Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Gợi mở cho Ấn Độ trong cách tiếp cận của Nhật Bản đối với sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc

Gợi mở cho Ấn Độ trong cách tiếp cận của Nhật Bản đối với sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc

Ấn Độ sẽ học tập từ Nhật Bản và không hoàn toàn đóng cửa với sáng kiến Vành đai, con đường (BRI).

05:32 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tridivesh Singh Maini*

Cách tiếp cận hững hờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nhật Bản đã buộc nước này phải tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Gần đây, dường như cả hai bên đều mong muốn bắt tay hợp tác trong một số vấn đề quan trọng - chiến lược và kinh tế - chẳng hạn như Bắc Triều Tiên và ảnh hưởng của chương trình thuế quan của Chính quyền Trump đối với cả hai nền kinh tế.

Trong chuyến thăm lần đầu tiên trong 9 năm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Nhật Bản, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều nói về nhu cầu hợp tác trong vấn đề Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono nhận xét về sự hiểu biết đạt được giữa hai bên, và bày tỏ rằng: "Để thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng của Bắc Triều Tiên, chúng tôi đã đồng ý tiếp tục thực hiện đầy đủ tất cả các nghị quyết có liên quan và làm việc chặt chẽ với nhau".

Điều thú vị là, cuộc đối thoại kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản đã được tổ chức sau thời gian 8 năm. Ngoài vấn đề thuế quan của Hoa Kỳ, cả Nhật Bản và Trung Quốc cũng quyết định hợp tác để tăng cường toàn cầu hóa, thứ đã mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Điều đặc biệt quan trọng là, cả hai bên thảo luận về khả năng hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba. Thực tế, ông Vương Nghị đã mời Nhật Bản xem xét tham gia vào BRI. Ông Kono nói rằng, Nhật Bản sẵn lòng tham gia vào những phần của dự án đã được đồng bộ với các tiêu chuẩn của cộng đồng quốc tế.

Trong bài phát biểu với các giám đốc điều hành của Nhật Bản và Trung Quốc ở Tokyo cách đây vài tháng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ám chỉ đến khả năng tham gia của Nhật Bản vào BRI. "Tôi tin rằng, Nhật Bản sẽ có thể hợp tác tốt với Trung Quốc - quốc gia đã đưa ra sáng kiến BRI”.

Ông Abe nói rằng, điều này chỉ có thể được thực hiện trong một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Tuy ông Abe nói rằng sự hợp tác đó sẽ mang lại lợi ích cho người dân châu Á, nhưng ông cũng đưa ra quan điểm rằng, Trung Quốc cần đảm bảo các dự án trở nên minh bạch hơn.

Điều đáng chú ý là, Nhật Bản cũng đã phản đối Hành lang Kinh tế Trung Quốc -Pakistan (CPEC), đây là nội dung chính trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đại sứ Nhật Bản tại Pakistan, Takashi Kurai, trong buổi tọa đàm tại Viện Nghiên cứu chiến lược Islamabad tháng 11/2017, cho biết: “Chúng tôi không phản đối CPEC, chúng tôi đánh giá cao sáng kiến này, nhưng đồng thời, chúng tôi tin rằng, bất cứ dự án nào được thực hiện đều phải dựa trên sự minh bạch, cởi mở, trách nhiệm. Chúng tôi đã nói rõ rằng, chúng tôi có thể sẵn sàng giúp đỡ để tiếp tục thúc đẩy dự án này”.

Sự cởi mở của Nhật Bản đối với BRI là điều rất thú vị, vì nó cũng đưa ra câu chuyện khác, chẳng hạn như Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng chất lượng (PQI), trong đó Ấn Độ và Nhật Bản là đối tác. Cả hai quốc gia đang hợp tác trong các dự án đầy tham vọng như Hành lang tăng trưởng Á - Phi. Ngay cả trong khuôn khổ “Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Nhật Bản đang tìm cách hợp tác với các nước thành viên khác của Nhóm bộ tứ (Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc) về các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Điều này có ý nghĩa gì đối với Ấn Độ?

Sự cởi mở của Nhật Bản đối với BRI mang đến bài học quan trọng đối với Ấn Độ, cụ thể là Ấn Độ không nên đóng cửa theo hướng khái niệm. Trong vài tháng qua, một số bước quan trọng đã được thực hiện để hàn gắn mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc, điều quan trọng nhất và mang tính quyết định là chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Trung Quốc trong một cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vũ Hán.

Ông Tập Cận Bình nói rằng, “Trung Quốc và Ấn Độ đều là cỗ máy quan trọng cho sự tăng trưởng toàn cầu, và chúng tôi là những trụ cột trung tâm để thúc đẩy một thế giới đa cực và toàn cầu hoá”.

Ông Modi tán thành quan điểm của ông Tập, và cho rằng, cần phải tăng cường hợp tác. Ông Modi nói rằng: “Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 40% dân số thế giới, cả hai cần phải cố gắng hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu”.

Mặc dù một số tiến bộ tiệm tiến, nhưng sự khác biệt trong các dự án của BRI có lẽ sẽ không được giải quyết dễ dàng.Ví dụ, cả hai bên đều bàn về về tính khả thi một dự án chung ở Afghanistan.

Phản đối chủ yếu của Ấn Độ đối với BRI là CPEC - đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp. New Delhi không chỉ một lần nêu ra sự e ngại về vấn đề này. Bắc Kinh đã bày tỏ sẵn sàng giải quyết các mối quan tâm của Ấn Độ và tái thiết kế dự án. Trong Diễn đàn Bác Ngao, ông Tập nói rằng, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết những lo ngại của các quốc gia khác liên quan đến BRI và kiên trì quan điểm không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.

Trong cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 5 ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã không đưa ra một phản ứng thuyết phục đối với phía Ấn Độ. Ấn Độ đã không ủng hộ thông cáo đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Bắc Kinh.

Do những căng thẳng với Trung Quốc và sự khác biệt đối với CPEC, Ấn Độ cũng đã thờ ơ đối với dự án Hành lang Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar (BCIM). Các cuộc thảo luận liên quan đến dự án này đã được các học giả từ Ấn Độ và Trung Quốc tiến hành trong gần hai thập kỷ. Trung Quốc nhấn mạnh rằng, BCIM là một phần của BRI; còn phía Ấn Độ cho biết, đề xuất này đã có trước sáng kiến của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, New Delhi không nên hoàn toàn đóng cửa với BRI vì nó có thể mang lại lợi ích cho Ấn Độ, đặc biệt là khu vực miền Đông Ấn Độ và bổ sung Chính sách Hành động Phía Đông của New Delhi. Bắc Kinh đã tiếp cận đến Tây Bengal (Côn Minh và Kolkata là hai thành phố kết nghĩa), và thậm chí còn mời người đứng đầu bang Tây Bengal đến thăm Trung Quốc vào năm 2017, mặc dù chuyến thăm không diễn ra.

Tóm lại, Ấn Độ đã tìm cách hàn gắn lại mối quan hệ với Trung Quốc, có thể theo cách từ Nhật Bản và cũng không hoàn toàn đóng cửa với BRI. New Delhi nên thể hiện sự thực dụng đối với BRI và mời các bên liên quan trong nước (đặc biệt là các chính quyền các tiểu bang như Tây Bengal - nơi có thể hưởng lợi từ các dự án như BCIM) tham gia. Khu vực  Ấn Độ - Thái Bình Dương đang chứng kiến những thay đổi đáng kể, và sự cứng rắn không phục vụ mục đích của bất kỳ ai.

*Chuyên gia phân tích chính sách có trụ sở tại New Delhi, Trường Quốc tế Jindal, Đại học Toàn cầu Jindal OP, Sonipat, Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://thediplomat.com/2018/05/a-lesson-for-india-in-japans-approach-to-chinas-belt-and-road-initiative/

Nguồn:

Cùng chuyên mục