Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Narendra Modi - Công bộc số một của nhân dân Ấn Độ (Phần 2)

Narendra Modi - Công bộc số một của nhân dân Ấn Độ (Phần 2)

Cuộc đời vị Thủ tướng đương nhiệm nổi tiếng Ấn Độ - Narendra Modi - có nhiều điều lạ lùng ít người biết tới như từ nhỏ ông đã thích trở thành giáo sĩ, từng đi tu luyện, học đạo với nhiều giáo sĩ đạo Hindu trên núi Himalaya hơn 2 năm, thực hành tuyệt dục. Ông còn nổi tiếng vì mặc dù sinh ra trong một gia đình bình thường, từng phải vất vả kiếm sống bằng cách bán trà sữa dạo tại một số ga xe lửa, nhưng sự nỗ lực học tập, rèn luyện sau này đã giúp ông có được tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh chính trị và dần đưa ông trở thành nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP - Đảng lãnh đạo liên minh NDA cầm quyền hiện nay).

01:45 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Trong lĩnh vực đối nội, Chính phủ của ông Modi đã thực hiện nhiều chính sách, chương trìnhở các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội,v.v…và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đa số dân chúng. Ấn Độ đã thông qua dự luật quan trọng về“thuế hàng hóa và dịch vụ” cùng nhiều biện pháp khác nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, kiểm soát lạm phát, thâm hụt tài chính, thâm hụt thương mại, tạo thêm việc làm,…Quan hệ với cộng đồng 25 triệu người Ấn Độ ở nước ngoàiđược tăng cường hơn bao giờ hết, họđóng góp những tri thức quan trọng và lượng kiều hối trị giá hơn 70 tỷ USD/năm  (bằng một nửa nguồn tài chính cho hoạt động nhập khẩu của Ấn Độ ) vào xây dựng kinh tế trong nước. Với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, trong hơn 3 năm cầm quyền của ông Modi, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)vào Ấn Độ đã tăng mạnh từ mức 36 tỷ USD của tài  khóa 2013- 2014 lên60 tỷ USD trong tài khóa 2016-2017.

Thủ tướng Modi cũng đã khởi xướng những chương trình lớn về phát triển cơ sở hạ tầngvới dự án xây dựng 100 thành phố thông minh (Smart Cities) cho tới năm 2019, phát triển hạ tầng ở 500 thành phố, thị trấn vào năm 2020. Ông cũng đã cho tiến hành chiến dịch loại bỏ đồng tiền mệnh giá 500 rupi và 1.000 rupi (chiếm tới 85% giá trị giao dịch) nhằm mục tiêu chống tham nhũng và thất thu thuế. Mặc dù chiến dịch này gây nhiều tranh cãi và những phiền toái nhất định cho công chúng và làm giảm đà tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2016-2017, song một số chuyên gia cho rằng, đây là cú đánh mạnh vào nền kinh tế ngầm, trị giá hơn 500 tỷ USD, chiếm hơn 20% GDP (có thông tin, con số thực tế lên tới hơn 1.000 tỷ USD) của nước này, do đó,có tác dụng lành mạnh hóa nền kinh tế-tài chính của đất nước.

Một loạt chương trình khác như Làm sạch sông Hằng (Clean Ganga),  Làm sạch Ấn Độ (Swachh Bharat), Ấn Độ tay nghề cao (Skill India) nhằmđào tạo nghề cho 500 triệu người cho đến cuối năm 2022) và Phong trào khởi nghiệp ở Ấn Độ (Startup India),Sản xuất tại Ấn Độ (Make in India), Ấn Độ số hóa (Digital India) đã được Chính phủ của Thủ tướng Modi tích cực thực hiện nhằm thúc đẩy đất nước phát triển, biến Ấn Độ trở thành điểm đến của sản xuất hàng hoá và xuất khẩu với phần còn lại của thế giới

Từng sinh ra trong một gia đình nghèo, nên Thủ tướng Modi rất cảm thông vàquan tâm tới việclàm giảm bớt những khó khăn của hàng trăm triệu dân nghèo, đặc biệt ở vùng nông thôn của Ấn Độ. Các chương trình to lớn ông đề xuất như mở tài khoản cho dân nghèo (Jan Dhan Account)nhằm tăng hiệu quả của các chương trình phúc lợi dành cho dân nghèo (giảm việc ăn chặn của các quan chức địa phương tham nhũng và người nghèo đỡ phải vay với lãi suất “cắt cổ” của những kẻ cho vay nặng lãi),Chương trình xây nhà ở cho tất cả dân chúng (Pradhan Mantri Gramin Awas Yojoina) tới  năm 2020 (chủ yếu cho 40 triệu người hiện sống dưới mức nghèo, cấp điện cho tất cả các hộ gia đình vào năm 2018 và cung cấp khí đốt cho 50 triệu hộ nghèo hiện chủ yếu dùng phân gia súc, củi than làm nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường).

Đặc biệt, điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại có ý nghĩa xã hội to lớn là chương trình xây dựng 120 triệu nhà vệ sinh cho dân nghèotới năm 2020 để chấm dứt tình trạng ô nhiễm do có tới 500 triệu người dân ở nước này, trong đó chủ yếu là vùng nông thôn, có thói quen đi vệ sinh ngoài trời. Kinh phí dành cho chương trình này  lên tới gần 2.000 tỷ rupi ( hơn 33 tỷ USD). Ước tính, Ấn Độ thiệt hại nhiều tỷ USD chi phí y tế do tình trạng mất vệ sinh, gây ô nhiễm, khiến mỗi năm hơn 117.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì bệnh tiêu chảy, 14% trẻ em bị suy dinh dưỡng.

Mặc dù không phải tiến trình thực hiện dự án nào cũng thu được kết quả mong đợi (ví như chiến dịch loại bỏ các đồng tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupi hay dự án tạo việc làm mới…), song cho đến nay, nhiều dự án trên đã thu được những kết quả tích cực. Trong gần4 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, nền kinh tế Ấn Độ đã phát triển ngoạn mục, vượt cả Trung Quốc với mức tăng trưởng 7,6% cao nhất thế giới trong tài khóa 2015-2016. Tăng trưởng kinh tế nước này chỉ giảm nhẹ xuống mức 7,1% trong tài khóa 2016-2017, và dự kiến sẽ tăng trở lại ở mức 7,2% trong tài khóa 2017-2018, và tăng vọt lên mức 7,8% trong tài khóa tiếp theo. Ông Modi cũng thành công trong việc kiểm soát lạm phát, hạ thấp mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ 8,5% năm 2014 xuống 2,9% trong năm 2017, điều kiện cho phép chính phủ Ấn Độ hạ thấp lãi suất cho vay để kích thích sự phát triển của nền kinh tế.

Thủ tướng Modi đặt mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 10 nghìn tỷ USD vào năm 2032 (từ mức 2.050 tỷ USD năm 2014), và tạo ra 175 triệu việc làm cho tới năm 2032. Các mục tiêu trước mắt của Ấn Độ cho năm 2019 là phấn đấu trở thành điểm đến khởi nghiệp hàng đầu trên thế giới, lọt vào tốp 30 quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, đạt tỷ lệ số hoá 60% và tăng tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế từ mức ​​16% GDP của năm 2014 lên 25% vào năm 2022.

Ngoài những thành công trong lĩnh vực chính trị, ông Moddi còn nổi tiếng bởi sự trong sạch, tận tâm làm việc phục vụ đất nước và giàu lòng trắc ẩn. Trong bất kỳ điều kiện nào (kể cả trong các chuyến thăm nước ngoài), ông luôn thức dậy vào 5h hay 5h30 sáng để tập Yoga, sau đó ăn sáng và bắt đầu làm việc. Trong 13 năm liên tục làm Thủ hiến bang Gujarat và gần 4 năm qua trên cương vị lãnh đạo chính phủ Ấn Độ, ông chưa từng nghỉ phép một ngày nào.Truyền thống trong sạch, không “dính bụi” tham nhũng của ông bắt nguồn từ sự thấu hiểu sâu sắc triết lý tôn giáo của đạo Hindu và truyền thống gia đình. Năm 2001, khi ông trở thành người đứng đầu chính quyền bang Gujarat, mẹ ông đã dặn ông:"Beta, kadi lanch na leis"(Con trai của ta chớ bao giờ nhận hối lộ”). Thủ tướng Modi sống giản dị và ăn chay hoàn toàn.Trong dịp lễ Navratri festival ông nhịn ăn 9 ngàyliền (chỉ uống nước quả). Ông dành phần lớn tiền lương (30.300 USD/năm) để góp cho các quỹ từ thiện và có lúc đã tặng 21 lakh rupi (khoảng 35.000 USD) cho Quỹ phúc lợi vì sự nghiệp giáo dục cho các trẻ em gái. Khi xảy ra trận động đất mạnh tại Nepal năm 2015, ông đã đóng góp 1 tháng lương cho quỹ hỗ trợ các nạn nhân của nước này. 

Điều đặc biệt nữa ở Thủ tướng Modi là đức tính khiêm tốn, ông luôn tự coi mình là một người dân bình thường chứ không phải thuộc tầng lớp quý tộc cách xa dân chúng. Khi trở thành Thủ hiến bang Gujarat, ông tuyên bố: “Không phải hôm nay tôi mới trở thành CM (chơi chữ “Chief Minister - Thủ hiến bang), mà tôi đã và sẽ luôn là CM, bởi đối với tôi, CM nghĩa là Common Man, Aam Admi (tiếng Anh và tiếng Hindi đều có nghĩa là dân thường)”. Khi đã trở thành người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ, phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 68 Ngày Độc lập của Ấn Độ (15/8/2015), ông khẳng định mình chỉ là Pradhan Sevak (công bộc số 1) của đất nước Ấn Độ. Bằng tấm gương sống liêm khiết, làm việc cật lực để đề ra và chỉ đạo thực hiện những quyết sách đưa đất nước phát triển, giải quyết dần những vấn nạn của đất nước, Thủ tướng Modi đã chứng tỏ ông không phải người nói suông. Dư luận cho rằng, với một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm và bản lĩnh như vậy, mặc dù còn rất nhiều thách thức trong tương lai, đất nước Ấn Độ không phát triển mới là điều lạ./.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục