Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương: quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược (Phần 1)

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương: quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược (Phần 1)

Trong bối cảnh chính trị khu vực và toàn cầu thay đổi, Ấn Độ và Việt Nam là những đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là một đối tác quan trọng mà qua đó có thể nâng cao lợi ích kinh tế và chiến lược của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, Việt Nam chú trọng đến Ấn Độ để tăng cường an ninh và hợp tác khu vực.

01:47 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương:
quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược
    

TS Sanghamitra Sarma*

 

Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ lâu đời trong lịch sử dựa trên các mối quan hệ văn minh và văn hóa chung. Di sản của mối quan hệ có nguồn gốc từ trong cuộc đấu tranh chung cho giải phóng khỏi ách thống trị nước ngoài và đấu tranh vì độc lập dân tộc. Cùng với các cuộc viếng thăm qua lại lẫn nhau giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru trong những năm 1950, các khái niệm chung về quan niệm xã hội chủ nghĩa của cả hai nước đều nhắm tới sự phát triển các quan hệ song phương. Kể từ đó, có nhiều chuyến thăm song phương đã diễn ra giữa các nhà lãnh đạo của hai nước, gần đây nhất là chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, đến New Delhi ngày 25 tháng 5 năm 2015 và chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parikar đến Việt Nam tháng 6 năm 2016.

Trong bối cảnh chính trị khu vực và toàn cầu thay đổi, Ấn Độ và Việt Nam là những đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là một đối tác quan trọng mà qua đó có thể nâng cao lợi ích kinh tế và chiến lược của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, Việt Nam chú trọng đến Ấn Độ để tăng cường an ninh và hợp tác khu vực. Trong bối cảnh này, bài viết nhằm mục đích kiểm chứng lịch sử của mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, tập trung vào quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2007. Nó cũng chỉ ra những rào chắn gặp phải trong các lĩnh vực hợp tác và làm thế nào có thể vượt qua để thực hiện tương lai chiến lược chung.

1. Tổng quan về mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam (1972-2007):

Phần này sẽ nêu ngắn gọn về lịch sử và sự phát triển của mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam từ năm 1972-2007. Quan hệ lãnh sự giữa hai nước đã được thiết lập tháng 5 năm 1956, trong khi quan hệ ngoại giao đầy đủ bắt đầu vào ngày 07 tháng 01, năm 1972. Sự phát triển của mối quan hệ trong giai đoạn 1972-2006 lên đến tầm cao là quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam năm 2007. Sự phát triển của mối quan hệ từ năm 2007 đến năm 2016 được xem xét trong phần tiếp theo.

1.1 Thời kỳ Chiến tranh Lạnh:

Quan hệ trước đây giữa hai nước đã được thiết lập trên cơ sở giá trị chung của phi thực dân hóa và chủ nghĩa dân tộc. Ấn Độ đã ủng hộ và giúp đỡ cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Vì muốn ngăn cản Cộng sản lớn mạnh ở Việt Nam nên Mỹ đã can thiệp và bị Ấn Độ phản đối. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975), Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại của mình đối với các vụ đánh bom, thúc đẩy giải quyết các vấn đề liên quan đến Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định Geneva. Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Swaran Singh, trong Lok Sabha ngày 26 tháng 4 năm 1972 đã nói rằng: “... sự giải phóng của Bangladesh là một sự kiện anh hùng vĩ đại và sự giải phóng của Việt Nam cũng sẽ anh hùng vĩ đại như vậy”[1].

Ấn Độ và Việt Nam cùng chia sẻ mối quan hệ thân thiết ở châu Á hậu thuộc địa. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, Ấn Độ đã tận tình giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc tái thiết nền kinh tế và nông nghiệp. Sự hỗ trợ được đưa ra dưới các hình thức như: huấn luyện nông dân Việt Nam, cung cấp trợ giúp kỹ thuật để nâng cao sản xuất nông nghiệp và xây dựng đường sắt. Tiếp theo việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hiệp định thương mại đầu tiên giữa Ấn Độ với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa mới thống nhất được ký kết năm 1977. Trong báo cáo thường niên năm 1978, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhận thấy đã đến lúc cần phải có một khởi đầu mới trong việc thiết lập quan hệ kinh tế song phương với Việt Nam[2].

Kể từ khi giải phóng Sài Gòn vào năm 1975, các nhà lãnh đạo của cả hai bên đã có những chuyến thăm trao đổi và những chuyến thăm song phương này đã giúp xây dựng một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Việt Nam như: Phạm Văn Đồng (1978 và 1980), Nguyễn Cơ Thạch (1982), Lê Duẩn (1984) và Trường Chinh (1984) đã đến thăm Ấn Độ để tăng cường quá trình hợp tác với Ấn Độ. Trong thời gian này, khi Việt Nam đang khôi phục từ những hậu quả đau thương của chiến tranh, Ấn Độ đã cung cấp trợ giúp cả về vật chất lẫn tinh thần. Việt Nam được Ấn Độ cam kết trợ giúp trong lĩnh vực đường sắt, trong việc thiết lập các liên doanh trong ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, sử dụng cơ sở vật chất của Ấn Độ để đào tạo nhân lực và sử dụng trang thiết bị của Ấn Độ để đổi mới ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Việt Nam, như Phạm Văn Đồng, cũng đã thảo luận với đối tác Ấn Độ trong chuyến thăm New Delhi vào tháng 4 năm 1980 về các vấn đề như chính sách hạt nhân của Ấn Độ, vấn đề Kashmir và sự xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ.

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ P.V. Narasimha Rao (1982), K. Natwar Singh (1984), Rajiv Gandhi (1985), bà Mohsina Kidwai (1986) và N.D. Tiwari (1987) đã có những chuyến viếng thăm đến Việt Nam và cùng theo đó là các cam kết hỗ trợ cho Việt Nam dưới các hình thức như công bố các khoản vay và tín dụng ưu đãi và cung cấp thực phẩm như lúa mì,…. Ấn Độ còn sẵn sàng giúp Việt Nam trong việc thăm dò các mỏ khoáng sản, khảo sát địa chất và trợ giúp đào tạo và tư vấn chuyên môn trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đường sắt. Sự hợp tác đã được mở rộng đưa đến các thỏa thuận giữa Ủy ban Dầu và khí đốt tự nhiên của Ấn Độ và Công ty Xăng dầu Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu vào năm 1985.

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được tăng cường hơn nữa với việc thành lập Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về hợp tác kinh tế khoa học và kỹ thuật năm 1982. Cũng trong năm đó, kỳ họp đầu tiên của Ủy ban Hỗn hợp đã được tổ chức tại New Delhi.

Trong giai đoạn này, các mặt hàng thương mại xuất khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam là năng lượng, thiết bị, dệt may, máy móc thuộc da, vận chuyển, chế biến thực phẩm và trang thiết bị khai thác mỏ[3]. Trong hai thập kỷ cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hợp tác song phương đã diễn ra dưới các hình thức cấp tín dụng thực phẩm và hợp tác kỹ thuật thông qua việc thiết lập các dự án và cử các chuyên gia. Động thái cử các chuyên gia Ấn Độ đến Việt Nam và đào tạo các nhà khoa học Việt Nam được chứng minh là rất hiệu quả nếu chúng ta nhìn nhận thực tế là, Việt Nam đã phải nhập khẩu 450.000 tấn gạo trong năm 1988 và bắt đầu xuất khẩu gạo vào năm 1991, và năm 2003 đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai sau Thái Lan[4]. (Xem tiếp phần 2)

 


* Nghiên cứu viên, Hội đồng nghiên cứu thế giới của Ấn Độ, New Delhi, Ấn Độ.

[1] Thakur, Ramesh và Carlyle A. Thayer, Quan hệ của Liên Xô với Ấn Độ và Việt Nam (Mỹ: Palgrave Macmillan, 1992) tr. 237.

[2] Thakur, Ramesh Chandra, Gìn giữ hòa bình ở Việt Nam (Canada: Đại học Alberta Press, 1984) p. 260.

[3] Đã dẫn. Số 1, tr. 251.

Nguồn:

Cùng chuyên mục