Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh (Phần 1)

Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh (Phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, vậy nên việc hai nước đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới để đối phó với những thay đổi trong khu vực cũng như chia sẻ những lợi ích chung của quá trình hội nhập là một tiến trình tự nhiên. Có nhiều trụ cột trong quan hệ song phương của hai nước, trong đó quốc phòng và an ninh đang trở thành một trụ cột quan trọng, cần phải được củng cố vững chắc.

01:38 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

HỢP TÁC PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - ẤN ĐỘ TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

Shekhar Sinha*

Bối cảnh

Cần nhìn nhận mọi khía cạnh của hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh quan hệ lịch sử giữa hai nước. Mối quan hệ này tồn tại từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, khi Vương quốc Champa có ảnh hưởng tới văn hóa và nghệ thuật của xã hội Việt Nam. Kể từ đó, cả hai quốc gia phải trải qua nhiều thời kì bị nước ngoài xâm chiếm nên không thể đưa ra những quyết định độc lập để phát triển quan hệ song phương.

Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam giành độc lập từ tay thực dân Pháp và sau đó cũng kịch liệt lên án những hành động của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Ấn Độ là một trong rất ít “quốc gia phi cộng sản” ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Campuchia. Quan hệ thân thiết giữa hai vị lãnh tụ vĩ đại của hai nước là Hồ Chí Minh và Pt Jawaharlal Nehru được mọi người biết đến rộng rãi.

Năm 1975, Ấn Độ dành cho Việt Nam ưu đãi Tối huệ quốc đối với hợp tác thương mại. Quy chế này được tăng cường theo Hiệp định Xúc tiến đầu tư song phương năm 1997. Hợp tác phát triển tiếp tục được đẩy mạnh về thương mại, từng bước đạt 395,68 triệu USD. Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đã được kí kết năm 2003 và tiếp theo đó là việc mở rộng hợp tác sang lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, không gian vũ trụ, các đường bay thẳng và nới lỏng quy định về thị thực. Quan hệ hợp tác tiến triển tích cực phản ánh mối quan hệ thân thiết mà hai nước đã duy trì. Đến năm 2015, thương mại song phương đã đạt 8,2 tỷ USD, và có xu hướng tăng lên 20 tỷ USD vào năm 2020.

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, vậy nên việc hai nước đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới để đối phó với những thay đổi trong khu vực cũng như chia sẻ những lợi ích chung của quá trình hội nhập là một tiến trình tự nhiên. Tôi phải nói thêm rằng, quan hệ song phương cũng giống như một sân bay nổi, cần được giữ vững và gia cố bởi rất nhiều dây chằng, mỏ neo và cột trụ. Nếu chỉ được giữ bằng một cột hay một mỏ neo đơn nhất thì sân bay này sẽ bị nghiêng ngả bởi những biến động dữ dội của địa chính trị.

Sự hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều mặt giúp cho mối quan hệ ngày càng trở nên vững chắc và bền chặt hơn. Chính vì thế mà vào năm 2000, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandez, đã nói: “Việt Nam là người bạn và đồng minh đáng tin nhất của Ấn Độ”. Ông cũng đề nghị Ấn Độ tiếp cận căn cứ hải quân và không quân ở Vịnh Cam Ranh nhằm triển khai công tác đào tạo và hướng tới hệ thống vũ khí tiên tiến.

Tuyên bố chung về quan hệ chiến lược Ấn Độ - Việt Nam năm 2003 kêu gọi hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, củng cố an ninh, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và buôn bán ma túy.

Nghiên cứu những yếu tố định hình lại bức tranh địa chính trị Ấn-Á-Thái Bình Dương (Indo Asia Pacific) là một đề tài rất có giá trị.

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ trở thành cường quốc bậc nhất trong một thế giới đơn cực và duy trì vị thế dẫn đầu cả về quốc phòng và kinh tế. Tuy nhiên, tham vọng chống khủng bố trên toàn thế giới của Mỹ đã giúp Trung Quốc có cơ hội vươn lên. Hiện nay, Trung Quốc đang đe dọa vị trí dẫn đầu về kinh tế của Mỹ, và sớm muộn gì Trung Quốc cũng trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu xét về tiềm lực quốc phòng thì Mỹ vẫn sẽ đứng đầu trong tương lai. Sự thay đổi này đang làm tổn hại đến tính đơn cực, và kéo theo là làm xáo trộn viễn cảnh an ninh. Tuy Trung Quốc cũng biết rằng chưa thể tiến bằng với Mỹ nếu xét về công nghệ quốc phòng, nhưng nước này đang cố thể hiện vị thế dẫn đầu về quân sự của mình và đang gây ra những lo ngại ở Biển Đông và nhiều khu vực khác.

Sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ đã thông báo chiến lược tái cân bằng lực lượng của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nay gọi là Ấn-Á-Thái Bình Dương, đến năm 2020 khoảng 60% quân đội Mỹ sẽ hoạt động ở khu vực này. Trung Quốc đã tái cấu trúc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc và cũng đề ra Chiến lược Quân sự 2015, thể hiện sự chuyển đổi rõ ràng từ học thuyết quân sự lục địa sang hàng hải. Việc khẳng định chủ quyền của nước này ở hầu như toàn bộ Biển Đông với “đường chín đoạn” đã gây ra căng thẳng trong khu vực. ASEAN cũng có nhiều ý kiến trái chiều về hành động của Trung Quốc.

Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thuộc PCA, đã ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời khiển trách nước này về việc ngăn cản Philippines đánh cá và khai thác ở bãi cạn Scarborough. Tòa án cũng phán quyết rằng hành vi cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trong lúc vụ việc vẫn đang được xét xử là bất hợp pháp.

Ấn Độ khẳng định tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và phán quyết của Tòa trọng tài, vấn đề cần được giải quyết bằng đối thoại hòa bình. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và việc khai thác ở Biển Đông như được đề cập trong UNCLOS. Trong một số phán quyết gần đây, Ấn Độ đã chấp nhận mất một số vùng đặc quyền kinh tế vào tay Bangladesh.

Chính sách Hướng Đông và Hành động Phía Đông của Ấn Độ là cực kỳ nhất quán. Các nỗ lực đang được thực hiện nhằm củng cố các liên kết thương mại và an ninh song phương với các nước Đông Nam Á. Trong viễn cảnh an ninh khu vực hiện nay, các nước Đông Nam Á đang tìm kiếm sự hợp tác để đối phó với những thách thức cũ và mới.

Việt Nam và Ấn Độ có lịch sử quan hệ thân thiết và tôn trọng chủ quyền của nhau. Có nhiều trụ cột trong quan hệ song phương của hai nước, trong đó quốc phòng và an ninh đang trở thành một trụ cột quan trọng, cần phải được củng cố vững chắc. Những thách thức truyền thống cần được giải quyết bằng hợp tác chặt chẽ trên phương diện hàng hải, mà ở đó Việt Nam cần tăng cường khả năng trong các lĩnh vực như: cơ chế giám sát hàng hải, đào tạo, phần cứng, sản xuất quốc phòng, cho thuê các căn cứ quốc phòng, hàng không, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố cả trên biển và đất liền, buôn bán ma tuý, các ứng dụng không gian và năng lượng hạt nhân sạch. (Xem tiếp phần 2)


* Nguyên Phó Đô đốc, Trung tướng Hải quân Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục