Nguồn gốc cổ đại của ngày lễ Diwali – ngày lễ lớn nhất của Ấn Độ
Hàng năm vào khoảng tháng 10 và tháng 11, người Hindu khắp thế giới kỷ niệm ngày lễ Diwali, hoặc Deepavali - lễ hội ánh sáng có lịch sử hơn 2500 năm. Ở Ấn Độ, lễ kỷ niệm kéo dài 5 ngày này đánh dấu kỳ nghỉ lớn nhất trong năm.
Giống như nhiều lễ hội Hindu khác, người Ấn không chỉ có một lý do để ăn mừng lễ hội kéo dài 5 ngày này. Pankaj Jain, giáo sư về nhân chủng học, triết học và tôn giáo tại Đại học North Texas, nói rằng, ngày lễ hội xa xưa này có liên quan đến nhiều câu chuyện trong các văn bản tôn giáo, và không thể nói câu chuyện nào có trước, hoặc Diwali đã bắt đầu từ lúc nào.
Theo ông Jain, trong các câu chuyện đó có nhiều chuyện kể về chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Ở miền bắc Ấn Độ có một câu chuyện phổ biến liên quan đến ngày lễ Diwali là về vua Rama, một trong những hóa thân của thần Vishnu. Khi một con quỷ ở đảo Sri Lanka bắt đi vợ của Rama, ông đã “tổ chức một đội quân khỉ” để giải cứu người vợ.
Lũ khỉ đã “xây dựng một chiếc cầu từ Ấn Độ đến đảo Sri Lanka, tấn công Sri Lanka, cứu được Sita và giết chết vua quỷ”. Khi vua Rama và nàng Sita quay trở về phương Bắc, “hàng triệu ánh đèn được thắp khắp thành phố Ayodhya để giúp họ trở về nhà, và chào đón họ”. Ánh sáng đèn từ lâu đã là một trong những cách người Hindu đón mừng ngày lễ Diwali.
Ở miền Nam Ấn, lễ hội Diwali liên quan đến câu chuyện về thần Krishna, một hóa thân khác của Vishnu. Trong câu chuyện, thần Krishna đã giải cứu 16.000 phụ nữ khỏi tay một vị vua tà ác khác. Ở bang Gujarati, năm mới trùng với dịp lễ Diwali (có nhiều lễ mừng năm mới trên khắp Ấn Độ), và Diwali liên quan đến việc cầu xin nữ thần Lakshmi ban phát thịnh vượng trong dịp năm tới. Trong lễ hội này, người Ấn tổ chức nhiều buổi lễ để trao đổi quà và tiền xu.
Các tôn giáo khác như Phật giáo, đạo Jain, và Sikhism xem lễ hội Diwali như một dịp để đánh dấu các sự kiện quan trọng trong lịch sử của họ. Giáo sư Jain, người đang đề nghị khu vực thuộc trường Texas công nhận ngày lễ Diwali; ông nói rằng, Diwali là một kỳ nghỉ tôn giáo, và cũng là một kỳ nghỉ quốc gia ở Ấn Độ. So với Giáng sinh ở Mỹ, ông chỉ ra rằng, nhiều người không phải là tín đồ Kitô ở Mỹ vẫn mua cây thông giáng sinh và tặng quà cho nhau.
Vasudha Narayanan, giáo sư ngành tôn giáo tại Đại học Florida, không đồng ý với điều này. Ông lập luận rằng, không phải tất cả mọi người ở Ấn Độ đều kỷ niệm ngày lễ Diwali. Nhưng vì khoảng 80% người Ấn Độ là tín đồ Ấn giáo, so với các tín đồ Phật giáo, Jains, và Sikhs chỉ chiếm 2-3%, nên ngày lễ này vẫn được tổ chức phần lớn ở Ấn Độ.
GS Narayanan nói rằng, trong thế kỷ đã qua hoặc trước nữa, pháo hoa đã trở thành một phần quan trọng trong lễ hội Diwali. Đây không phải là lễ hội pháo hoa quy mô lớn như các thành phố của Mỹ bắn vào ngày 4/7, nhưng trong suốt ngày lễ Diwali, các gia đình Ấn Độ đều bắn pháo hoa.
“Vào đêm trước lễ Diwali, bạn sẽ rất khó ngủ”, Narayanan nói về pháo hoa. “Ý tôi là âm thanh rất lớn”.
Nhưng gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã cấm quảng cáo pháo hoa trong thời gian Diwali, vì các mối quan tâm về môi trường. Theo bà Narayanan, điều này đã gây phiền toái cho rất nhiều người dân ở Ấn Độ. Trên Twitter, nhiều người phàn nàn rằng, Diwali mà không có pháo hoa cũng giống như Giáng sinh mà không có cây thông giáng sinh.
Trong khi hiểu được mong muốn theo đuổi truyền thống của người dân thì bà Narayanan cũng hiểu được sự quan tâm của chính phủ về vấn đề pháo hoa. Không khí Ấn Độ ô nhiễm rất nặng nề, và lượng pháo hoa sử dụng trong dịp lễ Diwali làm cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn.
Bà Narayanan nói rằng: “Hindu giáo cũng ủng hộ làm điều tốt cho người khác và bất bạo động”. Do đó, bà cho rằng, nên cải cách truyền thống nếu chúng “gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người khác”.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: http://www.history.com/news/the-ancient-origins-of-indias-biggest-holiday
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục