Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những mảng mầu nổi bật ở châu Á - Thái Bình Dương (Phần 1)

Những mảng mầu nổi bật ở châu Á - Thái Bình Dương (Phần 1)

Năm 2017, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, song cũng chứng kiến những diễn biến an ninh phức tạp và sự cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn quyết liệt. Hòa bình, hợp tác và phát triển sẽ vẫn là xu thế chủ đạo trong những năm tới, song để tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, các nước châu Á - Thái Bình Dương cần vượt qua không ít thách thức.

01:43 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Sau gần ba mươi năm phát triển, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hội tụ 21 nền kinh tế thành viên đã trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu, là trung tâm đầu tư, khoa học - công nghệ, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu. Đây cũng là khu vực có hơn một nửa trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo sẽ chiếm tỷ trọng gần 70% GDP toàn cầu vào năm 2050.

Cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, trong năm 2017, châu Á - Thái Bình Dương bị tác động bởi tình trạng kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự kiến, thương mại toàn cầu suy giảm và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Song, năm 2017 đã ghi dấu những nỗ lực bền bỉ của khu vực để các thành viên tiếp tục duy trì được các mục tiêu và giá trị cốt lõi của Diễn đàn. Đó là thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Năm APEC Việt Nam 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp, ghi đậm dấu ấn của chủ nhà Việt Nam trong tiến trình phát triển của APEC, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới, đáp ứng mong muốn và lợi ích của tất cả các nền kinh tế thành viên.

Tám văn kiện chung được thông qua tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017, nổi bật là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC, đã chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của các thành viên đối với các mục tiêu và giá trị cốt lõi của APEC, tiếp tục mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, tạo cơ sở mới quan trọng cho tiến trình hợp tác của APEC trong thời gian tới. Những đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị với tâm thế của một thành viên chủ động và tích cực đã cho thấy sự trưởng thành về năng lực hội nhập cũng như vị thế quan trọng của Việt Nam tại khu vực và quốc tế.

Sự khởi sắc của hàng loạt nền kinh tế chủ chốt ở khu vực, như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đã góp phần tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đó còn là quyết tâm của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho ra đời phiên bản TPP-11 với tên gọi mới Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Đáng chú ý, đánh dấu “kỷ niệm vàng” 50 năm thành lập, ASEAN đã thể hiện rõ nỗ lực đi đầu xây dựng và đàm phán các hiệp định thương mại chất lượng cao, với việc ký Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hồng Công (Trung Quốc), cũng như đạt được bước tiến mới trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sáu nước đối tác để đi đến ký kết thỏa thuận này trong năm 2018. Nếu được hình thành, RCEP sẽ tạo thành khối thương mại khổng lồ, chiếm 50% dân số thế giới, 39% GDP và 25% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, góp phần làm cho kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới phục hồi ổn định và chắc chắn hơn.

Gia tăng sự cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn

Tiếp nối đà phát triển của mình, Trung Quốc tiến hành thành công Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xác định vị trí lịch sử và phương hướng phát triển đất nước trong thời đại mới. Cường quốc kinh tế thứ hai thế giới đẩy mạnh các sáng kiến chiến lược, gia tăng ảnh hưởng và lợi ích trên thế giới; tranh chấp ảnh hưởng quyết liệt tại châu Á - Thái Bình Dương; mở rộng quan hệ với các đối tác lớn, áp dụng sách lược hòa dịu với các nước láng giềng và kiên định bảo vệ “lợi ích cốt lõi”. Khi Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc lập tức đẩy mạnh thuyết phục các nước tham gia hàng loạt sáng kiến do nước này khởi xướng và dẫn dắt, như RCEP và Khu vực Tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), chiến lược “Vành đai và Con đường” và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục coi Biển Đông là bàn đạp để phát triển thành một cường quốc đại dương, mở rộng địa bàn chiến lược.

Để tập hợp lực lượng, Trung Quốc không ngừng củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với Nga cả trên bình diện song phương, lẫn trên các diễn đàn đa phương. Hai nước ra sức bảo vệ lợi ích chung trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, duy trì hòa bình, ổn định ở Trung Á, Đông - Bắc Á và các khu vực tiếp giáp với biên giới chung. Về phần mình, không chỉ củng cố quan hệ khăng khít với Trung Quốc, Nga cũng thể hiện sự hiện diện rõ nét hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ, Nhật Bản, cũng như các nước ASEAN.

Thu hút sự quan tâm của thế giới chính là sự thay đổi nhanh và mạnh trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Bất chấp những mâu thuẫn về lợi ích và cả bất đồng mang tính chất hệ tư tưởng, các nhà lãnh đạo hai nước đều muốn đưa quan hệ Mỹ - Trung Quốc bước sang một giai đoạn mới, theo hướng thực chất và xây dựng hơn, trên cơ sở “hợp tác cùng thắng” để bảo đảm được lợi ích chung đi đôi với tầm nhìn cân bằng chiến lược. Bên cạnh việc tìm kiếm một mối quan hệ yên ả và ổn định với Trung Quốc, Chính quyền Washington cũng tiếp tục tìm cách gia tăng ảnh hưởng và lợi ích chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Xem tiếp phần 2)

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/35083302-nhung-mang-mau-noi-bat-o-chau-a-thai-binh-duong.html

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục