Liệu sự tan băng giữa Ấn Độ và Pakistan có khả thi?
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội hai nước nhất trí duy trì sự bình yên ở biên giới.
Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, quân đội của Ấn Độ và Pakistan đã tuyên bố ngừng bắn dọc theo Đường kiểm soát (LoC) và biên giới quốc tế. Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Tổng cục trưởng Chiến dịch quân sự (DGMOs) của hai nước qua đường dây nóng nêu rõ rằng, một thỏa thuận đã đạt được để duy trì lệnh ngừng bắn: “Cả hai bên nhất trí tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các thỏa thuận, ghi nhớ và ngừng bắn dọc đường kiểm soát và tất cả các lĩnh vực khác có hiệu lực từ nửa đêm 24/25 tháng 2 năm 2021”. Quan chức quân đội hai bên đã đồng ý giải quyết các vấn đề và mối quan ngại "có xu hướng gây xáo trộn hòa bình và dẫn đến bạo lực".
Vài giờ sau khi tuyên bố chung được đưa ra, tờ nhật báo quốc gia Ấn Độ đưa tin rằng, lệnh ngừng bắn là kết quả của các cuộc đàm phán giữa Cố vấn An ninh Quốc gia (NSA) Ấn Độ Ajit Doval và Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan Moeed Yusuf. Báo cáo xác nhận rằng, hai quan chức đã gặp nhau ít nhất một lần ở nước thứ ba. Những phát triển tích cực gần đây, bao gồm việc chấm dứt các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn dọc theo LoC và các tuyên bố từ Tư lệnh Lục quân và Thủ tướng Pakistan, đã mở đường cho việc thực hiện các bước bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Trong một tuyên bố, ông Moeed Yusuf cũng xác nhận rằng, các cuộc đàm phán “hậu trường” giữa hai quốc gia đang diễn ra, và ám chỉ rằng, “nhiều con đường hơn sẽ mở ra trong tương lai.” Điều thú vị là, vào tháng 10 năm 2020, ông Yusuf, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Wire, tuyên bố rằng, Ấn Độ đã bày tỏ “mong muốn đối thoại”, điều này bị phía New Delhi bác bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, ông Yusuf sau đó đã đưa ra một loạt các tweet nói rằng, không có cuộc đàm phán nào diễn ra giữa ông và Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, Ajit Doval.
Các hoạt động đối địch giữa Ấn Độ và Pakistan gia tăng ồ ạt sau khi điều khoản 370 bị phá bỏ và các thay đổi hiến pháp khác do Chính phủ Narendra Modi thực hiện vào tháng 8 năm 2019. Sau những thay đổi xảy ra vào ngày 5 tháng 8 năm 2019, Islamabad đã hạ cấp quan hệ với New Delhi bằng cách triệu hồi Cao ủy ở Ấn Độ, đóng cửa một phần không phận giữa hai nước, đình chỉ thương mại và kêu gọi xem xét lại các thỏa thuận song phương giữa hai nước.
Tuyên bố ngừng bắn của DGMO hai nước là bước đầu tiên được thực hiện kể từ tháng 8 năm 2019 để xoa dịu căng thẳng. Các báo cáo cho rằng, cả hai nước có thể nâng cấp quan hệ ngoại giao bằng cách phục hồi các đại diện cao ủy ở New Delhi và Islamabad; Ấn Độ có thể phê chuẩn việc hội nghị thượng đỉnh SAARC diễn ra ở Pakistan, điều này cũng có thể kéo theo chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Islamabad.
Việc ngừng bắn dọc LoC là một bước đi đáng hoan nghênh không chỉ đối với quân đội hai nước mà còn cả những cư dân sống dọc khu vực biên giới ở Jammu và Kashmir; 5.100 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn đã được ghi nhận tại LoC vào năm 2020, vào thời điểm quân đội Ấn Độ để mắt tới quân đội Trung Quốc ở mặt trận phía đông Ladakh. Các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn - cao nhất kể từ năm 2003 - đã cướp đi sinh mạng của 36 người, trong đó có 24 nhân viên của lực lượng an ninh và khiến 130 người bị thương. Năm 2019, 3.289 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn đã được ghi nhận dọc theo biên giới Ấn Độ-Pakistan. Thỏa thuận mới có thể sẽ làm giảm bạo lực dọc biên giới và mang lại cảm giác nghỉ ngơi cho người dân địa phương.
Điều đáng chú ý là, sau những thay đổi hiến pháp được thực hiện vào ngày 5 tháng 8 năm 2019, cơ sở chính trị Ấn Độ đã chuyển trọng tâm sang việc “lấy lại” khu vực Kashmir bị Pakistan chiếm đóng (PoK). Nhiều tuyên bố đến từ các lãnh đạo quyền lực hàng đầu cho rằngm việc giành quyền tài phán thực tế ở PoK là lựa chọn tiếp theo cho Ấn Độ.
Rõ ràng, kết quả của các cuộc đàm phán giữa các DGMO đã gây bất ngờ lớn cho tất cả mọi người nhưng những dấu hiệu về sự tan băng giữa hai quốc gia đã có từ lâu. Đã có một sự thay đổi đáng kể trong diễn ngôn đến từ New Delhi. Sau cuộc xâm lấn của Trung Quốc ở Ladakh, hầu như không có bất kỳ đề cập nào đến việc tiếp quản PoK. Một số bộ trưởng của chính phủ đã đưa ra tuyên bố rằng, Ấn Độ không muốn đất của Pakistan hoặc Trung Quốc, và rằng họ muốn hòa bình và bất bạo động - đây có thể được coi là một nỗ lực để dập lửa.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan được đưa ra vài tuần sau khi lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc rút khỏi khu vực phía Đông Ladakh. Kể từ cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở phía Đông Ladakh, khả năng nổ ra chiến tranh hai mặt trận đã trở nên rõ ràng hơn. Trong bối cảnh đó, lệnh ngừng bắn ở LoC sẽ giảm bớt áp lực lên quân đội Ấn Độ vốn đang tìm cách tái triển khai các quân đoàn tấn công của mình ở mặt trận phía Đông.
Hơn nữa, sự suy giảm kinh tế ở Ấn Độ sau đại dịch COVID-19 đã gây căng thẳng cho ngân sách quốc phòng Ấn Độ, khiến việc triển khai quân dày đặc trên hai mặt trận trở thành một vấn đề tốn kém.
Nhiều nhà phân tích đã lập luận rằng, Ấn Độ nên tiếp cận với Pakistan để giảm bớt căng thẳng ở mặt trận phía Tây trong khi nước này đối phó với một kẻ thù mạnh hơn nhiều ở mặt trận phía Đông. Về mặt chiến thuật, thỏa thuận hiện tại với Pakistan mang lại không gian thở rất cần thiết cho cơ sở an ninh quốc gia của Ấn Độ nhằm tái cơ cấu và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã thu hút chú ý lớn kể từ sau cuộc tấn công Pulwama, khiến cả hai nước đứng trên bờ vực chiến tranh. Tất cả các cường quốc đã kêu gọi giảm leo thang và chấm dứt các hành động thù địch; xét cho cùng, mọi quốc gia trên thế giới đều cảnh giác với sự tàn phá có thể gây ra bởi cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan. Sự chú ý toàn cầu đã gia tăng sau ngày 5 tháng 8 năm 2019. Trong một kịch bản như vậy, rõ ràng là áp lực ngoại giao để xoa dịu căng thẳng đang tăng lên. Do đó, một động thái hòa giải mang lại một tín hiệu tích cực cho thế giới - một kiểu ảo tưởng- rằng cả Islamabad và New Delhi đều có khả năng hoặc ít nhất có mong muốn giải quyết những bất đồng song phương.
Nhưng câu hỏi lớn vẫn tồn tại là, liệu có thể xảy ra sự tan băng giữa Ấn Độ và Pakistan? Đây không phải là lần đầu tiên quân đội hai nước nhất trí duy trì bình yên ở biên giới. Vào năm 2018, cả hai quân đội đã đồng ý tuân thủ các điều khoản theo thỏa thuận năm 2003, điều mà ngày nay đã được nhắc lại. Tuy nhiên, thỏa thuận chỉ kéo dài cho đến khi một sự cố không đáng có đã phá vỡ thỏa thuận. Vì vậy sự hiểu biết hiện tại cũng mỏng manh như sự hiểu biết trước đó. Liệu động thái hòa giải này có trở thành một hành động đáng kể hay không phụ thuộc vào cách các sự kiện diễn ra trong những ngày và tháng tới. Sau tất cả, một sự kiện đơn lẻ, chẳng hạn như vụ tấn công liều chết ở Pulwama, cũng đủ để đưa hai quốc gia trở lại bờ vực chiến tranh.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/thaw-between-india-pakistan-possible/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục