Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những nốt trầm trong chính trị Sri Lanka

Những nốt trầm trong chính trị Sri Lanka

Trong lịch sử 74 năm sau khi giành độc lập của Sri Lanka, chưa bao giờ có một nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ buộc phải rời khỏi đất nước như hiện nay, để chạy trốn sự bất ổn kinh tế và rối loạn xã hội mà ông chịu trách nhiệm chính.

03:54 10-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ông Gotabaya Rajapaksa, với 6,9 triệu phiếu bầu, đã được bầu làm Tổng thống vào cuối năm 2019. Chỉ hai năm rưỡi sau, người con trong gia đình chính trị quyền lực nhất đất nước Sri Lanka, đã bị đám đông dân chúng giận dữ buộc rời khỏi dinh thự riêng ở ngoại ô thủ đô Colombo, trong tình cảnh các nhu yếu phẩm như xăng, gas để nấu ăn, thuốc men đã hết sạch và một số thực phẩm khó kiếm.

Việc gián đoạn nguồn điện hàng ngày, đôi khi kéo dài 10 giờ liền, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại các văn phòng, nhà máy, trường học phải đóng cửa và bệnh viện phải hạn chế hoạt động phẫu thuật.

Vào ngày 1 tháng 4 năm 2022, tổng thống của đất nước Sri Lanka đã rút lui đến tòa nhà thuộc địa hơn 200 năm tuổi được xây dựng từ thời Thống đốc Hà Lan cuối cùng Johan van Angelbeek vào những năm 1790. Tòa nhà này sau đó được bán cho người Anh, và người Anh đặt tên nó là “Nhà của Vua” và “Nhà của Nữ hoàng” (tùy thuộc vào ai là quốc vương), và trong nhiều thập kỷ nó có tên là “Nhà của Người cai trị”. Đến năm 1972, Sri Lanka trở thành một nước cộng hòa được giải phóng khỏi vị thế thuộc địa.

Kể từ đó, tòa nhà sang trọng và có vẻ ngoài uy nghiêm với những khu vườn trải dài và bãi cỏ được chăm sóc công phu, là nơi ở chính thức của nguyên thủ quốc gia Sri Lanka, và được biết đến với tên gọi “Dinh Tổng thống”, mặc dù các nhà báo nước ngoài gọi nhầm nó là “cung điện”.

Trong gần bốn tháng qua, Tổng thống Rajapaksa, bị buộc phải rời khỏi nhà riêng, phải sống trong khu vực được cảnh sát và quân đội bảo vệ. Ông hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Trong khi đó, số lượng công dân Sri Lanka chán nản và tức giận ngày càng gia tăng. Phong trào phẫn uất chủ yếu được khởi xướng bởi những thanh niên có học thức và ngày càng thất vọng trước hệ thống chuyên quyền và tham nhũng. Họ cáo buộc giới thống trị và tay chân đang vỗ béo bằng cái giá của người dân và Nhà nước phải trả. Người dân yêu cầu giới chính trị từ chức và trả lại tài sản đã lấy của Nhà nước.

Hàng nghìn người đứng trên đường đi dạo bên bờ biển ngay đối diện với Văn phòng Tổng thống, một tòa nhà trang nghiêm xây từ thời thuộc địa, từng là nơi họp quốc hội.

Ngay từ những ngày đầu của phong trào phản đối, đường dạo bờ biển này có hàng ngàn người đến từ các nhóm xã hội đa sắc tộc và đa tôn giáo. Nơi đây được đặt tên là GotaGoGama (gama có nghĩa là làng).

Người biểu tình hô khẩu hiệu GotaGoHome (Về nhà), đòi Tổng thống Gotabaya và những người trong gia tộc Rajapaksa bị lật đổ trở về “quê hương” của họ ở Los Angeles.

Đây là một phong trào biểu tình trật tự, hòa bình và bất bạo động, chắc chắn sẽ được khắc ghi vào biên niên sử Sri Lanka hiện đại. Chỉ vài ngày trở lại đây (tháng 8/2022) mới xuất hiện nhiều thanh niên có động cơ chính trị và bạo lực tham gia đoàn biểu tình.

Những ngày cuối cùng dưới thời cai trị của Gotabaya Rajapaksa đã chứng kiến việc Tổng thống phải chạy trốn bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bắt đầu từ Tòa nhà Tổng thống, nơi ông ta được cho là đã sử dụng đường hầm bí mật dẫn đến cảng Colombo gần đó. Cuối cùng, ông hạ cánh đến Singapore qua nước láng giềng Maldives. Giới chức Singapore tuyên bố rằng ông được cấp thị thực thăm thân.

Trước đó, ông, vợ và đoàn tùy tùng được cho là dự định bay từ Colombo đến Dubai trên một chuyến bay thương mại của Sri Lankan Airlines, nhưng cơ trưởng và phi hành đoàn của hãng đã từ chối chuyên chở Gotabaya, khi đó vẫn là Tổng thống của đất nước. Một hành khách nói rằng, ông ta và bạn đồng hành sẽ xử lý đoàn tùy tùng nếu họ ở trên tàu bay. Đây là tin tức trên phương tiện truyền thông xã hội.

Không có tiểu thuyết hư cấu nào có thể tưởng tượng ra được những tình tiết này, đặc biệt là khi lá thư từ chức của Tổng thống hứa gửi Chủ tịch quốc hội vào ngày 13 tháng 7 vẫn chưa đến tay ông Chủ tịch quốc hội vào đêm hôm đó.

Lại một ngón đòn chính trị? Đây có phải là một thủ đoạn khác để cố bám lấy quyền lực, tạo thời gian cho gia tộc Rajapaksas tập hợp lực lượng và quay lại chính trường với sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang mà Gotabaya vẫn là thủ lĩnh? Nhiều câu chuyện vẫn được lan truyền theo thời gian.

Tuy nhiên, điều mỉa mai là, có sự thay đổi về nhân sự đứng đầu lực lượng bảo vệ cấp cao, ngay cả trước khi Gotabaya Rajapaksa bay khỏi nơi ẩn náu và gửi đơn từ chức muộn màng qua email, từ Singapore.

Lá đơn từ chức được ký trước sự chứng kiến của Cao ủy Sri Lanka tại Singapore vào ngày 14 tháng 7 năm 2022. Sau đó, một nhân viên ngoại giao từ phái bộ Sri Lanka nhanh chóng mang lá thư bay về Colombo, các báo cáo cho biết.

Ngay cả những màn hài kịch trong bộ phim “Yes Minister/Thủ tướng gật gù” cũng không thể kịch tính hơn. Tất cả những sự kiện trên xảy ra sau khi anh trai của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, ông Mahinda từ chức Thủ tướng vào ngày 9 tháng 5 năm 2022.

Những kẻ côn đồ có vũ trang ủng hộ chính phủ tấn công những người biểu tình ôn hòa trước dinh thự chính thức của Thủ tướng. Sau đó, chúng diễu hành đến GotaGoGama cách đó hơn một km, tấn công những người biểu tình ở đó và phá hủy và đốt cháy ngôi làng gồm những lều tạm của người biểu tình dựng lên, trong khi cảnh sát thờ ơ đứng nhìn.

Sau khi ông Mahinda Rajapaksa, Tổng thống hai nhiệm kỳ và Thủ tướng nhiệm kỳ trước, từ chức, Gotabaya phải tìm người ngoài đảng Mặt trận Nhân dân Sri Lanka (SLPP) làm Thủ tướng. Trong khi các đảng viên vẫn đang tìm người thích hợp, Gotabaya chọn Ranil Wickremesinghe.

Một số người nghi ngờ rằng, đây là mưu mẹo để Wickremesinghe, được cho là thân hữu của gia tộc Rajapaksas (điều mà Wickremesinghe kiên quyết phủ nhận), “giữ pháo đài” và đưa đất nước thoát khỏi tình trạng hỗn loạn kinh tế cho đến khi gia tộc Rajapaksa xây dựng lại cơ đồ chính trị.

Vấn đề là người dân dường như chẳng còn tin vào Ranil Wickremesinghe hay gia đình Rajapaksa. Họ được coi là thuộc cùng tầng lớp chính trị tồn tại bằng cách ăn trên đầu trên cổ người dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm sống.

Vì vậy, người dân chuyển sự phẫn nộ đối với nhà Rajapaksas sang chống lại Wickremesinghe. Ông và đảng của ông bị coi là thiếu tính hợp pháp cả về chính trị và đạo đức.

Việc ông đột ngột trở thành lãnh đạo nhà nước trong vòng hai tháng và trở thành người đứng đầu hành pháp mà không có sự ủy quyền của người dân, bị công chúng, vốn đã mất niềm tin vào các chính trị gia, nghi ngờ nghiêm trọng.

Về mặt tư tưởng và chính trị, Rajapaksas và Wickremesinghe thuộc hai phe đối lập. Vì vậy, làm thế nào và tại sao Rajapaksas chọn Wickremesinghe để vác cây thập giá. Người dân ngửi thấy mùi như của một loại thỏa thuận ngầm nào đó.

Ranil Wickremesinghe đã năm lần làm Thủ tướng. Ba tháng trước, Tổng thống Gotabaya đã thăng chức cho ông ta lần thứ sáu, mặc dù Wickremesinghe chưa bao giờ hoàn thành đủ trách nhiệm trong mỗi nhiệm kỳ, và hai lần thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 1999 và 2005.

Nhưng thất bại nhục nhã nhất của ông là vào năm 2020 khi Đảng Quốc gia Thống nhất (UNP), một trong những đảng lâu đời nhất của Sri Lanka, mà ông đã lãnh đạo trong nhiều năm, bị xóa sổ hoàn toàn trong cuộc bầu cử quốc hội, mất mọi ghế, kể cả ghế của chính ông.

Việc ông vào quốc hội là hoàn toàn tình cờ. Đảng của ông được hưởng một ghế vớt khi thu được 2% số phiếu bầu trên toàn quốc tại cuộc bầu cử đó. Ông ta đã nắm lấy cơ hội đó để chờ vào quốc hội

Ông vào quốc hội mới chỉ từ tháng 6 năm 2021, với phần lớn là những lời chế nhạo, thay vì lời chào mừng, do ông ta là một nhà lãnh đạo bị công khai từ chối, chỉ len vào nhờ vé vớt. Chính phủ Rajapaksa quá bận rộn cố gắng khôi phục kinh tế và các hoạt động khác, nhưng những chính sách kém đã khiến Sri Lanka sụp đổ.

Các nhà quan sát tin rằng, Rajapaksas sẵn sàng để Wickremesinghe hoàn thành phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống của Gotabaya, kéo dài hai năm rưỡi nữa, trong thời gian đó ông sẽ chăm sóc các lợi ích của nhà Rajapaksas.

Thêm vào đó, Wickremesinghe có khuynh hướng ủng hộ Mỹ và phương Tây, điều rất quan trọng để đảm bảo sự hỗ trợ của Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) và các tổ chức cho vay quốc tế khác, để Sri Lanka thoát khỏi tình trạng hỗn loạn kinh tế và tài chính.

Mặc dù Wickremesinghe có thể kiên quyết từ chối bất kỳ thỏa thuận nào với gia tộc Rajapaksas, nhưng sự thật là đảng SLPP do Rajapaksa điều hành, với đa số nghị viện, đã ủng hộ Wickremesinghe, một thành viên không thuộc SLPP.

Khi các nghị sĩ bỏ phiếu vào ngày 20 tháng 7 năm 2022 để bầu tổng thống mới, theo quy định của hiến pháp, Wickremesinghe giành được 134 phiếu trong quốc hội, gồm 225 thành viên. Đối thủ của ông là một đảng viên đảng SLPP, tuy bất đồng chính kiến, nhưng vẫn là đảng viên, nhận 82 phiếu.

Đó là bằng chứng đủ để công chúng hoài nghi rằng một thỏa thuận đã được ký kết giữa họ.

Một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Wickremesinghe, một ngày sau khi nhậm chức, là nới lỏng hoạt động của cảnh sát và lực lượng vũ trang đối với những người biểu tình vẫn đang chiếm giữ khu nhà tổng thống. Điều này diễn ra sau khi những người biểu tình đã thông báo trước đó rằng họ sẽ rời khỏi khu vực đó vào buổi chiều.

Nhưng chỉ vài giờ trước bình minh, cảnh sát vũ trang và quân đội đã ập xuống những người biểu tình đang ngủ, bao gồm cả phụ nữ, và đánh đập họ, tấn công cả các luật sư và nhà báo có mặt ở địa điểm biểu tình, khiến một số người phải nhập viện.

Trong nhiều giờ, LHQ, EU và các phái đoàn ngoại giao của một số nước phương Tây, và các cơ quan nhân quyền đã lên án vụ tấn công tàn bạo này.

Ủy ban Nhân quyền Sri Lanka, Hiệp hội Luật sư và các nhóm quyền công dân đã lên án việc sử dụng vũ lực là “đáng khinh bỉ”.

Điều khó hiểu là tại sao ngay sau khi nhậm chức, vị Tổng thống đang rất cần thiện chí quốc tế, lại cho lực lượng vũ trang đàn áp người vô tội.

Có thể suy đoán rằng, Tổng thống Wickremesinghe đang cố gắng lập công với nhà Rajapaksa, những người đã nâng đỡ ông ta lên vị trí lãnh đạo quốc gia, nhưng đã chạy trốn bỏ rơi ông ta, rằng ông ta sẵn sàng loại bỏ những kẻ đã hất cẳng gia đình Rajapaksa khỏi dinh thự chính trị.

Có lẽ là đây lại là ngón nghề chính trị lão luyện.

Tác giả: Neville de Silva, một nhà báo kỳ cựu người Sri Lanka, từng giữ các vai trò nhà báo cấp cao tại Hồng Kông và Luân Đôn. Ông đã từng là phóng viên của các hãng nước ngoài, bao gồm cả New York Times và Le Monde. Gần đây, ông là Phó Cao ủy Sri Lanka tại Luân Đôn.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục