Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hình ảnh Bác Hồ trong mắt những người làm truyền thông Ấn Độ

Hình ảnh Bác Hồ trong mắt những người làm truyền thông Ấn Độ

Qua những bài viết của giới truyền thông Ấn Độ về Bác Hồ, chúng ta thấy nhân dân quốc tế vô cùng ngưỡng mộ Người, để càng thêm tự hào là những người học trò của Bác, thấy thêm vinh quang và trách nhiệm trên con đường thực hành tư tưởng của Người.

01:16 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tại Thư viện Quốc hội Ấn Độ, nơi lưu trữ tư liệu về các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo các nước tới Ấn Độ, có rất nhiều bài báo viết về chuyến đi của Bác Hồ tới Ấn Độ. Tại đây, ngoài những bài báo viết bằng tiếng Hindi, ngôn ngữ phổ biến nhất của Ấn Độ, còn có những bài viết bằng tiếng Anh, đăng trên tờ Thời báo Người Hindu (Hindustan Times). Là một tờ báo do tư nhân sở hữu, có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ, Hindustan Times dành những lời lẽ vô vùng trân trọng và tôn kính đối với nhà lãnh đạo của Việt Nam. Trong thời gian Bác Hồ và đoàn Việt Nam lưu lại Ấn Độ, tờ báo này đã đăng chuỗi 10 nhóm tin, bài sau:

Bảng 1: Danh sách tổng hợp bài viết về chuyến thăm Ấn Độ của Bác Hồ, đăng trên báo Hindustan Times, tháng 2/1958.

TT

Tiêu đề

Ngày xuất bản/Trang số

1

Nồng nhiệt chờ đón Tiến sĩ Hồ sẽ đến Delhi hôm nay

5/2/1958 – trang 1

2

Bắc Việt Nam: Lãnh tụ, lòng tin, và những bài dân ca

5/2/1958 – trang 5

3

Đề cao vai trò của Ấn Độ trong việc thiết lập hòa bình cho Việt Nam: Tiến sĩ Hồ nhấn mạnh tình bằng hữu giữa hai quốc gia

6/2/1958 – trang 1

4

Nhiệt liệt chào đón Hồ Chí Minh

6/2/1958 – trang 12

5

Thống nhất và hòa bình ở Việt Nam, niềm hy vọng được nêu ra ở tiệc chiêu đãi tại New Delhi, ông Hồ cảm ơn Ấn Độ đã ủng hộ

7/2/1958 – trang 1

6

Sự can thiệp của nước ngoài là trở ngại chính cho sự thống nhất của Việt Nam: Tiến sĩ Hồ nói

8/2/1958 – trang 1

7

Ông Hồ đánh giá cao các cuộc đối thoại thượng đỉnh để thiết lập hòa bình

8/2/1958 – trang 12

8

Ảnh: Tiến sĩ Hồ và Thủ tướng Nehru ký tuyên bố chung tại tòa nhà chính phủ Rashtrapati Bhavan

9/2/1958 – trang 1

9

Kỳ quan hiện đại của thế giới, Hồ Chí Minh thăm đập thủy lợi Bhakra

10/2/1958 – trang 5

10

Lòng tin vào năm nguyên tắc chung sống hòa bình – Tuyên bố chung Nehru – Hồ Chí Minh

14/2/1958 – trang 4

Trang nhất số báo ngày 5/2/1958, Hindustan Times thông báo “Hôm nay Tiến sĩ Hồ sẽ đến New Delhi”; “Tiến sĩ sẽ có bài diễn văn tại Thành Đổ vào ngày thứ 5, và dự tiệc chiêu đãi của Tổng thống Rajendra Prasad vào tối cùng ngày. Ngài sẽ thăm Phủ Thủ tướng và sau đó thăm Viện thí nghiệm vật lý quốc gia và Viện nông nghiệp. Ngài sẽ rời Delhi vào thứ 7, sẽ thăm Agra, Bombay, Bangalore và Calcutta”; “TS Hồ đến Cancutta ngày hôm qua 4/2/1958, tháp tùng Ngài là ông Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Trang 5 của số báo cùng ngày dành những lời giới thiệu trân quý cho vị lãnh tụ Việt Nam: “TS Hồ, một tín đồ đạo Phật”; “Đối với mỗi người dân Việt Nam, ba tiếng Hồ Chí Minh đồng nghĩa với tính nhân văn”; “Trong thế chiến thứ nhất, chỉ một bài viết của Hồ Chí Minh đã làm thức tỉnh hơn một nửa dân tộc Việt Nam. Đó là bài Bản án chế độ thực dân Pháp”. Bài báo này cũng bình luận các bài dân ca Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam để người dân Ấn Độ có cảm nhận tốt đẹp về văn hóa Việt Nam.

Ngày 6/2/1958, tại vị trí trang trọng và nổi bật trên trang nhất, Hindustan Times đăng tin kèm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Thủ tướng và Tổng thống Ấn Độ. Lãnh đạo Ấn Độ ca ngợi: “Hồ Chí Minh là chiến sĩ xuất sắc đấu tranh cho tự do, một nhà lãnh đạo được cả thế giới biết tới, và là người lãnh đạo của quốc gia vô cùng thân thiện”. Bài báo này trích dẫn lời Bác Hồ cho biết, chuyến đi Ấn Độ lần này củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa hai nhà nước và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc Á-Phi. Trang bìa cuối của số báo này đăng ảnh Bác Hồ duyệt đội danh dự của Ấn Độ.

Ngày 7/2/1958, cũng trên trang nhất, Hindustan Times nêu nhận định của Chính phủ Ấn Độ cho rằng, Lãnh đạo và Nhân dân Ấn Độ tin tưởng Việt Nam sẽ thống nhất hai miền bằng các biện pháp hòa bình. Báo cũng tường thuật, trong ngày hôm đó, Bác Hồ phát biểu trước đông đảo quần chúng nhân dân Ấn Độ tại Thành Đỏ New Delhi, nơi các nguyên thủ Ấn Độ thường đọc diễn văn và phát đi những thông điệp quan trọng cho người dân cả nước.

Ngày 8/2/1958, Hindustan Times tiếp tục tường thuật trên trang nhất về buổi họp báo của Bác Hồ và đoàn Việt Nam. Báo cho biết, một số câu hỏi được Bác Hồ trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh. Trong cuộc họp báo đó, Bác Hồ gửi lời cảm ơn chân thành tới Ủy ban Quốc tế (International Commission) và Ấn Độ trong vai trò Chủ tịch Ủy ban này đã thúc đẩy Hiệp định Geneva tại Việt Nam.

Trang 12 của số báo ngày 8/2/1958, Hindustan Times thuật lại chi tiết cuộc gặp gỡ thân tình của Bác Hồ và lãnh đạo Ấn Độ với 3000 thiếu nhi tại quảng trường Cổng Ấn Độ (India Gate) tại New Delhi. Các cháu thiếu nhi biểu diễn dân ca Việt Nam và Ấn Độ để chào mừng Bác Hồ. Bác khuyên các cháu thiếu nhi: “Học tập tốt, có ý thức kỷ luật tốt, giữ sức khỏe tốt, và vâng lời Chacha Nehru (Bác Nehru)”. Bác nói tiếp: “Các cháu đừng gọi Bác là Chủ tịch tôn kính của Việt Nam (His Excellency the President of Vietnam) mà hãy gọi là Chacha Hồ, như các cháu vẫn gọi Chacha Nehru”. Bác vừa dứt lời, tất cả 3000 thiếu nhi vỗ tay đồng thanh gọi to “Chacha Hồ Zindabad!” (Bác Hồ muôn năm). Bác Hồ được tặng cuốn phim “Jal Deep” dành cho trẻ em. Bác nói, chiếu phim trẻ em Ấn Độ tại Việt Nam sẽ làm cho thiếu nhi hai nước hiểu nhau hơn, hiểu thế giới hơn.  

Tờ báo dành vị trí trang trọng tại trang nhất số báo ngày 9/2/1958 để đăng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru ký tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ.

Tiếp đó, ngày 10/2/1958, tờ báo dành trang số 5 để đăng bài tường thuật về việc Bác Hồ tới thăm đập thủy lợi Bhakra tại thành phố Nangal, phía Bắc Ấn Độ. Bác nhận xét: “Đây là công trình tuyệt vời do chính các bạn xây dựng, cho chính các bạn. Chúng tôi vui mừng vì thành công của các bạn. Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi”. Báo cũng tường thuật việc Bác Hồ tới làng Behlada, nơi có mô hình nuôi trâu bò lấy sữa, cái nôi của cuộc cách mạng trắng ở Ấn Độ. Báo cũng cho biết Bác Hồ đi tỉnh Agra, thăm đền thờ Taj Mahal, kỳ quan bậc nhất của Ấn Độ. Hàng nghìn người dân đứng hàng dài hai bên đường chờ xe của Bác Hồ đi qua. Bác Hồ đi bộ trên những bậc đá lên tới đỉnh đền Taj Mahal ở độ cao 53 mét để chiêm ngưỡng toàn cảnh kiến trúc từ trên cao. Báo cũng cho biết, Bác Hồ sẽ tới thành phố Bombay (nay là Mumbai) vào ngày 9/2/1958.

Ngày 14/2/1958, Bác Hồ rời Ấn Độ, kết thúc chuyến thăm cấp cao, báo chí công bố tóm tắt Tuyên bố chung của nguyên thủ hai quốc gia. Hai bên bày tỏ lòng tin vào chiến thắng của cuộc đấu tranh cho nền độc lập, tự chủ của nhân dân các nước Á Phi, và thống nhất quan điểm cho rằng, cần nhanh chóng phát triển kinh tế, chăm lo ổn định đời sống xã hội ở những quốc gia non trẻ mới giành độc lập.  

Bác Hồ kính yêu rời xa chúng ta vào những ngày đầu tháng 9 năm 1969. Ngay trong những ngày tháng đau thương đó, tờ báo tiếng Anh The Hindu của Ấn Độ đã dành 8 trang báo khổ lớn (A0) đăng nhiều bài viết tỏ lòng thành kính với Bác Hồ, đồng thời tường thuật sinh động về tình cảm của chính phủ và người dân các nước trước sự kiện đau buồn này.   

Bảng 2: Danh sách tổng hợp bài viết về tang lễ Bác Hồ, đăng trên báo The Hindu, tháng 9/1969

TT

Tiêu đề

Ngày xuất bản/Trang số

1

Hồ Chí Minh ốm nặng: nhân vật chủ chốt trong bức tranh toàn cảnh Việt Nam

4/9/1969 – trang 1

2

Hồ Chí Minh qua đời: Ban lễ tang được thành lập có 26 người

5/9/1969 – trang 1

3

Người anh hùng đấu tranh cho tự do của Việt Nam; Tổng thống và Thủ tướng tưởng nhớ ông Hồ; Chính quyền Kerala tuyên bố nghỉ 1 ngày để tang

5/9/1958 – trang 5

4

Con người Việt Nam vĩ đại

5/9/1969 – trang 6

5

Sẽ tổ chức hội nghị Thượng đỉnh châu Á sau khi kết thúc chiến tranh tại Việt Nam – Romulo nói; Việt Cộng kêu gọi ngừng bắn; Hôm nay Thủ tướng gặp Kosygin 

6/9/1969 – trang 1

6

Những lãnh đạo mới của miền Bắc Việt Nam, trung lập trong tranh chấp Trung Quốc – Liên Xô

8/9/1969 – trang 1

7

Mỹ tìm kiếm sáng kiến mới từ Hà Nội với “niềm hy vọng”

9/9/1969 – trang 7

8

Thống nhất xã hội là tâm nguyện cuối cùng của ông Hồ; Lãnh đạo đảng phái ở Mỹ phớt lờ lệnh của chính quyền

10/9/1969 – trang 7

Báo The Hindu số 4/9/1969 đưa tin “Hồ Chí Minh ốm nặng” trên trang nhất. Nhà báo tại văn phòng thường trực tại Hồng Kông viết: “Đài phát thanh từ Hà Nội cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ốm nặng, các bác sĩ đang tận tình cứu chữa”. Bài báo cũng cho biết, kể từ khi Bác Hồ tiếp Tân đại sứ Trung Quốc, ông Vương Ấu Bằng, đến trình quốc thư ngày 7/6/1969, không còn thấy Bác Hồ xuất hiện trong các sự kiện của nhà nước. Một nguồn tin tại Pháp đánh giá: “Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm trọng bệnh không ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam”.

Ngày 5/9/1969, cũng trên trang nhất, The Hindu đăng tin buồn “Hồ Chí Minh từ trần”. Phóng viên từ Hồng Kông tường thuật lại thông tin của Đài tiếng nói Việt Nam cho biết nghi lễ quốc tang sẽ được thực hiện trong 7 ngày. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lập ban lễ tang gồm 26 thành viên, đứng đầu là Tổng bí thư Lê Duẩn. Dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã, báo cho biết Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã tới Hà Nội tham dự lễ tang Hồ Chí Minh. Phiên họp thứ 33 của cuộc đàm phán ở Paris về vấn đề hòa bình ở Việt Nam hoãn lại một tuần. Trên đường ra sân bay rời Paris về Hà Nội, đồng chí Xuân Thủy cho biết, Việt Nam tiếp tục công cuộc hòa bình cho Việt Nam.

Báo The Hindu đưa tin về phản ứng của nguyên thủ các nước trước thông tin chấn động này. Từ Washington, Mỹ, nhà bình luận Easswar Sagar nhận xét: “Chính phủ Mỹ sẽ không thay đổi mục tiêu chính tị và quân sự của họ tại miền Bắc Việt Nam, cho dù, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân vật được coi là cha già dân tộc, qua đời là tổn thất nặng nề khi cuộc chiến đang tiếp diễn”. Tại Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Alexei Kosygin hủy cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản để lên đường tới Việt Nam tham dự tang lễ của Người. Đài phát thanh Mátxcơva liên tục phát nhạc hiếu kể từ khi tin buồn được công bố.

Trên trang 5, số báo ra cùng ngày, đăng loạt tin bài về sự kiện này. Bài báo chạy dòng chữ đậm: “Hôm nay, Ấn Độ cùng nhân loại toàn thế giới nghiêng mình trước nỗi đau thương mất mát khi Tiến sĩ Hồ Chí Minh từ giã cõi trần”. Tổng thống Ấn Độ V.V. Giri đã không về tư gia trong tối 4/9/1969 để cùng với đông đảo quan chức trong Chính phủ Ấn Độ tưởng niệm Hồ Chí Minh – “lãnh tụ vĩ đại của những chiến sĩ cách mạng, và là biểu tượng của tâm nguyện tự do”. Thủ tướng Ấn Độ, bà Indira Gandhi nhắc đến “lòng tốt, đức tính giản dị, tình yêu thương nhân loại, đức hi sinh và lòng quả cảm” của Hồ Chí Minh trong bức điện gửi lãnh đạo Chính phủ miền Bắc Việt Nam.

Tại bang Kerala, miền Tây Nam Ấn Độ, chính quyền bang thông báo cho các công sở, trường học, đóng cửa một ngày trong ngày 4/9/1969 để nhân dân tưởng nhớ Bác Hồ. Cho tới nay, bang Kerala vẫn do Đảng Cộng Sản nắm quyền lãnh đạo. Tại bang Tây Bengal, miền Đông Bắc Ấn Độ, chính quyền bang bày tỏ lòng tiếc thương Hồ Chí Minh: “vị lãnh tụ kiệt xuất của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc” và “chia sẻ tổn thất này với Chính phủ và Nhân dân Việt Nam”. Tính tới nay, Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal, là thành phố đầu tiên ở Ấn Độ có đại lộ mang tên Hồ Chí Minh và tượng Bác Hồ cỡ lớn trong công viên thành phố.  

Cũng trong số báo ngày 5/9/1969, trang 6 đăng bài xã luận với tiêu đề “Con người Việt Nam vĩ đại”, điểm lại những dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Bài xã luận đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Bác Hồ “vừa là người theo  Chủ nghĩa dân tộc, vừa theo Chủ nghĩa cộng sản, thường xuyên vận dụng linh hoạt hai chủ nghĩa này tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể”.

Ngày tiếp theo, 6/9/1969, ngay trên vị trí trang trọng ở trang nhất, báo The Hindu đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Philíppin kêu gọi chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh châu Á sau khi cuộc chiến tại Việt Nam kết thúc. Ông đề xuất trọng tâm của Hội nghị là tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu.

Số báo này cũng cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông Dinesh Singh, sẽ đại diện Ấn Độ tới Hà Nội dự tang lễ Bác Hồ. Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Ấn Độ, ông P. Sundarayya, và Phó thủ hiến bang Tây Bengal Ấn Độ, ông Jyoti Basu, sẽ lên đường tới Hà Nội tham gia lễ tang.

Báo cũng đưa tin, đoàn đại biểu Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã sớm rời Hà Nội về nước sau khi đến chia buồn với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngày 8/9/1969, trên trang nhất, phóng viên báo The Hindu văn phòng tại Tokyo (Nhật Bản) cho biết, đài phát thanh Mátxcơva (Nga), phát sóng bằng tiếng Trung, đã phát sóng xã luận phê bình đoàn Trung Quốc rời Hà Nội quá sớm, không nán lại lễ truy điệu Hồ Chí Minh.

Bài báo ngày 8/9/1969 đăng ảnh của bốn nhà lãnh đạo có vai trò kế nhiệm Bác Hồ, gồm có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, và Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày 9/9/1969, trang 7 báo The Hindu đăng bài Mỹ tìm kiếm sáng kiến mới từ Hà Nội với “niềm hy vọng”. Đây là bài trích lời Phó Tổng thống Mỹ Spiro Agnew trên truyền hình Mỹ về vấn đề Việt Nam. Ông không cho biết cụ thể “sáng kiến” và giải pháp hòa bình vì đây là thời điểm nhạy cảm. Cùng ngày, hãng tin AP tại Sàn Gòn cho biết, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ngừng bắn 3 ngày tang lễ Bác Hồ. Trong ngày này, báo đăng tin đoàn Ấn Độ do Bộ trưởng Ngoại giao Dinesh Singh đã tới Hà Nội, đặt vòng hoa trước linh cữu của Người. Ông viết trong sổ tang: “Tiến sĩ Hồ Chí Minh là biểu tượng củ phẩm giá và lòng quyết tâm của châu Á trong việc tự giải phóng khỏi mọi hình thức thống trị của ngoại bang. Tiến sĩ Hồ là nhà lãnh đạo của châu Á, là nhà lãnh đạo của hàng triệu người bạn Ấn Độ”.

Ngày tiếp theo, 10/9/1969, báo tường thuật lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có hơn 100 nghìn người dự lễ tại quảng trường Ba Đình. Trung Quốc cử đoàn thứ 2 tới dự lễ viếng, thay cho đoàn thứ nhất đã về nước sớm. Hãng tin AFP cho biết, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Mỹ, ông Gus Hall, đã tới Hà Nội dự lễ viếng.

Sự kiện Bác Hồ từ trần được báo The Hindu tường thuật là một sự kiện lớn của châu lục, là mối quan tâm chung của nhân loại toàn thế giới. Đã hơn 40 năm kể từ ngày Người tạ thế, qua những bài báo, chúng ta vẫn có thể chứng kiến cả thế giới quy tụ về chịu tang Người, và cùng khẳng định tầm ảnh hưởng từ những tư tưởng lớn của Người.

Qua những bài viết của giới truyền thông Ấn Độ về Bác Hồ, chúng ta thấy nhân dân quốc tế vô cùng ngưỡng mộ Người, để càng thêm tự hào là những người học trò của Bác, thấy thêm vinh quang và trách nhiệm trên con đường thực hành tư tưởng của Người.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bài viết đã được biên tập lại để đăng trên tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, số 5/2021.

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục