Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giải quyết tận gốc nạn đói trên toàn cầu

Giải quyết tận gốc nạn đói trên toàn cầu

Giải quyết nạn đói toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải xác định được những nguyên nhân cơ bản của nó và loại bỏ tận gốc những nguyên nhân này. Điều này đòi hỏi không chỉ việc áp dụng các chính sách mới, mà mỗi chúng ta phải thay đổi cơ bản trong nhận thức về các giá trị và thái độ sống.

05:08 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đức Phật dạy rằng, để giải quyết hiệu quả bất kỳ vấn đề nào, chúng ta phải loại bỏ những nguyên nhân cơ bản của nó. Trong khi chính Đức Phật áp dụng nguyên tắc này để chấm dứt đau khổ hiện sinh, phương pháp tương tự có thể được sử dụng để đối phó với nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong các khía cạnh kinh tế-xã hội.

Cho dù vấn đề là sự bất công về chủng tộc, chênh lệch kinh tế, hay sự bất ổn về khí hậu, để giải quyết những vấn đề này, chúng ta phải phân tích sâu để tìm nguyên nhân sinh ra vấn đề.

Báo cáo The Hunger Virus Multiplies gần đây của Oxfam International đã phân tích nguyên nhân sâu xa của nạn đói toàn cầu. Trong khi đại dịch COVID đã đẩy nạn đói trên thế giới vượt qua khỏi tầm nhận thức của chúng ta, báo cáo chỉ ra rằng, số người chết đói nhiều hơn số người chết do vi rút. Tỷ lệ tử vong do COVID ước tính là 7 người mỗi phút, nhưng nạn đói cướp đi 11 người mỗi phút.

Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện, vi rút corona đã đẩy tỷ lệ tử vong do đói thậm chí cao hơn so với trước đại dịch. Trong năm qua, theo báo cáo, đại dịch đã đẩy thêm 20 triệu người đến mức độ mất an ninh lương thực cực kỳ nghiêm trọng, trong khi số người sống trong điều kiện cận kề nạn đói đã tăng gấp 6 lần, lên hơn 520.000 người.

Báo cáo cho biết tỷ lệ tử vong do đói là do ba nguyên nhân sâu xa, hay còn gọi là nguyên nhân 3C: xung đột, COVID và khủng hoảng khí hậu.

Xung đột là nguyên nhân mạnh nhất gây ra nạn đói toàn cầu, đẩy gần 100 triệu người ở 23 quốc gia đến mức khủng hoảng do mất an ninh lương thực và thậm chí là nạn đói.

Xung đột không chỉ làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và cản trở việc tiếp cận lương thực, mà trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, các bên đối lập thường sử dụng nạn đói như một vũ khí có chủ ý để đè bẹp đối thủ của họ. Họ có thể chặn hoạt động cứu trợ nhân đạo, đánh bom các chợ địa phương, đốt cháy cánh đồng hoặc giết hại gia súc – từ đó tước đoạt quyền tiếp cận thực phẩm và nước của mọi người, đặc biệt là những thường dân thường kém may mắn.

Khó khăn kinh tế, yếu tố chính thứ hai dẫn đến nạn đói toàn cầu, đã trở nên trầm trọng hơn trong hai năm qua bởi đại dịch COVID. Đại dịch đã buộc nhiều quốc gia phải phong tỏa, làm gia tăng mức độ nghèo đói và khiến nạn đói tăng đột biến. Năm 2020, tỷ lệ nghèo đói tăng 16% và hơn 40 triệu người ở 17 quốc gia phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Khi sản lượng lương thực giảm, giá lương thực trên toàn thế giới năm ngoái đã tăng gần 40%, mức tăng cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Điều này đã làm cho nhiều người không mua được thực phẩm, ngay cả khi có sẵn thực phẩm. Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ, dân số di cư và lao động phi chính thức. Đồng thời, giới tinh hoa của các tập đoàn kinh doanh đã biến đại dịch thành một cơ hội bán hàng thiết yếu, thu về những khoản lợi nhuận chưa từng có. Năm 2020, tài sản của 10 người giàu nhất đã tăng thêm 413 tỷ USD và xu hướng ngày càng tập trung tài sản vào tay những người có đặc quyền vẫn tiếp tục trong năm 2021.

Nguyên nhân thứ ba gây ra nạn đói toàn cầu là cuộc khủng hoảng khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua liên quan đến biến đổi khí hậu đã gây ra những thiệt hại chưa từng có. Theo báo cáo, thảm họa khí hậu - bão, lũ lụt và hạn hán - đã đẩy gần 16 triệu người ở 15 quốc gia đến mức đói kém. Báo cáo nêu rõ, mỗi thảm họa khí hậu đều khiến chúng ta rơi vào tình trạng đói nghèo ngày càng sâu sắc hơn. Đáng buồn thay, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cú sốc khí hậu lại là những quốc gia có mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch thấp nhất.

Nhìn vào cuộc khủng hoảng đói toàn cầu theo quan điểm của Phật giáo, tôi cho rằng, bên dưới ba nguyên nhân gây ra nạn đói được nêu trong báo cáo của Oxfam còn có một mạng lưới nhân quả sâu xa hơn mà cuối cùng bắt nguồn từ tâm trí con người. Nguồn gốc của xung đột và chiến tranh, sự bất bình đẳng kinh tế cùng cực và sự tàn phá khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn, là những tham, sân, si, cùng với nhiều mầm mống khác.

Mặc dù chúng ta không thể mong đợi rằng, những góc đen tối này của tâm trí con người sẽ bị loại bỏ trên phạm vi toàn cầu, nhưng nếu chúng ta muốn giải quyết các vấn đề phức tạp gây ra đói nghèo, chúng ta phải giảm thiểu, ít nhất ở mức độ vừa đủ, những biểu hiện chung của chúng.

Cuối cùng, nạn đói kéo dài trong thế giới của chúng ta là một sự thất bại về mặt đạo đức cũng như một dấu hiệu của các chính sách sai lầm. Để giảm đáng kể nạn đói toàn cầu, chúng ta không chỉ cần các chính sách khôn ngoan - có thể là quan trọng - mà còn cần sự định hướng lại cơ bản trong các giá trị của chúng ta nhằm cắt giảm tận gốc sự bất công kinh tế, chủ nghĩa quân phiệt và tàn phá môi trường. Nếu không có những thay đổi bên trong như vậy, những thay đổi về chính sách chắc chắn sẽ bị hạn chế về tác động và bị pha loãng với những thay đổi đi ngược lại chính sách.

Tôi cho rằng hai thay đổi bên trong là quan trọng nhất đối với nỗ lực xóa bỏ đói nghèo của chúng ta. Một là, chúng ta cần mở rộng tấm lòng thấu hiểu và đồng cảm, sẵn sàng bao dung trong tình đoàn kết của tất cả những người hàng ngày phải đối mặt với cuộc đấu tranh khắc nghiệt để tồn tại. Chúng ta còn cần sự hiểu biết thông minh về lợi ích dài hạn, cần sự khôn ngoan để thấy rằng, lợi ích chung thực sự của chúng ta vượt xa những chỉ số kinh tế hạn hẹp, rằng, tất cả chúng ta đều phát triển khi chúng ta tạo điều kiện cho mọi người cùng phát triển.

Chúng ta đã có sẵn các phương tiện để giải quyết từng tác nhân gây ra nạn đói toàn cầu được xác định trong báo cáo của Oxfam. Những gì chúng ta cần là tầm nhìn xa, lòng trắc ẩn và lòng can đảm, đạo đức để thực hiện chúng và quảng bá chúng trên quy mô rộng.

Sự đồng cảm là điều không thể thiếu, và vì điều này, chúng ta cần mở rộng nhận thức, học cách coi những người đang đối mặt với những khó khăn hàng ngày không chỉ là những con số thống kê hay những “người khác” xa lạ, mà họ là con người được ban tặng đầy đủ phẩm giá vốn có. Chúng ta phải xem họ về cơ bản giống như chính chúng ta, chia sẻ mong muốn cơ bản của chúng ta là được sống, được phát triển và đóng góp cho cộng đồng. Chúng ta phải thấy rằng, cuộc sống của họ quan trọng đối với họ, và đối với những người yêu thương họ, cũng như cuộc sống của chúng ta quan trọng đối với mỗi chúng ta.

Nhưng sự đồng cảm tự nó là không đủ. Chúng ta cũng cần một cái nhìn rõ ràng về lợi ích lâu dài thực sự của chúng ta với tư cách là một trong những loài chia sẻ một hành tinh chung. Điều này có nghĩa là chúng ta phải nhìn xa hơn, không dùng lợi nhuận và giá trị cổ phiếu làm tiêu chí thành công của mình, cần lấy các tiêu chuẩn khác ngoài tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và lợi tức đầu tư làm mục tiêu của chính sách toàn cầu. Thay vào đó, chúng ta phải ưu tiên cho các giá trị quan trọng đối với sự đoàn kết xã hội và sự bền vững của hành tinh.

Những điều này tối thiểu phải bao gồm việc cung cấp an ninh kinh tế cho tất cả mọi người, bảo đảm bình đẳng giới và bình đẳng giữa các chủng tộc, cũng như bảo vệ môi trường tự nhiên khỏi sự khai thác liều lĩnh và tàn phá bởi các lợi ích thương mại.

Chắc chắn, chúng ta nên tiếp tục ủng hộ các chính sách và chương trình được đưa ra như liều thuốc giải độc cho nạn đói trên thế giới. Nhưng đằng sau những chính sách và chương trình đó, chúng ta cần những thay đổi trong quan điểm và thái độ của mình: hiểu biết đúng đắn về lợi ích của con người và cam kết rộng đối với hạnh phúc của tất cả những người chia sẻ hành tinh này với chúng ta.

Bằng cách mở rộng tầm nhìn, chúng ta sẽ thấy rằng, chúng ta chỉ có thể phát triển hoàn toàn khi chúng ta thiết lập các điều kiện để mọi người cùng phát triển. Với sự đồng cảm rộng rãi, chúng tôi sẽ sống để tạo ra một thế giới mà ở đó không ai bị đói.

Tác giả: Jeffrey Block, nhà sư đạo Phật, người sáng lập Tổ chức Cứu trợ Toàn cầu Phật giáo, người gốc Mỹ, xuất gia tại Sri Lanka và hiện đang giảng dạy tại New York và New Jersey.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.indepthnews.net/index.php/sustainability/health-well-being/4740-tackling-global-hunger-at-its-roots

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục