Hợp tác quốc phòng với Ấn Độ là trụ cột quan trọng quan hệ Mỹ - Ấn
Tổng thống Trump đã phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng, hợp tác quốc phòng với Ấn Độ sẽ là một trụ cột quan trọng trong mối quan hệ song phương, vì Mỹ cần Ấn Độ là một nước mang lại an ninh thực sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chính quyền của Trump đã thông báo với Quốc hội về sự “ủng hộ mạnh mẽ” các đề xuất chuyển giao chiến đấu cơ F-18 và F-16 do Boeing và Lockheed Martin đưa ra, đồng thời cho rằng, những đề xuất này có khả năng đưa quan hệ Mỹ - Ấn lên tầm cao mới.
Trong văn bản đệ trình lên một tiểu ban ở Quốc hội, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, Alice Wells, viết rằng: “Lý do tại sao hợp tác quốc phòng với Ấn Độ lại quá quan trọng đối với những lợi ích của Mỹ là vì Mỹ cần Ấn Độ là một nước mang lại an ninh thực sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực điểm tựa cho thương mại toàn cầu khi chiếm tới gần 1/2 trong số 90 ngàn lượt tàu thương mại trên thế giới qua lại, trong số đó có nhiều tàu mang cờ Mỹ và 2/3 lượng dầu mỏ là đi qua khu vực này”.
Bà Wells dự kiến sẽ phải chứng minh trước Tiểu ban Các vấn đề ngoại giao Hạ viện về Châu Á và Thái Bình Dương về việc “duy trì ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Nam Á: Ngân sách năm 2018” vào ngày thứ Năm (14/9).
Bà cho biết, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng là nơi có gần một nửa số dân số của hành tinh và một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Bà Wells cho biết: “Ấn Độ có tiềm năng chiến lược và kinh tế để duy trì trật tự quốc tế và phục vụ nhân loại trong bảy thập kỷ qua. Những khoản đầu tư mà chúng ta đổ vào cho quan hệ đối tác an ninh giữa hai nước hiện nay sẽ mang lại lợi ích cho những thập niên sắp tới”. Bà khẳng định, với tư cách là các nền dân chủ lớn, chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu đối với cả Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Bà Wells nói: “Ấn Độ nằm trong một khu vực nguy hiểm, nơi những cuộc tấn công khủng bố đã giết chết cả người Ấn và người Mỹ. Việc hợp tác đào tạo và nâng cao năng lực là cần thiết để mở rộng hợp tác chống khủng bố”. Bà đã viện dẫn Chương trình Viện trợ chống khủng bố (ATA), trong đó hơn 1100 nhân viên an ninh Ấn Độ đã nhận được đào tạo từ Mỹ từ năm 2009.
Bà Wells cũng cho biết, Ấn Độ là một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo báo cáo: “Theo lời của Tổng thống Trump, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ chưa bao giờ mạnh mẽ hơn, chưa bao giờ được tốt hơn”.
Bà nói thêm rằng: “Cuộc họp đầu tiên của Tổng thống với Thủ tướng (Narendra) Modi vào tháng 6 đã đưa ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng và tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và thương mại”.
Nói về thương mại giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ trong báo cáo của mình, bà Wells cho biết, mối quan hệ kinh tế phần lớn là trên một quỹ đạo tích cực và Mỹ cần làm nhiều hơn để cân bằng thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia, trong đó mức thâm hụt tổng cộng gần 30 tỷ USD năm ngoái.
“Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với USTR và Bộ Thương mại để giải quyết các mối quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đối với Ấn Độ, bao gồm các rào cản về thuế quan và phi thuế quan, trợ cấp, chính sách nội địa hóa, hạn chế đầu tư và các mối quan tâm về sở hữu trí tuệ làm hạn chế tiếp cận thị trường và cản trở các nhà xuất khẩu Mỹ và các doanh nghiệp xâm nhập vào thị trường Ấn Độ”, bà Wells nói.
Bà Wells cho biết: “Thương mại song phương của chúng tôi đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua, từ 45 tỷ USD năm 2006 lên hơn 114 tỷ USD vào năm 2016. Xuất khẩu của Mỹ vào Ấn Độ đã hỗ trợ hơn 260 ngàn việc làm của Mỹ trên khắp 50 bang”. Bà cho biết thêm, riêng năm ngoái, đầu tư từ các công ty Ấn Độ đã hỗ trợ hơn 52 ngàn việc làm ở Mỹ.
Bà nói rằng, Chính quyền của Trump cam kết đảm bảo rằng, mối quan hệ thương mại với Ấn Độ là công bằng và có tính đối ứng và tiếp tục đẩy Ấn Độ mở rộng thị trường nước này, và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty Mỹ.
Theo bà Wells, những cơ hội to lớn nằm ở thị trường hàng không dân dụng Ấn Độ. Vào đầu tháng 1/2017, SpiceJet, một hãng hàng không tư nhân của Ấn Độ, đã công bố một đơn đặt hàng gồm 155 chiếc Boeing 737 MAX 8 mới, nâng tổng số máy bay lên 205 chiếc.
Việc lắp ráp cuối cùng loại máy bay MAX 737 diễn ra tại nhà máy sản xuất Boeing ở Renton, Washington. “Các hợp đồng này có giá trị ước tính là 23 tỷ USD, và theo Boeing, nó sẽ tạo ra hoặc duy trì được hơn 130 ngàn việc làm tại Mỹ”, bà nói. Một hãng vận tải tư nhân Ấn Độ khác là Jet Airways đã đặt hàng cho 75737 MAX 8 vào năm 2017. Chúng tôi cũng thấy những cơ hội đáng kể trong ngành năng lượng, Ấn Độ là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, và dân số lớn và ngày càng tăng của Ấn Độ đảm bảo rằng, nó sẽ vẫn là một trong những quốc gia dùng năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ”, bà cho biết.
Một quan chức hàng đầu của Mỹ nói rằng: “Một công ty khí đốt nhà nước của Ấn Độ đã ký thoả thuận cung cấp 20 năm với nhà sản xuất LNG có trụ sở ở Mỹ là Chiliere Energy về các lô vận chuyển khí đốt”.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục