Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Một số suy nghĩ về sức mạnh mềm chính trị của Ấn Độ (Phần 2)

Một số suy nghĩ về sức mạnh mềm chính trị của Ấn Độ (Phần 2)

05:12 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

PGS. TS. Ngô Đình Xây*

Bốn là, sức mạnh mềm chính trị của Ấn Độ còn được thể hiện ra thông qua việc đã thực thi một đường lối chính trị đối nội hợp quy luật, hợp hiến.

 Ấn Độ là nơi xuất hiện văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại, có các tuyến đường mậu dịch giao thương với những đế quốc rộng lớn, và, do vậy, trở nên giàu có về thương mại và văn hóa trong hầu hết lịch sử lâu dài của mình. Ấn Độ là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Ấn Độ đã từng bị thôn tính và chuyển sang nằm dưới quyền quản lý của Công ty Đông Ấn Anh từ đầu thế kỷ XVIII, rồi nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Anh Quốc từ giữa thế kỷ XIX. Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1947, sau một cuộc đấu tranh giành độc lập dưới hình thức đấu tranh bất bạo động với sự tham gia của nhiều lực lượng chính trị do Mahatma Gandhi lãnh đạo. Và, bởi vậy, Ấn Độ cũng đã trở thành quốc gia có nhiều đảng phái tham gia vào hoạt động chính trị. Từ đây, Ấn Độ phải tìm cách thiết kế và thực thi một chính sách đối nội hợp quy luật và hợp hiến để giúp cho đất nước phát triển. Và trên thực tế, Ấn Độ đã có một chính sách đối nội hết sức hợp lý được thể hiện qua Hiến pháp của Ấn Độ. Ấn Độ là một liên bang với một hệ thống nghị viện nằm dưới sự khống chế của Hiến pháp Ấn Độ. Đây là một nước cộng hòa lập hiến với chế độ dân chủ đại nghị, trong đó “quyền lực đa số bị kiềm chế bởi các quyền thiểu số được bảo vệ theo pháp luật”. Chế độ liên bang tại Ấn Độ xác định rõ sự phân chia quyền lực giữa chính phủ liên bang và các bang. Chính phủ tuân theo sự kiểm tra và cân bằng của Hiến pháp. Hiến pháp Ấn Độ có hiệu lực vào ngày 26 tháng 1 năm 1950, trong lời mở đầu của nó có viết rằng, Ấn Độ là một nước cộng hòa có chủ quyền, xã hội, thế tục, dân chủ. Mô hình chính phủ của Ấn Độ theo truyền thống được mô tả là “bán liên bang” do trung ương mạnh và các bang yếu, song, kể từ cuối thập niên 1990, Ấn Độ đã phát triển tính liên bang hơn nữa do kết quả của các thay đổi về chính trị, kinh tế và xã hội[1]. Nhờ thiết kế và thực thi một chính trị đối nội như vậy, Ấn Độ đã có nguồn nội lực để làm cơ sở cho sức mạnh chính trị mềm của mình.

II

Một câu hỏi đặt ra, tại sao Ấn Độ lại có được sức mạnh mềm chính trị như vậy? Nói cách khác, căn nguyên của sức mạnh mềm chính trị của Ấn Độ là bắt nguồn từ đâu? Đánh giá một cách khoa học, nhìn nhận một cách thấu đáo và phân tích, lý giải một cách nghiêm túc, chúng ta thấy, Ấn Độ đã hình thành, kiến tạo, tập hợp và phát huy được một hợp lực các véc-tơ sức mạnh nội sinh rất hợp lý, nhờ đó, Ấn Độ có được một nền tảng vững chắc, một sức bật mạnh, một sự bứt phá bền bỉ để làm nên sức mạnh mềm chính trị của mình.

Như chúng ta biết, Ấn Độ là nơi bắt nguồn của bốn tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo; hơn thế nữa, một số tôn giáo lớn, như: Do Thái giáo, Hỏa giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo được truyền đến vào thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên và cùng với các tôn giáo bản địa, các tôn giáo du nhập này cũng giúp hình thành nền văn hóa đa dạng của Ấn Độ. Tuy nhiên, từ đây cũng cho thấy, Ấn Độ là một quốc gia rất phức tạp về dân tộc, tôn giáo đã dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột tôn giáo,… thậm chí, một số xung đột tôn giáo, dân tộc đã dẫn đến bạo loạn, ly khai, gây bất ổn về xã hội, kinh tế,… Bên cạnh đó, sự không thống nhất ý kiến giữa các đảng phái chính trị về chính sách đối nội nhiều khi làm chậm tiến trình cải cách ở Ấn Độ,… Bởi vậy, ngay sau khi giành độc lập, để khẳng định hình ảnh là một quốc gia độc lập, Hiến pháp Ấn Độ được hoàn thành vào năm 1950, xác định Ấn Độ là một nền cộng hòa thế tục và dân chủ. Trong hơn 70 năm, kể từ đó, Ấn Độ trải qua cả những thành công và thất bại. Đất nước này vẫn duy trì một chế độ dân chủ với các quyền tự do dân sự, một Tòa án Tối cao hoạt động tích cực, và một nền báo chí độc lập ở mức độ lớn. Có thể nói, Ấn Độ đã thực thi một chính sách mà ở đó, sự đoàn kết, hòa hợp giữa các dân tộc, tôn giáo là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Ấn Độ.

 Đi liền với đó, tự do hóa kinh tế bắt đầu từ thập niên 1990, và tạo ra một tầng lớp trung lưu thành thị có quy mô lớn, biến Ấn Độ thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Với nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, xét theo GDP danh nghĩa (tháng 12 năm 2016) và lớn thứ ba thế giới xét theo sức mua tương đương (PPP), sau các cải cách kinh tế dựa trên cơ sở thị trường vào năm 1991, Ấn Độ trở thành một trong số các nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng nhanh nhất; và được nhận định là một nước công nghiệp mới. Song song với kinh tế, Ấn Độ còn là một quốc gia vũ khí hạt nhân và là một cường quốc trong khu vực, có quân đội thường trực lớn thứ ba và xếp hạng tám về chi tiêu quân sự trên thế giới. Nhờ vậy, Ấn Độ đã gia tăng sự ảnh hưởng địa chính trị của mình.

Ấn Độ là một nước cộng hòa lập hiến liên bang theo thể chế nghị viện, gồm có 29 bang và 7 lãnh thổ liên bang. Ấn Độ là một xã hội đa nguyên, đa ngôn ngữ và đa dân tộc. Phim, âm nhạc, và giảng đạo của Ấn Độ đóng một vai trò ngày càng lớn trong văn hóa toàn cầu. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng đất nước, Ấn Độ đã thực hiện những kế hoạch dài hạn nhằm phát triển kinh tế xã hội và văn hóa. Từ giữa những năm 70 (thế kỷ XX), nhân dân Ấn Độ đã tiến hành cuộc “Cách mạng Xanh” trong nông nghiệp từ việc nhập khẩu lương thực cho gần 1 tỷ dân, còn có dự trữ xuất nhập khẩu. Cuộc “Cách mạng Trắng” giải quyết nhu cầu về sữa, chủ yếu là sữa trâu. Cách mạng “Khoa học - công nghệ - công nghiệp” đã giúp Ấn Độ sản xuất được nhiều loại máy móc như máy bay, tàu thủy, xe hơi, đầu máy xe lửa… và sử dụng năng lượng hạt nhân vào sản xuất điện. Năm 1974, thử thành công bom nguyên tử. Năm 1975, phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo Trái Đất bằng tên lửa của mình. Cuộc “cách mạng chất xám” bắt đầu từ những năm 1990 đã đưa Ấn Độ trở thành một trong những nước sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới, là cường quốc về công nghệ phần mềm, công nghệ hạt nhân, công nghệ vũ trụ,…

Nói tóm lại, một hợp lực các véc-tơ sức mạnh nội sinh rất hợp lý đã tạo thế, tạo nền tảng để nâng và làm cho lan tỏa sức mạnh mềm chính trị của Ấn Độ ra thế giới.

 III

Sức mạnh mềm chính trị của Ấn Độ cũng đã tác động tích cực đối với Việt Nam chúng ta. Là một trong những nước đề xướng “Phong trào không liên kết, theo đuổi chính sách hòa bình, trung lập tích cực, lại luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc,… Ấn Độ luôn bày tỏ thái độ đồng tình với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Ấn Độ chính thức thiết lập quan quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 07/ 01/1972 và năm 2007 là năm Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Sức mạnh mềm chính trị của Ấn Độ đã được minh chứng và thể hiện rõ nét qua mối quan hệ  hữu nghị thủy chung giữa Việt Nam và Ấn Độ. Về mối quan hệ này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhân chuyến thăm Ấn Độ năm 1980, đã nói: “Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”[2]. Còn trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chia sẻ“Mối liên hệ văn hóa này tự phản ánh chính nó bằng nhiều cách rằng: Những kẻ xâm lược mang chiến tranh đến Việt Nam thì giờ đây đã sạch bóng trên đất nước Việt Nam, nhưng Phật giáo của Ấn Độ và tư tưởng hòa bình, bác ái, triết lý nhân văn sẽ luôn còn mãi ở Việt Nam”[3].  

Quả thật, trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ chính trị, sự giúp đỡ tinh thần và vật chất quý báu của nhân dân Ấn Độ. Khi Việt Nam bị bao vây cấm vận, Ấn Độ tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ thiết thực và trở thành một trong những “cửa ngõ” quan trọng để Việt Nam mở rộng quan hệ với bên ngoài. Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, từ khi Việt Nam bắt đầu tiến hành Công cuộc Đổi mới năm 1986 và Ấn Độ tiến hành cải cách sâu rộng thực hiện từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, quan hệ song phương từng bước phát triển rộng sang các lĩnh vực như: kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, giao lưu nhân dân,… làm cho mối quan hệ truyền thống này ngày càng toàn diện hơn. Trong quan hệ thương mại, Việt Nam và Ấn Độ đã thỏa thuận cần chủ động và tích cực khai thác các tiềm năng và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, trong đó phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020 như thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước[4]. Về lĩnh vực quốc tế, Việt Nam và Ấn Độ nhất trí tiếp tục phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Hợp tác ASEAN - Ấn Độ, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các diễn đàn hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

Rõ ràng, trên nền tảng một hợp lực các véc - tơ sức mạnh nội sinh, với một chính sách đội nội cân bằng được thể hiện bởi một thể chế chính trị hợp quy luật, với một loạt các cuộc cách mạng “Cách mạng Xanh”, “Cách mạng Trắng” trong nông nghiệp, “Cách mạng khoa học - công nghệ - công nghiệp” trong lĩnh vực sản xuất, “Cách mạng chất xám” về công nghệ thông tin và những tiến bộ có tính cách mạng trong năng lượng nguyên tử,... cùng với sự phát huy cao độ trí tuệ toàn dân tộc đã đưa đất nước Ấn Độ lên một vị trí đáng kính nể, có một sức mạnh mềm chính trị rất giá trị trên thế giới ngày nay. Con đường đi của Ấn Độ để lại nhiều bài học quý giá đáng suy nghẫm, đáng học tập cho nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam chúng ta./.


[1]Xem thêm: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

[2] Dẫn lại theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Việt Nam - Ấn Độ: Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Http://baoquocte.vn/  08/10/2017 

[3] Dẫn lại theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Việt Nam - Ấn Độ: Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Http://baoquocte.vn/  08/10/2017 

[4]Xem: Mạnh Hùng - Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đạt được những bước tiến lớn. http://www.dangcongsan.vn  21/04/2017


* Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục