Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ năm 2016-2017 (Phần 1)

Kinh tế Ấn Độ năm 2016-2017 (Phần 1)

05:10 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ năm 2016-2017

Nguyễn Tuấn Quang*

Năm 2016-2017[1], Ấn Độ đã tiếp tục đạt được thành tựu về kinh tế vĩ mô bền vững như những năm qua. Mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 7,1%. Trong khi, năm 2014-2015 và năm 2015-2016 mức tăng GDP lần lượt đạt 7,2% và 7,6%. Tỷ lệ lạm phát CPI là 3,8% tháng 3/2017 so với 3,7% tháng 2/2017. Tính chung mức lạm phát cả năm 2016-2017 là 4,5%. Các lĩnh vực đều có mức tăng trưởng khá: Nông nghiệp tăng 4,4%; Công nghiệp 5,8% và Dịch vụ 7,9%. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 16,5%; công nghiệp 29,8% và dịch vụ 45,4%.

1. Mức tăng GDP

Với mức tăng từ 7% trong 3 năm liên tục trong bối cảnh của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế Ấn Độ đã có những bứt phá ngoạn mục.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Ấn Độ[2]

Kể từ tháng 4/2016, GDP vẫn đạt mức tăng trên 7% hàng quý. Mức cao nhất là 7,3% cho Quý III/2016. Có thể thấy, mức tăng GDP 7,1% năm 2016-2017 là rất ấn tượng, đứng thứ nhất trong số các nước thuộc nhóm G20.  Những thành công này do tác động từ rất nhiều yếu tố, từ sự bùng nổ của công nghệ cho tới quy mô dân số lý tưởng, nhưng quan trọng nhất phải kể tới sự thúc đẩy cải cách tích cực của Chính phủ.

Đặc điểm nổi bật của kinh tế Ấn Độ là tăng trưởng dựa vào động lực tiêu dùng trong nước ngành dịch vụ khá phát triển. Đó là dịch vụ ngân hàng tài chính, sản xuất và xuất khẩu phần mềm... Lạm phát và nợ công đều ở mức thấp.

Với các thành tựu về phát triển kinh tế và mức tăng GDP khá cao qua nhiều năm qua, Ấn Độ hiện xếp thứ năm trong số các nền kinh tế thế giới với 2.551 tỷ USD, sau Mỹ (GDP năm 2016 là 19.417 tỷ USD); Trung Quốc (11.795 tỷ USD); Nhật Bản (4.841 tỷ USD); Đức (3.423 tỷ USD) và Vương quốc Anh (2.497 tỷ USD).

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong năm tăng khá ở mức 5,8% so với mức 3,4% của năm 2015-2016. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,7% trong tháng 3/2017 so với mức 5,5% của tháng 3/2016.

Tám ngành công nghiệp chủ chốt gồm than, dầu thô, khí đốt tự nhiên, sản phẩm lọc dầu, phân bón, sắt, xi măng và điện đạt mức tăng 5% trong tháng 3/2017, so với 9,3% tháng 3/2016 và đạt mức 4,5% trong cả  năm 2016/17 so với 4% của năm trước: than tăng 3,6%; dầu thô -1,4%; sản phẩm lọc dầu 5,4%; phân bón 1,8%; sắt thép 9,3%; xi măng -1,3%; điện 4,5%.

3. Nông nghiệp

Nông nghiệp là ngành sản xuất quan trọng tại Ấn Độ, có mức tăng 4,4% trong năm nay. Mức tăng này là khá cao và góp phần quan trọng cho nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định dân sinh.

Khoảng 58% hộ dân tại nông thôn phụ thuôc vào nông nghiệp. Xuất khẩu nông sản đóng góp 10% trị giá tổng xuất khẩu của cả nước. Các sản phẩm chủ yếu của nông nghiệp là lúa mỳ, gạo, đỗ tương, ngô, thực phẩm, chè, bông và thực phẩm chế biến, thủy và hải sản, gia vị...

Tổng trị giá ngành nông nghiệp là 1.640 tỷ USD. Sản lượng ngũ cốc là 271,98 triệu tấn năm 2016-2017. Xuất khẩu gạo đạt 3,5 tỷ USD với khối lượng khoảng 4 triệu tấn. Xuất khẩu gia vị 1,9 tỷ USD từ tháng 4 – 12/2016. (Xem tiếp phần 2)


* Nguyên Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

[1] Năm tài chính Ấn Độ bắt đầu từ  01/4 hàng năm và kết thúc vào 31/3 năm sau.

[2] Số liệu của IMF, Nguồn: Bộ Tài chính Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục