Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nhóm Quad thúc đẩy công bằng vắc-xin trên toàn cầu

Nhóm Quad thúc đẩy công bằng vắc-xin trên toàn cầu

Mặc dù tận dụng được thế mạnh của bốn quốc gia thuộc nhóm Quad, chương trình đối tác vắc-xin của nhóm Quad vẫn cần vượt qua một số thách thức để đạt được việc tiêm chủng đại trà như mong đợi cho toàn khu vực.

05:00 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các quốc gia có thu nhập cao và trung bình trên thế giới đã tiêm chủng đủ hai mũi cho hơn 50% dân số của họ; trong khi đó, các nước có thu nhập thấp vẫn đang rất vất vả mới đạt được khoảng 1% dân số được tiêm chủng đủ 2 mũi. Ngay cả các quốc gia có thu nhập trung bình thấp cũng chỉ tiêm chủng đầy đủ cho hơn 12% dân số của họ, trong đó, mức trung bình tăng lên đáng kể do 14% trong số hơn 1 tỉ 3 trăm nghìn người Ấn Độ đã được tiêm đủ hai mũi.

Trong bối cảnh đó, chương trình đối tác vắc-xin của nhóm Quad được công bố vào tháng 3/2021 có ý nghĩa lớn. Mục tiêu đã nêu của quan hệ đối tác là mở rộng sản xuất vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với sự phối hợp chặt chẽ với các cơ chế đa phương bao gồm WHO và COVAX. Tận dụng năng lực sản xuất của Ấn Độ, mục tiêu của chương trình là sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vắc xin COVID-19 vào cuối năm 2022. Cùng với đó, Nhật Bản sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi để mở rộng năng lực sản xuất ở Ấn Độ, và Úc sẽ hỗ trợ giai đoạn cuối của quá trình bàn giao vắc-xin, tập trung cho khu vực Đông Nam Á, cùng với hỗ trợ tài chính cho việc cung cấp vắc-xin. Các kế hoạch của Quad bao gồm: cung cấp vắc-xin, hỗ trợ các quốc gia sẵn sàng cung cấp vắc-xin, mua sắm vắc-xin, chuẩn bị lực lượng y tế, ứng phó với thông tin sai lệch về vắc-xin, hỗ trợ các sáng kiến có sự tham gia của cộng đồng, nâng cao năng lực tiêm chủng và các can thiệp khác có liên quan.

Ấn Độ, trung tâm sản xuất của chương trình đối tác vắc-xin của Quad, đã xuất khẩu và phân phối một tỷ lệ đáng kể tất cả các loại vắc-xin được sản xuất tại Ấn Độ, cho nhiều nước trên thế giới tính tới thời điểm này. Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao vắc-xin của Ấn Độ, phần lớn tuân theo chính sách Láng giềng trên hết, cùng với việc xuất khẩu theo cơ chế COVAX để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng ký với Viện Huyết thanh Ấn Độ, chỉ thực hiện được trong thời gian ngắn do Ấn Độ sớm bị áp đảo bởi làn sóng Covid thứ hai, dẫn đến việc Ấn Độ phải tập trung cho tiêm chủng trong nước. Làn sóng lây nhiễm tại Ấn Độ vào tháng 4/2021, và sự gián đoạn xuất khẩu từ Ấn Độ, đã tạo ra khoảng trống cung cấp vắc-xin trong khu vực, ​​nhiều quốc gia đã phải phụ thuộc vào Trung Quốc để có vắc-xin. Nỗ lực ngoại giao vắc-xin ban đầu của Ấn Độ là một sự đánh cược rủi ro vào khả năng không có làn sóng thứ hai, dựa trên thông tin sẵn có về tỷ lệ lưu hành huyết thanh cao và số ca mắc thấp. Thật không may, những dự báo đó đã không thực hiện được.

Hiện tại, Ấn Độ vẫn có năng lực sản xuất khổng lồ; vấn đề trong làn sóng thứ hai là nhu cầu đã lấn át khả năng sản xuất. Năng lực sản xuất vắc-xin đã được mở rộng do tính cấp bách của đại dịch và nhiều loại vắc-xin sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Đồng thời, các yêu cầu về nguồn cung là rất lớn. Ngay cả khi ngừng xuất khẩu và tất cả các loại vắc-xin được sản xuất đều được sử dụng cho chính dân số của mình, Ấn Độ vẫn chỉ tiêm vắc-xin đầy đủ hai liều cho dưới 15% dân số và tiêm một liều cho 44% dân số. Trên toàn cầu, tỷ lệ của Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 13,5% tổng số tiêm chủng COVID-19 trong khi dân số Ấn Độ bằng 18% dân số thế giới. Tại thời điểm tháng 9/2021, gần 6 tỷ liều vắc-xin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, và rõ ràng là vẫn thiếu hụt vắc-xin.

Để đạt được mục tiêu cung cấp 1 tỷ liều vắc xin vào cuối năm 2022, thách thức hàng đầu đối với chương trình đối tác vắc-xin của nhóm Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là phải cân bằng giữa các yêu cầu trong nước của Ấn Độ và các quốc gia khác trong khu vực. Ngay cả khi bắt đầu làn sóng thứ hai tàn khốc, Ấn Độ đã thể hiện ý chí chính trị đáng ngưỡng mộ trong việc tiếp tục xuất khẩu vắc-xin và chấp nhận rủi ro chính trị đáng kể trong nước. Vì hầu hết các vùng của Ấn Độ vẫn còn tỷ lệ bao phủ vắc-xin thấp, việc cung cấp cho thế giới sẽ không dễ dàng. Trong một diễn biến bất ngờ, Ấn Độ đã đưa ra thông báo vào ngày 20/9/2021 rằng, xuất khẩu vắc-xin sẽ tiếp tục trong quý tới. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có sự phản đối mạnh mẽ từ các chính quyền địa phương và khối xã hội dân sự. Với việc các loại vắc-xin cạnh tranh nhận được sự chấp thuận khẩn cấp, một số vắc-xin thậm chí còn được chấp thuận sử dụng cho trẻ em, việc ký kết hợp đồng với các công ty có năng lực sản xuất mạnh là một thách thức. Chỉ riêng dân số dưới 18 tuổi của Ấn Độ là khoảng 400 triệu người.

Các kế hoạch sản xuất của chương trình đối tác vắc-xin của nhóm Quad cho vắc xin COVID-19 liều đơn của Johnson & Johnson, đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp vào tháng 8/2021. Chưa có thời hạn giao hàng nào được công bố. Do những bất ổn liên quan, các kế hoạch ngoại giao vắc-xin của Quad cần vượt ra ngoài nỗ lực đảm bảo nguồn cung, bao gồm cả việc giúp đỡ các quốc gia đang gặp thách thức khi tiến hành các đợt tiêm chủng lớn ở những nơi có thu nhập thấp. Nền tảng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau có thể được thiết lập và cùng với việc sản xuất vắc-xin, đây có thể là một đóng góp quan trọng không kém mà Ấn Độ với tư cách là đối tác Quad có thể đóng góp cho thế giới. Bằng cách tạo ra phần mềm mã nguồn mở COWIN, Ấn Độ đã tuyên bố rằng, họ sẵn sàng tích cực chia sẻ kinh nghiệm của mình với các quốc gia khác và Quad có thể là một nền tảng hiệu quả để thúc đẩy trao đổi các giải pháp như vậy.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có dân số chưa tiêm phòng lớn nhất trên thế giới, và bất kỳ nỗ lực nào để đảm bảo bao phủ vắc-xin đều trở thành sứ mệnh nhân đạo cao cả. Để đối trọng với sự hiện diện bá quyền và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc thông qua các nỗ lực ngoại giao y tế tích cực bất chấp hiệu quả đáng ngờ của vắc-xin, các đối tác của Quad cần đưa ra phương án chăm sóc sức khỏe tương đương với quy mô cuộc tập trận Malabar trong ngắn hạn, để giúp đảm bảo an ninh vắc-xin COVID-19 ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Có một khoảng trống trong khu vực đang được lấp đầy phần lớn bởi nguồn cung cấp của Trung Quốc. Trong những tháng tới, các đối tác của Quad sẽ cần phải nhanh chóng di chuyển và tận dụng thế mạnh của nhau để đảm bảo việc tiêm chủng hàng loạt trong khu vực. Điểm khởi đầu có thể là kiểm tra tiến độ đạt được trong sáu tháng kể từ khi ra mắt chương trình đối tác vắc-xin của nhóm Quad.

Tác giả: Oommen C. Kurian, Nghiên cứu viên cao cấp tại ORF.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/the-quads-push-for-global-vaccine-equity/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục