Những công trình mang tên Hồ Chí Minh ở Ấn Độ
Ấn Độ đặt tên những con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ đáng kính của Việt Nam, và dựng những bức tượng mang tên Người tại các thành phố lớn của Ấn Độ.
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển đáng kể trong nhiều năm qua, và đã nâng tầm lên Đối tác Chiến lược toàn diện từ năm 2016. Hai nước đã có hàng loạt các cam kết chính trị và hoạt động giao lưu văn hóa, thúc đẩy cho hợp tác kinh tế, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Một trong những biểu hiện hữu hình của tình hữu nghị ngày càng phát triển này có thể quan sát được từ việc Ấn Độ đặt tên những con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ đáng kính của Việt Nam, và dựng những bức tượng mang tên Người tại các thành phố lớn của Ấn Độ. Bài viết tìm hiểu bối cảnh lịch sử và ý nghĩa chính trị của những công trình văn hóa mang tên Hồ Chí Minh ở Ấn Độ, xếp theo trình tự thời gian khánh thành những công trình này. Từ đó nhận xét tầm quan trọng của những biểu tượng văn hóa chính trị này tới mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Đường Hồ Chí Minh ở thành phố Kolkata, thủ phủ của bang Tây Bengal vùng Đông Bắc Ấn Độ. Chính quyền thành phố đã đổi tên đường từ Harrington (theo tên của một nhà quản lý thuộc địa người Anh) sang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1968, giữa lúc phong trào phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam đang lên tới đỉnh điểm. Đáng lưu ý là Lãnh sự quán Mỹ tại Kolkata (khi đó tên là thành phố Calcutta) tọa lạc trên con đường này. Cho tới hôm nay, tòa nhà Lãnh sự quán Mỹ vẫn có địa chỉ tại 5/1, Hồ Chí Minh Sarani, thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ. Việc chính quyền thành phố đổi tên đường phản ánh tình đoàn kết của Ấn Độ với Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thể hiện mong muốn các bên giải quyết mâu thuẫn bằng hòa bình và đối thoại. Cử chỉ này được coi là minh chứng cho quá trình hàn gắn và mong muốn các mối quan hệ hòa bình dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau.
Ngày 2/9/1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, theo thỉnh nguyện của Nhân dân thành phố Kolkata, đứng đầu là Ủy ban Đoàn kết Ấn – Việt bang Tây Bengal, chính quyền thành phố tổ chức lễ kỷ niệm đặt tên đường, và lễ khánh thành chính thức đặt tấm bia khắc tên đường cùng chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh tại vị trí trang trọng trên con đường này. Đường Hồ Chí Minh tại Kolkata nối tiếp với đường Jawaharlal Nehru, tên của vị Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Ấn Độ. Đường Hồ Chí Minh tại Kolkata hiện nay vẫn là trung tâm hiện đại, sầm uất nhất thành phố. Dọc con đường này, ngoài tòa nhà của Lãnh sự quán Mỹ (số 5/1), còn có tòa nhà của Lãnh sự quán Anh (số 1A), trụ sở của Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (số 9A), và trung tâm thương mại Tata nổi tiếng của Ấn Độ (góc giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh và đường Jawaharlal Nehru). Đường Hồ Chí Minh tại Kolkata là trung tâm cho các dịch vụ lãnh sự, thúc đẩy giao lưu nhân dân, thương mại và hợp tác văn hóa giữa hai quốc gia. Con đường là biểu tượng cho chiều sâu của quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ, và Ấn Độ với các nước lớn.
Đường Hồ Chí Minh ở New Delhi (Ho Chi Minh Marg, Marg trong tiếng Hindi nghĩa là con đường) dài 4,59 kms, thuộc quận Nam Delhi, thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Con đường được khánh thành vào năm 1973 bởi Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là bà Indira Gandhi. Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam, giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Con đường cũng là lời nhắc nhở về lịch sử hợp tác lâu dài giữa Ấn Độ và Việt Nam trong đấu tranh giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân, giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hướng tới hòa bình và phát triển. Quyết định đặt tên đường này được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ và Việt Nam vừa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972, và Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc.
Đường Hồ Chí Minh hiện là trục đường chính ở New Delhi. Con đường là nơi có trụ sở của một số đại sứ quán, văn phòng chính phủ và doanh nghiệp. Đây cũng là tuyến đường được hành khách và khách du lịch thường xuyên ghé qua. Con đường Hồ Chí Minh cách sân bay quốc tế Indira Gandhi khoảng 10km và là tuyến huyết mạch kết nối nhiều tuyến giao thông công cộng phía Nam thủ đô New Delhi. Các thiết bị định vị GPS gắn trên phương tiện giao thông đều đọc to tên của Người “Hồ Chí Minh” mỗi khi xe đi vào đường này. Âm lượng đọc to hơn thông thường, là một cách để thể hiện lòng tôn kính với Bác, tình đoàn kết và sự ủng hộ của người dân New Delhi dành cho Việt Nam. Dọc đường có một khoảng không gian đặt tấm biển trang trọng ghi tên đường và là nơi hạ cánh của rất nhiều chim bồ câu trong thành phố. Người dân địa phương và du khách thường tới con đường này để cho chim bồ câu ăn, như một biểu tượng của khao khát hòa bình. Đường Hồ Chí Minh hiện nay được bảo trì tốt và là di sản quý giá của New Delhi.
Tượng Hồ Chí Minh ở Kolkata, Ấn Độ, là bức tượng đồng bán thân chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng cao 6,5 mét, gồm có hai phần, bên dưới là bệ đá hoa cương màu nâu, và bên trên là tượng đồng đen nguyên khối. Mặt trước của bệ đá khắc dòng chữ For the great cause to prevail! Let the spirit rise forever! (Nâng cao tinh thần vì lý tưởng chiến thắng vĩ đại) Hồ Chí Minh, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, mất ngày 2 tháng 9 năm 1969. Bức tượng nằm ở công viên Maidan, trung tâm thành phố Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal. Dưới chân tượng có một vườn hoa bao quanh, bên trên tượng có tán cây xanh cổ thụ che mát. Tượng được khánh thành vào ngày 19 tháng 5 năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chủ trương xây dựng tượng Bác Hồ tại đây là ông Buddhadeb Bhattacharjee, khi đó là thành viên chính quyền bang Tây Bengal, phụ trách lĩnh vực Thông tin và Văn hóa. Ông Buddhadeb Bhattacharjee là ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Ấn Độ, giai đoạn 2002-2015.
Ngày nay, người dân Kolkata thường xuyên tới đặt hoa tại tượng Hồ Chí Minh, đặc biệt là vào những ngày lễ lớn của Việt Nam, ngày sinh, ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal, Ấn Độ, do ông Geetesh Sharma sáng lập, thường long trọng tổ chức các buổi đặt hoa tưởng niệm Hồ Chí Minh và biểu thị tình đoàn kết Việt Nam - Ấn Độ tại không gian đặt tượng. Sau khi ông Geetesh Sharma qua đời trong làn sóng đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ vào tháng 5/2021, các hoạt động tưởng niệm Hồ Chí Minh vẫn được những người phụ trách Ủy ban Đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal duy trì và phát triển. Ủy ban Đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal luôn thể hiện sự trân trọng đối với Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người, coi đây là di sản vượt thời gian, sẽ được thế hệ mai sau của hai nước Ấn Độ và Việt Nam kế thừa và phát huy.
Biển đồng tưởng niệm Hồ Chí Minh tại Kolkata. Năm 1946, nhận lời mời của Chính phủ Cộng hòa Pháp, Hồ Chí Minh đại diện cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường thăm chính thức nước Pháp. Trên đường đi, máy bay chở đoàn Việt Nam đã hạ cánh tiếp nhiên liệu tại thành phố Calcutta (nay là Kolkata). Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại hai ngày một đêm tại khách sạn Great Eastern (nay đổi tên là khách sạn Lalit Great Eastern). Vào năm 2015, theo yêu cầu của Ủy ban Đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal, ban quản lý khách sạn đã trang trọng đặt tấm biển đồng để ghi dấu nơi đây Bác Hồ đã ghé thăm. Tấm biển đồng có dòng chữ tiếng Anh và tiếng Việt “Hồ Chí Minh (1890-1969) Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và thời gian đoàn công tác của Bác Hồ nghỉ lại khách sạn “tháng 6 năm 1946”. Tấm biển luôn được trang hoàng bằng những đóa hoa tươi thắm, tượng trưng cho lòng ngưỡng mộ của nhân viên khách sạn và du khách.
Tại sao Bác Hồ chọn nghỉ lại khách sạn này. Trong một bài báo tưởng niệm 60 năm Bác Hồ chính thức thăm Ấn Độ (1958-2018), cố nhà báo Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Việt Nam-Ấn Độ, giải thích rằng: “Tại thời điểm năm 1946, văn phòng của Đảng Cộng sản Ấn Độ tọa lạc tại đường Dacres Lane, cách khách sạn nơi Bác Hồ nghỉ lại khoảng 400m. Bác đã chọn một khác sạn rất gần với trụ sở văn phòng Đảng Cộng sản và chủ động đi tới thăm văn phòng. Hồ Chí Minh chọn đúng thời điểm khi lãnh đạo của Đảng Cộng sản Ấn Độ bang Tây Bengal đang họp mặt đông đủ. Trong số các lãnh đạo tham gia cuộc họp lúc đó có ông Jyoti Basu, nhà hoạt động cách mạng theo chủ nghĩa Mác, thủ hiến bang Tây Bengal. Khi người thư ký thông báo Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Nam tới thăm, tất cả mọi người có mặt trong cuộc họp đều bất ngờ. Rất nhanh, một chiếc ghế được đặt thêm và một tách trà được mang tới cho Người. Sau khoảng nửa giờ nói chuyện với các nhà lãnh đạo Cộng sản Ấn Độ, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng cáo từ. Người để lại sự bất ngờ và lòng ngưỡng mộ cho tất cả những người trong phòng họp. Người đã đến với họ bằng xương bằng thịt, với kiến thức uyên thâm, tình đồng chí chân thành, đã tìm hiểu địa điểm, ngày giờ họp của Đảng Cộng sản Ấn Độ để tới thăm nhanh chóng và bí mật”.
22 năm sau chuyến thăm bất ngờ này, năm 1968, ông Jyoti Basu, người chủ trì cuộc họp có Bác Hồ bất ngờ đến thăm năm xưa, đã ký quyết định đặt tên Hồ Chí Minh cho con đường chạy qua trụ sở của Lãnh sự quán Mỹ tại Kolkata.
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, được khánh thành vào ngày 2/9/2021, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh Việt Nam. Tham dự buổi lễ có Quốc vụ khanh phụ trách Văn hóa và Đối ngoại, bà Meenakshi Lekhi, đại diện chính quyền New Delhi, đại sứ và đại biện lâm thời các nước ASEAN, nhiều tổ chức, đoàn thể của nước sở tại, và đông đảo cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng bà con cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ.
Bức tượng được đặt trong công viên trung tâm rộng gần 5000 mét vuông của khu Ngoại giao đoàn tại New Delhi. Trên bản đồ của Google, công viên này được định danh là Công viên chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt trước của bệ đá đặt bức tượng khắc dòng chữ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt: “President Ho Chi Minh, (1890-1969) Vietnamese Hero of National Liberation and Great Man of Culture” và “Chủ tịch Hồ Chí Minh, (1890-1969) Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Bức tượng bằng đồng do nghệ nhân Ấn Độ Ram Sutar thiết kế, thực hiện và hoàn thiện trên cơ sở các góp ý của Hội đồng Thẩm định Nghệ thuật gồm thành viên của hai quốc gia. Các chuyên gia trong Hội đồng Thẩm địa chia sẻ quan điểm cho rằng yếu tố bản địa được kết hợp hài hòa trong thiết kế, tạo ra một công trình nghệ thuật đẹp sinh động, mang lại cảm giác gần gũi, giản dị. Nghệ nhân điêu khắc Ram Sutar người Ấn Độ, sinh năm 1925 (nay đã 98 tuổi), là tác giả của nhiều tượng đồng vĩ nhân của Ấn Độ, trong đó có Bức tượng Thống nhất (the Statute of Unity) hiện là bức tượng cao nhất thế giới.
Tượng Hồ Chí Minh tại New Delhi trở thành địa chỉ cho cộng đồng người Việt Nam và khách quốc tế yêu mến Việt Nam dâng hoa tưởng niệm Bác Hồ. Trong chuyến công tác tháng 12/2022 của đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tới đặt hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại New Delhi, đánh dấu một chuyến công tác nhiều ý nghĩa trong hợp tác quốc tế, trao đổi học thuật, trao đổi văn hóa vô cùng hiệu quả và thiết thực giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các đối tác Ấn Độ.
Việt Nam cũng có văn hóa ghi nhận những đóng góp của các nhà lãnh đạo Ấn Độ bằng cách đặt tên các tòa nhà và công viên theo tên của vĩ nhân Ấn Độ. Một ví dụ nổi bật là “công viên Indira Gandhi” ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam. Công viên Indira Gandhi đặt theo tên của cựu Thủ tướng Ấn Độ, ghi nhận vai trò của bà như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và ủng hộ cho tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ ngay từ những ngày đầu tiên hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đây, công viên Indira Gandhi đặt tại vị trí khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ. Gần đây, công viên và tượng đồng Indira Gandhi đã được đặt trang trọng trong công viên hồ Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Tượng Mahatma Gandhi trong khuôn viên Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Làng trẻ em Birla, Đồng Xa, Hà Nội, đặt theo tên của một nhà hoạt động từ thiện xã hội nổi tiếng của Ấn Độ, cũng là một minh chứng cho văn hóa tri ân bằng cách đặt tên danh nhân hai nước.
Việc đặt tên đường và dựng tượng Hồ Chí Minh tại Ấn Độ có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước. Nó thể hiện sự sâu sắc của các mối quan hệ giao lưu văn hóa, sự ghi nhận của Nhà nước và Nhân dân Ấn Độ đối với tính chính nghĩa của các cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất dân tộc của Việt Nam; đồng thời thể hiện khát vọng tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương. Tên đường, tên tượng Hồ Chí Minh trở thành một phần thiết yếu trong văn hóa đại chúng Ấn Độ, là động lực thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao, sự hiểu biết lẫn nhau và khuyến khích giao lưu nhân dân, nuôi dưỡng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và lâu dài.
Chú thích ảnh: Đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tới thăm tượng Bác Hồ tại New Delhi, tháng 12/2022.
Nguồn: Trích Đề tài "Văn hóa chính trị Cộng hòa Ấn Độ và hàm ý đối với chính sách hợp tác Việt Nam - Ấn Độ".
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục