Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Jayaprakash Narayan: Người ủng hộ cuộc cách mạng bất bạo động

Jayaprakash Narayan: Người ủng hộ cuộc cách mạng bất bạo động

Jayaprakash Narayan (1902-1979) sinh ngày 11 tháng 10, là nhà cách mạng Ấn Độ trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ do Mahatma Gandhi lãnh đạo, và là một nhà cải cách xã hội sau khi Ấn Độ độc lập.

08:00 12-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

J.P. như người ta thường gọi, đã nghe theo lời khuyên của Gandhi để từ chối việc đi học do chính quyền thuộc địa Anh tài trợ. Vì vậy, vào năm 1922, ông rời Ấn Độ để đến Mỹ. Với công việc bán thời gian, ông đã trang trải tài chính cho việc học của mình tại các trường đại học của Mỹ cho đến năm 1929 khi ông nhận bằng Thạc sĩ xã hội học tại Đại học Ohio và sau đó trở về Ấn Độ.

Khi ở Đại học Wisconsin, thông qua một số giáo sư và một số sinh viên, ông đã khám phá ra các tác phẩm của Karl Marx và mãi mãi sau này tự coi mình là một nhà Marxist. Ông đã viết: “Chủ nghĩa Mác đã là ngọn hải đăng mang ánh sáng cho tôi, cho tôi nhận ra bình đẳng và tình hữu nghị. Tự do thôi chưa đủ. Nó phải có nghĩa là tự do cho tất cả mọi người - ngay cả những người thấp kém nhất - và tự do này phải bao gồm tự do khỏi bị bóc lột, khỏi chịu đói nghèo”.

Khi trở về Ấn Độ, ông đến ở tại trung tâm nông thôn nơi Mahatma Gandhi sống. J.P. đã kết hôn với Prabhavat, con gái của người đồng nghiệp nổi tiếng của Gandhi. Khi cưới, cô gái chỉ mới 14 tuổi và vợ chồng Gandhi đã nhận cô làm con gái nuôi khi J.P. sang Mỹ du học. Cô và J.P. không có con. Cô hết lòng vì J.P. và tích cực ủng hộ ông trong suốt nhiều năm ông bị tù đày vì các hoạt động chính trị. Cái chết của bà Prabhavat vào năm 1973 là một cú sốc lớn với ông, khiến sức khỏe của ông ngày càng giảm sút.

Bimal Prasad viết trong bài phân tích về phẩm chất lãnh đạo của J.P.: “Trong khi Gandhi dẫn dắt Ấn Độ đến tự do và Nehru đặt nền móng cho nhà nước dân chủ hiện đại, thì J.P. lại tiếp tục đấu tranh để thiết lập trật tự xã hội ở Ấn Độ, điều mà cả Gandhi và Nehru đều mơ ước. Đặc điểm nổi bật trong cuộc đời chính trị kéo dài hơn nửa thế kỷ của ông là theo đuổi cuộc cách mạng mở ra một trật tự xã hội công bằng, bình đẳng, tự do”.

Trong những năm trước khi giành được Độc lập, ông đã di chuyển khắp đất nước, giúp thiết lập một mạng lưới các nhà hoạt động bí mật. Ông bị bỏ tù lần đầu tiên vào năm 1932 dưới thời thực dân Anh; lần thứ hai vào năm 1940 trong 9 tháng, và sau đó chuyển vào một trại tù lớn, nơi ông tuyệt thực gần một tháng để đòi thả các tù nhân khác. Ông trốn khỏi trại nhưng bị bắt lại vào năm 1943 và chỉ được thả vào tháng 4 năm 1946 khi các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo đảng Quốc đại Ấn Độ, đặc biệt là Nehru và người Anh, được tiến hành. J.P. luôn nhấn mạnh rằng, nước Anh không thể trao độc lập. Độc lập chỉ có thể đạt được khi giành được quyền lực, đặc biệt là bằng phong trào do nông dân lãnh đạo. J.P. phản đối ý tưởng chia Ấn Độ thuộc Anh thành Ấn Độ và Pakistan, nhưng việc ra tù quá muộn khiến ông không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến các cuộc đàm phán.

Khi chưa bị bắt vào tù, ông đã tổ chức một đảng theo chủ nghĩa Marx, được gọi là Đảng Quốc đại Xã hội chủ nghĩa. Vào giữa những năm 1930, J.P. đã chỉ trích chính quyền Stalin của Liên Xô, phản đối quyền sở hữu Nhà nước đối với ngành công nghiệp nặng, quá trình tập thể hóa nông nghiệp, các vụ “xét xử ở Moscow” đối với các cựu lãnh đạo đảng, và sự áp đặt kiểm soát của Stalin đối với tất cả các phong trào mácxít ở nước ngoài.

J.P. đã không ứng cử và từ chối lời đề nghị gia nhập chính phủ của Nehru. Ông luôn là người ủng hộ sự phân quyền và ý tưởng lãnh đạo địa phương dưới hình thức “cộng hòa làng xã”. Vì vậy, khi một đồng nghiệp thân thiết với Gandhi, Vinoba Bhave, bắt đầu phong trào Bhoodan (quà tặng đất đai) vào năm 1951, ông đã tham gia nỗ lực để chủ sở hữu đất trao một phần đất của họ cho những người không có đất. Ông rời bỏ Đảng Xã hội khi đảng này đổi tên vào năm 1955 và sau đó tan rã thành các phe phái và phần lớn biến mất khỏi chính trường. Vào năm 1974, ông kêu gọi các sinh viên thúc đẩy việc giải tán Hội đồng Bihar (bang quê hương của ông) Vidhan Sabhap. Ông đã tạo ra cái mà ông gọi là Sampona Kranti, Phong trào Cách mạng Toàn diện. Phong trào bắt đầu lan rộng và Thủ tướng Indira Gandhi, con gái của Nehru, tuyên bố Tình trạng khẩn cấp, hạn chế nhiều quyền tự do dân sự. Mặc dù J.P. đã thân thiết với Nehru và coi Indira Gandhi như cháu gái của mình, nhưng ông vẫn chỉ trích cách hoạt động của bà. J.P. bị bắt nhưng sau đó được thả vì sức khỏe yếu. Tình trạng khẩn cấp kéo dài từ tháng 6 năm 1975 cho đến tháng 1 năm 1977.

Những năm cuối cùng của J.P. cho đến khi ông qua đời năm 1979 là những năm tháng tồi tệ và buồn bã. Không có một cuộc Cách mạng Toàn diện cũng như không có các cộng hòa làng xã được thành lập. Tuy nhiên, mục tiêu lớn của ông vẫn còn đó: “Vấn đề là tạo điều kiện cho con người tiếp xúc với con người, để họ có thể sống với nhau trong những mối quan hệ có ý nghĩa, thấu hiểu và có thể kiểm soát được. Nói tóm lại, việc cần làm là tái tạo cộng đồng vì con người”.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tác giả: Rene Wadlow, Chủ tịch Hiệp hội Công dân thế giới

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục