Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ Ấn Độ và ASEAN và vai trò của Việt Nam

Mối quan hệ Ấn Độ và ASEAN và vai trò của Việt Nam

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu bài tham luận tại buổi chia sẻ thông tin "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lấy ASEAN làm trung tâm và vai trò của Ấn Độ".

09:23 03-04-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức thiết lập quan hệ đối tác vào năm 1992. Mối quan hệ này đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2012. Và tháng 11 năm 2022 vừa qua, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập mối quan hệ, Ấn Độ và ASEAN đã tuyên bố nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Trước đó, trong suốt chiều dài phát triển nền văn minh, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á có quá trình giao thoa văn hóa trong hàng ngàn năm. Tới ngày nay, chúng ta vẫn thấy những dấu ấn của văn hóa Ấn Độ hiện diện trong cuộc sống người dân Đông Nam Á, như đạo Phật, kiến trúc Ấn Độ, câu truyện thần thoại và sử thi Ấn Độ, những cộng đồng gốc Ấn Độ phát triển mạnh mẽ trong các quốc gia Đông Nam Á.

Năm 1991, Chính phủ Ấn Độ bắt đầu triển khai Chính Sách Hướng Đông, để chú trọng thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia láng giền gần gũi ở phía Đông của Ấn Độ, chính là khu vực Đông Nam Á của chúng ta. Năm 2014, Chính phủ Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đã đổi tên thành Chính sách Hành động phía Đông, thể hiện quyết tâm chiến lược, cam kết gắn bó sâu sắc giữa Ấn Độ và khu vực ASEAN qua những hành động và dự án cụ thể, hướng tới kết quả hữu hình, thiết thực.

Ấn Độ và ASEAN cùng công nhận khái niệm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có dân số chiếm hơn một nửa dân số thế giới, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều tuyến đường biển quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với nền thương mại toàn cầu. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động với sự hiện diện của ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và 7 trong số 8 thị trường phát triển nhanh, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với GDP chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu. Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến ​​Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ (IPOI) đều chia sẻ các nguyên tắc cơ bản trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác. Tuyên bố chung giữa Ấn Độ và ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 19 năm 2022, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải trong khu vực. Tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục được tăng cường khi khái niệm khu vực này ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý của nhiều quốc gia, nhằm gắn kết chặt chẽ hơn với nhau để giải quyết nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ liên tục thể hiện vai trò một cường quốc bậc trung, có tiếng nói mang tính quyết định trong nhiều vấn đề của thế giới, đặc biệt là vấn đề an ninh năng lượng, năng lượng mặt trời, an ninh lương thực, giảm phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng 0, các mục tiêu phát triển bền vững. Ấn Độ đang giữ vai trò Chủ tịch 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Tại khu vực ASEAN, Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng. Việt Nam, trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 đã tập hợp khối ASEAN đoàn kết chống đại dịch Covid-19, duy trì ổn định tình hình kinh tế, xã hội. Việt Nam cũng như hầu hết các nền kinh tế ASEAN đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; và do đó, không thể không hợp tác chặt chẽ với nước lớn đang nổi lên, quyền lực đang định hình tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cho dù còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, thương mại ASEAN-Ấn Độ đã gia tăng nhanh thời gian qua. Thương mại song phương tăng từ 5,8 tỷ USD năm 1996 lên 84,39 tỷ USD vào năm 2021. Các mối liên kết về chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, tôn giáo, liên kết con người với con người giữa Ấn Độ và ASEAN vẫn được duy trì như dòng chảy xuyên suốt, kết nối bền vững.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là Trung tâm quốc gia về đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp cho toàn bộ hệ thống chính trị và các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước Việt Nam, đồng thời là Trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo và quản lý của Việt Nam, tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn tiên phong trong nghiên cứu, dự báo, và tư vấn cho Đảng và Nhà nước trong hoặc định chính sách và triển khai hợp tác với Ấn Độ, ASEAN và các nước lớn. Buổi chia sẻ hôm nay với chủ đề Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Lấy ASEAN làm trung tâm và vai trò của Ấn Độ một lần nữa khẳng định vị thế của Học viện trong việc kiến tạo diễn đàn trao đổi học thuật cấp cao.

Chúng ta tin tưởng rằng Tọa đàm của chúng ta ngày hôm nay sẽ là cơ hội để các nhà khoa học của Việt Nam và Ấn Độ trao đổi thẳng thắn, cởi mở, về chủ đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vai trò của ASEAN, vai trò của Ấn Độ, và vai trò không thể thiếu của Việt Nam trong khu vực. Buổi chia sẻ này được thực hiện trên tinh thần hợp tác, đoàn kết, hướng đến tầm nhìn chung của Việt Nam và Ấn Độ đã được nguyên thủ hai nước đưa ra về Hòa bình, Thịnh vượng và Con người.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục