Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương: quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược (Phần 5)

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương: quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược (Phần 5)

Trong bối cảnh chính trị khu vực và toàn cầu thay đổi, Ấn Độ và Việt Nam là những đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là một đối tác quan trọng mà qua đó có thể nâng cao lợi ích kinh tế và chiến lược của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, Việt Nam chú trọng đến Ấn Độ để tăng cường an ninh và hợp tác khu vực.

01:41 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 4)

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương:
quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược
    

TS Sanghamitra Sarma*

2.3 Hợp tác về quốc phòng và an ninh:

2.3.1 Bối cảnh

Nền ngoại giao quốc phòng của Ấn Độ đối với Việt Nam có tầm quan trọng đối ứng với những lo ngại về an ninh của Ấn Độ đối với Trung Quốc. Mặc dù có nhiều chuyến thăm song phương đã được trao đổi để tăng cường hợp tác quốc phòng, nhưng hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực an ninh chỉ được hiện thực hóa sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết.

Từ năm 1980, hai nước đã cố gắng mở rộng sự hợp tác bằng cách tham gia vào trao đổi nhiều đoàn để tiến hành các cuộc khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng lực lượng, bồi dưỡng cán bộ cấp cao, đào tạo, dịch vụ hậu cần và kỹ thuật, sửa chữa và bảo trì, tổ chức cán bộ, sản xuất thiết bị, sửa chữa và nâng cấp vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật[1]. Một mốc phát triển đã được ghi nhận trong hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Việt Nam trong năm 2007 với Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và năm 2009 với Biên bản ghi nhớ về quốc phòng. Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược có chữ ký của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam trong năm 2007 tăng cường các cam kết để đảm bảo hợp tác trong việc cung cấp quốc phòng, dự án chung, hợp tác đào tạo và trao đổi thông tin tình báo.

Biên bản ghi nhớ năm 2009 và Tuyên bố năm 2003 được ký kết giữa hai nước tăng cường hợp tác quốc phòng bao gồm đối thoại an ninh và trao đổi. Hải quân Ấn Độ đã hỗ trợ đáng kể cho Hải quân Việt Nam trong tháng 6 năm 2005 dưới hình thức 150 tấn các bộ phận của tàu chiến và các phụ kiện khác trị giá 10 triệu đô la[2]. Trước khi có các thỏa thuận này, tháng 3 năm 2000 tuyên bố viện trợ quốc phòng dưới dạng cung cấp tàu chiến, tên lửa chống tàu và tên lửa phòng không đã được thực hiện. Hai nước cũng đã ký kết một thỏa thuận phạm vi rộng lớn mở đường cho việc bán máy bay trực thăng quân sự tiên tiến hạng nhẹ, hỗ trợ sửa chữa và đại tu máy bay chiến đấu MiG, đào tạo Hải quân Việt Nam, Cảnh sát biển và các phi công không quân và duy trì các cuộc đối thoại để chiến đấu chống lại cướp biển ở vùng biển phía đông. Đây là một trong những thỏa thuận hợp tác quốc phòng “đáng kể nhất” giữa hai nước[3].

2.3.2 Con đường phía trước

Sự gia tăng hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh cũng cho thấy thực tế là, Ấn Độ và Việt Nam đã nổi lên như là đối tác quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng. Di sản của các chính phủ Ấn Độ trước đây đối với việc thúc đẩy quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, được tiếp tục bởi Chính phủ của Narendra Modi hiện nay. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ tháng 11 năm 2014, ông Modi đã tuyên bố rõ ràng về hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam. Ông nói, “hợp tác quốc phòng với Việt Nam là một trong những vấn đề quan trọng nhất của chúng tôi. Ấn Độ tiếp tục cam kết giúp hiện đại hóa lực lượng quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Điều này sẽ bao gồm việc mở rộng các chương trình đào tạo của chúng tôi, là rất đáng kể, cùng huấn luyện và hợp tác trong trang bị quốc phòng. Chúng tôi sẽ nhanh chóng thực thi khoản tín dụng 100 triệu USD, cho phép Việt Nam có khả năng có được tàu hải quân mới từ Ấn Độ”[4].

Trong nhiệm kỳ của Chính phủ Ấn Độ hiện nay, Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng 100 triệu đô la, bốn tàu tuần tra hải quân và tăng cường đào tạo nhân viên quân sự, đã cung cấp cho Việt Nam. Ấn Độ cũng đang xem xét việc bán cho Việt Nam tên lửa hành trình BrahMos do Ấn Độ và Nga cùng hợp tác phát triển. Bên cạnh đó, vào tháng 12 năm 2014, Chính phủ Ấn Độ cũng đã thông qua việc đào tạo phi công điều khiển máy bay Sukhoi-30 cho Không quân Việt Nam.

Các điều khoản hợp tác quốc phòng trên đây được thực thi bởi các chính phủ kế nhiệm của cả hai nước là dấu hiệu chứng tỏ một thực tế là, Việt Nam và Ấn Độ đã thông qua cách tiếp cận chủ động để tăng cường an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong không gian địa chiến lược rộng lớn hơn. Sự hợp tác đã được đẩy mạnh trong suốt nhiệm kỳ của Chính phủ Narendra Modi với việc công nhận Việt Nam như đứng “hàng đầu” trong những nỗ lực của Ấn Độ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ấn Độ và Việt Nam cũng đã xích lại gần nhau hơn thông qua trao đổi tàu thuyền, đào tạo cho lực lượng tàu ngầm Việt Nam, giao lưu giữa các cố vấn, tham quan học tập và các chuyến tàu viếng thăm. Trong tháng 6 năm 2013, bốn tàu Hải quân Ấn Độ bao gồm tàu khu trục tàng hình do Ấn Độ tự đóng INS SATPURA và hạm đội tàu chở dầu INS SHAKTI với quân số gồm khoảng 1.200 sĩ quan và thủy thủ đến thăm Đà Nẵng, một trong những thành phố cảng lớn ở Việt Nam để đánh dấu quan hệ quốc phòng ngày càng tăng giữa hai nước[5].

Một điều không thể phủ nhận là, cần thiết phải duy trì và làm sâu sắc hơn các động lực hiện tại đối với quan hệ hợp tác. Ấn Độ và Việt Nam có thể đến với nhau ở một mức độ rộng lớn hơn thông qua trao đổi các công nghệ tiên tiến để sản xuất vũ khí, phát triển tín hiệu thông minh và hình ảnh, tiến hành diễn tập quân sự chung, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo để đối phó với mối đe dọa chung, hợp tác về quốc phòng mạng và tăng khả năng giám sát và trinh sát khu vực. Việt Nam có thể tham gia với Ấn Độ trong phát triển cơ sở hạ tầng. Cả hai nước cũng có thể cùng nhau khai thác công nghệ giúp tăng cường sự phát triển của hạm đội tàu ngầm, mà qua đó có thể bổ sung thêm động lực đối với môi trường quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể học tập trình độ của Ấn Độ trong vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng máy bay và công nghệ cảm biến nhằm cải thiện khả năng điều khiển tên lửa không đối không. Việt Nam cũng có thể tìm thấy những cơ hội mới trong chính sách quốc phòng mới của Ấn Độ đặt trọng tâm vào chương trình  “Sản xuất tại Ấn Độ”. Việc theo đuổi các dự án hợp tác phát triển và hợp tác sản xuất sẽ cung cấp cơ hội thực tế cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam để xây dựng quan hệ đối tác quốc phòng với các ngành công nghiệp của Ấn Độ, bao gồm cả sản xuất trong chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ”.

Mặt khác, Ấn Độ có thể tìm kiếm cơ hội trong ngành công nghiệp vận tải biển của Việt Nam. Vận chuyển đã trở thành hình thức quan trọng nhất của phương tiện giao thông tại Việt Nam, trong đó, chuyên chở khoảng 90% sản lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của quốc gia[6]. Theo dữ liệu ngày 15 tháng 12 năm 2014, đội tàu vận tải biển Việt Nam bao gồm 1.840 tàu với tổng cộng trọng tải khoảng 7,3 triệu tấn[7]. Ấn Độ có thể tìm kiếm cơ hội trong ngành công nghiệp vận tải biển của Việt Nam bằng cách giúp Việt Nam xây dựng một cơ sở hạ tầng hàng hải khả thi, cung cấp đầu tư thiết yếu và nguồn nhân lực có chất lượng.

2.3.3 Ấn Độ, Việt Nam và Biển Đông:

Ấn Độ và Việt Nam có thể xích lại gần nhau hơn để vượt qua những lo ngại về việc bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong thực tế, Biển Đông có vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự ngoại giao của Ấn Độ. Ðặc biệt lại càng quan trọng khi mà theo Hành động Phía Đông của Chính phủ Modi, một số nước Đông Nam Á có liên quan đến tranh chấp Biển Đông lại là những nước rất quan trọng đối với Ấn Độ từ khía cạnh kinh tế. Trong một Thông cáo chung giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ phát hành nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Mukherjee đến Việt Nam vào tháng 9 năm 2014, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh hướng hành động duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á liên quan đến với các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Hai bên đồng ý rằng, tự do hàng hải ở Biển Đông không nên bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan “kiềm chế va chạm, tránh đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS năm 1982. Các bên liên quan cũng đã kêu gọi hướng tới việc thực hiện Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông”[8].

Về vấn đề này, Ấn Độ cũng cố gắng củng cố quan hệ của mình với Mỹ cũng như lên tiếng về các mối quan tâm tại khu vực. Tầm nhìn chiến lược chung Mỹ - Ấn Độ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương công bố ngày 25 tháng 01 năm 2016 khẳng định “tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông” tránh các mối đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực. Có thể nói rằng, Ấn Độ đã luôn giữ lập trường về quyền lực chung của mọi quốc gia ở Biển Đông.

Việc xác định một số lĩnh vực hợp tác có thể được coi là cơ hội cho hai nước xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, để làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng nồng ấm, thân thiện. Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng, hợp tác quốc phòng là một trụ cột rất quan trọng đối với kiến trúc an ninh khu vực mới nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Xem tiếp phần 6)

* Nghiên cứu viên, Hội đồng nghiên cứu thế giới của Ấn Độ, New Delhi, Ấn Độ.


[1] Nguyễn Hồng Quân. "Đánh giá Hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ" trong Vijay Sakhuja (ed.) Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Việt Nam: Khai thác các triển vọng để mở rộng hợp tác (New Delhi: Pentagon Press, 2011), tr. 158-159.

[2] "Ấn Độ và Việt Nam ký Hiệp ước quốc phòng", The Hindu, ngày 29 tháng 3 năm 2000, http://www.thehindu.com/2000/03/29/stories/03290004.htm truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2016.

[3] "Ấn Độ và Việt Nam ký Hiệp ước quốc phòng", The Hindu, ngày 29 tháng 3 năm 2000, http://www.thehindu.com/2000/03/29/stories/03290004.htm truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2016.

[4] Ghosh, PK, " Quan hệ quốc phòng chiến lược của Ấn Độ với Việt Nam ", The Diplomat, 11 tháng 11 năm 2104, http://thediplomat.com/2014/11/indias-strategic-vietnam-defense-relations/ truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2016.

[5] "Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam", Bộ Ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ, https://www.mea.gov.in/Portal/ForeignRelation/Vietnam_Dec_2013.pdf truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2016.

[6] Nguyễn Thanh Thúy, "Điều tra về ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho sự tham gia sâu sắc vào hội nhập ASEAN", Tạp chí The Asian Journal of Shipping and Logistics, Vol. 32, Số 2, tháng 6 năm 2016, trang 81-88,

http:. //www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2092521216300256 truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2016.

[7] Như trên.

Bình luận của bạn

Nguồn:

Cùng chuyên mục