII no.2, 2012.

** GS chuyên ngành Chiến lược học tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, New Delhi, Ấn Độ.

Người dịch: Vũ Tiến Lê Hoàng
Hiệu đính: TS Phương Sơn; ThS Phùng Thị Thanh Hà

Chú thích

1 Angus Maddison, Kinh tế Thế Giới: Cái nhìn của một thiên niên kỷ (Paris: Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, 2001); và Haruhiko Kuroda, “Khủng hoảng kinh tế và tác động đến châu Á,” (diễn văn tại Hội nghị Montreal, tháng 9, 2008).

2Jung Chang và Jon Halliday, Mao: Những câu chuyện chưa từng biết tới (London: Jonathan Cape, 2005).

3 Hiệp định Panchsheel được biết tới rộng rãi với tên gọi “Hiệp định giữa Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc trao đổi thương mại văn hóa giữa khu tự trị Tây Tạng và Ấn Độ”, ký kết vào 29 tháng 4 năm 1954, tại Bắc Kinh, được phê chuẩn vào 17 tháng 8 năm 1954.

4 Điều số 1 và 2 trong “Trao đổi ghi chú” đồng thời với “Hiệp định giữa Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc trao đổi thương mại văn hóa giữa khu tự trị Tây Tạng và Ấn Độ” năm 1954. Nội dung đầy đủ tham khảo Brahma Chellany,Người khổng lồ của Châu Á (New York: Harper Paperbacks, 2010), phụ lục.

5 H.Y. Sharada Prasad, A.K. Damodaran avaf Saverpalli Gopal (biên tập), Các thành tựu của Jawaharlal Nehru, phần 2, tập 29, 1 tháng 6 – 31 tháng 8 1955 (New Delhi: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2005), 231

6 Như trên

7 Đề cập đến Quốc gia trong chương trình radio toàn Ấn Độ, 22 tháng 10, 1962, trong Các bài diễn văn của Jawaharlal Nehru, tháng 9 1957 – tháng 4 1963, tập 4 (New Delhi: Bộ thông tin và phát thanh, 1964). 226-30.

8 Lời nhận xét của Chu Ân Lai vào năm 1962 được trích dẫn, tại Asad-ul Iqbal Latif, Ba phía trong việc tìm kiếm tam giác: mối quan hệ Singapore – Mỹ - Ấn Độ(Singapore: Nhà xuất bản ISEAS, 2009), 117; và Chellaney, Người khổng lồ của Châu Á, 165.

9 Chủ tịch nước Ôn Gia Bảo, “Chung tay cho Vinh quang mới của nền Văn minh phương Đông”, (Bài diễn văn ở Hội đồng Ấn Độ về Tình hình Thế Giới, New Delhi, 6 tháng 12, 2010), http://www.icwa.in/pdfs/Chinapm_Lecture.pdf

10John W.Garver, “Chính sách Ngoại giao của một Trung Hoa đang phát triển tại Nam Á,” Orbis (Mùa hè 2012), 392.

11 Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), hệ thống dữ liệu mạng Aquastat, http://www.fao.org/nr/water/aquastat/countries_region/index.stm

12 Tập đoàn HydroChina, “Bản đồ các đập trong kế hoạch,” http://hydrochina.com.cn/zgsd/images/ziyuan_b.gif

13 Li Ling, Xiang Zhi Shui Jiu Zhongguo: Da Xi Xian Zai Zao Zhongguo Zhan Lue Nei Mu Xiang Lu (Nước của Tây Tạng sẽ cứu Trung Quốc), bằng tiếng Trung (Bắc Kinh: Zhongguo Chang’an chu ban she, tháng 11 2005), sách được tài trợ bởi Bộ Nguồn nước sạch.

14 Nhà Trắng, Chiến lược an ninh quốc gia của Liên bang Hoa Kỳ (Washington, DC: Nhà Trắng, Tháng 3 2006), 41.

15Thỏa thuận hạt nhân: Tuyên bố chung của Tổng thống George W. Bush và Thủ tướng Manmohan Singh, Washington, DC, 18 tháng 7, 2005, http://usinfo.state.gov/sa/Archive/2005/Jul/18-624598.html; và hiệp định khung về tăng cường quốc phòng Mỹ - Ấn, hiệp định được ký tại Arlington, Virginia, vào 28 tháng 6, 2005, http://www.indianembassy.org/press_release/2005/June/31.htm

Nguồn:

Cùng chuyên mục