Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tiếp cận từ lý thuyết phức hệ an ninh khu vực

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tiếp cận từ lý thuyết phức hệ an ninh khu vực

Thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” là khái niệm địa chính trị đã nhận được sự thu hút với bài phát biểu “Sự hợp lưu của hai đại dương” trước Quốc hội Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe vào năm 2007. Đồng thời cũng vào năm 2007, học giả Gurpreet S.Khurana (2007) cũng đưa ra khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và ranh giới địa lý của khu vực này. Từ đó, thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được nhắc đến trong các diễn ngôn chiến lược trên thế giới từ các cường quốc khu vực Ấn Độ, Nhật Bản, Australia cho đến siêu cường toàn cầu Mỹ. Điều này dẫn đến hai hệ quả quan trọng: một là, mở rộng sân khấu chiến lược đối với Mỹ và các đồng minh qua một lăng kính địa lý rộng lớn hơn; hai là, nâng tầm quan trọng của Ấn Độ trong việc đảm bảo sự ổn định của khu vực.

01:25 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Theo lý thuyết phức hệ an ninh khu vực (Regional Security Complexes Theory -RSCT) của Barry Buzan thì khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” mang đặc điểm của một siêu phức hệ (super complexes) an ninh khu vực[1], trong đó Mỹ với tư cách siêu cường có vai trò quan trọng trong việc định hình nên phức hệ an ninh khu vực này. Bài viết sử dụng lý thuyết phức hệ an ninh khu vực để xem xét sự hình thành cũng như vai trò của siêu cường Mỹ trong việc định hình nên phức hệ an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

1. Lý thuyết phức hệ an ninh khu vực

Năm 1987, Barry Buzan và Ole Wæver đã đưa đưa ra lý thuyết phức hệ an ninh khu vực (RSCT), trong đó hai ông cho rằng, vấn đề an ninh sau Chiến tranh Lạnh tuy “ngày càng thể hiện đặc trưng khu vực” nhưng siêu cường toàn cầu vẫn tồn tại và có thể giải thích bằng khái niệm “xâm nhập” vào phức hệ an ninh khu vực (Buzan & Wæver, 2003). Theo lý thuyết RSC thì khu vực là “một hệ thống con các quốc gia có quan hệ an ninh đặc biệt và quan trọng; những quốc gia này có sự kết nối vận mệnh do sự gần gũi về địa lý” (Buzan, 1991), vì thế phức hệ an ninh khu vực (RSC) là sản phẩm của môi trường quốc tế vô chính phủ và được định nghĩa là “một nhóm quốc gia có những nhận thức và lo ngại về an ninh gắn kết chặt chẽ với nhau đến mức việc phân tích các vấn đề an ninh quốc gia của từng nước không thể tách rời nhau được” (Buzan, 1991).

Buzan tổng kết rằng, RSC cần có những đặc trưng cơ bản sau: Một là, cấu thành từ hai quốc gia trở lên; hai là, các quốc gia này có thể tập hợp thành một nhóm thống nhất về mặt địa lý; ba là, giữa các quốc gia này có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về mặt an ninh, sự phụ thuộc lẫn nhau này có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực, nhưng chắc chắc bền vững hơn sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt an ninh với các quốc gia ngoài khu vực; bốn là, mô hình phụ thuộc lẫn nhau này mặc dù không phải là vĩnh cửu, nhưng mang tính lâu dài và có ảnh hưởng sâu sắc (Buzan, Wæver & Wilde, 1998). Buzan cũng nhấn mạnh rằng,có hai kiểu khu vực không hình thành nên RSC: Một là, sức mạnh các quốc gia trong khu vực đó quá nhỏ, khiến các quốc gia này không thể triển khai sức mạnh quân sự vượt ra khỏi phạm vi biên giới quốc gia, tương tác an ninh giữa các quốc gia yếu, nên không thể hình thành nên RSC; hai là, sự hiện diện của cường quốc bên ngoài trong một khu vực đủ mạnh để can thiệp sự tương tác an ninh giữa các quốc gia trong khu vực.. Vì thế, “phức hệ an ninh khu vực” (RSC) không nhữngcần sự phụ thuộc lẫn nhau về an ninh giữa các quốc gia thành viên trong khu vực, mà còn cần phải có năng lực giải quyết các vấn đề an ninh của khu vực một cách độc lập. Tóm lại, RSC là một hệ thống chính trị quốc tế có thứ bậc, mang tính tự trị tương đối cao và là phiên bản thu nhỏ của hệ thống quốc tế..

Tiền đề cơ bản của lý thuyết phức hệ an ninh khu vực là sự phụ thuộc lẫn nhau về an ninh trong nội bộ khu vực, và trong cấu trúc của tình trạng vô chính phủ, cấu trúc và đặc điểm cơ bản của RSC được xác định bởi hai loại quan hệ: quan hệ quyền lực và các kiểu quan hệ hữu nghị (amity) và thù địch (enmity). Quan hệ hữu nghị hay thù địch có thể liên quan đến tranh chấp biên giới, lãnh thổ, lợi ích, nhận thức về mối đe dọa, liên kết về ý thức hệ, các mối liên hệ lịch sử (tích cực và tiêu cực) lâu đời.

Lý thuyết RSC là một lý thuyết hỗn hợp, kết hợp các yếu tố của chủ nghĩa tân hiện thực và chủ nghĩa kiến tạo, trong đó cấp độ khu vực là quan trọng nhất vì RSCT cho rằng, tình trạng mất an ninh xuất phát từ sự uy hiếp đến từ quốc gia lân cận, và trạng thái mất an ninh xảy ra ở khu vực phụ cận, chứ không đến từ các quốc gia ở xa. Trên cơ sở đó, có thể khẳng định rằng, thế giới cấu thành từ các RSC, ví dụ châu Á cấu thành bởi RSC Đông Á và RSC Nam Á.

2. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới góc nhìn lý thuyết phức hệ an ninh khu vực

Buzan cho rằng, châu Á rất có khả năng xuất hiện các phức hệ an ninh cường quốc hoặc các siêu phức hệ (super complexes), tức một siêu phức hệ kết hợp giữa RSC Đông Á và RSC Nam Á. Nếu khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tư cách là một phức hợp an ninh khu vực độc lập thì nó phải đầy đủ các điều kiện: một là, sự tương tác an ninh và hình thế an ninh giữa hai phức hệ an ninh Đông Á và Nam Á đủ sức tạo ảnh hưởng thậm chí chi phối hình thế an ninh nội bộ khu vực này. Điều kiện tiền đề để xuất hiện siêu phức hợp là sự tương tác an ninh giữa các khu vực là mạnh mẽ và liên tục, thậm chí hình thế giữa các khu vực vượt qua hình thế khu vực, tức phức hợp an ninh khu vực với tư cách là đơn vị nằm bên trong hệ thống siêu phức hợp có thể hợp thành một phức hợp an ninh khu vực mới lớn hơn; thứ hai, do sự kề cận về địa chính trị dẫn đến việc các quốc gia Nam Á hoặc Đông Á chịu áp lực an ninh bởi cường quốc trong RSC của mình hoặc đối phương, hơn nữa, áp lực an ninh này thể hiệnrõ trong nội bộ phức hệ. Ba là, siêu phức hệ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và phức hệ an ninh khu vực lân cận xuất hiện sự chia cắt tương đối rõ ràng về mặt hình thế an ninh, tức hình thế an ninh của RSC tương đối độc lập. Nhìn vào bên trong RSC thì giữa các quốc gia phải có sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt an ninh ở một mức độ nhất định, tức đủ để khiến các nước xây dựng một tổ hợp có quan hệ mật thiết, và có thể tách biệt với các khu vực an ninh xung quanh.

Từ đó, chúng ta thấy rằng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã có điều kiện cơ bản để hình thành nên siêu phức hệ khi gộp hai khu vực Đông Á và Nam Á. Đó là mối quan hệ tương tác về an ninh giữa hai khu vực Đông Á và Nam Á được đẩy mạnh. Mối liên kết an ninh ngày càng mạnh mẽ này bắt nguồn từ bên trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chứ không bắt nguồn từ tác động của ngoại lực. Nguồn gốc thúc đẩy mối quan hệ này là sự tương tác an ninh giữa các cường quốc khu vực, cụ thể làsự gia tăng quyền lực của Ấn Độ và Trung Quốc trong hệ thống quốc tế, tức phạm vi quyền lực của hai cường quốc này đã lan tỏa từ khu vực của mình sang khu vực đối phương, dẫn đến gia tăng tương tác giữa hai cường quốc trong lĩnh vực an ninh, từ đó trực tiếp thúc đẩy sự liên kết an ninh giữa hai khu vực.

Thứ nhất, hiện nay, Ấn Độ vàTrung Quốc đang gia tăng tương tác về an ninh. Đây là điều kiện cơ bản để hình thành nên RSC Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quan hệ quyền lực và an ninh giữa hai nước này trực tiếp ảnh hưởng đến tính chất của RSC khu vực. Sự gia tăng liên kết an ninh giữa các quốc gia thường phản ảnh hai hình thế: hợp tác an ninh nhằm ứng phó với các mối đe dọa chung hoặc xem đối phương là mối đe dọa an ninh, từ đó dẫn đến cạnh tranh, cân bằng hoặc thậm chí đối đầu. Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mối quan hệ an ninh Ấn - Trung vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Một mặt, hai nước có những hợp tác về các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là các vấn đề an ninh phi truyền thống như chống khủng bố; nhưng mặt khác là sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc không ngừng mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng ở khu vực Nam Á, cũng như chiến lược định vị bản thân là cường quốc toàn cầu của Ấn Độ, đã góp phần gia tăng cạnh tranh về mặt an ninh giữa hai quốc gia. Chính mối quan hệ an ninh ngày càng chặt chẽ, nhưng có xu thế đối đầu giữa hai quốc gia quan trọng nhất ở hai phức hệ an ninh khu vực Nam Á và Đông Á này đã thúc đẩy sự hình thành của siêu phức hệ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thứ hai, sự tham gia của hai nước Ấn Độ và Trung Quốc vào các vấn đề bên trong RSC của mỗi bên đã làm gia tăng mối liên hệ về an ninh giữa hai RSC. Về mặt mục tiêu chiến lược quốc gia, Ấn Độ luôn theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu. Harsh V Pant (2016) cho rằng, tuy Ấn Độ chưa  có tầm ảnh hưởng về kinh tế và chính trị ở khu vực, thậm chí là toàn cầu như Trung Quốc, nhưng nước này ngày càng xem bản thân là một nước lớn đang trỗi dậy, thậm chí là một siêu cường toàn cầu. Vì thế Ấn Độ cần thể hiện tầm ảnh hưởng của nước lớn trên vũ đài quốc tế, và việc tham gia vào các vấn đề khu vực Đông Á là lựa chọn lý tưởng - vừa mở rộng được tầm ảnh hưởng lại có thể cân bằng được tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ đã giúp nước này can dự vào các vấn đề khu vực Đông Á qua hai con đường: Một là, Ấn Độ tích cực tham gia và các cơ chế đa phương ở khu vực Đông Á, và đặc biệt là, tăng cường hợp tác với ASEAN. Năm 2012, hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược nhân dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ. Năm 2018, ASEAN và Ấn Độ đã thông qua Tuyên bố Delhi, đề ra tầm nhìn và phương hướng thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ. Hai là, thông qua hợp tác an ninh song phương để tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia Đông Á. Hiện tại, quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Ấn Độ với các nước Australia, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam đã có tiến triển rõ rệt, không chỉ giới hạn trong các hoạt động giao lưu quân sự, diễn tập song phương, đa phương, mà đã bước vào giai đoạn mua bán chuyển giao vũ khí (Rajagopalan, 2018). Còn Trung Quốc, thông quaSáng kiếnVành đai, Con đường (BRI), nước này ngày càng vươn vòi ảnh hưởng ở khu vực Nam Á ở trên lục địa lẫn trên biển. Các dự án như Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), thiết lập căn cứ quân sự ở Djibouti, tiếp quản cảng Hambantota ở Sri Lanka, các dự án kết nối ở Maldives... đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Trung Quốc tại khu vực ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ.

Thứ ba, ngoài mối quan hệ an ninh ngày càng mạnh mẽ giữa hai nước Ấn Độ - Trung Quốc, quan hệ an ninh giữa các quốc gia khác thuộc hai RSC Nam Á và Đông Á cũng ngày càng gia tăng. Hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Ấn Độ đã thúc đẩy sự kết hợp giữa hai RSC. Năm 2015, trong chuyến thăm đến Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Abe Shinzo, hai nước đã công bố Tuyên bố chung “Tầm nhìn Ấn Độ - Nhật Bản 2025: Mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu cùng hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới”, trong đó lần đầu nhắc đến khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên hai nước đồng ý nâng cấp mối quan hệ chiến lược trong lĩnh vực địa chính trị (Prasad, 2017). Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ cũng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, năm 2016 quan hệ Việt - Ấn được nâng cấp lên “Đối tác chiến lược yoàn diện”, và Việt Nam được xác định là trụ cột trong chiến lược Hành động Phía Đông của Ấn Độ.

Theo logic hình thành RSC thì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cơ bản đã hình thành nên đường nét cơ bản của một siêu phức hệ, động lực thúc đẩy sự ra đời của siêu phức hệ này chính là sự trỗi dậy của hai cường quốc Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như sự biến động về kết cấu sức mạnh của khu vực.

3. Vai trò của siêu cường Mỹ trong việc định hình siêu phức hệ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

RSC Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tồn tại điều kiện có lợi cho siêu cường quốc tham gia vào nội khối: Một là,  cấu trúc quyền lực đa cực; hai là, quan hệ an ninh trong khu vực đan xen phức tạp, vừa có tính chất “thù địch” lẫn “hữu nghị”. Đây chính là tiền đề quan trọng để siêu cường Mỹ có thể định hình siêu phức hệ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một mặt, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực đa cực với nhiều cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, đây là điều kiện thuận lợi để siêu cường Mỹ dễ dàng phát huy vai trò định hình phức hệ an ninh khu vực. Mặt khác, quan hệ an ninh có chiều hướng tiêu cực nội khu vực cũng là tiền đề để siêu cường Mỹ có thể “xâm nhập” (penetrating) thông qua mạng lưới đồng minh hay tích cực hồi sinh QUAD để đối phó với nhân tố địa chính trị quan trọng duy nhất của bốn quốc gia thuộc QUAD là của Trung Quốc (Thakur&Sharma, 2018).

Với tư cách siêu cường toàn cầu, Mỹ định hình siêu phức hệ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua ba phương thức. Một là, thông qua cơ chế đồng minh để xâm nhập vào kết cấu RSC, từ đó xây dựng nên cấu trúc quyền lực do Mỹ dẫn dắt. Mạng lưới đồng minh và liên minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thể hiện dưới ba hình thức: Tăng cường mạng lưới hóa hệ thống đồng minh “trục -nan hoa” (hub and spoke), tức tăng cường quan hệ an ninh giữa Nhật, Australia và Hàn Quốc; đẩy mạnh mở rộng mạng lưới liên minh, tức QUAD và QUAD (New Zealand, Hàn Quốc); tăng cường quan hệ an ninh giữa các thành viên liên minh và ngoài liên minh. Hai là, tăng cường nhận thức về việc Mỹ là người bảo trợ an ninh khu vực thông qua việc chính quyền Trump lựa chọn “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và mở” làm chính sách chủ chốt ở châu Á; xem Ấn Độ là chủ thể cung cấp an ninh ròng (net security provider) cho khu vực Ấn Độ Dương (Gates, 2009). Ba là, Mỹ nỗ lực xây dựng bộ quy chế hành vi cho RSC Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với hai giá trị trung tâm là “tự do” và “rộng mở” được xem như là một sự tái khẳng định trật tự an ninh kinh tế dựa trên các luật lệ từ sau Thế chiến II, phù hợp với lợi ích của nước Mỹ.

Kết luận

Với tư cách là một điểm nóng địa chính trị, “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đã đủ đường nét cấu thành nên RSC mới: Sự tương tác an ninh ngày càng mạnh giữa hai khu vực Nam Á và Đông Á, ảnh hưởng của cường quốc khu vực lên khu vực đối phương ngày càng gia tăng. Trong đó sự trỗi dậy của hai cường quốc khu vực là Ấn Độ và Trung Quốc dẫn tới sự tương tác mạnh mẽ giữa hai khu vực Nam Á và Đông Á là động lực hình thành nên phức hệ an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nước Mỹ thâm nhập vào RST Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua việc mở rộng mạng lưới liên minh và tăng cường quan hệ an ninh các nước trong phức hệ, đồng thời ra sức thúc đẩy xây dựng quy tắc hành vi khu vực. Điều kiện khách quan để nước Mỹ phát huy cơ chế xâm nhập này chính là kết cấu quyền lực đa cực và nhận thức an ninh tiêu cực tồn tại giữa các nước trong khu vực.

Đỗ Khương Mạnh Linh

Tài liệu tham khảo

[1] Abe Shizo (2007). Confluence of the Two Seas, speech at the Parliament of the Republic of India’, Ministry of Foreign Affairs of Japan.

[2] Barry Buzan, and Ole Wæver. (2003).Regions and Powers: the structure of international security. Cambridge, U.K.: Cambridge University Press. 46-47.

[3] Barry Buzan (1991). People, States, and Fear: an agenda for international security studies in the post-Cold War era. 2nd edition. Brighton, UK: The Harvester Press, 1991 [1983].

[4] BarryBuzan, O. Wæver, &J. Wilde. (1998). Security: A new framework for analysis. Boulder, Colo: Lynne Rienner Pub.15.

[5] Barry Buzan (2003).Regional Security Complex Theory in the Post-Cold War World. In: Söderbaum F., Shaw T.M. (eds) Theories of New Regionalism. International Political Economy Series. Palgrave Macmillan, London.

[6] Barry Buzan (2012).The Geopolitical Reconstruction of Asia: A Reflection Ten Years on from Regions and Powers. Politique étrangère, vol. summer issue, no. 2. 331-344.

[7] Gurpreet S.Khurana (2007). Security of Sea Lines:Prospects for India-Japan Cooperation.Strategic Analysis,Vol.31,No.1.150.

[8] Harsh V Pant (2016).Rising China in India’s Vicinity: A Rivalry Takes Shape in Asia. Cambridge Review of International Affairs.29 (2):378.

[9] Nidhi Prasad (2017). India, Japan, and the Indo-Pacific: Breaking Out of the Middle Power Status. Asia Pacific Bulletin, No. 384

[10] Rajeswari Pillai Rajagopalan (2018). India’s Vision of the East Asian Order. Asia Policy, 2018, 13 (2):40.

[11] Robert Gates (2009). America’s security role in the Asia-Pacific. Shangri-La Dialogue 2009, First Plenary Session, International Institute for Strategic Studies.

[12] Thakur R; Sharma A (2018). India in Australia's Strategic Framing in the Indo–Pacific. Strategic Analysis, vol. 42. 69 – 83.

[1] Theo  Buzan (2012)  thì Siêu phức hệ (super complex)  được hiểu là một tập hợp các RSC trong đó sự hiện diện của một hoặc nhiều cường quốc tạo ra các động lực an ninh liên vùng tương đối cao và nhất quán.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục