Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan: Mối quan ngại của Ấn Độ

Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan: Mối quan ngại của Ấn Độ

Đứng trước thách thức của Hành lang Kinh tế Pakistan - Trung Quốc, Ấn Độ cần phải nỗ lực để tạo ra một phản ứng có hiệu quả.

05:49 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan: Mối quan ngại của Ấn Độ(*)

Harsh V. Pant*

Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đã thu hút được nhiều sự chú ý và cũng do nhiều nguyên nhân sai lầm. Pakistan, được đưa tin, đã từ chối đề nghị trợ giúp 14 tỷ USD của Trung Quốc để đầu tư xây dựng đập Diamer - Bhasha, song lại  đề nghị Trung Quốc cấp 60 tỷ USD để nước này tự xây dựng đập trên. Vì CPEC nằm trên vùng đất đang tranh chấp, nên Ngân hàng Phát triển châu Á đã từ chối tài trợ cho dự án này. Chính vì vậy, Trung Quốc muốn nhẩy vào tham gia dự án, song Pakistan không đồng ý vì nhận thấy những điều kiện mà Bắc Kinh đưa ra bao gồm cả việc là chủ sở hữu dự án, chi phí đưa vào hoạt động và bảo dưỡng, vấn đề an ninh con đập sẽ khiến cho dự án không thể trở thành hiện thực cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.  Pakixtan muốn tự đầu tư vào dự án.

Diễn biến này xảy ra sau khi có những bất đồng về việc đưa vào lưu thông đồng nhân dân tệ của Trung Quốc song song với đồng USD tại Pakistan. Pakistan buộc phải bác bỏ yêu cầu này và cho rằng, việc đồng thời đưa vào lưu thông rộng rãi đồng nhân dân tệ giống như đồng USD tại bất cứ khu vực nào của Pakistan cũng phải dựa trên cơ sở tương hỗ.

Do tâm lý háo hức ban đầu rằng, CPEC sẽ mở ra khả năng đánh giá lại một cách thực tế hơn về chi phí của dự án, hiện cả Bắc Kinh lẫn Islamabad dường như sẽ phải đánh giá lại các điều khoản mà hai nước đề ra. Trong khi Trung Quốc yêu cầu lớn hơn về sự tự trị, về an ninh khi đưa dự án vào hoạt động, Pakistan lại cho rằng, khó có thể đồng ý với phần lớn những yêu cầu này. Tại Pakistan hiện có làn sóng ngày càng gia tăng cho rằng, Trung Quốc dường như có lợi hơn từ CPEC so với Pakistan, theo đó, Bắc Kinh sẽ thanh toán tất cả hàng nhập khẩu và trả lương cho công nhân xây dựng đập với giá của thị trường địa phương, còn Islamabad phải chịu gánh nặng thanh toán các khoản lãi suất cho các ngân hàng Trung Quốc trong tương lai.

Mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan, Sun Weidong, tuyên bố rõ rằng, Pakistan không sản xuất được các sản phẩm vốn rất cần ở Trung Quốc. Chỉ khi nào các công ty Trung Quốc bắt đầu sản xuất các sản phẩm này tại Pakistan thì cán cân thương mại mới có thể được điều chỉnh. Điều này củng cố thêm những quan điểm cho rằng, tất cả những gì mà Trung Quốc muốn là việc sử dụng lợi thế của CPEC để phục vụ cho lợi ích của các công ty Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đề nghị Ấn Độ tham gia vào dự án Một vành đai, Một con đường. Trong bài phát biểu gần đây, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, ông Luo Zhaohui, cho rằng, Trung Quốc “có thể thay đổi tên gọi của dự án Vành đai, Con đường” và “tạo ra một hành lang khác chạy qua khu vực Jammu và Kashmir, đèo Nathu La hoặc Nepan để giải quyết các mối quan ngại của Ấn Độ”. Điều này ngày càng cho thấy rõ dự án Vành đai, Con đường cần có sự tham gia của Ấn Độ.

Cho tới nay, Ấn Độ vẫn từ chối tham gia vào Vành đai, Con đường và kiên quyết phản đối Trung Quốc đầu tư vào CPEC, vốn chạy qua khu vực Kashmir do Pakistan chiếm giữ. Trước đó, tháng 5/2017, New Delhi đã tẩy chay Diễn đàn Vành đai, Con đường và tuyên bố: “Không một nước nào có thể chấp nhận một dự án phớt lờ những lo ngại cốt lõi về vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, S. Jaishankar, cũng khẳng định lập trường này tại Đối thoại Raisina năm 2017: “Trung Quốc rất nhạy cảm về vấn đề chủ quyền của mình. Hành lang kinh tế chạy qua một khu vực lãnh thổ bất hợp pháp, nơi mà Ấn Độ gọi là khu vực Kashmir do Pakistan chiếm đóng. Người ta có thể hình dung ra phản ứng của Ấn Độ đối với dự án mà Ấn Độ không được hỏi ý kiến”. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cũng khẳng định rằng: “Bản thân sự kết nối không thể cao hơn hoặc làm xói mòn chủ quyền của các nước khác”.

Hậu quả lâu dài về mặt chiến lược của dự án Vành đai, Con đường đối với Ấn Độ có thể cho phép Trung Quốc củng cố sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương với cái giá mà Ấn Độ phải trả. Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để tăng cường đòn bẩy địa - chính trị và, do vậy, làm tăng thêm nỗi lo ngại về an ninh của Ấn Độ. CPEC cho phép Trung Quốc đặt chân lên khu vực phía Tây Ấn Độ Dương, với cảng Gwadar, nằm gần eo biển chiến lược Hormuz, nơi các tầu chiến và tầu ngầm của Trung Quốc đang hiện diện. Điều này cũng cho phép Trung Quốc có khả năng lớn hơn trong việc kiểm soát hoạt động thương mại qua đường biển - một yếu điểm của Ấn Độ, nước nhập tới hơn 60% nguồn cung cấp dầu từ Trung Đông. Nếu CPEC giải quyết được “tình trạng tiến thoái lưỡng nan Malacca” của Trung Quốc - tình trạng quá phụ thuộc của Trung Quốc vào eo biển Malacca trong việc vận chuyển nguồn năng lượng - thì nó cho phép nền kinh tế lớn nhất châu Á này một  không gian hoạt động rộng lớn hơn để theo đuổi quyền lợi đơn phương trong vấn đề hàng hải làm phương hại đến sự tự do hàng hải và an ninh thương mại - năng lượng của một vài quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương, bao gồm cả Ấn Độ.

Sự phản ứng của Ấn Độ hiện đã khích lệ những ai vẫn còn nghi ngờ động cơ của Trung Quốc đằng sau dự án Vành đai, Con đường tại Pakistan và cả  những người khác trên thế giới. Phương Tây hiện có thái độ thẳng thừng hơn khi bầy tỏ nỗi lo ngại của mình và tại Pakistan đang có làn sóng yêu cầu thẩm tra lại dự án này. Về phần mình, Ấn Độ cần cung cấp một khuôn mẫu mới cho những dự án toàn cầu. Gần đây, New Delhi đã có những động thái theo xu hướng này với sự kết nối của Hành lang Tăng trưởng Á - Phi (AAGC). AAGC được thiết kế để kết nối Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á với châu Phi và châu Đại Dương, tạo nên một sự lựa chọn chuẩn xác đáp lại Vành đai, Con đường. Với AAGC, Ấn Độ và Nhật Bản đã nhấn mạnh tới “tầm quan trọng của tất cả các nước trong việc đảm bảo sự phát triển và sử dụng cơ sở hạ tầng kết nối một cách công khai, minh bạch và không độc quyền, dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, với những hoạt động tài trợ nợ có trách nhiệm, trong khi vẫn đảm bảo tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quy định của luật pháp và môi trường”.       

Đây là bước đi đáng hoan nghênh đầu tiên, tuy nhiên, trước những thách thức mà CPEC phải đối mặt, Ấn Độ cần có nhiều động thái hơn để tạo ra một hướng đi có hiệu quả./.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: http://www.livemint.com/Opinion/ENoMqRoL1AJEQJEiYdUPkN/Responding-to-the-China-Pakistan-Economic-Corridor-challenge.html


(*) Official US Navy Page. http://www.livemint.com/Opinion/ENoMqRoL1AJEQJEiYdUPkN/Responding-to-the-China-Pakistan-Economic-Corridor-challenge.html

* Nghiên cứu viên Quỹ Nghiên cứu Các nhà quan sát của Ấn Độ; Giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế, Trường Đại học King, London.

Nguồn:

Cùng chuyên mục