Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ: Kết quả một thập niên Ấn Độ triển khai các dự án tác động nhanh tại Việt Nam

Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ: Kết quả một thập niên Ấn Độ triển khai các dự án tác động nhanh tại Việt Nam

Trong khuôn khổ hợp tác khu vực giữa Việt Nam và Ấn Độ, các dự án tác động nhanh (QIP) được Ấn Độ triển khai tại Việt Nam không chỉ thể hiện sự quan tâm của Ấn Độ đối với Việt Nam, mà đây còn là cách tiếp cận độc đáo với định hướng kết quả hữu hình của nước này trong hợp tác khu vực. Việc triển khai thành công, đúng tiến độ, đưa các dự án tác động nhanh vào vận hành và sử dụng đã thể hiện sức mạnh của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ và Việt Nam, không những đóng góp vào nỗ lực chung trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, mà còn là biểu hiện của sự hội tụ ngày càng tăng các lợi ích chiến lược và kinh tế, cũng như tầm nhìn chung của hai quốc gia vì hòa bình, thịnh vượng và người dân hai nước.

03:46 20-01-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

I. Mở đầu

Tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Sông Mêkong – Sông Hằng (MGC) lần thứ 6, tổ chức tại New Delhi vào ngày 4 tháng 9 năm 2012, Chính phủ Ấn Độ đã thông báo về việc triển khai các dự án tác động nhanh tại 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Tại thời điểm năm 2012, Chính phủ Ấn Độ đóng góp số vốn hàng năm cho quỹ thực hiện các dự án tác động nhanh là 1 triệu đô la Mỹ. Số vốn thường niên cho quỹ này tăng lên 1,25 triệu đô la Mỹ sau Tuyên bố chung Ấn Độ-Campuchia năm 2018, và lên 2 triệu đô la Mỹ sau Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Việt Nam năm 2020[1]. Mỗi dự án tác động nhanh có kinh phí khoảng 50.000 đô la Mỹ và được hoàn thành trong vòng một năm, mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng địa phương với kết quả hữu hình có thể quan sát được ngay sau khi dự án hoàn thành. Các dự án tác động nhanh chú trọng xây mới hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như xây đường, trường, trạm, hay các trung tâm cộng đồng địa phương, đồng thời cũng hướng tới việc nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội, bao gồm cả nâng cao năng lực, trong lĩnh vực giáo dục, y tế, vệ sinh hoặc phát triển cộng đồng.

Tại Việt Nam, thời gian chuẩn bị các điều kiện để triển khai mô hình dự án tác động nhanh kéo dài trong 3 năm, từ 2012 đến 2015. Tại Hội Nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/12/2021, Chính phủ Ấn Độ đã cam kết nâng số dự án tác động nhanh cho Việt Nam hằng năm từ 5 lên 10 dự án, với quan điểm các dự án nhỏ sẽ mang lại lợi ích lớn, thiết thực và nhanh chóng cho các cộng đồng dân cư, mang lại những chuyển biến nhanh rõ rệt tại cấp cơ sở[2]. Tính tới cuối năm 2021, tổng các dự án tác động nhanh của Ấn Độ được cam kết thực hiện tại Việt Nam đã lên tới 37 dự án, tại 33 tỉnh và thành phố. Tại Việt Nam, các Dự án Tác động nhanh do chính phủ Ấn Độ tài trợ được thực hiện thông qua Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, với sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam để triển khai xuống các cấp chính quyền địa phương. Việc triển khai thành công, đúng tiến độ, đưa các dự án này vào vận hành và sử dụng đã thể hiện sức mạnh của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ và Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực chung trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Các dự án tác động nhanh đã triển khai được 10 năm (2012-2022), với nhiều thành tựu rõ ràng và mang lại những kinh nghiệm thiết thực, đây cũng là minh chứng cho sự hợp tác hữu nghị, chân thành, hiệu quả và tích cực giữa hai quốc gia.

 

II. MGC và QIPs trong khuôn khổ hợp tác khu vực giữa Việt Nam và Ấn Độ

Trong hợp tác khu vực, Việt Nam và Ấn Độ đã tìm thấy những điểm hợp tác chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đang hợp lực để nỗ lực làm việc trong các khuôn khổ song phương cũng như tiểu khu vực và đa phương khác, chẳng hạn như Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC), Hợp tác Sông Mêkong-Sông Hằng (MGC), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus). Cả hai nước cũng đang xem xét sự hợp tác xung quanh bảy trụ cột của Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI).

Với bối cảnh hợp tác khu vực đó, Việt Nam và Ấn Độ tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước là kết quả tự nhiên của sự hội tụ ngày càng tăng các lợi ích chiến lược và kinh tế, cũng như tầm nhìn chung của hai quốc gia vì hòa bình, thịnh vượng và người dân hai nước. Cho nên những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo chính trị cùng với các khuôn khổ thể chế cần thiết và hợp tác giữa hai nước có thể sẽ càng mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Là một trong nhiều khuôn khổ hợp tác tiểu khu vực được triển khai trong khu vực sông Mêkong quan trọng về mặt địa chiến lược, MGC có thể đã không còn có vị thế nổi bật trong số 13 khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và các chính phủ liên quan đến Mêkong. Tuy nhiên, điều làm cho sáng kiến MGC đặc biệt phù hợp với tất cả các bên liên quan là thực tế địa chính trị của một trật tự khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phát triển, nơi cả Ấn Độ và các nước Mêkong đều là những tác nhân có ảnh hưởng lớn trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực lớn ngày càng gay gắt.

Ngoài ra, với sự hội tụ ngày càng tăng của các lợi ích chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự tranh giành ảnh hưởng của các đối tác bên ngoài trong tiểu vùng sông Mêkong đã tạo động lực cho New Delhi áp dụng cách tiếp cận định hướng kết quả hữu hình đối với các sáng kiến của MGC, và các dự án QIPs thuộc MGC chính là biểu hiện cụ thể của cách tiếp cận đó. Như Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar từng cho rằng: “Đại bộ phận các lợi ích và mối quan hệ của Ấn Độ hiện nằm ở phía Đông, điều này đã chứng minh cho mối quan hệ của Ấn Độ với các nước ASEAN”[3].

III. Các dự án tác động nhanh (QIPs) của Ấn Độ tại Việt Nam

1. Các dự án tác động nhanh đã hoàn thành

Tính tới đầu năm 2022, Ấn Độ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tổng cộng 26 dự án tác động nhanh tại các tỉnh thành của Việt Nam. Các dự án được tổng hợp trong bảng sau:

TT Dự án Địa chỉ Đối tác Thời gian hoàn thành Tác động
Giai đoạn 2016-2017
1




Xây hai phân hiệu trường mầm non

Huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

UBND tỉnh Điện Biên 12/2016 Làm nơi học tập cho trẻ em trong các bản Mường vùng sâu, vùng xa.
2 Xây phòng học, bếp ăn, tường rào bao quanh và sân chơi trường mầm non số 1



Xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang

Sở Ngoại vụ Bắc Giang 12/2016 Giúp cải tạo cơ sở vật chất, cải thiện nơi ăn ở, vui chơi cho trẻ em.
3 Xây lại trường Tiểu học Thanh Trạch 2 và trường mầm non Bắc Dinh



Huyện Bố Trạch, Quảng Bình

UBND huyện Bố Trạch, Quảng Bình 12/2016 Xây lại phòng học, nhà ăn, sân chơi bị hư hỏng sau bão.
4 Xây nhà ở cho giáo viên trường Tiểu học Bản Chè và nhà nội trú trường tiểu học Tả Lủng, huyện Mèo Vạc




Hà Giang Sở Ngoại vụ Hà Giang 12/2017 Thầy cô giáo và nhiều trẻ em dân tộc H’mong không phải di chuyển quãng đường xa để đến trường.
Giai đoạn 2017-2018
5





Xây phòng học, nhà bếp và phòng ăn tại trường mầm non Xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc Sở Ngoại vụ Vĩnh Phúc 3/2017 Sức chứa phòng ăn 100 người. Mang lại lợi ích cho trẻ em trên địa bàn.
6 Xây cầu Chùa Mới




Xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng Sở Ngoại vụ Sóc Trăng 3/2018 Cây cầu nối liền hai ấp vùng sâu vùng xa.
7 Xây phòng học tại trường mầm non Xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ Sở Ngoại vụ Phú Thọ 3/2018 Trẻ em không phải đi học xa nhà.
8 Xây phòng học trường Tiểu học Lạc Sơn Xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận UBND tỉnh Ninh Thuận 3/2018 Mỗi phòng học có sức chứa 40 học sinh, mang lại lợi ích cho trẻ em dân tộc thiểu số Chăm sinh sống trên địa bàn.
9 Xây trường mầm non Hải Long Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định UBND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định 3/2018 Xây 3 phòng học sức chứa 90 học sinh
Giai đoạn 2019-2020
10 Xây 2 phòng học tại trường mầm non Xã Hậu Bổng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ Sở Ngoại vụ Phú Thọ 3/2020 Do xã có địa hình đồi núi nên việc đi lại khó khăn. Việc xây dựng phòng học giúp trẻ nhỏ được đến trường.
11 Nâng cấp sửa chữa cầu tràn thôn Tân Long Xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên Sở Ngoại vụ Phú Yên 3/2020 Cây cầu kết nối hai xã Xuân Sơn Bắc và Xuân Sơn Nam, với dân số khoảng 15.000 người.
12 Xây phòng ở cho Trung tâm Bảo trợ xã hội Phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh 3/2020 Xây 5 phòng ở cho 40 người cao tuổi neo đơn, tàn tật trên địa bàn.
13





Xây 2.5km mương nội đồng Phường Tân An, thị xã Nghi Lộ, tỉnh Yên Bái Sở Ngoại vụ Yên Bái 3/2020 Tăng cường hệ thống tưới tiêu; chuyển đổi từ 1 vụ sang 2 vụ/năm; tích trữ nước cho cộng đồng người dân tộc Thái tại địa bàn.
Giai đoạn 2020-2021
Giai đoạn 2020-2021
14 Xây phòng học cho trường mầm non Hoa Pơ Lang, buôn Phi Dí Ja Xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk UBND huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk 3/2021 Tổng diện tích xây dựng 730m2 sàn, gồm tòa nhà 2 tầng, 6 phòng học, cho 460 học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn.
15 Xây dựng phòng học Trường tiểu học Bình An Thôn Tiên Tộc, xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang UBND huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang 3/2021 Hoàn thành 2 phòng học và 1 bếp ăn cho trường tiểu học, với sức chứa 80 trẻ em.
16 Xây nhà truyền thống và sinh hoạt chuyên môn Trường THCS Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa UBND huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa 3/2021 Xây tòa nhà hai tầng kiên cố, trong đó có phòng thư viện, và phòng họp cho trường.
17 Xây trường mầm non Xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An Sở Ngoại vụ Nghệ An 3/2021 Xây 1 dãy nhà 3 phòng học, có sức chứa hơn 100 trẻ em.
18 Xây điểm trường tại thôn A Rồng, trường mầm non Hoa Lan Thị trấn Krông Klang, tỉnh Quảng Trị Sở Ngoại vụ Quảng Trị 3/2021 Hoàn thành một dãy nhà gồm 2 phòng học, nhà kho và các công trình phụ trợ giáo dục tại khu vực vùng xa của tỉnh, tạo điều kiện cho khoảng 100 trẻ em được đến trường.
19 Xây hệ thống thủy lợi tưới tiên tiến Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Hậu Giang 10/2021 Dự án bao gồm xây cống, đập, nạo vét kênh trữ nước và lắp đặt hệ thống thủy lợi tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ 4.0 ngăn mặn.
20 Lắp hệ thống gom nước, cấp nước bền vững Xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Kiên Giang 10/2021 Mang lại nước sạch cho các hộ gia đình trong xã.
21 Cấp nước sạch cho người dân vùng hạn, mặn Huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang UBND tỉnh Hậu Giang 10/2021 Mở rộng tuyến đường ống dẫn nước sạch, làm bồn chứa nước sạch cho huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ; chống xâm nhập mặn.
22 Hỗ trợ thiết bị cấp nước cho khu vực biên giới Tỉnh Kiên Giang Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Kiên Giang 10/2021 Cấp bồn nước nhựa 1000 lít cho người dân vùng bị hạn hán và nhiễm mặn tại tỉnh Kiên Giang
23 Xây công trình tưới tiêu Ấp Thới Định, thị trấn Chợ Lách, tỉnh Bến Tre UBND thị trấn Chợ Lách, tỉnh Bến Tre 11/2021 Xây hệ thống tiêu thoát nước thải ngầm bằng bê tông cốt thép kích thước 2x2m, bên trên là đường giao thông. Đây là công trình thủy lợi giúp ngăn mặn.
24 Xây phòng học trường mầm non Xuân Dương Xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế UBND huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế 11/2021 Xây một dãy nhà có 2 phòng học, 1 nhà kho và các công trình phụ trợ giáo dục, trên tổng diện tích 249m2. Nhờ có dự án, 100% trẻ em trong độ tuổi mầm non của xã được đi học.
25 Lắp đặt đường ống cấp nước sạch Xã Đông Thạnh, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang UBND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang 11/2021 Cấp nước sạch cho người dân xã Đông Thạnh.
26 Làm hồ chứa nước mưa cung cấp nước sạch Xã Phú Tân và Phú Đông huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang UBND huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang 12/2021 Cấp nước sạch cho người dân 2 xã.


Bảng 1: Các dự án tác động nhanh của Ấn Độ tại Việt Nam tới năm 2021 (Nguồn: nhóm tác giả tổng hợp từ tài liệu của Đại sứ quán Ấn Độ)

2. Ý nghĩa của mô hình dự án tác động nhanh

Ý nghĩa đối với khoa học quản trị dự án

Mô hình dự án tác động nhanh có ý nghĩa thiết thực, gắn với lợi ích trực tiếp của người dân từng địa bàn do được đề xuất từ cấp cơ sở. Các cấp chính quyền địa phương đề xuất dự án dựa vào nguyện vọng của người dân, sau đó chính quyền cấp trên cùng với Đại sứ quán Ấn Độ lựa chọn dự án, và phối hợp triển khai dự án Phương pháp tiếp cận từ dưới lên (bottom-up) thể hiện tính thực dụng và giúp đáp ứng đúng những nhu cầu cấp thiết của người dân cấp cơ sở.

Mô hình dự án tác động nhanh đáp ứng yêu cầu về tiến độ dự án, bảo đảm hoàn thiện dự án trong năm tài chính quy định. Để làm được như vậy, chính quyền các tỉnh tham gia vào khâu chọn nhà thầu thực hiện dự án và theo dõi, giám sát, đôn đốc nhà thầu. Chính quyền cấp cơ sở biết rõ năng lực của nhà thầu để lấy đó làm cơ sở tuyển chọn. Từ khi lựa chọn, đến khi thực hiện và hoàn thành dự án chỉ trong thời gian khoảng 1 năm, sau đó khánh thành, chuyển giao và đưa ngay vào sử dụng.   

Ý nghĩa đối với hợp tác quốc tế

Mô hình dự án tác động nhanh cho phép Chính quyền Trung ương Ấn Độ, thông qua Đại sứ quán Ấn Độ, tổ chức kết nối, hợp tác với chính quyền cấp cơ sở tại các quốc gia triển khai dự án. Tại Việt Nam, Đại sứ quán Ấn Độ đã làm việc với cấp tỉnh, huyện, xã, và tới cả cấp cơ sở thôn, ấp. Mô hình này thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, kết nối đại diện chính phủ với nhân dân, giúp các bên xây dựng mạng lưới mối quan hệ theo chiều dọc từ cấp Trung ương của Ấn Độ đến cấp cơ sở của Việt Nam, tạo tiền đề cho sự hợp tác sâu rộng của các cấp ngay cả khi dự án đã hoàn thành. Đây cũng là minh chứng để khẳng định rằng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ rất mạnh và sẽ ngày càng vững mạnh hơn nữa.

Điều đáng nói là Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam với tinh thần tương thân tương ái, không vụ lợi, không kèm theo các điều kiện ràng buộc. Nguyên đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Pranay Verma, phát biểu tại thông tin chuyên đề “5 năm Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ: Kinh nghiệm và tầm nhìn” do Viện Thông tin Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 20/4/2021: “Ấn Độ cung cấp các dòng tín dụng cho Việt Nam, cung cấp nhiều học bổng cho Việt Nam, và cấp vốn cho các dự án phát triển nhanh tại Việt Nam không phải vì Ấn Độ giàu có hơn, hay nhiều nguồn lực hơn. Chúng tôi cũng là nước còn nhiều thiếu thốn, còn phải chắt chiu những nguồn lực quý giá để phát triển, nhưng chúng tôi có thiện chí sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam”. Các dự án phát triển nhanh do Ấn Độ tài trợ thực hiện tại Việt Nam là minh chứng cho việc hai nước đã phát triển mối quan hệ sâu sắc, tin cậy, thực tế và hiệu quả, xứng tầm đối tác chiến lược toàn diện.

Ý nghĩa đối với phát triển bền vững

Các dự án tác động nhanh chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng lớp học, làm công trình thủy lợi, cải tạo nơi ở cho người cao tuổi neo đơn, làm cầu nhỏ cho vùng nông thôn, và tăng cường cung cấp nước sinh hoạt. Đáng chú ý, các dự án tác động nhanh đã và đang hoàn thành nhiều công trình thủy lợi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giải quyết tình trạng hạn, mặn, củng cố quản trị nguồn nước trong vùng. Các dự án này góp phần phát triển an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng cho Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo

[1] https://mgc.gov.in/qip
[2] https://pib.gov.in/PressReleasePage.aspx?PRID=1682468
[3] https://www.hindustantimes.com/india-news/india-for-speeding-up-connectivity-projects-with-asean-101628098065595.html

Tác giả: TS Mạch Lê Thu, TS Đỗ Khương Mạnh Linh, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chú thích ảnh: Bà Mini Kumam, Bí thư thứ nhất phụ trách Kinh tế, Thương mại, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu trong hội thảo tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 12/2022

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cùng chuyên mục