Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương: quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược (Phần 6)

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương: quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược (Phần 6)

Trong bối cảnh chính trị khu vực và toàn cầu thay đổi, Ấn Độ và Việt Nam là những đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Ấn Độ, Việt Nam là một đối tác quan trọng mà qua đó có thể nâng cao lợi ích kinh tế và chiến lược của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, Việt Nam chú trọng đến Ấn Độ để tăng cường an ninh và hợp tác khu vực.

01:41 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 5)

Mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương:
quan hệ đối tác hướng tới tương lai chia sẻ chiến lược
    

TS Sanghamitra Sarma*

 

2.4 Năng lượng:

2.4.1 Bối cảnh

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Ấn Độ và Việt Nam là đòi hỏi cấp bách do nhu cầu ngày càng tăng đối với cả hai nền kinh tế, để tăng cường an ninh năng lượng và đẩy mạnh sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên. Trong bối cảnh này, việc hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng qua nhiều năm, đã được kiểm chứng.

Sự gia tăng dân số của Việt Nam kết hợp với nhu cầu hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, đô thị hóa nhanh và sự gia tăng trong hoạt động kinh tế đã dẫn đến nhu cầu năng lượng lớn hơn. Theo đó, Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia 2020 của Ấn Độ đã được phê duyệt, trong đó bao gồm các mục tiêu đa dạng hoá đầu tư năng lượng, thiết lập một thị trường năng lượng cạnh tranh và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của chính phủ[1].

Việt Nam có trữ lượng lớn các nguồn năng lượng thô như: than, dầu, khí đốt tự nhiên, và nước. Việt Nam cũng có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như: khí sinh học, năng lượng mặt trời, và gió. Trong năm 2012, tổng nguồn cung năng lượng quốc gia chính là khoảng 58 triệu tấn dầu tương đương, trong đó năng lượng phi thương mại chiếm 14 triệu tấn[2]. Tuy nhiên, kịch bản nguồn cung cấp năng lượng của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong khi giải quyết các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội[3].

Mặt khác, Báo cáo Thống kê năng lượng năm 2015 do Cục Thống kê Trung ương, Bộ Thống kê và thực hiện chương trình của Chính phủ Ấn Độ thực hiện đã đưa ra nhận xét rằng: “sự mất cân đối cung và cầu trong nguồn năng lượng mà Ấn Độ đang phải đối mặt đòi hỏi Chính phủ Ấn Độ phải có những nỗ lực vượt bậc để tăng thêm nguồn cung cấp năng lượng, nhằm hạn chế sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cấp năng lượng”[4].

Từ năm 2000, tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi và cũng thừa nhận tiềm tăng trưởng nhanh hơn nữa. Do vậy, xét yêu cầu và mục tiêu cần đạt được trong tương lai, tăng cường an ninh năng lượng là một yêu cầu cấp bách đối với cả hai nước Ấn Độ và Việt Nam. Ở đây phát sinh các phạm vi và nhu cầu hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam về năng lượng. Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng được chia thành hai phần, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng không thể tái tạo và trong lĩnh vực năng lượng có thể tái tạo.

2.4.2 Năng lượng không thể tái tạo:

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng là một trong những hình thức sớm nhất của hợp tác giữa hai nước. Công ty dầu và khí tự nhiên của Ấn Độ Videsh Limited (ONGC / OVL) đã được trao giấy phép thăm dò vào năm 1988. Sự hợp tác này đã được gia hạn vào năm 2006 và 2013. Trong năm 2013, Việt Nam đề xuất với Ấn Độ 7 lô dầu khí ở Biển Đông. Hơn nữa, Tuyên bố chung năm 2014 nhấn mạnh về hợp tác liên quan đến hydrocacbon, phát điện và cơ sở hạ tầng. Trong cùng năm đó, một thỏa thuận thăm dò dầu khí giữa ONGC và Công ty TNHH thăm dò sản xuất dầu khí PetroVietnam cũng đã được ký kết. Trong nỗ lực để mở rộng hợp tác, Việt Nam cam kết với Ấn Độ sẽ đảm bảo an ninh đầy đủ cho các công ty dầu mỏ Ấn Độ hoạt động trong khu đặc quyền kinh tế ở Biển Đông[5]

2.4.3 Năng lượng tái tạo:

Với sự gia tăng trong hoạt động kinh tế, tiến bộ công nghệ và đòi hỏi cấp bách về môi trường, các nước trên toàn thế giới ngày càng phải chú trọng hơn vào việc tạo ra năng lượng tái tạo. Trong trường hợp của Ấn Độ, sản xuất năng lượng tái tạo ở Ấn Độ hiện đang ở mức 34%. Tuy nhiên, nhiều khả năng vẫn chưa được khai thác hết[6]. Do đó, việc chính phủ Ấn Độ hiện tại tập trung vào năng lượng tái tạo đã được thể hiện trong sáng kiến “Sản xuất Ấn Độ” với mục tiêu tạo ra các máy móc sử dụng dạng năng lượng này. Việc nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cũng được khuyến khích. Trong bối cảnh này, chủ trương nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể dẫn đến tìm ra được các phương pháp bền vững và mang lại lợi nhuận như các sản phẩm và hệ thống năng lượng tái tạo.

Hiện nay, Việt Nam đang rất cần vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng. Sẽ cần khoảng 137 tỷ đô la đầu tư để phát triển năng lượng trong giai đoạn năm 2008-2025[7]. Mặc dù đất nước có tiềm năng tốt để tạo ra năng lượng tái tạo, nhưng các dạng năng lượng tái tạo hiện nay, ngoài phát triển thuỷ điện, vẫn không đáng kể[8]. Các nhà đầu tư và phát triển dự án có thể thăm dò và tìm kiếm những cơ hội mới trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện và phát triển pin quang điện. Điều này cũng sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa hai nước và bổ sung cho các sáng kiến của chính phủ. Hai nước cũng có thể tìm kiếm sự hợp tác với nhau trong việc nghiên cứu các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ lưới điện thông minh. Đa dạng hóa là chìa khóa không thể phủ nhận để đạt được an ninh năng lượng cho cả hai nước. Ngoài hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng không thể tái tạo, Ấn Độ và Việt Nam cũng đang hướng tới việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

2.5 Hợp tác trong Giáo dục và Khoa học, Công nghệ:

Ấn Độ và Việt Nam đang tìm cách mở rộng quan hệ đối tác chiến lược của họ lên cấp độ cao hơn, bằng cách mở rộng hợp tác trong giáo dục và các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ấn Độ đã tham gia vào việc đào tạo cho các cán bộ Việt Nam về kỹ thuật quân sự, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, v.v.. trong các học viện quân đội của Ấn Độ. Tăng cường trao đổi sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng của hai nước có thể khuyến khích trao đổi kiến thức và phổ biến các ý tưởng phát triển mới. Chương trình đào tạo liên kết cũng có thể được giới thiệu và trao đổi để hướng tới mục tiêu này. Tuy nhiên, sự công nhận các văn bằng lẫn nhau có thể là một vấn đề mà có thể được giải quyết để tăng lợi thế lẫn nhau.

Về khoa học và công nghệ, hai nước phải tăng cường khuôn khổ hợp tác song phương hiện nay và mở rộng liên doanh, các dự án và khuyến khích các nỗ lực hợp tác nghiên cứu và phát triển. Hợp tác đã được thúc đẩy trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông.

* Nghiên cứu viên, Hội đồng nghiên cứu thế giới của Ấn Độ, New Delhi, Ấn Độ.


[1]  "Việt Nam: Đánh giá ngành năng, chiến lược và lộ trình", Ngân hàng Phát triển Châu Á, tháng 12 năm 2015, http://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/178616/vie-energy-road-map.pdf truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2016.

[2] "Việt Nam: Đánh giá ngành năng lượng, chiến lược và lộ trình", Ngân hàng Phát triển Châu Á, tháng 12 năm 2015, http://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/178616/vie-energy-road-map.pdf truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2016.

[3] Đỗ Tiến Minh và Deepak Sharma, "ngành năng lượng của Việt Nam: Tổng quan các chính sách và chiến lược năng lượng hiện nay", Chính sách năng lượng, Số 39 (2011), tr. 5770-5777, http://eu-vietnam- dialogue.vn/Resources/Files/PublicationFile/2015/6/23/6zjcxb4p.pdf truy cập ngày 10 tháng 7 2016.

[4] Thống kê Năng lượng năm 2015, Tập 22, Cục Thống kê Trung ương, Bộ Thống kê và thực hiện Chương trình, Chính phủ Ấn Độ, New Delhi, tháng 3 năm 2015, http://mospi.nic.in/Mospi_New/upload/Energy_stats_2015_26mar15.pdf truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2016.

[5] Thayer, Carl, "Ấn Độ và Việt Nam tiến tới đối tác chiến lược", The Diplomat, 11 tháng 12 năm 2014, http://thediplomat.com/2014/12/india-and-vietnam-advance-their-strategic-partnership/ truy cập ngày 09 tháng 7 năm 2016.

[6] Năng lượng tái tạo: Một trong những lĩnh vực cốt lõi cần làm ở Ấn Độ (2015), DD News, https://www.youtube.com/watch?v=wl-iMzRg18s truy cập ngày 14/3/2016.

[7] Nghiên cứu về Kế hoạch năng lượng quốc gia chủ chốt, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, JICA năm 2008, Viện Kinh tế năng lượng, Nhật Bản, năm 2008 trong Đỗ Tiến Minh và Deepak Sharma, "Ngành năng lượng của Việt Nam: Tổng quan các chính sách và chiến lược năng lượng hiện nay", Chính sách Năng lượng, Số 39 (2011), tr. 5770-5777, http://eu-vietnam-dialogue.vn/Resources/Files/PublicationFile/2015/6/23/6zjcxb4p.pdf truy cập ngày 10 tháng 7 2016.

[8] Như trên, số 41, tr.8.

Nguồn:

Cùng chuyên mục