Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương: quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược (Phần 2)

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương: quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược (Phần 2)

Trong bối cảnh chính trị khu vực và toàn cầu thay đổi, Ấn Độ và Việt Nam là những đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là một đối tác quan trọng mà qua đó có thể nâng cao lợi ích kinh tế và chiến lược của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, Việt Nam chú trọng đến Ấn Độ để tăng cường an ninh và hợp tác khu vực.

01:46 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương:
quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược
    

TS Sanghamitra Sarma*

1.2 Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh:

Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và tan rã của Liên Xô mang lại một chiều hướng mới trong sự năng động của mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Chính sách kinh tế mới của Ấn Độ được thông qua sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã nhấn mạnh, chính sách mở cửa và nhu cầu ngày càng tăng là một phần của nền kinh tế thị trường toàn cầu. Hướng tới Đông Nam Á, Ấn Độ đã thông qua Chính sách Hướng Đông (LEP) vào năm 1991 để thúc đẩy hội nhập kinh tế với khu vực. Trong khi đó, công cuộc “Đổi mới” ở Việt Nam cũng được bắt đầu năm 1986, tập trung vào hội nhập kinh tế và mở cửa thị trường của mình cho các nền kinh tế phát triển. Để ứng phó với tấm bình phong hạn chế dịch chuyển quyền lực từ Tây sang Đông trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và sự phát triển bối cảnh an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được cho là đặc biệt quan trọng.

Đồng thời, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được xác định là một “đối tác then chốt” đối với Ấn Độ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh[1]. Sau chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Ấn Độ đến Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia cùng Việt Nam, Ấn Độ đã trở thành một đối tác đối thoại khu vực của ASEAN vào năm 1992. Ấn Độ nhận ra rằng, khu vực Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng phải là tâm điểm của Chính sách Hướng Đông[2]. Trọng tâm mà Ấn Độ đặt vào ASEAN trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh tạm thời cản trở sự tiến bộ của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, tuy nhiên, mối quan hệ này đã được phục hồi bằng việc Việt Nam gia nhập làm một thành viên của ASEAN vào năm 1995.

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự tập trung của Ấn Độ dành cho ASEAN trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia tiếp tục truyền thống trao đổi các chuyến viếng thăm. Tổng thống Ramaswamy Venkataraman và cựu Phó Tổng thống K. R. Narayanan đã đến thăm Việt Nam vào các năm 1991 và 1993. Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm New Delhi vào tháng 9 năm 1992, tiếp theo là chuyến thăm của Thủ tướng Narasimha Rao đến Hà Nội vào tháng 9 năm 1994. Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Ấn Độ vào tháng 01 năm 1997 và tháng 12 năm 1999.

Bên cạnh việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao, vai trò của Ấn Độ tại Việt Nam đã được nêu một cách tích cực trong các Văn kiện Đại hội Đảng. Các nghị quyết được thông qua trong cả hai Đại hội lần thứ VIII (1996) và IX (2001) Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đều ghi nhận đang phát triển “hợp tác nhiều mặt” giữa hai nước[3].

Tháng 9 năm 1994, trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao, một số thỏa thuận song phương quan trọng đã được ký kết giữa hai nước về các vấn đề như tránh đánh thuế hai lần, tham vấn văn phòng nước ngoài, Nghị định thư về hợp tác quốc phòng và công tác lãnh sự. Tháng 6 năm 1998, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi đó, bà Vasundhara Raje, đã đến thăm Việt Nam và thảo luận các vấn đề liên quan đến Ấn Độ và ASEAN. Bà cũng thông báo với Ban lãnh đạo Việt Nam liên quan đến quyết định của Ấn Độ thực hiện vụ thử hạt nhân ở Pokhran tháng 5 năm 1998. Việt Nam đã thể hiện “sự hiểu biết đầy đủ” đối với khả năng tăng cường an ninh đã được chứng minh của Ấn Độ[4]. Cuối những năm 1990, chúng ta cũng được chứng kiến các thỏa thuận về trao đổi văn hóa, nông nghiệp và mở rộng tín dụng ưu đãi được ký kết giữa hai nước.

Chuyến thăm đến Việt Nam năm 2000 của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khi đó, Jaswant Singh, là đặc biệt quan trọng. Ông Singh và người đồng nhiệm, ông Nguyễn Dy Niên, đã khai mạc kỳ họp thứ mười của Ủy ban Hỗn hợp Ấn Độ - Việt Nam. Nhân dịp này, ông Nguyễn Dy Niên nhận xét: “Trong mối quan hệ không cần thiết có sự khởi đầu. Bây giờ chúng ta phải tìm ra những cách thức và phương tiện để tăng cường hơn nữa mối quan hệ của chúng ta”[5]. Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện được ký kết giữa Ấn Độ và Việt Nam trong năm 2003 đã chính thức sử dụng từ “chiến lược” trong tuyên bố của mình. Bản Tuyên bố chung viết, “Nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của hợp tác song phương giữa hai nước (Ấn Độ và Việt Nam), các Bộ, hai Quốc hội, các cơ quan, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể của hai bên sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị và liên lạc để củng cố hơn nữa quan hệ đối tác”[6]. Trong thập kỷ này, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng mạnh. Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2001, Thủ tướng Ấn Độ, Atal Behari Vajpayee, đã bày tỏ mong muốn tăng kim ngạch thương mại từ 200 triệu USD lên 500 triệu USD trong 5 năm. Mặc dù lúc đầu nghe có vẻ khó thực hiện, nhưng kim ngạch thương mại đã tăng lên 1.000 triệu USD năm 2006[7].

Hai nước cũng đã thiết lập các cuộc đối thoại chiến lược trong thập kỷ này. Cuộc họp tham vấn chính trị Việt Nam - Ấn Độ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2006, trong khi đó, cuộc họp lần thứ tư được tổ chức tại New Delhi vào tháng 10 năm 2009. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được thiết lập vào năm 2007. Năm 2007 được chứng minh là năm rất thuận lợi đối với sự phát triển của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Ngoài Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, 05 Biên bản ghi nhớ (MoU), 01 Kế hoạch làm việc liên quan đến nông nghiệp và 02 Chương trình trao đổi đã được ký kết. Điều này sẽ được thảo luận trong phần tiếp theo.

2. Tăng cường mối quan hệ: Ấn Độ và Việt Nam là đối tác chiến lược

Trong giai đoạn tiền chiến lược, hiệp lực chính trị đã thường xuyên được chú ý và phát triển lên đến đỉnh cao trong hợp tác kinh tế và quốc phòng sâu rộng hơn sau năm 2007. Có một sự thay đổi cơ bản nhất định trong chính sách quốc phòng và kinh tế đã trở thành động lực chính thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam sau khi ký kết Đối tác chiến lược.

Tuyên bố chung năm 2007 về việc thành lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tìm cách “đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam trong một môi trường thay đổi nhanh chóng”[8]. Những đặc điểm nổi bật được xác định trong tuyên bố này là thiết lập một cuộc đối thoại chiến lược, một Nhóm công tác chung về chống khủng bố, hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn, hỗ trợ Việt Nam thông qua các khoản tài trợ và các dòng ưu đãi tín dụng, một cam kết chung cho việc thiết lập một cộng đồng châu Á và mở rộng thương mại song phương, tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ và văn hóa và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương. Biên bản ghi nhớ về ngư nghiệp và thủy sản, nông nghiệp, thiết lập một trung tâm đào tạo tiếng Anh tại thành phố Đà Nẵng, trao đổi tài sản và đất đai cho các cơ quan ngoại giao tương ứng của Ấn Độ và Việt Nam và trao đổi văn hóa và giáo dục cũng đã được thực hiện.

Xu hướng của các chuyến thăm cấp cao được tiếp tục với cả hai nước với các chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ hai nước, cộng thêm các chuyến thăm của các Bộ trưởng cao cấp của nội các như Bộ Ngoại giao, Tài chính, Nội vụ và Quốc phòng. Những chuyến thăm song phương chắc chắn đã giúp tăng cường mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương.

Đánh giá chính sách đối ngoại trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, có những lĩnh vực hợp tác cụ thể khiến hai nước đã xích lại gần nhau hơn. Ở đây, tác giả sẽ tập trung trình bày các lĩnh vực cụ thể sau: chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh, năng lượng, khoa học và công nghệ. (Xem tiếp phần 3)

* Nghiên cứu viên, Hội đồng nghiên cứu thế giới của Ấn Độ, New Delhi, Ấn Độ.


[1] Ahmed, Asif, "Quan hệ Ấn Độ-ASEAN trong thế kỷ 21: Ảnh hưởng chiến lược đối với Ấn Độ - Phân tích", Eurasia Review, ngày 09 tháng 7 năm 2012, http://www.eurasiareview.com/09072012-india-asean-relations-in-21st-century-strategic-implications-for-india-analysis/ truy cập ngày 05 tháng 7 năm 2016.

[2] Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, "Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ dưới ánh sáng của Chính sách hướng Đông của Ấn Độ", Tài liệu của Quốc hội, Hội đồng Thế giới của Ấn Độ, tháng 10 năm 2012, http://www.icwa.in/pdfs/sphvietnamindia.pdf truy cập ngày 05 tháng 7 năm 2016.

[3] Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, "Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ dưới ánh sáng của Chính sách hướng Đông của Ấn Độ", Tài liệu của Quốc hội, Hội đồng Thế giới của Ấn Độ, tháng 10 năm 2012, http://www.icwa.in/pdfs/sphvietnamindia.pdf truy cập ngày 05 tháng 7 năm 2016.

[4] Nanda, Prakash, Tái khám phá châu Á: Sự phát triển của Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ (New Delhi: Nhà xuất bản và phát hành Lancer, 2003) tr. 385.

[5] Baruah, Amit "Jaswant lạc quan về quan hệ với Việt Nam", The Hindu, ngày 07 Tháng 11 năm 2000, http://www.thehindu.com/2000/11/07/stories/03070003.htm truy cập ngày 05 tháng 7 năm 2016.

[6] "Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khi bước vào thế kỷ 21", Bộ Ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ ngày 01 tháng 5 năm 2003.

[7] Srivastava, Shantanu. "Bốn thập kỷ của quan hệ kinh tế và thương mại Ấn Độ-Việt Nam và con đường phía trước" trong Rajiv Bhatia K., Vijay Sakhuja và Vikash Ranjan (ed.) Ấn Độ - Việt Nam: Chương trình Tăng cường quan hệ đối tác (New Delhi: NXB Shipra, 2013) tr. 29.

[8] "Các Hiệp định được ký kết trong chuyến thăm nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sang Ấn Độ", ngày 06 tháng 7 năm 2007, Bộ Ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ, http://www.mea.gov.in/press-releases.htm?dtl/2537/Agreements+signed+during+the+State+Visit+of+the+Prime+Minister+of+Vietnam+to+India truy cập ngày 05 tháng 7 năm 2016.

Nguồn:

Cùng chuyên mục