Một số suy nghĩ về sức mạnh mềm chính trị của Ấn Độ (Phần 1)
PGS. TS. Ngô Đình Xây*
I
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2017, giới quan sát quốc tế đã nhận thấy sự đặc biệt khác thường khi trong 12 ngày hành trình đi qua 5 nước châu Á, thậm chí tại một trong những kiện nổi bật của thế giới năm 2017, Hội nghị Cấp cao APEC Việt Nam - một diễn đàn "châu Á - Thái Bình Dương" - Tổng thống Mỹ D. Trump đã liên tục sử dụng cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” thay cho cụm từ “châu Á - Thái Bình Dương”, vốn hay được sử dụng trước đây. Tại sao vậy? Có nhiều lý do để giải thích. Song, chắc chắn một điều là, sức mạnh và vị trí của Ấn Độ là trở thành hiện thực, một Ấn Độ hiện đại đã và đang giữ một vai trò to lớn, không thể thiếu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như trên phạm vi toàn thế giới. Một câu hỏi nữa đặt ra, tại sao Ấn Độ lại có thể có được vị trí như vậy? Cũng có nhiều lý do để cắt nghĩa. Theo chúng tôi, một trong những lý do chính để Ấn Độ có được sự thừa nhận của một cường quốc lớn như thế, chính là Ấn Độ đã tạo lập và phát huy được sức mạnh mềm chính trị của mình. Khi nhìn nhận và phân tích một cách nghiêm túc, có căn cứ khoa học, chúng ta thấy sức mạnh mềm chính trị của Ấn Độ được thể hiện qua những điểm sau:
Một là, có một tưởng giải phóng - tư tưởng độc lập xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Như chúng ta biết, từ đầu thế kỷ XVIII, Ấn Độ đã dần dần bị thôn tính và chuyển sang nằm dưới quyền quản lý của Công ty Đông Ấn Anh, rồi nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Anh Quốc từ giữa thế kỷ XIX. Sự phức tạp ở bên trong bởi tính đa sắc tộc và tôn giáo, cộng với sự áp đặt của chủ nghĩa thực dân từ bên ngoài đã làm cho Ấn Độ trở thành một đất nước bị chia rẽ, xung đột và nghèo đói. Nhận thức rõ điều này, tầng lớp tinh hoa của Ấn Độ đã bắt đầu tìm con đường giải phóng và khai sáng dân tộc. Điển hình trong số đó là Rabindranath Tagore. Ông rất nhạy cảm với các sự kiện thế giới xảy ra trong thời đại của mình và biểu hiện niềm đau cũng như nỗi thất vọng đối với chiến tranh. Ông luôn khao khát nền hoà bình cho thế giới. Các chuyến đi vòng quanh thế giới (Tagore từng tới Việt Nam) của Tagore đã mài giũa sự am hiểu các đặc trưng đa dạng của ông về các nền văn minh và dân tộc. Từ đây, Tagore đã viết một số tác phẩm để phục vụ cho phong trào giải phóng Ấn Độ[1] và chính Ông đã đặt nền móng để hình thành tư tưởng giải phóng giành độc lập dân tộc cho nhân dân Ấn Độ. Và Mahatma Gandhi là người tiếp nối tư tưởng này, đồng thời là người lãnh đạo nhân dân Ấn Độ thực hiện cuộc cách mạng giải phóng. Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1947 sau một cuộc đấu tranh giành độc lập dưới hình thức đấu tranh bất bạo động do Mahatma Gandhi lãnh đạo. Có thể nói, tư tưởng giải phóng giành độc lập đã trở thành nền tảng xuyên suốt để đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập và vững bước trên con đường phát triển. Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn của tư tưởng và cuộc cách mạng giải phóng giành độc lập, mà Gandhi được mọi người Ấn Độ là "Mahatma" - linh hồn vĩ đại và Tagore được gọi là "Gurudev" - thánh sư[2]. Rõ ràng, việc thực hiện thành công một cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc trên cơ sở tư tưởng giải phóng là yếu tố có ý nghĩa tiên quyết để đưa Ấn Độ đến vị thế ngày nay và cũng vì thế mà tư tưởng giải phóng của Ấn Độ có thể lan tỏa và hấp dẫn đối với nhiều quốc gia, dân tộc.
Hai là, có một chính sách đối ngoại hợp lý, quy tụ được các dân tộc: hòa bình, trung lập tích cực,…
Ấn Độ là một trong những nước đề xướng “Phong trào không liên kết”[3], - một tổ chức đã giữ một vị trí quan trọng trên chính trường thế giới. Ấn Độ là một trong những nước sáng lập “Phong trào không liên kết”, có vai trò tích cực trong việc phát triển phong trào này. Phong trào không liên kết là một tổ chức quốc tế gồm các quốc gia tự xem mình là không thuộc hoặc chống lại bất kỳ khối cường quốc lớn nào. Thuật ngữ "Không liên kết" được Thủ tướng Ấn Độ Nehru sử dụng trong bài diễn văn của ông vào năm 1954 tại Colombo, Sri Lanka. Trong bài diễn văn này, Nehru đã mô tả năm cột trụ làm kim chỉ nam cho quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ. Được gọi là Panchsheel (năm ràng buộc), các nguyên tắc này sau này đóng vai trò là nền tảng của Phong trào không liên kết. Năm nguyên tắc này bao gồm: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không xâm lược lẫn nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng và hai bên cùng có lợi; Cùng tồn tại hoà bình[4].
Là một trong những nước khởi xướng, đóng vai trò trung tâm và hoạt động tích cực trong “Phong trào không liên kết”, Ấn Độ luôn theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình trung lập, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức. Luôn đi đầu cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; phấn đấu vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Với đường lối đối ngoại hòa bình, trung lập tích cực và độc lập, tự chủ cùng với những thành tựu nổi bật trong xây dựng đất nước, Ấn Độ đã và đang giữ một vai trò hết sức quan trọng trên trường quốc tế, tập hợp và quy tụ được các dân tộc phát triển theo xu hướng độc lập tích cực, ổn định và hòa bình, tiến bộ, góp phần vào định hình trật tự trên thế giới.
Ba là, với vị thế hiện tại, Ấn Độ thực sự hành động hướng về phương Đông để hình thành một liên minh dân chủ.
Việc Tổng thống Mỹ, cũng như nhiều nguyên thủ quốc gia khác, như Nhật Bản, Úc đã điều chỉnh chiến lược “châu Á - Thái Bình Dương thành “Ấn Độ - Thái Bình Dương” không phải là không có lý khi Ấn Độ đã thể hiện và tiến hành, cho đến nay, một số hoạt động thực chất, không chỉ là lý thuyết suông. Ấn Độ đã có những bước đi tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ và Nhật Bản, tiêu biểu là cuộc tập trận hàng không mẫu hạm và tàu ngầm hồi tháng 7 năm 2017 trên Ấn Độ Dương. Ấn Độ còn cung cấp gói tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam để mua sắm trang thiết bị quốc phòng, huấn luyện sĩ quan hải quân cho các nước Đông Nam Á. Ấn Độ có nhiều loại vũ khí được nhiều nước quan tâm như tàu hộ vệ tên lửa Talwar, tên lửa chống hạm BrahMos, tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung MR-SAM[1]... Điều thể hiện rõ nhất trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ chính là, ngay sau ngày nhậm chức, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã nâng cấp Chính sách Hướng Đông lên thành Chính sách Hành động phía Đông, không chỉ tăng cường hợp tác với Đông Nam Á, mà còn thiết lập liên hệ kinh tế và chiến lược với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,... Theo C. Raja Mohan - Giám đốc Trung tâm Carnegie Ấn Độ - cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" mô tả sự trở lại của phương thức hợp tác khu vực đã từng chứng kiến trước đây. “Hồi thập niên 1940, - ông Mohan giải thích, - cả khu vực được xem là một nhất thể. Bởi vì sau đó Ấn Độ và Trung Quốc thu mình lại, cả hai nước bị xem là tách khỏi Đông Nam Á. Bây giờ chúng ta đang chứng kiến khu vực trở nên liên kết hơn trước”[2]. Vậy Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ có ý nghĩa gì? “Về ý nghĩa, cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” đại diện cho một khu vực rộng lớn gồm những quốc gia có nền dân chủ ở châu Á. Cụm từ được dụng ngày càng nhiều trong giới an ninh và ngoại giao Úc, Ấn Độ và Nhật Bản những năm gần đây, thay cho “châu Á - Thái Bình Dương”[3]. Bởi vậy, trong bài diễn văn ở Hội nghị Doanh nhân APEC tại Đà Nẵng chiều 10-11-2017, Tổng thống Mỹ liên tục kêu gọi "một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", mô tả khu vực là nơi các quốc gia độc lập có thể "vươn lên trong tự do và hòa bình", và là nơi các quốc gia hành xử "tuân theo luật lệ"[4]. Rõ ràng, Mỹ và một loạt các nước ở châu Á - Thái Bình Dương thể hiện mong muốn rằng, Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ ba ở khu vực - giữ một vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh và nhất là, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng kinh tế - quân sự, thì Ấn Độ có thể trở thành lá chắn cho các nước nhỏ hơn, đặc biệt là Đông Nam Á; hơn thế nữa, Ấn Độ cần giữ vai trò lớn trong việc tìm kiếm “các biện pháp đảm bảo một trật tự quốc tế tự do, cởi mở dựa trên luật pháp ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”...“Đây là điều tốt vì nó cho thấy viễn cảnh Ấn Độ giữ một vai trò trong hệ thống cân bằng quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương... Mỹ đang nói họ muốn một vai trò lớn hơn của Ấn Độ”[5]. (Xem tiếp phần 2)
[1] Xem: Phúc Long – “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Tổng thống Trump nghĩa là gì? Http://tuoitre.vn/ 14/11/2017
[2] Xem: Phúc Long – “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Tổng thống Trump nghĩa là gì? Https://tuoitre.vn/ 14/11/2017
[3] Xem: Phúc Long – “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Tổng thống Trump nghĩa là gì? Https://tuoitre.vn/ 14/11/2017
[4] Xem: Nt.
[5] Phát biểu của Ông C. Raja Mohan, giám đốc Trung tâm Carnegie Ấn Độ. Dẫn lại theo Phúc Long – “Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Tổng thống Trump nghĩa là gì? Https://tuoitre.vn/ 14/11/2017
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 04:00 12-12-2024
G20 và Cơ hội Mở Rộng Quan Hệ Ấn Độ - Mỹ Latinh
Tư liệu Nghiên cứu Ấn Độ 03:00 12-12-2024