Hợp tác an ninh Nhật Bản - Ấn Độ: Xây dựng một nền tảng bền vững trong sự bất định
Tháng 11 năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và và người đồng cấp phía Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết tìm kiếm hợp tác song phương sâu sắc hơn giữa “Chiến lược Tự do và mở cửa Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Nhật Bản và chính sách “Hành động Phía Đông” của Ấn Độ. Điều này phản ánh quyết tâm cùng nhau củng cố "Quan hệ Đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt" trong một "kỷ nguyên mới của quan hệ Nhật - Ấn".
Ngày nay, nhu cầu về mối quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ ngày càng gia tăng. Sự chuyển đổi trung tâm quyền lực toàn cầu sang châu Á và nhu cầu đối phó với những thách thức ngày càng tăng về an ninh và phi an ninh đã tạo ra những cơ hội mới cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Tokyo và New Delhi .
Với các cuộc họp thượng đỉnh thường kỳ và các cuộc đối thoại cấp thứ trưởng "2 cộng 2", hai nước đang hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: kinh tế, năng lượng, biến đổi khí hậu, quản trị toàn cầu và an ninh. Quan hệ đối tác Nhật Bản và Ấn Độ phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức trên phạm vi song phương, khu vực và thậm chí toàn cầu.
Trong khi đó, sự bất định về chính sách đối ngoại "nước Mỹ trên hết" của Chính quyền Trump đã làm dấy lên mối lo ngại về độ tin cậy của Mỹ, buộc Ấn Độ, Nhật Bản và các đồng minh, đối tác khác của Mỹ phải đánh giá lại mối quan hệ của họ với Washington cũng như các mối quan hệ khác.
Với tất cả những điều này, Tokyo cần khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ với Washington và New Delhi, và thực hiện các chính sách để tối đa hóa hiệu quả của mối quan hệ Nhật - Ấn. Sáu sáng kiến dưới đây sẽ là điều khôn ngoan.
Một là, Nhật Bản cần đảm bảo Mỹ duy trì sự hiện diện của nước này ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Nhật Bản và Ấn Độ là sự bổ sung thay thế cho quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Tokyo nên cam kết thực hiện một số gánh nặng mà Mỹ có vai trò truyền thống ở Đông Á. Điều này bao gồm việc tham gia tích cực trong lĩnh vực an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương, yêu cầu Nhật Bản gia tăng khả năng triển khai sức mạnh và sử dụng các trung tâm hậu cần như Diego Garcia.
Hai là, một số người cho rằng, Nhật Bản và Ấn Độ cần phải nắm bắt cơ hội duy nhất của "tình bạn" giữa Abe - Modi và đẩy mạnh những nỗ lực của họ để tăng cường quan hệ song phương. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể nhận thức được những nỗ lực nhanh chóng củng cố quan hệ Nhật - Ấn và bắt đầu ngăn chặn. Do đó, Tokyo cần phải kiên nhẫn và tăng cường quan hệ đối tác với New Delhi theo thời gian hơn là nhanh chóng tiến tới một liên minh đầy đủ.
Ba là, Nhật Bản và Ấn Độ cần có lập trường vững chắc chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân như Bắc Triều Tiên và hợp tác thông qua các cơ chế an ninh toàn cầu. Cụ thể là, Ấn Độ cần phải trở thành thành viên chính thức của Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt (PSI). Ngoài ra, Nhật Bản cần tiếp tục hỗ trợ Ấn Độ gia nhập vào Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG).
Bốn là, bất chấp sự quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nước này vẫn đóng vai trò là đối tác kinh tế quan trọng của cả Nhật Bản và Ấn Độ. Tokyo và New Delhi vì thế cần phải có cách tiếp cận mềm và cứng đối với Bắc Kinh, phải phân biệt hợp tác kinh tế với các vấn đề liên quan đến an ninh. Trong lĩnh vực an ninh, hai nước cần xem xét đến chiến lược áp đặt chi phí (cost-imposing strategy) để ngăn chặn và bù đắp những lợi ích mà Trung Quốc có thể thu được từ sự thay đổi đơn phương đối với hiện trạng. Đồng thời, hai nước vẫn cần phải liên kết với Bắc Kinh trong các diễn đàn an ninh như ARF để khiến nước này có thể đóng vai trò có trách nhiệm. Nếu Nhật Bản và Ấn Độ tiến tới thiết lập một khuôn khổ an ninh đa phương bao gồm Mỹ và Australia thì sự tham gia của Trung Quốc cũng nên đặt lên bàn suy nghĩ.
Năm là, để tối đa hóa hiệu quả của mối quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ, hai nước cần làm rõ vai trò của họ và tăng cường khả năng tương tác quân sự. Nhật Bản có thể tập trung vào việc cung cấp các trang thiết bị phòng thủ cho hải quân và bảo vệ bờ biển, trong khi Ấn Độ có thể tập trung cung cấp các kỹ năng liên quan đến khảo sát thủy văn. Lực lượng lục quân và không quân cung cần có nhiều cơ hội hơn để hợp tác thông qua các hoạt động huấn luyện, diễn tập và trao đổi nhân sự thường xuyên. Tokyo và New Delhi cũng nên theo đuổi Thỏa thuận trao đổi dịch vụ (ACSA).
Cuối cùng là, sự hợp tác trên quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ đã chứng tỏ nhu cầu ngày càng gia tăng đối với Tokyo và New Delhi trong việc kết nối phát triển kinh tế với các vấn đề về an ninh. Do đó hai nước cần tổ chức các cuộc đối thoại “3+3” ở cấp độ bộ trưởng bao gồm các quan chức kinh tế và thương mại.
Mặt khác, quan hệ nhân dân cần phải đẩy mạnh. Ví dụ, Nhật Bản có thể cung cấp các quỹ cho các trường đại học Nhật tổ chức thêm nhiều khóa học tiếng Anh để thu hút các sinh viên quốc tế, bao gồm Ấn Độ và các nước châu Á – Thái Bình Dương khác. Và cũng cần khuyến khích nhiều sinh viên Nhật Bản đến học ở Ấn Độ.
Để nắm bắt cơ hội và vượt qua những trở ngại, Nhật Bản và Ấn Độ cần phải chia sẻ tốt hơn những nhận thức, ưu tiên chính sách và chiến lược của họ đối với một số vấn đề. Điều này đòi hỏi Tokyo và New Delhi phải theo đuổi sự hợp tác song phương và đa phương vững chắc, xây dựng một nền tảng vững chắc trong bối cảnh bất định.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
Nguồn: https://www.cogitasia.com/japan-india-security-cooperation-building-a-solid-foundation-amid-uncertainty/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024