Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những năm Bác Hồ hoạt động tại Thái Lan

Những năm Bác Hồ hoạt động tại Thái Lan

Trong sự nghiệp đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh đã có quãng thời gian hoạt động tại Thái Lan, từ năm 1928 đến 1930, khi đó Thái Lan có quốc hiệu là Xiêm. Bài báo này phân tích vì sao Hồ Chí Minh chọn Thái Lan làm căn cứ cách mạng, Hồ Chí Minh đã đến Thái Lan như thế nào, Người thực hiện những hoạt động gì trên đất Thái, và những biện pháp Người đã áp dụng để giữ an toàn trong vòng vây của kẻ thù.

01:33 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Người Việt di cư sang Thái Lan do một số lý do như: tránh bị nhà Nguyễn đàn áp tôn giáo, tránh sự áp bức của thực dân Pháp, và tìm kế mưu sinh. Từ cuối thế kỷ 19, nhiều người Việt yêu nước đã di cư tới vùng Đông Bắc Thái Lan để xây dựng căn cứ địa kháng chiến chống Pháp. Những chí sĩ như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu cũng từng có thời gian dựa vào quân đội Thái để có vũ khí cho các phong trào chống thực dân. Nhà chí sĩ yêu nước Đặng Thúc Hứa đã từng lập ra Bản Thẩm (thuộc tỉnh Nakhon Sawan), một trong những làng Việt Nam trù phú đầu tiên trên đất Thái, cách Băng Kốc 240 km. Về mặt địa lý, Thái Lan có thể kết nối với Việt Nam bằng đường bộ và đường biển. Khoảng cách từ Vinh qua Lào đến Đông Bắc Thái Lan theo con đường số 8 chỉ khoảng 310 km. Vùng Đông Bắc Thái Lan là điểm kết nối quan trọng giữa Trung Quốc, Hồng Kông và Việt Nam.

Do Đảng Cộng sản Pháp không can dự để cứu Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh nhận ra rằng, người Việt Nam nên dựa vào chính mình để cứu mình, và sứ mệnh lịch sử đó chỉ có thể thực hiện ngay tại châu Á, chứ không phải ở vùng xa xôi châu Âu hay Liên Xô. Do đó, Người rời đến Quảng Đông vào năm 1924. Tuy nhiên, ba năm sau, Tưởng Giới Thạch bắt đầu đàn áp những người cộng sản Trung Quốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội, được thành lập năm 1925. Hội phải thiết lập căn cứ mới an toàn hơn, và chuyển trụ sở từ Quảng Đông sang Hồng Kông. Vào thời điểm trụ sở của Hội rời khỏi Quảng Đông, Hồ Chí Minh (lúc đó còn có tên là Lý Thụy) có hai lựa chọn. Một là ở lại Trung Quốc và có nguy cơ bị bắt. Hai là sang Thái Lan (Xiêm) để khôi phục hoạt động và liên lạc với phong trào Việt Nam ở đó, đồng thời củng cố phong trào ở Đông Dương. Người quyết định sang Thái Lan.

Chặng đường dài trước khi được Quốc tế Cộng sản phê duyệt đi Thái Lan

Jacques Doriot, một đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp, khuyên Hồ Chí Minh nên quay trở lại châu Âu trước khi sang Thái Lan. Người đồng ý và đề xuất với Comintern (Quốc tế Cộng sản) rằng, Người sẽ đến Thái Lan để có thể hợp tác chặt chẽ hơn với người Cộng sản gốc Hoa ở Bangkok. Hơn nữa, Người dự tính sẽ có thể vận động người Việt Nam và củng cố phong trào chống thực dân ở Thái Lan, đặc biệt là đào tạo cảm tình viên trẻ.

Theo lời khuyên trên, Người rời Quảng Đông đến Hồng Kông bằng xe lửa vào ngày 5 tháng 5 năm 1927, sau đó đến Thượng Hải và Vladivostok, nơi có lực lượng cách mạng của Liên Xô ở vùng Viễn Đông. Từ Vladivostok, Người đến Mátxcơva vào đầu tháng 6 năm 1927, tại đây, Người gửi thư tới Cục Viễn Đông, đề nghị đi Thái Lan chứ không trở về Thượng Hải. Trong khi đó, Quốc tế Cộng sản vẫn muốn Người tới làm việc ở miền nam Trung Quốc để tận dụng mối quan hệ tốt đẹp của Hồ Chí Minh với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tháng 11 năm 1927, Hồ Chí Minh nhận được điện từ Quốc tế Cộng sản. Thay vì Thái Lan, Người được giới thiệu làm việc với Đảng Cộng sản Pháp ở Paris. Do đó, Người chuyển địa bàn từ Mátxcơva đến Paris. Trên đường đi, Người dừng lại một thời gian ngắn ở Berlin vào đầu tháng 12 năm 1927 để giúp một người bạn Đức thành lập chi nhánh của Liên đoàn chống chủ nghĩa đế quốc mới. Bị thực dân Pháp ráo riết truy tìm, Hồ Chí Minh đã di chuyển tới Brussels (Bỉ) để tham dự cuộc họp của hội đồng điều hành của Liên đoàn chống đế quốc chủ nghĩa. Tại đây, Hồ Chí Minh hội ngộ nhà dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ Motilal Nehru, nhà dân tộc chủ nghĩa Indonesia Sukarno, và Tống Khánh Linh, quả phụ của Tôn Trung Sơn. Vào giữa tháng 12 năm 1927, Hồ Chí Minh trở lại Pháp một thời gian ngắn, sau đó đi đến Berlin bằng tàu hỏa, và lưu trú tại Berlin trong vài tháng.

Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, mặc dù Đảng Cộng sản Pháp chú ý đến các vấn đề thuộc địa nhưng không có hành động cụ thể. Sau khi di chuyển tới nhiều địa bàn tại Châu Âu và nóng lòng chờ đợi Quốc tế Cộng sản chấp thuận cho tới Thái Lan, ông đã viết thư cho Cục Viễn Đông một lần nữa từ Berlin vào tháng 4 năm 1928. Cũng trong tháng tư đó, Người nhận được thư trả lời từ Mátxcơva, cho phép và cấp công tác phí để Người về Đông Dương, kèm theo ba tháng tiền ăn và thuê phòng ở. Quốc tế Cộng sản đã cho phép Hồ Chí Minh thành lập phong trào cách mạng ở Thái Lan với sử mạng xây dựng Thái Lan thành căn cứ địa củng cố phong trào cách mạng ở Đông Dương chống lại thực dân Pháp.

Đầu tháng 6 năm 1928, Hồ Chí Minh rời Berlin, bắt đầu hành trình tới Thái Lan. Người đi xe lửa từ Thụy Sĩ đến Ý, đi qua Milan và Rome. Hải trình của Người đi qua kênh đào Suez, Port Said, Biển Đỏ, Colombo (Sri Lanka), và Singapore. Từ Singapore, Người được Tổ chức tại Nanyang tiếp đón và chuyển Người sang một con tàu nhỏ hơn, tên là Gola, để tiếp tục hải trình đến Thái Lan. Cuối cùng, Hồ Chí Minh đã xuống tàu tại một cảng gần Bangkok trong vai nhà buôn người Hoa với cái tên Ông Lai hay Nguyễn Lai, do Người nói thông thạo tiếng Quảng Đông.

Hoạt động của Hồ Chí Minh tại Thái Lan

Hồ Chí Minh đến Thái Lan hai lần. Lần đầu vào giữa năm 1928. Sau khi xuống tàu tại một cảng gần Bangkok và ở lại đó một thời gian ngắn, Người đến Bản Đông ở quận Phichit và sau đó đến Udon Thani. Từ Udon Thani, Người tiếp tục đến Sakon Nakhon, Nakhon Phanom, và Nong Khai. Từ đây, Người rời Thái Lan sang Hồng Koong và Thượng Hải trong mùa đông năm 1929. Lần thứ hai người tới Thái Lan là tháng 3 năm 1930 và lưu lại Thái Lan một thời gian ngắn tới tháng 4 năm 1930.

Trong chuyến đi đầu tiên đến Thái Lan, Hồ Chí Minh đã đến thăm ngôi chùa Việt Nam có tên là Wat Lokanukhlor (chùa Từ Tế). Ngôi chùa này tọa lạc trong quận người Hoa trên đường Rajawong ở thủ đô Bangkok. Chùa Từ Tế là điểm hẹn của giới sĩ phu Việt gian thời bấy giờ. Hồ Chí Minh đã đến chùa này để gặp Sư cụ Ba, một người Việt Nam yêu nước có nhiều mối liên hệ với người Việt ở Thái Lan, cũng là người đã thành lập ra ngôi chùa này. Khi sư ông lâm bệnh nặng vào năm 1964, Hồ Chí Minh đã cho máy bay riêng đưa ông hồi hương để nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô tại Hà Nội. Hồ Chí Minh cũng đến thăm sư ông tại bệnh viện. Hồ Chí Minh ngụ lại một thời gian ngắn trong ngôi chùa Từ Tế trước khi đến Bản Đông, tỉnh Phichit.

Mùa thu năm 1928, Hồ Chí Minh tới Bản Đông. Bản Đông nằm gần sông Nan, nhánh phụ lưu của sông Chao Phraya. Tới năm 2013, Bản Đông đã có tên mới là Bản Noeun Sa Mo, thuộc huyện Pa Ma Khab, tỉnh Phichit, cách Bangkok khoảng 340 km và có thể đến bằng đường sông.

Sau khi Bản Thám ở Paknampho, địa điểm của cộng đồng người Việt đầu tiên và là trung tâm của phong trào Đông Du do Đặng Thúc Hứa thành lập, bị chính quyền địa phương đóng cửa vào năm 1914 dưới áp lực của Pháp, người Việt đã chuyển đến Bản Đông, cách đó 100 km. Người Việt đã được một hoàng tử Thái Lan, người có cảm tình với cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt, cho phép đến định cư và lập đồn điền ở Bản Thám vào năm 1910, khi Phan Bội Châu đang ở Bangkok.

Hồ Chí Minh đến tỉnh Phichit bằng tàu hỏa và ở trong một khách sạn. Ngày hôm sau, Người đến cửa hàng Quyên Truyền Thịnh, thuộc sở hữu của một nhà buôn người Hoa có cảm tình với phong trào của Việt Kiều. Cửa hàng này là đầu mối liên lạc bí mật giữa Bản Đông, Quảng Châu và Hồng Kông, là nơi lý tưởng để che giấu sự dòm ngó của các chính quyền Thái Lan và gián điệp Pháp. Tại cửa hàng, Hồ Chí Minh đưa cho chủ cửa hàng lá thư gửi tới Võ Tùng. Võ Tùng bận việc và cử thân tín của mình là Hy đến đón Hồ Chí Minh, nhưng Hồ Chí Minh từ chối không đi cùng Hy. Hy phải trở về để Võ Tùng đích thân đến đón Hồ Chí Minhvề Bản Đông. Điều này cho thấy Hồ Chí Minh rất thận trọng. Tới Bản Đông, Võ Tùng giới thiệu Hồ Chí Minh là một người bạn thân từ Quảng Châu, làm nghề buôn thuốc, tên là Thầu Chín. Tại Bản Đông, Hồ Chí Minh trú tại nhà của Võ Tùng và Đặng Quỳnh Anh chỉ khoảng hai tuần, sau đó đi tiếp tới Udon Thani ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Trong thời gian ngắn ở Bản Đông, Người đã đi đến các vùng lân cận, gặp gỡ những người Việt Nam đã đến Bản Đông từ những năm 1910, như Đặng Thúc Hứa, Võ Tùng, Đặng Thái Thuyến và Ngọc Ân.

Trong những ngày ở Bản Đông, Hồ Chí Minh đã dành thời gian để bồi dưỡng cảm tình cách mạng cho Việt Kiều. Ban ngày, Người làm việc đồng áng cùng đồng bào. Ban đêm, Người tập hợp dân chúng để hướng dẫn họ về chính trị thông báo cho họ về tình hình chính trị Việt Nam và trên thế giới, đồng thời dạy họ cách thức tổ chức các cuộc thảo luận, nâng cao trình độ chính trị và hiểu biết cách mạng của người Việt ở Bản Đông. Bài giảng của Người rất đơn giản, ngắn gọn, đầy ý nghĩa và có sức thuyết phục. Mỗi bài thường bao gồm ba phần. Phần đầu tiên là về tình hình Việt Nam và thế giới, cũng như sự hợp tác của người Việt trên thế giới. Phần thứ hai về lý luận cách mạng và phần cuối cùng được dành để trả lời các câu hỏi hoặc giải thích những điểm chưa rõ. Những bài giảng về chính trị của Người luôn kết hợp lý luận Mác-Lênin với đường lối cách mạng Việt Nam, hướng tới con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Những từ như “đồng chí”, “chủ nghĩa đế quốc”, “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa Mác”, “Lênin,” và “Stalin” lần đầu tiên được vang lên giữa cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan trong những cuộc họp ở Bản Đông. Người giải thích rằng, “đồng chí” có nghĩa là những người có cùng ý chí và cùng chiến đấu vì mục đích giống nhau. Người luôn căn dặn cộng đồng người Việt phải cư xử tốt, tuân thủ luật pháp Thái Lan, giữ gìn văn hóa Việt Nam, giúp đỡ lẫn nhau, trung thực và chăm sóc tốt cho con cháu.

Từ Bản Đông tới Udon Thani

Udon Thani cách Bản Đông tới 40 ngày di chuyển bằng thuyền. Udon Thani là một thị trấn lớn và là trung tâm của vùng Đông Bắc Thái. Udon Thani là vùng đậm chất Việt. Số lượng Việt Kiều ở đó nhiều hơn ở Phichit, do Udon nằm không xa sông Mekong và là một trong những địa điểm tập trung của người Việt từ miền Trung Việt Nam. Hồ Chí Minh đã ở lại đây khá lâu để gặp gỡ, giáo dục, động viên Việt Kiều tham gia hoạt động cách mạng và chống thực dân.

Năm 1927, Udon Thani đã thành lập chi nhánh của Liên đoàn Thanh niên, Hợp tác xã và Tổ chức Hữu nghị của Việt Kiều. Tại cuộc họp đầu tiên của Đoàn Thanh niên ở Udon, Hồ Chí Minh đã báo cáo về tình hình thế giới và cuộc đấu tranh của phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hồ Chí Minh chú trọng mở rộng các cơ quan, tổ chức lại các căn cứ, và xây dựng mối quan hệ gần gũi và hòa thuận với người Thái, tôn trọng phong tục, truyền thống và luật pháp Thái Lan. Về Hợp tác xã, ban đầu chỉ những người Việt Nam từ Việt Nam sang Thái Lan mới được chấp nhận làm thành viên, nhưng Hồ Chí Minh đề nghị mở rộng cửa cho tất cả Việt Kiều có nguyện vọng tham gia.

Trong thời gian ở Bản Nong Bua, Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian để dịch sách, chẳng hạn như sách Chủ nghĩa duy vật lịch sử  và Chủ nghĩa cộng sản của Bhukarin và Preobrazhensky, để sử dụng cho việc huy động và đào tạo cán bộ trẻ của Liên đoàn. Hồ Chí Minh đã làm việc với Hoàng Văn Hoan để cùng hiệu chỉnh các bản dịch, đặc biệt là các văn bản bằng tiếng Trung, Người phiên dịch, và Hoàng Văn Hoan phiên âm. Hồ Chí Minh cũng mở các lớp chính trị cho cán bộ Đoàn, chấn chỉnh nếp sinh hoạt và nếp sống của đội viên, nêu cao lòng yêu nước, khuyến khích họ cùng Việt Kiều làm ruộng. Ông khuyến khích Việt Kiều học tiếng Thái và cho con em họ đến trường học tiếng Thái và tiếng Việt, kêu gọi họ xin phép chính quyền địa phương để mở trường học của người Việt.

Ban đầu, phần lớn Việt Kiều coi Thái Lan chỉ là nơi ngụ cư. Họ mong mỏi ngày được trở về Việt Nam tham gia phong trào kháng chiến và chờ ngày độc lập. Vì vậy, họ không tập trung vào cuộc sống ở Thái. Họ không học tiếng Thái và cũng không cho con cái theo học tiếng Thái. Nhưng Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, cuộc kháng chiến cho Việt Nam trên đất Thái Lan sẽ là một vấn đề lâu dài và Việt Kiều cần phải học tiếng bản địa, làm quen với người dân, văn hóa và chính quyền sở tại. Bằng cách này, Việt Kiều sẽ có được tình hữu nghị và thiện cảm của người dân Thái Lan, và chính quyền địa phương sẽ không phản đối các hoạt động và phong trào của Việt Kiều.

Tại Bản Nong Bua và Bản Nong On ở Udon, Hồ Chí Minh đã lập kế hoạch chi tiết về các hoạt động cho cộng đồng, chẳng hạn như làm nông vào ban ngày, tham gia các lớp học chính trị và nghe tin tức vào ban đêm. Hai ngôi làng này đã trở thành những căn cứ địa cách mạng đông dân và là thành trì vững chắc tiếp nhận những thanh niên Việt Nam lần đầu đến Bản Mây ở Nakhon Phanom. Sau một thời gian ngắn ở tại Bản Mây, nếu những người thanh niên tỏ ra là những người yêu nước đáng tin cậy, họ sẽ được cử đi học và đào tạo ngôn ngữ sơ bộ ở Bản Nong Bua và Bản Nong On. Nếu sau đó họ có triển vọng phát triển, họ sẽ được chuyển từ Udon đến Bản Đông để học nâng cao về chính trị. Từ đó, một số người trong số họ sẽ được cử đến Trung Quốc làm nhiệm vụ. Các căn cứ ở Udon vì thế trở thành cứ điểm trung chuyển quan trọng nối Bản Đông ở Phichit và Nakhon Phanom.

Từ Udon, Hồ Chí Minh cũng đã đến thăm Nong Khai. Tại Nong Khai, Người ở gần một ngôi chùa tên là Wat Srichomcheun. Tại đây, Hồ Chí Minh gặp những cán bộ từ Viêng Chăn (Lào) đến để báo cáo về tình hình ở Lào và hoạt động của người Việt Nam ở đó. Đầu mối liên lạc ở Nong Khai là một tiệm may do một người tên là Lục làm chủ. Hồ Chí Minh chỉ ở Nông Khai sáu ngày trong tháng 11 năm 1928, sau đó, Người tiếp tục hành trình đến Sakon Nakhon và Nakhon Phanom.

Từ Udon Thani đến Sakon Nakhon và Nakhon Phanom.

Sakon Nakhon và Nakhon Phanom là hai tỉnh có rất đông Việt Kiều. Để đến Nakhon Phanom từ Udon, cần phải đi qua các huyện Sawang Daendin và Muang của Sakon Nakhon. Nakhon Phanom và miền Trung Việt Nam có thể kết nối thuận tiện với Lào. Đó là lý do tại sao Nakhon Phanom được đặt ở vị trí chiến lược và là điểm tiếp nhận của những người yêu nước và cách mạng từ Việt Nam. Nakhon Phanom từng là đầu mối liên lạc chính giữa cán bộ ở Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cách mạng Việt Nam ở Bản Đông, và có liên hệ với Đoàn Thanh niên Cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu qua Bangkok.

Từ Udon, Hồ Chí Minh đi đến quận Sawang Daendin và sau đó đến quận Muang của Sakon Nakhon. Tại Sakon Nakhon, Người ở tại tiệm thuốc gia truyền của Đặng Văn Cáp. Tại Sakon Nakhon, Tổ chức Hữu nghị Việt Kiều, Hợp tác xã và các lớp học cho trẻ em Việt Kiều đã được thành lập. Giống như ở Udon, Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp học chính trị, giảng dạy lý luận về chủ nghĩa Mác-Lê-nin và chủ nghĩa dân tộc, và dạy các bài thơ và bài hát yêu nước mới. Từ Sakon Nakhon, Người đến Nakhon Phanom với ba căn cứ cách mạng vững chắc: Bản Mây (ngày nay được gọi là Ban Na Chok), Bản Ton Phung, và Bản Wat Pa. Người ngụ lại ở Bản Mây lâu nhất.

Tại Bản Mây, chỉ cách sông Mekong 5 km, hàng trăm cán bộ đã được huấn luyện. Mục đích của Hồ Chí Minh khi đến Nakhon Phanom không chỉ để hướng dẫn hoặc tổ chức các lớp học chính trị cho các cán bộ mà Người còn muốn thành lập đầu mối liên lạc giữa miền Trung Việt Nam và Lào để khảo sát tiềm năng cách mạng ở Lào và thành lập chi bộ của Đoàn Thanh niên Việt Nam tại Lào. Do vậy, Hồ Chí Minh đã đi thuyền từ Nakhon Phanom băng qua sông Mekong để khảo sát hoạt động của Đoàn Thanh niên Việt Kiều ở Lào.

Bản Xiềng Vàng ngày nay thuộc huyện Nong Bok, cách thị trấn Tha Khek thuộc tỉnh Khammuon của Lào 27 km và rất gần với tỉnh Nakhon Phanom. Hiện nay, từ thị trấn Thà Khẹt đến Bản Xiềng Vàng chỉ mất 30–40 phút lái xe. Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, các nhà cách mạng Việt Nam đi qua Bản Xiềng Vàng trước khi vượt sông Mekong đến Nakhon Phanom. Một số Việt Kiều từ vùng Nghệ An-Hà Tĩnh, do chạy trốn quân Pháp, đã đến cư trú ở đây. Bản Xiềng Vàng trong thời kỳ chống Pháp có 5000 Việt Kiều và là cứ điểm chiến lược của cuộc kháng chiến tại Việt Nam.

Trong thời gian Hồ Chí Minh ở Bản Mây, không ai ở Bản Mây biết danh tính của Người. Mọi người chỉ biết cái tên Thầu Chín. Thầu Chín tham gia các hoạt động của Hợp tác xã, trồng trọt và làm vườn, và tổ chức các lớp học chính trị cho cán bộ vào ban đêm. Ông cũng dạy các cán bộ về hoạt động ngầm và các mánh khóe của mật thám Pháp ở Đông Dương, đồng thời hoạt động giáo dục trẻ em và vận động phụ nữ.

Trong thời gian ở Nakhon Phanom, Hồ Chí Minh ở tại gia đình Nguyễn Bằng Cát (Hòe Lợi), một thành viên tích cực của Đội Thanh niên ở Nakhon Phanom. Gia đình không biết danh tính thực sự của Hồ Chí Minh; họ chỉ biết rằng, đó là một thành viên tích cực của Liên đoàn. Để không bị phát hiện trong thời gian lưu trú, Người đã sắp xếp học việc tại tiệm thuốc gia truyền của Nguyễn Bằng Cát với tên Chú lang Tín.

Thành lập các Đảng Cộng Sản

Vào cuối năm 1929, ở Việt Nam xảy ra xung đột giữa các tổ chức cộng sản Việt Nam. Do đó, Hồ Chí Minh phải rời Thái Lan đến Hồng Kông và Thượng Hải để giải quyết vấn đề. Người không thể đi qua biên giới Việt Lào do biên giới bị Pháp kiểm soát. Do đó, Người tới Bangkok và từ đó đi thuyền sang Trung Quốc. Được sự chỉ định của Cục Viễn Đông thuộc Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp với các đại biểu tại Hồng Kông và thành công trong việc hợp nhất các tổ chức thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 2 năm 1930.

Vào tháng 3 năm 1930, Hồ Chí Minh đi thuyền trở lại Bangkok, gặp gỡ những người cộng sản Trung Quốc ở Bangkok trước khi đến Udon Thani để thông báo cho các thành viên của Ủy ban Liên đoàn Thanh niên tỉnh Udon về việc hợp nhất của các đảng cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, và truyền tải quan điểm của Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Đảng Cộng sản Thái Lan. Hồ Chí Minh nói với họ rằng, theo hướng dẫn của nghị quyết được Quốc tế Cộng sản thông qua, những người cộng sản nên tham gia vào các hoạt động cách mạng vô sản của đất nước mà họ cư trú. Vì vậy, những người cộng sản Việt Nam sống ở Thái Lan có nhiệm vụ giúp đỡ những người bị áp bức, bóc lột ở Thái Lan hoạt động cách mạng.

Vào ngày 20 tháng 4 năm 1930, Hồ Chí Minh, với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đã triệu tập hội nghị tại khách sạn Tun Ky phía trước nhà ga xe lửa trung tâm Hua Lamphong ở Bangkok. Tại hội nghị này, Người tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Thái Lan. Sau đó, Hồ Chí Minh đi đến Malaysia để giúp các đồng chí của mình thành lập Đảng Cộng sản Malay. Từ đó, Người không trở lại Thái Lan nữa. Trong hai chuyến tới Thái Lan, Người đã đào tạo cán bộ cách mạng, bồi dưỡng chủ nghĩa quốc tế chân chính cho những người cách mạng Việt Nam định cư ở Thái Lan, và thành lập Đảng Cộng sản Thái Lan. Đảng được thành lập chủ yếu bởi người Hoa và người Việt ở Thái Lan, với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản.

Chiến lược của Hồ Chí Minh ở Thái Lan

Thực dân Pháp yêu cầu chính quyền Thái Lan theo dõi các cộng đồng người Việt và hoạt động của họ. Sứ mệnh của Hồ Chí Minh trên đất Thái là hết sức quan trọng và cần phải giữ bí mật. Hồ Chí Minh đã có cách nào để che giấu danh tính để thoát khỏi sự phát hiện của chính quyền địa phương ở Thái Lan, trong khi vẫn hoạt động cách mạng rất hiệu quả.

Thứ nhất, Người dùng tên giả khi ở nước ngoài. Một trong những tên giả mà Hồ Chí Minh sử dụng ở Trung Quốc là Lý Thụy. Ở Thái Lan, Người dùng nhiều tên như Nguyễn Lai, Thầu Chín, Thọ, Tín hoặc Chú lang Tín, và Nam Sơn. Mỗi khi chuyển từ nơi này đến nơi khác, Người đều đổi tên. Khi đến Bangkok lần đầu tiên, hộ chiếu của Người mang tên Lai hoặc Nguyễn Lai. Ở Bản Đông, Hồ Chí Minh được gọi là Thầu Chín. Ở tiệm thuốc đông y của Nguyên Bằng Cát ở Nakhon Phanom, tên của Người là Tín hoặc Chú lang Tín. Chỉ một số ít người đã gặp Bắc từ trước hoặc từng là học sinh của Người ở Quảng Đông, như Đặng Thúc Hứa, Võ Tùng, Hoàng Văn Hoan, Lê Mạnh Trinh, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Tài và Đặng Quỳnh Anh, là biết tên của Bác. Tổng cộng, Hồ Chí Minh dùng tới hơn 30 danh tính khi ở Thái.

Thứ hai, Hồ Chí Minh luôn di chuyển không ở một chỗ lâu ngày và sống trong các hiệu thuốc. Thời gian lưu trú lâu nhất của Người là ở Nakhon Phanom và Udon. Tại Nakhon Phanom, Người ở tại Bản Mây và một tiệm thuốc đông y do Nguyễn Bằng Cát hay Hòe Lợi làm chủ, dưới tên Chú lang Tín. Tại Ban Nong Bua và Ban Nong On, Người ở trong một cửa hàng y học cổ truyền khác của Đặng Văn Cáp, 31 tuổi, với danh nghĩa là một người học nghề. Tại Sakon Nakhon, ông ở tại một tiệm thuốc khác của Đặng Văn Cáp. Hồ Chí Minh chọn ở lại những tiệm đông y này vì hai lý do. Người muốn dùng những tiệm này làm điểm liên lạc cho cách mạng Việt Nam, và muốn tìm hiểu y học cổ truyền để chữa bệnh cho dân làng và chữa bệnh cho chính mình do lao lực trong hơn một năm ở Thái Lan.

Thứ ba, trong thời gian ở Thái Lan, Hồ Chí Minh tránh tiếp xúc trực tiếp với chính quyền địa phương. Điều này nhằm tránh bị cảnh sát Thái Lan và tình báo Pháp nghi ngờ. Để được chính quyền địa phương cho phép xây dựng trường học ở Bản Nong Bua, Hồ Chí Minh đề nghị đồng bào là những Việt Kiều thuộc thế hệ cũ đã sống lâu năm ở Thái Lan và đã quen thuộc với chính quyền địa phương đứng ra đề nghị xây trường. Tuy nhiên, doốc nhiều hoạt động dày đặc và sôi nổi, Hồ Chí Minh bị nghi ngờ và bị chính quyền địa phương theo dõi. Khi đến Udon Thani, Hồ Chí Minh bị cảnh sát theo dõi khi trú ẩn trong ngôi chùa Phật giáo tên là Phothi Somporn (hay chùa Wat Phothi Somporn). Hồ Chí Minh đóng vai là một thợ nề. Sư trụ trì Phra Kru Thammajedi đã cấm cảnh sát vào chùa, nhưng cũng không biết danh tính thực sự của Hồ Chí Minh vào thời điểm đó. Một lần khác, Hồ Chí Minh bị bắt trói khi ở Thabo, Nong Khai. Khi thấy Người chạy trốn cảnh sát, một em bé gái bảy tuổi đặt vào tay Hồ Chí Minh sợi dây buộc vào con trâu của em và đội cho Người chiếc mũ, và để Người đi ra khỏi nơi bị truy đuổi trong vai một người nông dân dắt trâu ra đồng.

Thứ tư, chiến lược thân thiện với chính quyền và văn hóa bản địa. Từ năm 1930 trở đi, chính quyền Thái Lan trở nên nghiêm khắc hơn với phong trào cách mạng của cộng đồng người Việt Nam, nhưng lúc đó Hồ Chí Minh đã rời Thái. Trước khi đi, Người đã dạy Việt Kiều tôn trọng luật pháp và văn hóa Thái Lan. Đây là một chiến lược đúng đắn vì dù ở bất cứ đâu (Bản Tham, Bản Đông, Udon Thani, Nakhon Phanom, Nong Khai, hay những nơi khác), người Việt đều xây dựng được mối thiện cảm, tình bạn và nhận được sự giúp đỡ từ người dân và chính quyền sở tại.

Sứ mệnh lịch sử của Hồ Chí Minh tại Thái Lan đã góp phần to lớn vào phong trào cách mạng Việt Nam và giúp Việt Nam giành độc lập. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là hoạt động của Hồ Chí Minh đã được tạo điều kiện thuận lợi bởi những nỗ lực trong việc tập hợp người Việt Nam và dựa vào cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nhiều căn cứ địa cho những người yêu nước đã được thành lập, không chỉ ở Bản Tham ở Paknam-pho, Bản Đông ở Phichit, mà còn ở nhiều nơi trong vùng Đông Bắc Thái như Ban Nong Bua, Ban Nong On ở Udon Thani, Sakon Nakhon, Bản Mây ở Nakhon Phanom, v.v.

Ngày nay, những ngôi nhà lưu niệm Hồ Chí Minh ở Bản Mây hay Bản Na Chok, Nakhon Phanom được xây dựng với sự hỗ trợ của Việt Kiều ở Nakhon Phanom. Có ngôi nhà lưu niệm được phục dựng lại từ trí nhớ của Việt Kiều về nơi Hồ Chí Minh đã ở trong thời gian ở Nakhon Phanom. Những ngôi nhà lưu niệm là mình chứng cho những ngày hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh tại Thái Lan, là chứng tích củng cố mối quan hệ hữu nghị Thái - Việt.

Tác giả: Tiến sĩ Thanyathip Sripana, Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan.

Chú thích ảnh: Điện thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bản May, tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan (Nguồn ảnh: VietnamPlus)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(lược dịch)

Nguồn: Tracing Hồ Chí Minh’s Sojourn in Siam. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (Southeast Asian Studies), Tập 2, Số 3, 12/2013, tr. 527–558

Bản đầy đủ đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 2/2022

 

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục