Kinh tế Ấn Độ sau 25 năm tự do hóa
Đối với nhiều người Ấn Độ, công cuộc cải cách và tự do hóa kinh tế bắt đầu từ năm 1991 là một “cuộc cách mạng” không kém phần quan trọng so với hồi năm 1947 khi quốc gia Nam Á này giành được độc lập từ Anh.
Ấn Độ hiện được coi là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng GDP 7,6% trong năm tài khóa 2015-2016, một “điểm sáng” trong nền kinh tế toàn cầu vẫn đang ảm đạm và nhiều bất ổn. Tuy nhiên, những dấu hiệu lạc quan gần đây của kinh tế Ấn Độ không chỉ là kết quả từ những nỗ lực của chính phủ mới do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu mà còn dựa trên nền tảng của quá trình công nghiệp hóa cùng với cuộc cải cách tự do hóa kinh tế mạnh mẽ do cựu Thủ tướng Narasimha Rao phát động từ tháng 7/1991 đến nay.
Từ cuộc khủng hoảng năm 1991
Năm 1991, sự trì trệ cộng với tác động tiêu cực từ sự mất ổn định chính trị nội bộ và việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đã khiến nền kinh tế Ấn Độ rơi vào khủng hoảng trầm trọng, thậm chí trên bờ vực sụp đổ. Tốc độ tăng GDP năm 1991 của Ấn Độ sụt mạnh xuống còn 1,1%, nhiều ngành công nghiệp gặp khó khăn, thâm hụt kép, lạm phát tăng cao, nợ nước ngoài lên tới 70 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ cho đến tháng 5/1991 chỉ còn khoảng hơn 1 tỷ USD, tình hình xã hội căng thẳng.
Nguy cơ vỡ nợ đã trở thành sức ép lớn đòi hỏi Chính phủ của Thủ tướng Narasimha Rao không có lựa chọn nào khác là phải có một cuộc cải cách lớn và toàn diện, một cuộc “đại phẫu thuật” để mang lại sức sống cho nền kinh tế Ấn Độ trong bối cảnh nhiều nước đang đi theo xu thế tự do hoá, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Ngay sau khi lên cầm quyền, chỉ trong vòng hơn 30 ngày (từ 21/6 đến 24/7/1991), Chính phủ mới của Thủ tướng N. Rao và Bộ trưởng Tài chính Manmohan Singh đã tập trung vạch ra những định hướng phát triển kinh tế hoàn toàn mới, toàn diện, mạnh mẽ và sâu rộng theo hướng tự do hóa và mở cửa, tập trung vào 4 trọng tâm. Về công nghiệp, bỏ chế độ cấp phép công nghiệp cho phép mở cửa tiếp nhận đầu tư và công nghệ nước ngoài. Về ngoại thương, bỏ trợ cấp xuất khẩu và giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng. Về tài chính - tiền tệ, kiểm soát thâm hụt tài chính, điều chỉnh tỷ giá hối đoái theo hướng thả nổi dần đồng Rupee. Về cải cách khu vực nhà nước, giảm hoặc dừng đầu tư vào các cơ sở hoạt động kém hiệu quả, tăng đầu tư vào những ngành có khả năng tạo nhiều việc làm.
Ngoài ra, về đối ngoại, Ấn Độ cũng đề ra Chính sách hướng Đông nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước, các trung tâm kinh tế lớn và các đối tác và bạn hàng truyền thống.
Có thể nói, đây là một cuộc cải cách toàn diện nhằm điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng vừa mở cửa vừa tái cơ cấu kinh tế nhằm chuyển từ một nền kinh tế tập trung, quan liêu, hướng nội với vai trò chủ đạo của nhà nước sang một nền kinh tế thị trường, tự do hoá, mở cửa và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân để từng bước tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.
Những kết quả ấn tượng
Nhờ cải cách tự do hóa một cách cơ bản và toàn diện, Ấn Độ đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ để bước vào nền kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh và liên tục. Tốc độ tăng GDP đã được đẩy nhanh từ 1,1% (1991) lên bình quân 5,5% trong giai đoạn 1991 - 2001, đạt bình quân 7,5% trong giai đoạn tiếp theo từ 2002 đến 2012, lạm phát từ hai con số đã xuống còn dưới 5%. Nhờ đó, qui mô của nền kinh tế Ấn Độ đã tăng từ 274 tỷ USD (1991) lên 2,3 nghìn tỷ USD (2016). Hiện nền kinh tế Ấn Độ được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là lớn thứ 10 trên thế giới nếu tính theo tỷ giá so với đồng USD và đứng thứ ba thế giới nếu tính theo sức mua tương đương (PPP).
Đến nay, Ấn Độ trở thành một trong những cường quốc công nghiệp trên thế giới với tiềm lực mạnh về sản xuất và xuất khẩu phần mềm máy tính, năng lượng hạt nhân, công nghệ sinh học, công nghệ nano, viễn thông, đóng tàu và hàng không. Nhờ cải cách và tự do hóa, một loạt tập đoàn kinh tế có tên tuổi của Ấn Độ như TATA, Reliance, Essar... đã ra đời, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế trong nước đồng thời vươn ra nước ngoài bằng đầu tư trực tiếp hoặc sáp nhập các công ty đối tác.
Một điểm đáng chú ý nữa là sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ, ngành trở thành động lực tăng trưởng chính giúp Ấn Độ vượt trên các nền kinh tế đang phát triển khác để có thể sánh ngang với các nước phát triển. Trong giai đoạn 1991-2013, ngành dịch vụ đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 8,1%, chiếm gần 60% GDP và 32% giá trị xuất khẩu của nước này.
Thách thức vẫn còn nhiều
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là những vấn đề mang tính cơ cấu, đòi hỏi Chính phủ phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Khu vực quốc doanh đã được tái cơ cấu nhưng vẫn còn lớn và hoạt động kém hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã từng bước nới lỏng các quy định nhằm tự do hóa FDI trong nhiều ngành song môi trường đầu tư kinh doanh ở quốc gia này vẫn thiếu tính cạnh tranh do môi trường pháp quy yếu, bộ máy hành chính quan liêu, trì trệ, thủ tục rườm rà, triển khai dự án chậm, tệ tham nhũng...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế Ấn Độ, kết quả “mở cửa” đã rõ nhưng “tái cơ cấu” và tạo việc làm dường như chưa thành công, nhất là với tỷ trọng ngành sản xuất chế tạo gần như giữ nguyên sau 25 năm (chỉ ở mức trên 16% nếu theo cách tính GDP mới) nên không tạo ra nhiều việc làm mới và khiến nước này khó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP trên 8% như mong muốn.
Mặt khác, tỷ trọng lao động giản đơn (phi chính thức) trong lực lượng lao động còn lớn, năng suất và sức cạnh tranh còn thấp, chưa kể sự tham gia của lao động nữ còn hạn chế. Khu vực nông nghiệp là nguồn thu nhập trực tiếp hoặc gián tiếp của khoảng 2/3 dân số song vẫn trong tình trạng lạc hậu, năng suất thấp và thường xuyên chịu tác động của thời tiết thất thường...
Trong khi đó, một số ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển cao lại không phải là ngành tạo nhiều việc làm nên tỷ lệ thất nghiệp nói chung vẫn cao. Ngoài ra, quốc gia sông Hằng vẫn bị coi là một trong những thị trường có nhiều hàng rào bảo hộ mậu dịch (thuế và phi thuế) so với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, ngoài những bất ổn tiềm tàng về an ninh nội bộ cũng như trong khu vực, Ấn Độ còn phải đối mặt với một áp lực xã hội lớn do dân số đông và tăng nhanh, trong đó trên 1/3 dân số vẫn còn sống trong nghèo đói và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Ấn Độ vẫn được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Tại các thành phố, vấn đề dân cư quá tải, thiếu điện, nước, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Sự phát triển không đều giữa các bang, mâu thuẫn tôn giáo, đẳng cấp còn tồn tại cùng một số hủ tục, tâm lý thói quen ăn sâu trong dân chúng vẫn là những lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của Ấn Độ
Ưu tiên hiện nay
Trước những thách thức trên, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 5/2014, Thủ tướng N. Modi đã cho triển khai một số biện pháp chống tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, tăng đầu tư công, tăng quyền tiếp cận tài chính cho người dân, tái cơ cấu một số ngành và bỏ dần một số loại trợ cấp, đưa ra một số đợt nới lỏng qui định về FDI và các dự luật quan trọng để đẩy mạnh cải cách, trong đó có dự luật đồng nhất Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) trên toàn Ấn Độ dự kiến sẽ được triển khai từ ngày 01/4/2017.
Ông cũng phát động nhiều chương trình và sáng kiến như Make in India, Skill India, Digital India, Start-up India, Clean India, Smart Cities..., tăng cường các chuyến công du nước ngoài nhằm thu hút đầu tư vào ngành sản xuất chế tạo, phát triển kỹ năng, tạo thêm nhiều việc làm mới, cải thiện cơ sở hạ tầng và vệ sinh môi trường cho Ấn Độ. Về bản chất, các biện pháp này vẫn là sự tiếp tục đường lối cải cách tự do hóa từng bước từ 1991 song chú trọng nhiều hơn đến vấn đề triển khai và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Ấn Độ.
Bất chấp mọi thay đổi trên chính trường, những quyết sách cải cách kinh tế Ấn Độ ban đầu vẫn tiếp tục được các chính phủ tiếp theo triển khai liên tục và nhất quán trong suốt 25 năm (qua 6 đời Thủ tướng). Dù không được công bố chính thức nhưng điều này thể hiện gần như một sự đồng thuận chính trị giữa các nhà lãnh đạo Ấn Độ. Chính vì vậy, dù còn phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức cả cũ và mới, với những quyết sách đúng hướng và quyết tâm triển khai mạnh mẽ hơn, chúng ta vẫn có thể hy vọng chính phủ mới ổn định của Thủ tướng Modi sẽ tiếp tục phát huy nền tảng và những lợi thế vốn có để đưa kinh tế đất nước sông Hằng phát triển đúng như kỳ vọng.
Nguồn: http://baoquocte.vn/kinh-te-an-do-sau-25-nam-tu-do-hoa-37084.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục