Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Khủng Hoảng Ukraine từ góc nhìn địa chính trị

Khủng Hoảng Ukraine từ góc nhìn địa chính trị

01:35 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Khủng Hoảng Ukraine từ góc nhìn địa chính trị

Tóm tắt

Cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra vào cuối năm 2013 đã khuấy động các mối quan hệ quốc tế của thế giới lúc bấy giờ, và nhanh chóng phát triển từ cuộc khủng hoảng chính trị trong nước ở Ukraine thành một cuộc xung đột chính trị quốc tế liên quan đến toàn bộ lục địa Á-Âu. Cuộc khủng hoảng Ukraine là kết quả của sự kết hợp của các yếu tố trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vị trí địa chính trị độc đáo của Ukraine khiến nước này trở thành bức tường thành cho sự mở rộng về phía Đông của Liên minh châu Âu và NATO, cũng như tuyến phòng thủ cuối cùng và là vùng đệm chiến lược cuối cùng của Nga chống lại các lực lượng châu Âu và Mỹ. Đối với các nước châu Âu và Mỹ, dựa trên cục diện chiến lược "cân bằng Á-Âu", lý thuyết địa chính trị của Mackinder, và sự lựa chọn tất yếu để duy trì an ninh và phát triển của chính mình, Ukraine là chìa khóa để ép chặt không gian lựa chọn địa chiến lược của Nga, hạn chế sự trỗi dậy của nước này. Đồng thời, Ukraine cũng có ý nghĩa to lớn đối với cục diện toàn cầu và an ninh địa chính trị của Nga, Nga cần Ukraine đóng vai trò như một “vùng đệm” cho sự phát triển và an ninh quốc phòng của chính mình. Vì thế, phân tích cuộc khủng hoảng Ukraine từ góc nhìn địa chính trị sẽ góp phần hiểu rõ hơn thực chất của vấn đề.

Từ khóa: Ukraine, Nga, địa chính trị, NATO, Mỹ

 

Vào tháng 11/2013, Tổng thống Ukraine lúc đó là Viktor Yanukovych đã quyết định chấm dứt thỏa thuận liên kết với EU[1], điều này đồng nghĩa với việc Ukraine đã làm suy yếu nghiêm trọng quan hệ đối tác chiến lược và rời xa châu Âu, đồng thời hình thành một loạt các các chính sách tăng cường hợp tác kinh tế với Nga, vốn trở thành ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước loạt chính sách "rời châu Âu và thân Nga" của chính quyền Yanukovych, các lực lượng thân châu Âu của Ukraine đã ngay lập tức tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Kiev, yêu cầu ông Yanukovych từ chức và tổ chức bầu cử sớm. Kể từ đầu năm 2014, tình hình trong nước ở Ukraine xấu đi rõ rệt, các hoạt động bạo lực gia tăng nhanh chóng, Yanukovych rời khỏi ghế quyền lực, Crimea tái gia nhập Nga dưới hình thức "trưng cầu dân ý" với sự can thiệp quân sự của Nga. Tình hình ngày càng xấu đi ở Ukraine không chỉ gây căng thẳng giữa các nhóm lợi ích trong nước mà còn dẫn đến một vòng "Chiến tranh Lạnh" mới giữa châu Âu, Mỹ và Nga, thậm chí còn đặt ra thách thức to lớn đối với trật tự Westphalia truyền thống.

Với lịch sử gắn bó máu thịt giữa Ukraine và Nga, để hiểu được nguồn cơn sâu xa của cuộc khủng hoảng Ukraine, không thể không quan tâm đến cái gọi là “sự thu hẹp chiến lược” hay giới hạn chiến lược của nước Nga, cũng như ý nghĩa địa chính trị của Ukraine đối với Nga, Tây Âu và Mỹ.

1. Về giới hạn của “thu hẹp chiến lược” của Nga

Lịch sử mỗi quốc gia, cũng giống như đời người, đều có những lúc thịnh suy. Vào thời cường thịnh, biểu hiện về mặt đối ngoại của một quốc gia hùng mạnh là sự bành trướng. Sự "bành trướng" được đề cập ở đây có thể là lãnh thổ, hoặc có thể là các khía cạnh khác như phạm vi ảnh hưởng sức mạnh hay ảnh hưởng văn hóa; và khi một quốc gia là suy yếu, tức sức mạnh quốc gia suy giảm, biểu hiện về mặt đối ngoại là sự thu hẹp.

Trong một thời kỳ lịch sử nhất định, sự bành trướng và thu hẹp của một quốc gia đều có giới hạn của nó. Cái gọi là "giới hạn bành trướng" dùng để chỉ khả năng mở rộng lãnh thổ của một quốc gia (quyền lực, tầm ảnh hưởng ...) đến một phạm vi nào đó, một khi vượt qua phạm vi này thì sẽ dẫn đến sự "thấu chi" sức mạnh nghiêm trọng. Còn cái gọi là "giới hạn thu hẹp" trong thời kỳ thu hẹp chiến lược (nghĩa là "sự suy giảm" được nói đến ở trên) đề cập đến sức mạnh cơ bản mà một quốc gia phải duy trì nếu muốn khôi phục sức mạnh nhanh chóng trong tương lai. Khi “giới hạn thu hẹp” của một quốc gia bị đe dọa, tất yếu sẽ dẫn đến sự phản kháng trước áp lực bên ngoài, nếu sự phản kháng thành công thì mới giữ vững được sức mạnh để phục hồi, nếu thất bại và "giới hạn thu hẹp" bị phá vỡ thì vận mệnh của quốc gia đó sẽ rất bi thảm.

Từ thời cận đại, mặt trận đối ngoại của nước Nga chủ yếu có ba hướng: Đông, Nam và Tây. Ở phía Đông tương ứng với vùng Viễn Đông, phía Nam tương ứng với khu vực Trung Á và Tây Á, và phía Tây tương ứng với châu Âu. Do thủ đô và các khu vực cốt lõi của Nga đều nằm ở Đông Âu, nên trong ba mặt trận, mặt trận phía Tây, gần nhất với Đông Âu, là mặt trận quan trọng nhất. Ukraine nằm ở mặt trận phía Tây quan trọng nhất trong ba mặt trận.

Từ thời kỳ đế quốc Nga (Nga Sa hoàng) đến thời Liên Xô và nước Nga hiện nay, bước tiến sâu nhất của Nga trên mặt trận phía Tây là vào thời kỳ Liên Xô sau Thế chiến thứ hai. Vào thời điểm đó, không chỉ Ukraine được sáp nhập vào Liên Xô, mà Ba Lan cũng là đồng minh của Liên Xô, và thậm chí một nửa của nước Đức (tức là Đông Đức) cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng. Đây là thời kỳ đỉnh cao mà đế quốc Nga vào thời cực thịnh cũng chưa từng đạt được.

Sau khi Liên Xô tan rã, sức mạnh quốc gia của Nga bị suy giảm. Có thể nói, sự mở rộng liên tục về phía Đông của NATO và Liên minh châu Âu hơn 20 năm sau là biểu tượng cho sự suy giảm sức mạnh quốc gia của Nga. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc Nga đã không thể ngăn cản ba nước Baltic và Ba Lan gia nhập EU, và một khi Ukraine cũng trở thành một phần của EU và ngả về phương Tây thì tương đương với việc khu vực vùng lõi của Nga sẽ trở thành tiền tuyến. Điều này có nghĩa cái gọi là "mặt trận phía Tây" sẽ sụp đổ và khó có thể tái thiết trong ngắn hạn, mà chính sự tồn tại của nước Nga cũng sẽ bị đe dọa. Phải biết rằng, dù trong Chiến tranh Napoléon hay Thế chiến II, chìa khóa sống còn của Nga nằm ở chiều sâu chiến lược, và một Ukraine hoàn toàn nghiêng về phương Tây sẽ làm suy giảm nghiêm trọng nhiều lợi thế to lớn của chiều sâu chiến lược này.

Do đó, xét từ góc độ địa chính trị, Ukraine thực sự là "giới hạn thu hẹp" chiến lược của Nga. Chính vì điều này mà Putin sẽ sử dụng mọi chiến thuật để giữ Ukraine trong tầm ảnh hưởng của Nga, hoặc ít nhất là giữ cho nước này trung lập. Điều này được xem như việc giữ vững được phòng tuyến cuối cùng của Nga.

2.  Lịch sử gắn bó Nga - Ukraine

Ukraine là một quốc gia anh em gắn bó máu thịt với Nga, người Ukraine là cánh tay phải trong quá trình nước Nga mở rộng, Kiev là thủ đô của đất nước phong kiến ​​đầu tiên do người Nga thành lập. Nhiều thành phố lớn của Ukraine mang dấu ấn của người Nga.

Quốc gia Nga đầu tiên có nguồn gốc từ vùng đất hoang vu Ukraine. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 9, đại công quốc phong kiến ​​đầu tiên Kievan Rus do người Nga cổ đại thành lập được đặt tại Kiev dọc theo châu thổ sông Dnepr[2]. Đại Công tước Vladimir đã rửa tội cho người dân của mình ở sông Dniper, là sông mẹ của Ukraine ngày nay. Kể từ đó, Kiev luôn là trung tâm chính trị của người Nga, cho đến khi quân Mông Cổ xâm lược vào thế kỷ 13, về sau Kievan Rus đã tách thành một số đại công quốc, bao gồm Moscow, Novgorod, Suzdal ở phía đông bắc, Minsk ở phía bắc, Kiev và Chernigov xung quanh Kiev, Volyn và Galich ở phía tây, v.v. Trong giai đoạn giữa và cuối thời kỳ thống trị của người Mông Cổ, Đại công quốc Moscow, vốn đã đầu hàng Hoàng tộc Kipchak ở phía bắc, dần dần xuất hiện, đồng thời, người Nga cổ đại dần dần phân hóa thành ba nhóm dân tộc hiện đại gồm: Đại Nga, Ukraine và Belarus. Sau khi Đại công quốc Moskva đánh đuổi quân Mông Cổ, nó được đổi tên thành nước Nga Sa hoàng[3]. Vào thời điểm này, Nga đã là một quốc gia Á Âu đa sắc tộc. Kể từ đó, sức mạnh quốc gia của Nga đã phát triển nhanh chóng, và trong vòng 300 năm, nó đã mở rộng thành một đế chế vĩ đại trải dài khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ.

3. Ý nghĩa địa chính trị của Ukraine đối với Nga

Trong tác phẩm "Bàn cờ lớn" (The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives) Brzezinski đã chỉ ra rằng, chỉ khi có được Ukraine, Nga mới có thể hoàn thành giấc mơ "Đế chế Á-Âu" của mình, nhưng nếu không có được Ukraine, Nga nhiều nhất chỉ trở thành một đế chế châu Á[4]. Không quốc gia nào, dù mạnh hay yếu, cho phép các liên minh chính trị thù địch ở xung quanh và triển khai các căn cứ quân sự gần biên giới của mình. Trong lịch sử Nga đã có một cuộc đấu tranh lâu dài với các nước Bắc Âu để tranh giành cửa biển Baltic. Tuy nhiên với việc 3 nước Baltic gia nhập NATO vào năm 2014, Nga đã mất lợi thế chiến lược trước các nước phương Tây ở Biển Baltic. "Sự thất vọng" của Nga ở biển Baltic đã dẫn đến việc một số lượng lớn các cơ sở quân sự của NATO được đặt ở khu vực cách biên giới Nga chưa đầy 200 km. Xuất phát từ tình hình địa chính trị tổng thể của Nga, sau khi mất vùng ảnh hưởng ở Biển Baltic ở mặt trận phía Bắc, chính quyền Moscow sẽ không bao giờ nhượng bộ về vấn đề Biển Đen.

Tại sao như vậy? Điều này có thể lý giải với khái niệm "mặt trận phía Tây" đề cập đến ở trên. Ukraine là tuyến phòng thủ cuối cùng trên "mặt trận phía Tây", nếu không còn Ukraine, Nga đương nhiên gặp khó khăn nếu muốn thâm nhập vào châu Âu vì không còn sức mạnh ở mặt trận phía Tây. Ngược lại, nếu Nga muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang châu Âu thì nước này cũng phải thông qua Ukraine. Với Ukraine, Nga có thể tham gia nhiều hơn vào các vấn đề ở Biển Đen, Ba Lan và Balkan, từ đó mới thực sự thâm nhập được vào châu Âu.

Ngoài ra, Ukraine hoàn toàn không chỉ là một vùng đệm chiến lược đối với Nga, mà nó là nơi ghi dấu vinh quang và ước mơ của nước Nga trong hàng trăm năm. Bất kể về phương diện nguồn gốc quốc gia, bản sắc văn hóa hay tôn giáo, Nga và Ukraine có mối liên hệ lịch sử sâu xa. Nếu nhìn vào bản đồ có thể được rằng, miền đông Ukraine nằm lấn sâu vào trong nội địa của Nga, từ Kharkiv đến Moscow chỉ cách vài trăm km. Và Lviv ở miền tây Ukraine, cách Berlin, Praha và Vienna chưa đầy 1.000 km. Do đó, Ukraine là con đường duy nhất để Nga đến Tây Âu.

Crimea nằm ở phía trên của trung tâm Biển Đen. Nếu kiểm soát được Crimea thì sẽ kiểm soát hầu hết Biển Đen. Ý nghĩa của Crimea đối với Nga là rất quan trọng, vào giữa thế kỷ 19, Nga đã bị đánh bại trong cuộc chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Để ngăn chặn việc người Anh ở Biển Đen thèm muốn Crimea, Nga đã không ngần ngại bán Alaska cho Mỹ. Đối với nước Nga lúc bấy giờ, Hạm đội Biển Đen nằm ngay dưới mũi quan trọng hơn rất nhiều so với băng tuyết ở bên kia trái đất. Đối với chính quyền Putin, nếu Ukraine không thể trở nên "thân Nga", thì ngay cả việc lấy lại Crimea, nơi mà Nga đã dày công quản lý trong nhiều thế kỷ, là rất đáng giá. Khrushchev đã giao Crimea cho Ukraine để kỷ niệm 300 năm liên minh giữa Ukraine và Nga. Và trong hiện tại khi không tồn tại liên minh Nga - Ukraine thì việc sáp nhập Crimea trở lại Nga là điều hoàn toàn có thể lý giải[5].

4. Ý nghĩa địa chính trị của Ukraine đối với Tây Âu

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã từng nỗ lực hội nhập phương Tây, tuy nhiên, các nước phương Tây chưa bao giờ chấp nhận người khổng lồ Nga, mà thậm chí còn đang gây áp lực và trừng phạt nhiều mặt nhằm bóp chết không gian phát triển địa lý của Nga. Trong lịch sử, nước Nga Sa hoàng luôn thực hiện chính sách bành trướng, thực hiện chủ nghĩa sô vanh cường quốc khiến các nước Tây Âu luôn phải dè chừng. Các học giả theo chủ nghĩa hiện thực cho rằng, sau khi suy tàn, không sớm thì muộn, Nga sẽ trỗi dậy, đe dọa an ninh của Trung và Đông Âu, và sau đó là đe dọa đến trung tâm công nghiệp của châu Âu[6].

Trước năm 1905, Đế quốc Anh và Nga đã tranh giành quyền lợi của Đế chế Ottoman ở Trung Á và Cận Đông trong hơn nửa thế kỷ. Đế quốc Nga đã rút ra được bài học thất bại trong Chiến tranh Crimea và tăng cường chú trọng nâng cao khả năng điều phối vật tư trong thời chiến. Vì vậy, vào đầu những năm 1870, nước này đã bắt đầu xây dựng Đường sắt Kavkaz, đến cuối những năm 1880, đế quốc Nga đã hoàn thành việc xây dựng tuyến đường sắt từ Orenburg đến Tashkent. Việc hoàn thành tuyến đường sắt này đã nhân lên tiềm năng của cuộc chiến tranh chống Trung Á của Nga. Từ năm 1866 đến cuối thế kỷ 19, Nga đã xây dựng một tuyến đường sắt dài 30.000 dặm.

Việc xây dựng đường sắt của nước Nga đã khiến tiềm năng của khu vực Trung Á rộng lớn này bắt đầu được khai thác. Halford Mackinder coi thế giới là một hòn đảo bao gồm đại lục Âu Á và đại lục châu Phi, trong đó đại lục Âu Á được coi là "vùng trung tâm" (hay vùng đất trái tim - heartland), trải dài từ Đông Âu ở phía Tây đến Đông Âu, ở phía Đông kéo dài đến tận Siberia và Mông Cổ, phía Nam mở rộng tới Tiểu Á, cao nguyên Iran và Tây Tạng, và phía Bắc tới khu vực Bắc Băng Dương, khu vực này không dễ tiếp cận với các quốc gia cường quốc biển khác, ngoại trừ Đông Âu, và trong lịch sử, những quốc gia chiếm đóng vùng trung tâm cũng đã nhiều lần mở rộng biên giới ra khu vực đại lục Âu Á[7].

Mackinder đã nâng vị trí chiến lược của Đông Âu lên một tầm cao chưa từng có, thậm chí còn tuyên bố: “Ai khống chế được Đông Âu thì sẽ khống chế được vùng đất trung tâm, ai khống chế được vùng đất trung tâm thì sẽ khống chế được thế giới!”[8]. Đồng thời, Mackinder cũng cho rằng cường quốc lục địa khống chế được vùng đất trung tâm thì sẽ đánh bại được cường quốc trên biển. Mặc dù lý thuyết của Mackinder có những hạn chế về thời gian, thậm chí bị phản đối cho rằng lý thuyết này sẽ lạc hậu trong thời đại hạt nhân, nhưng nội hàm ý thức hệ trong lý thuyết của ông vẫn có tác động sâu sắc đến các mối quan hệ quốc tế hiện đại. Ở một khía cạnh nào đó, Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc tranh giành bá quyền sau đó giữa Mỹ và Liên Xô có thể được coi là cuộc đấu tranh nhằm cân bằng giữa các quốc gia bá quyền đang muốn độc chiếm vùng "trung tâm" với các cường quốc biển mà đại diện chủ yếu là Anh và Mỹ. Theo quan điểm này, Ukraine, với tư cách là một cửa ngõ vào "vùng đất trung tâm", có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm tra và cân bằng Nga, vốn có ý thức phục hưng mạnh mẽ. Đặc biệt là đối với các nước Tây Âu, để đảm bảo an ninh cho chính mình, một kỷ nguyên mới với một nước Nga hùng mạnh chắc chắn không phải là điều họ muốn thấy.

5. Ý nghĩa địa chính trị của Ukraine đối với Mỹ

Với sự tan rã của Liên Xô và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, các chính trị gia trên thế giới đã từng thảo luận về chiến lược của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh. Những người theo thuyết chủ nghĩa hiện thực cho rằng, nước Mỹ cần điều chỉnh chiến lược một cách thích hợp, và áp dụng chiến lược “cân bằng xa bờ” (offshore balancing). Với vai trò là “người cân bằng từ xa” trên quy mô toàn cầu, Mỹ cho phép các cường quốc khu vực đảm nhận trách nhiệm cân bằng cường quốc bá quyền, từ đó thoát khỏi nghĩa vụ mà Mỹ gánh vác tại khu vực Âu-Á trong Chiến tranh Lạnh[9]. Tuy nhiên, chính sách toàn cầu của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh hoàn toàn khác với quan điểm trên, thay vì rút bớt sức mạnh ở Âu-Á, Mỹ đã triển khai thêm sức mạnh ở Âu-Á.

Một là, do tổng thể nguồn lực và tiềm lực quân sự của khu vực Âu-Á vượt xa Mỹ, nếu khu vực này bị kiểm soát bởi một cường quốc, chắc chắn sẽ gây ra một thất bại quân sự cho Mỹ[10]. Đồng thời, do ảnh hưởng của sức mạnh biển đối với lục địa suy giảm và sự tiến bộ của khoa học công nghệ, thời gian triển khai và huy động của các quốc gia trên biển đã được rút ngắn rất nhiều. Vì vậy, các cường quốc biển phải tăng cường nghĩa vụ đối với các vấn đề của lục địa, đây cũng là bài học mà Mỹ đã rút ra trong Thế chiến thứ hai. Sự xuất hiện của một cường quốc ở Âu-Á sẽ không chỉ ảnh hưởng đến địa vị và an ninh của Mỹ, mà còn khiến Mỹ phải tự bảo vệ mình khỏi sự xâm lược của nước ngoài, điều này sẽ dẫn đến một chế độ chuyên chế quân sự nhất định ở bên trong nước Mỹ, điều sẽ khiến Mỹ phải thay đổi về các giá trị, bản sắc và văn hóa kinh tế và chính trị. Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ càng ra sức thúc đẩy “chủ nghĩa toàn cầu”, cốt lõi của chủ nghĩa này là duy trì cán cân quyền lực ở lục địa Á-Âu và gắn kết chặt chẽ các lợi ích của Mỹ[11].

Sau khi Liên Xô tan rã, chính quyền Matxcova rất coi trọng tầm quan trọng của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đối với Nga, nên ra sức thúc đẩy “chính sách láng giềng”. Các quốc gia "lân cận" của Nga bao gồm 14 nước cộng hòa cũ, Mông Cổ, Triều Tiên và Trung Quốc. Từ những năm 1990, Nga tuyên bố muốn thực hiện chính sách can thiệp trực tiếp vào các nước "láng giềng". Tổng thống Yeltsin thậm chí còn tuyên bố tại Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng Nga nên được coi là "người bảo đảm cho hòa bình và ổn định ở khu vực Liên Xô cũ"[12]. "Chính sách láng giềng" của Nga có thể được coi là phiên bản Nga của "Học thuyết Monroe".

Sau khi Putin lên nắm quyền, các chính sách đối với "láng giềng gần" của Nga càng quyết đoán hơn. Về mặt kinh tế, các biện pháp trừng phạt năng lượng thường được sử dụng và tăng giá khí đốt tự nhiên. Ở cấp độ quân sự, can thiệp quân sự trực tiếp và tạo áp lực quân sự được áp dụng, chẳng hạn như các hoạt động quân sự trực tiếp đối với Ukraine và Gruzia và mở rộng hoạt động quân sự ở Belarus.

Những hành động của Nga đều phản ánh tham vọng định hình lại một đế chế hùng mạnh. Sự trỗi dậy và mở rộng của Nga chắc chắn sẽ phá vỡ cán cân quyền lực trên lục địa Á-Âu và Mỹ chắc chắn sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để siết chặt không gian địa lý của Nga. Ukraine nghiễm nhiên trở thành một địa điểm chiến lược để Mỹ thực hiện điều này.

6. Kết luận

Tóm lại, lý do bùng nổ cuộc khủng hoảng Ukraine rất phức tạp, trước mắt Ukraine vẫn là một điểm nút nơi có nhiều lực lượng đan xen. Tình hình hỗn loạn và bất định ở Ukraine thậm chí có thể ảnh hưởng đến hệ thống Westphalia truyền thống, có thể đưa phương Tây trở lại chính sách liên minh. Sau khi khủng hoảng Ukraine bùng nổ, Nga đẩy mạnh tốc độ "hướng Đông", tăng cường hợp tác kinh tế với các nước ngoài phương Tây, trong đó có sáng kiến ​​BRI của Trung Quốc. Còn đối với Ukraine, với vị trí địa chính trị nhạy cảm của mình, cộng thêm các lực lượng đan xen nói trên sẽ vẫn tạo ra nhiều cuộc xung đột khác nhau trong nước và một đợt khủng hoảng trong nước mới với sự can thiệp từ bên ngoài có thể nổ ra bất cứ lúc nào và có thể leo thang trở thành chiến tranh. Tuy nhiên, không phải là không có lối thoát cho vòng xoáy leo thang ở Ukraine, đó là một Ukraine trung lập, một vùng đệm, giống như nước Áo hoặc Phần Lan trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hoặc Ukraine trong thời kỳ từ 1991 đến 2013. Một Ukraine không thuộc phương Tây cũng như không hợp tác quá chặt chẽ với Nga, và duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai bên[13].

 

Tài liệu tham khảo

[1] https://www.washingtonpost.com/world/europe/ukraine-under-pressure-from-russia-puts-brakes-on-eu-deal/2013/11/21/46c50796-52c9-11e3-9ee6-2580086d8254_story.html

[2] Britannica, T. Editors of Encyclopaedia (2016, February 22). Kievan Rus. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/Kyivan-Rus

[3] Tchoubarian, A. (2014). What is Europe - Idea, Spirit, Reality? . In The European Idea in history in the nineteenth and twentieth centuries: a view from Moscow (pp. 1–15). Routledge.

[4] Zbigniew Brzezinski. (1998). The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives. Basic Books, 46.

[5] Mearsheimer, J. J. (2014). Why the Ukraine crisis is the West's fault: the liberal delusions that provoked Putin. Foreign Aff.93, 77.

[6] Smith, N. R. (2015). The EU and Russia’s conflicting regime preferences in Ukraine: assessing regime promotion strategies in the scope of the Ukraine crisis. European Security, 24(4), 525–540.

[7] Halford John Mackinder. (1942). The Landsman’s Point Of View. In Democratic Ideals and Reality: A Study in the Politics of Reconstruction (pp. 53–82). National Defense University Press Publications.

[8] Halford John Mackinder. (1942). pp 150.

[9] Christopher Layne. (2006). The Peace of Illusions: American Grand Strategy from 1940 to the Present. Cornell University Press. pp 19.

[10] W. W. Rostow. (1969). The United States in the World Arena: An Essay in Recent History. Touchstone. pp 543.

[11] Watt, D. C. (1992). US Globalism: The End of the Concert of Europe. In America Unbound (pp. 37-54). Palgrave Macmillan, New York.

[12] Rumer, E. B. (1995). Russian National Security and Foreign Policy in Transition. Rand Corp Santa Monica Ca.

[13] https://www.welt.de/politik/ausland/plus236575311/Der-Westen-hat-nicht-verstanden-dass-Putin-nach-anderen-Regeln-spielt.html?source=puerto-reco-2_AAA-V6.C_test

Nguồn:

Cùng chuyên mục