Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những mảng mầu nổi bật ở châu Á - Thái Bình Dương (Phần 2)

Những mảng mầu nổi bật ở châu Á - Thái Bình Dương (Phần 2)

Năm 2017, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, song cũng chứng kiến những diễn biến an ninh phức tạp và sự cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn quyết liệt. Hòa bình, hợp tác và phát triển sẽ vẫn là xu thế chủ đạo trong những năm tới, song để tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, các nước châu Á - Thái Bình Dương cần vượt qua không ít thách thức.

01:41 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Trong chuyến thăm lịch sử tới năm nước châu Á, Tổng thống Mỹ D.Trump đã công bố tầm nhìn mới “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, chính thức khép lại chính sách “xoay trục” sang châu Á của người tiền nhiệm B.Obama để mở ra một chương mới cho chiến lược của Mỹ đối với khu vực này. Theo các nhà phân tích, dù chưa thể hiện chi tiết đường hướng chính sách mới đối với khu vực, nhưng tầm nhìn chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ tác động môi trường khu vực này, dẫn đến những đối sách và phản ứng của các bên liên quan.

Trong khi đó, Nhật Bản tiếp tục triển khai chính sách an ninh đối ngoại mới, độc lập tự chủ hơn; sẵn sàng để quân đội Nhật Bản tham gia tác chiến với đồng minh và đối tác ở nước ngoài; sửa đổi Hiến pháp, chia sẻ trách nhiệm với Mỹ thông qua các hoạt động tuần tra trên biển, thể hiện vai trò “nước lớn quân sự”; chủ động “đảo chiều” tư duy trong giải quyết vấn đề vùng Lãnh thổ phương Bắc đang tranh chấp với Nga. Rõ ràng, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương một mặt vừa kích thích sự gia tăng hợp tác, thúc đẩy phát triển ở khu vực, song mặt khác cũng đặt các nước trong khu vực vào một quỹ đạo mới phức tạp, đa tầng nấc, tiềm ẩn nhiều bất trắc, có thể dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc.

Diễn biến an ninh phức tạp

Bán đảo Triều Tiên trở thành một “điểm nóng” dai dẳng ở châu Á, với việc Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân và tên lửa, thể hiện sự phát triển của công nghệ hạt nhân cũng như tham vọng của nước này. Tháng 9-2017, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay và liên tục bắn thử các loại tên lửa mới phát triển có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, trong đó đáng chú ý là tên lửa liên lục địa Hwasong-15. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc vẫn thực hiện các cuộc tập trận chung quy mô lớn song song việc lôi kéo nhiều quốc gia khác gia tăng trừng phạt và gây sức ép đối với Triều Tiên khiến tình hình bán đảo Triều Tiên chìm trong tình trạng căng thẳng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên, song không thuyết phục được Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử tên lửa, trở lại bàn đàm phán sáu bên. Tình trạng “căng như dây đàn” khiến bán đảo Triều Tiên đứng bên miệng hố chiến tranh, gây quan ngại sâu sắc đối với cộng đồng quốc tế.

Tình hình Biển Đông lắng dịu hơn so năm 2016, song vẫn tiềm tàng là một “điểm nóng” ở khu vực. ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sau gần bốn năm đàm phán, nhưng chặng đường để hoàn tất văn bản này còn nhiều gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của các bên. Đáng quan ngại, khu vực Đông - Nam Á đã phải đương đầu một vấn nạn nhức nhối toàn cầu, đó là sự xuất hiện của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi lực lượng này thất thế ở I-rắc và Xy-ri. Bên cạnh đó, tình hình chính trị nội bộ của một số nước bị xáo trộn và bất ổn, chưa kể các thách thức an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường... diễn biến phức tạp. Tại Trung - Nam Á, sự đối đầu giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Ấn Độ với Pa-ki-xtan ở khu vực biên giới tuy được ngăn chặn không bị đẩy thành xung đột quân sự lớn, nhưng cũng chưa hoàn toàn được hóa giải.

Nhìn tổng thể, trong một thế giới có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chứng tỏ tính năng động, khả năng thích ứng và chuyển đổi để trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Dự báo, trong năm 2018, bức tranh châu Á - Thái Bình Dương vẫn được bao trùm bởi gam mầu sáng, với xu thế hòa bình, ổn định và phát triển, mặc dù còn tiềm ẩn không ít rủi ro và thách thức.

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/35083302-nhung-mang-mau-noi-bat-o-chau-a-thai-binh-duong.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục